Nếu như trong sự sinh nở, cái tinh được tỏ lộ, thì cái chết lại tước đoạt nó. Tuy vậy, cái tinh không bị rút khỏi thân xác người chết hoàn toàn, mà một phần của nó sẽ phóng chiếu ra xung quanh, có thể giáng họa hay ban phúc tùy vào hoàn cảnh. Niềm tin về sự còn lại của cái tinh cho thấy có sự chuyển tiếp từ cõi sống sang cõi chết trong nhãn quan người Việt, thay vì một biến đổi triệt để “sinh ra sinh, tử ra tử”.
Trước khi tái sinh dưới một hình hài khác, cái tinh còn lại sẽ tồn tại dưới dạng sự sống có tính linh, tác động được đến thế giới thường ngày, ví như người chết báo mộng hay người chết nhập đồng để căn dặn, bày tỏ những điều chưa kịp nói. Thời hạn để cái tinh hoàn toàn biến đổi là khi xác thịt tiêu tan, trở thành bùn đất, như lời cầu nguyện chép trong sách Tam giáo chính độ thực lục(1):
“Khi sống, hơi thở thổi sự sống vào xác; sau khi chết, hơi thở bay đi và cái xác trơ lại ở mặt đất. Xác trơ lại được các vía trông giữ, hơi thở bay đi nhưng vía vẫn lưu lại trong xương; mong sao chúng xuất đi! Hồn ngụ ở Đông hay ở Tây, trên trời hay dưới đất. Mong hồn quay trở về đây và nhập vào xác – Trên núi Ngọc Bàn có chín con rồng phun nước trong bóng tối sâu thẳm. Hồn sẽ đến đó để gột sạch uế nhơ, đặng xương được trắng ngần, rồi cưỡi lên một vầng mây và bay về trời”.
Lý do phải chờ đợi sau khi thịt nát xương tan thì cái tinh mới được giải thoát nằm ở quan niệm cho rằng cái tinh chỉ có thể thâm nhập vào cõi thiêng khi vật chứa nó hoàn toàn không còn hình thù nào. Bởi nhục thân là ô trược, mỗi thần khí là thanh cao dễ dàng di chuyển nơi thượng giới. Hơn nữa, khi trạng thái sống chuyển sang trạng thái chết, cái tinh không kịp tìm vật chứa mới nên rơi vào tình cảnh bơ vơ, cần có sự bảo vệ của người sống qua nghi lễ thanh tẩy để tránh khỏi sự đe dọa, quấy nhiễu của những âm hồn tà ác. Nếu tang lễ không được cử hành thận trọng, những âm hồn đó sẽ không cho cái tinh của người chết được yên ổn về nơi siêu thoát hoặc đem lại hiểm họa cho chính gia đình người chết.
Cần lưu ý rằng, cái tinh dùng để chỉ năng lượng phổ quát tuôn trào nơi mọi sinh vật sống, còn đối với con người cụ thể, cái tinh sẽ được phân chia thành hồn (魂) và phách (魄). Trong quan niệm của người Việt, hồn phát sinh từ nguyên lý dương, gắn liền với năng lực tình cảm và lý trí, còn phách được tạo thành bởi nguyên lý âm, chủ trì các chức năng của thể xác. Sau quãng thời gian trung chuyển, phách sẽ lưu lại nơi thân thể cùng với đất sâu, còn hồn trở nên thiêng, được con cháu trong gia tộc phụng thờ. Tại đây, hành trình vẫn tiếp tục, con người sẽ sống tiếp một đời sống sau cái chết trong tưởng nhớ và lễ cúng giỗ hàng năm.
Trừ những gia đình theo tôn giáo đặc thù, hầu như nhà nào ở Việt Nam cũng có bàn thờ tổ tiên là nơi đặt bài vị và dâng cúng đồ lễ cho những người đã khuất. Vị trí chủ tế trong gia đình thuộc về người con trai trưởng, nếu gia đình không có con trai, họ sẽ nhận người cháu trai thuộc thế hệ kế tiếp làm con nuôi để không làm đứt mạch khói hương. Như vậy, cuộc sống luôn tiếp diễn nhờ sự kế tục từ thế hệ này sang thế hệ khác, nối liền người sống với người chết, cõi âm với cõi dương, khiến cái chết chỉ là một sự gián đoạn tức thời.
Bởi niềm tin sâu sắc ấy, tổ tiên đã khuất luôn song hành cùng con cháu trong những buồn vui thường nhật của gia tộc. Với quan điểm “sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, sống chết không hề đối lập nhau, nên người đã khuất luôn được đối xử như khi họ còn tại thế. Mọi dịp hiếu hỷ trong nhà, ông bà đều được thông báo; mọi ngày lễ lớn, bàn thờ ông bà không khi nào lạnh lẽo quạnh hiu. Đặc biệt trong tiết Thanh minh hay rằm tháng Bảy, các gia đình đều làm lễ cúng thật trọng thể, nhân đó hội họp anh em trong không khí đầm ấm, thắt chặt tình thân sơ.