Khi em quý mến chị, tình cảm thật tâm và bản năng đó luôn thôi thúc em vuốt mái tóc xõa dài của chị. Dường như chỉ có thế mới giải bày được tình cảm yếu mềm và dịu dàng trong em.
Ngẫm lại, dường như những rung động thẳm sâu trong lòng em, đều phảng phất đâu đó bóng hình những mái tóc người thương. Mái tóc bạc trắng của bà, tóc mẹ búi sau đầu, tóc cha thêm sợi bạc. Người con gái thuở xuân thì, tình cảm nồng nàn, nuôi một mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn, thẹn e hoa cài mái tóc.
Riêng gì em, với nhiều người con Việt, mái tóc là lời thơ khúc nhạc và giai thoại truyền kỳ, trói buộc duyên nợ và vận mệnh suốt kiếp người. Ấy, mái tóc em xanh khoảng trời con gái; mái tóc em như nhung huyền; mái tóc em như ngọn lửa mùa đông; mái tóc em đây hay là mây là suối. Ấy, tóc mây sợi vắn sợi dài, lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm…
1. Mái tóc ước thề đôi lứa
Khoảng vắng đêm trường, gót sen nàng Kiều xăm xăm băng lối vườn khuya, băng qua hết thảy rào cản tâm lý và lễ giáo phong kiến để tìm gặp tình quân. Đáp lại tình cảm nồng nàn và táo bạo của Kiều, chàng Kim vội thêm sáp hương vào đèn tỏ lòng trân trọng. Men tình say nồng dẫn dắt Kim Kiều đi đến giờ khắc ước hẹn thiêng liêng nhất:
“Tiên thề, cùng thảo một chương Tóc mây một món, dao vàng chia đôi Vầng trăng vằng vặc giữa trời Đinh ninh hai mặt một lời song song Tóc tơ căn vặn tấc lòng Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương” (Thề nguyền, Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Điểm lại hết thảy sóng gió truân chuyên phủ bên phận tài sắc ngày sau, giây phút ấy có lẽ là cảnh sắc tốt đẹp nhất đời nàng Kiều. Dưới vầng trăng vằng vặc, đôi lứa chìm đắm trong men tình, đinh ninh lời thề khắc cốt ghi tâm. Tóc mây Kim Kiều rụng rơi dưới dao vàng, viết nên lời tiên thề, kết thành mối đồng tâm.
Giữa những biểu tượng kinh điển được đại thi hào nhắc đến trong áng thơ Thề nguyền, tóc được nhắc lại hai lần, “tóc mây”, rồi lại “tóc tơ”, dường như cho thấy “tóc thề” là một kỷ vật định tình không thể thiếu cho lứa đôi phong hoa thuở ấy.
Cổ kim, chiến tranh, ly loạn, tình đời, khiến bao kẻ tình si phải chịu đựng nỗi khổ ái biệt ly, cầu bất đắc. Thế rồi sợi tóc tơ phất phơ đôi bên trán và vành tai, được lứa đôi cắt trao cho nhau làm tin. Món kỷ vật quý báu luôn được kẻ có tình lưu cất trong người, bên tim, nối dài nỗi nhớ âm ỉ và tấm lòng sắt son, ấy là tóc thề. Nhưng tại sao lại là sợi tóc, được chọn làm vật tin cho lời ước thề thiêng liêng đó?
2. Biểu tượng của mái tóc (1)
Thuở lọt lòng, vừa bập bẹ tập nói và nghe hiểu đôi ba lời ru, đã nghe ông bà nói “Cái răng cái tóc là góc con người”. Con người Á Đông tin rằng tóc có mối cố kết mật thiết với thân thể, dù là sau khi rơi rụng. Tóc là suối nguồn sinh lực, là nhành cây ngọn cỏ được dung dưỡng bằng sức mạnh tinh thần.
Quan niệm mang sắc màu huyền bí lan tỏa và truyền đời, biểu hiện thành tập tục. Một số trong đó vẫn còn vương dấu trong đời sống tâm linh và thường nhật. Chải tóc là một cử chỉ thân mật. Cắt tóc là lời tuyên ngôn cho duyên nợ – cầm lên là “se tơ kết tóc” buông xuống là “cắt tóc đoạn tình”.
Người ta giữ lại mái tóc được cắt xuống của người thương làm kỷ vật bên người. Thậm chí từ đó còn có tục thờ thánh tích – tóc của thần phật – không chỉ để bày tỏ lòng ngưỡng mộ, mà còn mang theo cả nguyện vọng được dự phần vào hiệu năng của thánh tích ấy.
Thầy tướng số có thể nhìn người đoán vận bằng thuật nhìn khoáy tóc. Một số phép bùa yểm sẽ phải có sợi tóc của nạn nhân như một phần không thể thiếu. Phụ nữ quý tộc xưa lưu cất những sợi tóc rụng rơi lúc chải đầu, bởi vì tin chúng có mối cố kết thần bí mà mật thiết với số mệnh chủ nhân.
Kẻ tu tiên quán tưởng Đạo Giáo xõa tóc nhằm “bảo tồn cái Đơn nhất” – họ muốn chối từ những hạn định và quy ước của thân phận cá nhân, đời sống thường nhật, trật tự xã hội để hoàn toàn hòa mình vào vạn hữu toàn thể.
Mái tóc hiến dâng cho đạo Mái tóc vốn màu gỗ quý Nay dâng thành khối trầm hương Nét đẹp đi về vĩnh cữu Vi diệu thay ý vô thường
3. Mái tóc Lê Trung Hưng
Từng có một đoạn thời gian, người Việt nâng niu mái tóc như chính sinh mệnh, xõa tóc như lời tuyên thệ cho độc lập tự do. Năm 1470, Lê Thánh Tông ra lệnh cấm “những người không phải sư sãi không được cạo trọc đầu”. Từ đó tục cạo trọc được truyền từ thời Lý – Trần trong dân gian dần biến mất, thay vào đó là tục xõa tóc dưới thời Lê Trung hưng (1533 – 1789).
Mái tóc xõa Lê Trung hưng được bắt gặp nhiều trong nhiều thư tịch, bút ký của cả người Việt lẫn người ngoại quốc có dịp ghé thăm xứ sở. Christophoro Bori trong Xứ Đàng Trong(1621) đã miêu tả người Việt ta “để tóc xõa và rủ xuống vai, có người để tóc dài chấm đất, càng dài càng được coi là đẹp”.
Cùng khoảng thời gian đó, cha Marini đến Việt Nam vào năm 1646, ghi nhận rằng: “dưới thời Bắc thuộc (thuộc Minh), cả đàn ông và phụ nữ đều để tóc búi cao, nhưng khi thoát khỏi ách đô hộ, họ thả tóc xuống và đi chân trần như là biểu tượng của sự tự do.” (2)
Quan lại, quý tộc Lê Trung Hưng xõa tóc khi chầu bái trong bộ ảnh của Samuel Baron
Lý Tiên Căn (1621 -1690) người thời Thanh cũng chép rằng: “Người nước ấy xõa tóc, dùng sáp thơm chải tóc nên không bị bung, đi đất, song chân không có bụi bẩn, chừng bởi đất đều là cát sạch.”
Một thế kỷ sau, John Barrow, trong Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 – 1793) vẫn ghi nhận rằng, “để tóc ngắn không những bị coi là dấu hiệu của sự thô tục, mà còn là biểu thị của sự thoái hóa.”
Lúc này, mái tóc dài của người Việt đã trở thành tuyên thệ của chủ tướng với ba quân trước giờ xung trận chiến đấu với giặc thù:
“Đánh cho để dài tóc Đánh cho để đen răng Đánh cho nó chích luân bất phản Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (Hịch ra trận – Quang Trung).
Tuy để tóc dài và xõa tóc được xem là cái đẹp sang trọng, nhưng để gọn gàng trong lao động thường nhật, mái tóc dài thường được vấn gọn một cách tự nhiên bằng khăn lược. Như cái nhìn về những người Đàng Trong ở trên thuyền của nhà sư Thích Đại Sán những năm 1695: “cởi trần xõa tóc, dùng mảnh vải quấn che phía trước, gián hoặc cũng có người búi tóc chuy kế để tiện làm lụng, răng đều đen […] Một thuyền tiếp đến có vị quan cũng xõa tóc đi chân đất.” (4)
Và dù rằng vấn tóc để tiện sinh hoạt, nhưng người Việt vẫn xõa tóc những khi bái lạy trưởng bối để tỏ lòng tôn kính:
“Phụ nữ nước ta (cuối Lê đầu Nguyễn) chỉ dùng khăn là giấu tóc, gặp bậc tôn trưởng thì xõa tóc để tỏ lòng tôn kính.” – Phạm Đình Hổ
“Nam giới và phụ nữ thường búi tóc cao và gắn vào đó một cái nơ phía sau đầu. Nhưng khi họ xuất hiện trước bề trên, họ lại xõa tóc tỏ ý tôn kính.” – Jerome Richard (1778).
