Cùng với làng Đông Hồ (xứ Kinh Bắc), làng Kim Hoàng (Hà Tây), thì phố Hàng Trống (Hà Nội) là một trong những trung tâm làm tranh dân gian lớn của đất Bắc, mang nét riêng độc đáo trong từng nét khắc gỗ, cách lên màu và ý nghĩa truyền tải. Trước đây, phố Hàng Trống thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương của kinh thành Thăng Long vốn là khu vực nổi danh với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như tranh vẽ, cờ, quạt, tàn, lọng, rương, hòm, tráp, vv… Bởi được các nghệ nhân làm và bày bán chủ yếu tại Hàng Trống, nên dần dà tên phố cũng trở thành tên dòng tranh, dù tranh vẫn được sản xuất nhiều ở các phố lân cận.
Khác với tranh điệp Đông Hồ và tranh đỏ Kim Hoàng với khổ tranh nhỏ và nét vẽ giản dị mộc mạc, phù hợp với con mắt thưởng lãm của người thôn quê, tranh Hàng Trống có kích thước lớn, nền giấy sáng mịn, nét vẽ cầu kỳ bay bướm, thật đúng dòng tranh chốn thị thành. Vẻ đẹp độc nhất vô nhị của tranh Hàng Trống xuất phát từ kỹ thuật nửa in nửa vẽ, tức là in khuôn tranh bằng mực đen trước rồi tô màu sau.
Để tạo ra một bức hoàn chỉnh, đầu tiên, người thợ tranh đem con lăn quết mực Tàu lên ván khắc mẫu, rồi chập một tờ giấy lên, lấy xơ mướp xoa đều cho nét khắc nổi rõ và đem phơi cho ráo. Tiếp theo, họ sẽ bồi vài lượt giấy nhằm thêm phần chắc chắn và tăng tuổi thọ cho tranh, rồi cuối cùng mới lên màu bằng thuốc nước.
Về màu sắc, trước khi có màu công nghiệp, các nghệ nhân đều sử dụng phẩm màu làm từ nguyên liệu tự nhiên với các dải màu chính như lục, lam, vàng, hồng, đỏ điều, hoa hiên, vv… để khi kết hợp cùng sắc đen nhánh của mực Tàu, tranh Hàng Trống luôn mang vẻ rực rỡ thắm tươi, sinh động uyển chuyển. Khi tô, người thợ tranh khéo léo nhúng một nửa ngòi bút vào màu, một nửa vào nước để tạo độ nông sâu, đậm nhạt của hình khối. Kỹ thuật tô này được gọi là “vờn màu” hoặc “cản màu”, tương tự với kỹ thuật vẽ màu nước ngày nay, khiến cho tranh Hàng Trống có chiều sâu và vẻ mơ màng khó thấy nơi dòng tranh khác.
Ngoài ra, một số nghệ nhân dùng kỹ thuật vẽ nét phin, hay còn gọi là chuốt nét để đặc tả những mảng màu chính yếu. Để thành thục kỹ thuật chuốt nét, nghệ nhân phải lên màu dứt khoát, đưa nét nhanh và không để run tay. Với những bức tranh thờ, các nghệ nhân còn điểm thêm kim nhũ, ngân nhũ và phấn trắng làm từ thạch cao tán nhỏ vào những chi tiết cần làm nổi bật để gia thêm phần trang trọng, uy nghiêm cho hình ảnh của thánh thần.
Tuy tranh Hàng Trống đa dạng về đề tài, nhưng tranh thờ vẫn chiếm số lượng lớn với những bức nổi tiếng như tranh Phật bà Quan Âm, tranh Ngũ hổ, tranh Tam tòa Thánh Mẫu, tranh Tứ phủ Công đồng, vv… Tranh thờ Hàng Trống có thể chia thành hai loại là tranh thờ Phật giáo và tranh thờ Đạo giáo. Tuy nhiên, từ quan điểm “Tam giáo đồng nguyên”(1), nên một số tranh còn phối thờ cả Quan Âm cùng các vị vua cha và thánh mẫu, thể hiện niềm tin phong phú của người Việt vào cõi siêu hình.
Ngày nay, qua nhiều biến thiên của thời cuộc, nhiều bản khắc gỗ của tranh Hàng Trống không còn. Bản thân nghệ nhân truyền đời của dòng tranh này chỉ còn lại ông Lê Đình Nghiên và con trai của ông. Dẫu vậy, hồn cốt của tranh thờ Hàng Trống vẫn còn phảng phất nơi phủ điện đền miếu, trong các viện bảo tàng, trong những bộ sưu tập cá nhân và trong tâm hồn những người yêu mến nền mỹ thuật dân gian.
Sau đây là một số tranh thờ Hàng Trống phổ biến: