Cái chết của vua Quang Trung đã khiến số phận nhà Tây Sơn rẽ lối ra sao? – Kỳ 1

Tác giả Đỗ Minh Nhật
Cái chết của vua Quang Trung đã khiến số phận nhà Tây Sơn rẽ lối ra sao? – Kỳ 1

Lịch sử vốn không có chữ nếu, thế nhưng chúng ta có thể thử đặt giả thiết rằng nếu hoàng đế Quang Trung không đột ngột qua đời thì triều đại Tây Sơn phải chăng sẽ được thịnh trị dài lâu?

Băng hà đột ngột

Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý, tức năm Quang Trung thứ 5 (15/09/1792), hoàng đế Quang Trung băng hà. 

Trước đó, vua thấy không khỏe, tự biết không thể qua khỏi, bèn cho triệu Trấn thủ Nghệ An là Trần Quang Diệu về kinh đô Phú Xuân để bàn định việc dời đô ra Nghệ An. Việc chưa quyết định thì bệnh của vua trở nặng, nguy tới tính mạng, vua đành triệu bọn Diệu vào dặn dò rằng:

– Ta khai mở đất đai, có được cõi Nam. Nay bị bệnh ắt không dậy được. Thái tử tư chất hơi cao, nhưng tuổi hãy còn bé. Ngoài có Gia Định là nước thù địch. Thái Đức (tức Nguyễn Nhạc) tuổi già hưởng lạc, cầu an tạm bợ, không lo họa về sau. Sau khi ta chết, nhất thiết trong vòng một tháng phải chôn cất xong, viêc tang chỉ qua loa mà thôi. Các ngươi nên phò giúp Thái tử, sớm dời về Vĩnh Đô (kinh đô mới ở Nghệ An) để khống chế thiên hạ. Nếu không như thế, quân Gia Định kéo tới, các ngươi không có đất chôn đâu. 

Bọn Diệu cùng khóc, nhận lệnh, giết con ngựa trắng để ăn thề. Hoàng đế lại dặn dò Thái tử rằng:

 Ta sẽ chết đây! Thần kinh Phú Xuân không phải của mày có được. Nghệ An là đất của cha mẹ ta, đất ấy là nơi hiểm yếu có thể trông cậy được. Ta đắp thành dày để làm kế Tấn Dương ngày khác cho mày. Sau khi ta chết, mày nên về đó. Nếu có biến cố còn có thể giữ được. 

Đến đây. vua băng ở điện Trung Hòa, thọ 40 tuổi, táng ở Đan Dương lăng phía Nam sông Hương, thụy hiệu là Thái Tổ Vũ hoàng đế. Việt sử cương mục tiết yếu chép: “Khi mất, tinh anh bay lên trời, to như cái nia, mọi người đều kinh lạ“.

Giả thuyết về cái chết

Về cái chết của vua Quang Trung, có rất nhiều giả thuyết được đưa ra, nhưng phần lớn đều ghi nhận một điểm chung đó là cái chết hết sức đột ngột, từ khi không khỏe tới lúc trở nặng, rồi nguy kịch diễn ra rất nhanh. 

Đại Nam liệt truyện chính biên sơ tập chép: 

Huệ tàn ngược vô đạo, lúc mới chiếm cứ đô thành, tôn lăng của liệt thánh đều bị xâm phạm. Một hôm lúc chiều tối, đang ngồi chợt xây xẩm, thấy một ông lão đầu bạc từ trên không xuống, mặc áo trắng, cầm thiết bổng, mắng rằng:

 Ông cha của mày sinh sống trên đất vua, đời đời làm dân vua. Mày sao dám phạm đến lăng tẩm?

Bèn lấy gậy đánh vào trán y. Huệ hôn mê ngã lăn ra, hồi lâu mới tỉnh, đem chuyện đó kể lại cho Trung thư Trần Văn Kỷ. Từ đó bệnh chuyển thành nguy kịch“.

Vì đây là sách sử của triều Nguyễn nên việc quy kết tội phá lăng mộ chúa Nguyễn cho vua Quang Trung là để bào chữa cho sự kiện Nguyễn Ánh sau này đào phá mồ mả của Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ. Nhưng qua những dòng ghi chép này, vua Quang Trung rất có thể đã bị một cơn tai biến khiến ngài không gượng dậy nổi nữa.

Cái chết đột ngột này đã phá hủy toàn bộ kế hoạch tương lai của vua Quang Trung. Từ việc hỏi cưới con gái Càn Long, đòi lại đất Hưng Hóa, cho tới kế hoạch dồn quân tiêu diệt Nguyễn Ánh một lần và mãi mãi.

Trận Thị Nại lần đầu - 1792

Kế hoạch tấn công Gia Định lần thứ 5 để tiêu diệt hoàn toàn Nguyễn Ánh vốn được vua Quang Trung trù bị đã lâu. Chỉ cần quét sạch thế lực của chúa Nguyễn cũ ở phía Nam, thì đất nước bị chia cắt sau hơn hai trăm năm nội chiến sẽ được thống nhất một lần nữa. Thế nhưng, người tính không bằng trời tính, đúng lúc này quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy đem quân tiến sát biên giới, lăm le thôn tính Đại Việt. Kế hoạch đánh Gia Định buộc phải tạm hoãn lại, để hoàng đế Quang Trung đối phó với quân Thanh, cho tới khi xảy ra trận đánh ở cửa biển Thị Nại năm 1792. 

Thời điểm này, Nguyễn Ánh ở Gia Định nghe tin Nguyễn Nhạc cho đóng nhiều chiến hạm ở cửa biển Thị Nại ý muốn tiến quân vào Gia Định. Ông ta bèn “tiên hạ thủ vi cường” cho chuẩn bị thuyền chiến ở rạch Thị Nghè, lại ra lệnh cho các dinh Tiên Phong, Chấn Võ thuộc Trung quân chuẩn bị lương thực, súng ống, khí giới.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ, Nguyễn Ánh đem quân ra cửa Cần Giờ, tổng cộng đến 128 chiếc thuyền. Xuôi theo gió Nam, tiến thẳng ra mũi Diên. Cai đội Nguyễn Đức Xuyên gặp được ghe tuần của Nguyễn Nhạc, bắn nhau rồi bắt được ghe ấy đem về nộp. Nguyễn Ánh dò biết được Thị Nại không có phòng bị, bèn ra lệnh tiến sâu hơn. 

Thuyền kéo đến ngoài cửa Thị Nại, Nguyễn Ánh sai quân tinh nhuệ đổ bộ phóng hỏa đốt thủy trại. Giám quân Trung quân Nguyễn Văn Trương cùng quản Tiên Phong dinh Nguyễn Văn Thành đem thuyền Long, Phượng tiến vào trước. Đô đốc Thành bên phía Nguyễn Nhạc kinh hoàng bỏ chạy. Nguyễn Ánh bắt được 5 thuyền lớn, 30 thuyền đi biển và 40 ghe sai; lại lùng bắt được 3 thuyền Tề Ngôi (cướp biển người Hoa). Nguyễn Ánh đóng quân ở chợ Thị Nại, dựng cờ chiêu an, rồi ra lệnh rút quân về. Cuộc tấn công chớp nhoáng này diễn ra chỉ trong vòng hơn 10 ngày.

Mãi đến gần một tháng sau, ngày 10 tháng 7, vua Quang Trung mới hay tin về trận đại bại này, ngài lập tức ban chiếu trách cứ quân dân ở đó vì đã sợ hãi, khiếp đảm đến nỗi không dám đối đầu với quân Gia Định của Nguyễn Ánh; “bộ binh trốn một nơi, thủy quân chạy một nẻo“.

Bây giờ, theo lệnh hoàng đại huynh (Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc), trẫm sẽ thân chinh cầm đại quân theo hai đường thủy bộ vào dẹp giặc. Trẫm sẽ đập tan bọn cựu Nguyễn dễ dàng như đập tan một cành củi khô, một thanh gỗ mục. Còn nhân dân hai phủ, các ngươi đừng lo âu, đừng sợ giặc“.

Quyết tâm thi hành kế hoạch Nam tiến, quét sạch quân Gia Định đã như mặt trời giữa trưa thì bất chợt mây đen kéo tới. Cái chết của vua Quang Trung đã để lại những vết rạn nứt lớn cho triều đại Tây Sơn non trẻ. Những vết nứt này theo thời gian cứ thế lớn dần rồi sụp đổ hoàn toàn dưới sự công kích của Nguyễn Ánh. 

Nhưng trước đó, chúng ta hãy quay lại tìm hiểu mối quan hệ giữa vua Quang Trung và Thanh chủ Hoằng Lịch (tức hoàng đế Càn Long nhà Thanh).