4. Mái tóc kết thành mỹ mạo nữ nhân
Tóc em dài em cài bông thiên lý Miệng em cười anh để ý anh thương
Có mạch nguồn sâu xa từ tâm thức dân gian, được triều đình hậu thuẫn thành quốc tục, một thế kỷ sau đó, mái tóc đen dài được buông xõa tự nhiên vẫn còn hiện diện trên nhân diện con người xứ sở, lan rộng đến vùng đất mới, trở thành một chuẩn mực cho cái đẹp, nhất là với phái nữ.
Hoàng Thanh chức cống đồ (1759): “Đàn bà giàu sang xõa tóc, không cài trâm, tai đeo kim hoàn (…) Đàn bà dùng khăn phủ đầu, áo dài, vạt dài, đi giày lộ gót.” Phạm Đình Hổ (1768 – 1839), trong Vũ trung tùy bút: “không có tục cài trâm […] đeo hoa tai để trang sức.”
Rõ ràng, người Việt lúc này đã có những chuẩn mực riêng biệt và sâu sắc về cái đẹp. Vẻ đẹp tự nhiên và nguyên bản của mái tóc được ưa chuộng và trân trọng, mỹ mạo được đánh giá bằng chính con người nội tại, chẳng cần nương nhờ vào kiểu cách cầu kỳ hay trang sức xa hoa. Đồng thời vẻ đẹp tự nhiên của mái tóc cũng gợi lên những tinh hoa trong công phu trong cách chăm sóc và bảo vệ mái tóc của người xưa.
Với người phụ nữ Việt, tự cổ chí kim, mái tóc là vũ khí sắc đẹp, cũng là sợi dây nối dài tình yêu và nỗi nhớ. Những câu từ miêu tả mỹ sắc của người xưa – dù là thứ sắc đẹp nguy hại nhân tâm, đâu đâu cũng gặp những gợi nhắc về vẻ đẹp của mái tóc.
Mái tóc nữ nhân Lê Trung hưng. Minh họa: Vietale.vn
“Lưng ong tóc mượt hay khiến tính hoặc tâm mê. Sắc én mày ngài đưa đến hồn xiêu phách lạc. Kẻ mê say đoạn nghĩa thầy bạn, kẻ tham đắm đức mất đạo tan. Vậy có kệ rằng: Mặt trắng môi son điểm phấn đào. Long lanh đưa mắt gây lao đao. Chẳng qua một túi da nhơ bẩn. Cắt đứt ruột người không cần dao”. (Khoá hư lục – Văn giới sắc, Trần Thái Tông)
“Tóc phượng cài trâm. Thực người thành thị. Khác kẻ sơn lâm.” (Lẳng lơ phú, Phan Văn Ái (1850 -1898))
Nhan sắc mỹ miều Thúy Vân cũng được đại thi hào gợi tả bằng mái tóc mềm mượt hơn cả mây trời:
Thiếu nữ Việt xõa mái tóc dài trong tranh của Họa sĩ Lê Phổ
Cùng qua bãi bể nương dâu, mái tóc trở thành dấu chỉ của tiếng lòng giai nhân. Tóc là nỗi u uất mệnh bạc, là tuổi xế chiều tàn phai, là nỗi tiếc nuối duyên tình dang dở:
“Một người ước ngoài bốn mươi, tóc xanh đã điểm sương trắng, mặt ngọc đã nhạt màu hồng, nhưng cái vẻ phương phi thùy mị còn đủ làm cho thiên hạ xiêu lòng.” – (Truyện hai thần nữ, Thánh Tông Di Thảo)
“Xương mai một nắm hao gầy Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương” (Thề non nước – Tản Đà)
“Mắt quầng tóc rối tơ vương Em còn cho chị lược gương làm gì” (Lỡ bước sang ngang – Nguyễn Bính).
Nàng Kiều cắt tóc thề trao chàng Kim thuở nào, nay cũng lưu lạc đường đời, chịu đủ truân chuyên. Băng qua đêm trăng hẹn ước cùng Kim Trọng, tóc mai lại rơi rụng trao cho Thúc Sinh. Nhưng đã đâu là bến bờ, đoạn tóc cắt thề đã dài đến ngang vai, Kiều chờ người đến xuân thì mòn héo:
“Tóc thề đã chấm ngang vai Nào lời non nước, nào lời sắt son”.
Chú thích:
(1) Tham khảo Từ điển Biểu tượng Văn hóa thế giới, Jean Chevalier & Alain Gheerbrant, Nxb Đà Nẵng, 1997.
(2) Những lữ khách Ý trong hành trình khám phá Việt Nam.
(3) Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài
(4) Trần Quang Đức, Ngàn Năm Áo Mũ, dịch từ Hải ngoại kỷ sự, Q.1. Tr.12.