Cùng với rượu vang nho, trà là thức uống cổ xưa nhất của loài người, ban đầu chỉ dùng để giải khát hoặc chữa bệnh, dần dần được nâng lên hàng nghệ thuật ẩm thực rồi theo chân các thương gia châu Âu mà trở nên phổ biến toàn thế giới. Bởi hương vị phong phú và công dụng an thần, giữ cho tâm trí tỉnh táo của mình mà trà được tôn xưng đứng đầu trăm loài thảo mộc; đồng thời thú thưởng trà cũng trở thành văn hóa chung của cả Đông phương lẫn Tây phương. Dẫu đã trải qua biết bao biến động lịch sử, trà vẫn luôn hiện diện dưới mọi hình thức, từ những chén trà giản dị pha trong sương sớm tới nghệ thuật Trà đạo cầu kỳ cao nhã hay những bữa tiệc trà xa hoa của giới quý tộc châu Âu, góp một phần không thể thiếu vào đời sống sinh hoạt con người.
Gần như cùng thời điểm với các vị tổ sư sáng lập Trà đạo Nhật Bản, các quốc gia châu Âu – được khuyến khích bởi thành quả rực rỡ của các cuộc phát kiến địa lý – đã cho đóng tàu rồi dong buồm tới xứ sở phương Đông huyền bí nhằm thiết lập quan hệ thương mại và trong trường hợp cần thiết thì phát động chiến tranh xâm lược. Ngoài đoàn giáo sĩ đem theo Thánh Kinh cùng cây thập tự giá để thực hiện sứ vụ truyền giáo, các đội thương thuyền cũng tham gia hải trình, xác định Trung Hoa rộng lớn là một trong những điểm cập bến lý tưởng. Đầu tiên là người Bồ Đào Nha, rồi tới người Hà Lan, người Anh, người Tây Ban Nha và người Pháp, mỗi lần đến lại đem thêm nhiều hàng hoá và súng đạn hơn.
Trước tình cảnh ấy, người Trung Hoa một mặt tỏ ra khinh ghét, một mặt lại không thể cưỡng được nguồn lợi nhuận khổng lồ mà thương mại quốc tế đem tới, nên họ đã thiết lập quy chế riêng mang tên Quảng Châu thể chế. Theo đó, các thuyền buôn ngoại quốc chỉ được phép neo đậu duy nhất tại cảng Quảng Châu, đồng thời mọi giao dịch phải được thực hiện dưới danh nghĩa triều cống. Không chỉ có vậy, quy chế còn bắt buộc thương nhân nước ngoài chỉ sinh hoạt trong phạm vi công hàng – tương đương một hội nhóm nhỏ khoảng mười người bản địa. Bắt đầu từ những công hàng này, trà được người châu Âu làm quen và dần chiếm được cảm tình của họ, trở nên cực kỳ nổi tiếng sau khi công thức pha chế được điều chỉnh phù hợp với khẩu vị người phương Tây.
Năm 1606 đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tiên của trà tại Hà Lan, sau đó thức uống này tràn ngập thị trường nội địa Hà Lan và Bồ Đào Nha, đem lợi nhuận lớn khiến cho các thương gia mạnh dạn xuất khẩu trà sang các xứ thuộc địa thời bấy giờ, trong đó có Hoa Kỳ. Vào giữa thế kỷ 17, thú uống trà theo lối Tây dương (có pha thêm đường và sữa) đã trở thành xu hướng trong tầng lớp thị dân và quý tộc của hai nước Anh, Pháp.
Tuy nhiên, không nơi nào dành cho trà một vị thế đặc biệt hơn ngoài Anh quốc, nơi khai sinh những bữa tiệc trà chiều mà nay đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của xứ sở sương mù. Trên thực tế, trà đã được các nhà truyền giáo, các thương gia và cả những kẻ phiêu lưu ghi chép và mô tả tương đối cặn kẽ từ thế kỷ 16, nhưng phải tới khi Infanta Catherine xứ Bồ Đào Nha về làm dâu nước Anh, thói tục uống trà mới nở rộ trong giới quý tộc. Kể từ đó, năm nào nước Anh cũng nhập khẩu trà từ Trung Hoa với số lượng lớn, khiến cho thức uống này mau chóng phổ biến tới mọi tầng lớp dân chúng, còn nước Anh chiếm ngôi đầu bảng những quốc gia tiêu thụ nhiều trà nhất.