Giận rồi lại thương

Năm Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung đại phá quân Thanh khiến Tôn Sĩ Nghị phải bỏ cả quân lẫn ấn tín mà chạy về nước. Càn Long thẹn quá hóa giận, sai Phúc Khang An thay Tôn Sĩ Nghị làm Tổng đốc Lưỡng Quảng, lấy binh 9 tỉnh áp sát biên giới nước ta để ra oai, thực chất Thanh chủ đã không còn muốn động binh nữa. 

Khâm định An Nam kỷ lược còn chép lại lời dụ của Càn Long cho Phúc Khang An rằng: 

Việc tiến quân tiễu trừ Nguyễn Huệ, lúc này chẳng phải là không làm được, thế nhưng xét về thiên thời, địa lợi, nhân sự đều không đáng làm. Tôn Sĩ Nghị lúc này đang bị thất bại, uy vọng đã hao tổn, không tiện giữ nhiệm vụ Tổng đốc. 

Phúc Khang An mới đây bình định giặc phỉ Đài Loan, tiếng tăm vang dội, nay đem sang làm Tổng đốc Lưỡng Quảng, trước hết hãy đóng ở Trấn Nam quan, cho Nguyễn Huệ nghe biết rằng vì Tôn Sĩ Nghị thua trận nên đã bị giải nhiệm, đưa một trọng thần đã từng quen việc binh nhung đến thay, ắt là phải lo việc kéo đại quân sang đánh, để cho y hoảng sợ. Dân chúng một dải nội địa thấy Phúc Khang An đến đây, ắt sẽ có chỗ nương cậy, nhân tâm vì thế mà trấn định. 

Phúc Khang An đến Trấn Nam quan rồi, nếu như Nguyễn Huệ nghe tiếng mà sợ hãi, đến cửa quan tạ tội xin hàng, Phúc Khang An hãy lớn tiếng trách mắng, không bằng lòng chấp thuận. Đợi đến khi y thành tâm sợ tội chịu thua, xin xỏ mấy lần, lúc ấy sẽ tùy cơ mà hành sự để hoàn thành công việc ấy“.

Ảnh minh họa

Trước đó, binh bị Tả Giang đạo Thang Hùng Nghiệp của nhà Thanh đã bí mật gửi thư cho nước ta, bày cách cho vua Quang Trung dâng biểu tạ tội với Càn Long rồi qua đó xin thông hiếu để Thanh đế trao cho vua chủ trì việc nước An Nam thay họ Lê. Để tránh việc binh đao, vua Quang Trung sai Ngô Thì Nhậm soạn thư, dâng biểu cho Càn Long, hạ mình nhận lỗi nhằm hóa giải ân oán. 

Phúc Khang An lúc đó thấy binh lực Tây Sơn rất mạnh, nên cũng có ý giảng hòa, bèn thuận nước đẩy thuyền, một mặt vun vào cho mối quan hệ giữa Càn Long và Quang Trung càng thêm khăng khít. Mặt khác, ông ta âm thầm lừa gạt Lê Duy Kỳ (Lê Chiêu Thống) cạo đầu gọt tóc, ăn mặc như người Mãn rồi báo với Càn Long và Quang Trung rằng Duy Kỳ đã không còn chí đòi lại nước nữa. 

Mối quan hệ giữa Quang Trung và Càn Long tốt đẹp tới mức, Thanh chủ nằng nặc đòi vua Tây Sơn phải sang dự bát tuần vạn thọ (sinh nhật 80 tuổi) bằng cách hứa hẹn sẽ phong cho vua làm An Nam Quốc vương. Dù Quang Trung năm lần bảy lượt lấy cớ mới dựng nước, công việc bộn bề không thể tự thân đi được, rồi gợi ý đưa con cháu sang thay thế. Nhưng cuối cùng, trước sức ép của Càn Long và Phúc Khang An, vua đành phải cho người đóng giả để thay mình dự lễ vạn thọ. Hết sức vừa lòng vì “vua Quang Trung” đích thân sang triều cận, Càn Long đặc biệt khoản đãi, đối xử bằng lễ thân vương. 

Mối quan hệ này ngày càng bền chặt, vào năm Nhâm Tý (1792), chỉ vài tháng trước khi đột ngột băng hà, vua Quang Trung lệnh cho Ngô Thì Nhậm soạn hai tờ biểu thăm dò ý của Càn Long. Một tờ là để cầu hôn công chúa nhà Thanh, một tờ là đòi lại 7 châu biên giới vốn thuộc đất Hưng Hóa của nước ta.

[ Còn tiếp… ]

Chia sẻ câu chuyện này

Thiết kế Minh Hiếu

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Share