Thưởng thức trà trong triết lý Đông phương
Cơn sốt trà không chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ những lá trà sấy khô, mà giới hàn lâm châu Âu cũng bùng dậy nỗi khao khát đem về phương Tây một cây trà sống từ Trung Hoa để nghiên cứu tính trạng và đặt cho nó một cái tên khoa học. Trước đây, do những miêu tả mơ hồ, thiếu tính chính xác từ các thương gia và những hạn chế trong việc du hành đến phương Đông mà các nhà khoa học đã mắc phải sai sót khi cho rằng trà đen và trà xanh thuộc hai giống cây khác nhau, trong khi kỳ thực chúng chỉ khác ở quá trình chế biến.
Trải qua nhiều biến cố như thất lạc, đem nhầm giống cây, bị chuột ăn mất, cuối cùng cây trà đầu tiên còn sống cũng thuận lợi đến với châu Âu. Tại Anh quốc, người ta ghi nhận rằng đã có một cây trà Trung Hoa được đem trồng tại Vườn Thực vật Hoàng gia năm 1768, tạo điều kiện cho các nhà thực vật học tiến hành nghiên cứu trên mẫu vật thật.
Cũng trong thời gian này, căn cứ vào hệ thống phân loại của mình, nhà bác học Carl Linneaus đã đặt danh pháp chính thức cho cây trà là Camellia sinesis, phân thành hai giống sinesis nghĩa là thuộc Trung Quốc và assamica nghĩa là thuộc vùng Assam, Ấn Độ. Một điều thú vị là ban đầu danh pháp cây trà vốn là Thea sinesis theo âm đọc té vùng Mân Nam (Phúc Kiến), nhưng sau đổi thành Camellia để vinh danh Georg Joseph Kamel – một tu sĩ Dòng Tên kiêm dược sĩ – vì những đóng góp đáng kể của ông trong lĩnh vực nghiên cứu động – thực vật.
Cũng cần lưu ý rằng, cách gọi trà trong các ngôn ngữ trên thế giới hiện nay hầu hết là biến thể của âm đọc cha vùng Quảng Đông và té vùng Phúc Kiến, tùy thuộc vào con đường du nhập trà là đường biển hay đường bộ. Ví như người Hà Lan nhập trà qua đường biển từ Hạ Môn, nên quốc gia này cùng thuộc địa của nó và các nước Tây Âu láng giềng đều gọi trà theo âm té; chỉ riêng Bồ Đào Nha tiên phong nhập trà từ Quảng Đông nên gọi thức uống này là chá (dựa trên âm cha). Tại Việt Nam, tồn tại hai cách gọi trà và chè, đều là biến thể từ cha và té, theo đó chè (té) là ngôn ngữ nói nên mang vẻ giản dị mộc mạc hơn trà (cha) vốn là ngôn ngữ viết.
Những biến động địa chính trị và chủ nghĩa thực dân bành trướng vào thế kỷ 19 đã làm tan vỡ trật tự hiện thời của thế giới, vừa mở ra viễn tượng huy hoàng cho phương Tây về một đế chế toàn cầu lại vừa đẩy phương Đông vào tình thế điếm nhục. Với khát vọng mở rộng thị trường trà, các đế quốc châu Âu gấp gáp thúc đẩy việc xâm chiếm các quốc gia Nam Á, Đông Nam Á ngoài Trung Hoa, như Anh khai thác Ấn Độ, Sri Lanka, Hà Lan khai thác Indonesia còn Pháp khai thác Việt Nam; đồng thời đem đến nơi đây công nghệ sản xuất theo dây chuyền, biến khu vực này thành thị trường xuất khẩu chủ lực, đủ sức cạnh tranh với Trung Hoa đại lục. Trà vì vậy đã mất bớt phẩm chất nghệ thuật và tính trầm tư mặc tưởng trong tôn giáo mà mang tính thương mại nhiều hơn, trở thành một mặt hàng được tiêu thụ rộng rãi trong thế giới hiện đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Trần Quang Đức, Chuyện trà: Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt, NXB. Thế Giới, 2022.
[2]. Lục Vũ, Trà kinh, Trần Quang Đức dịch, NXB. Văn học, 2014.