Sự xuất hiện của các giáo sĩ Dòng Tên ở Đàng Trong

Tác giả Omega+
Sự xuất hiện của các giáo sĩ Dòng Tên ở Đàng Trong

Sự xuất hiện của các giáo sĩ Dòng Tên ở Đàng Trong

Trước khi các giáo sĩ Dòng Tên đặt chân đến Đàng Trong, đã có nhiều linh mục tới đây vào đầu thế kỷ 16, vì mục đích truyền giáo: thương thuyền Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha liên tục lưu thông giữa Goa và bờ biển Malabar (tây nam bán đáo Ấn Độ) vốn lấy các cảng của Nhật BảnTrung Hoa làm bến đỗ. Chính người Bồ Đào Nha Duarte Coelho là người phương Tây đầu tiên nhắc đến sự tồn tại của nước Đại Việt vào năm 1523.

Romanet du Caillaud đã đề cập đến việc cố đạo dòng Phan Sinh da Pesaro chính thức diện kiến chúa Mạc vào năm 1581 và ông còn nhắc đến những cuộc tiếp xúc khác của các tu sĩ dòng Phan Sinh với vương quốc Champa, và sau này là với vương quốc Đàng Ngoài. Nhưng chưa thể nói rằng “đã có sự thành lập các đoàn truyền giáo

Theo Cristoforo Borri, không có bằng chứng khả tín nào về việc truyền giáo trước khi ông đến Đàng Trong năm 1616. Tuy nhiên chắc chắn rằng đã có nhiều giáo hữu Nhật Bản tới tị nạn và định cư ở Faïfo [Hội An – ND] khi các giáo sĩ Dòng Tên đầu tiên cập bến nơi này. Ki-tô giáo dường như đã bắt đầu bám rễ ở Đàng Trong.

Giáo sĩ Christoforo Borri
Diogo de Carvalho

Theo các thông tin về vương quốc Đàng Trong do Fernandes de Costa, thương nhân Bồ Đào Nha, cung cấp thì một nhóm nhà truyền giáo gồm Francesco Buzomi, Diogo de Carvalho và António Dias đã lên các tàu buôn rồi cập cảng Tourane (nay là Cửa Hàn) ngày 18 tháng 1 năm 1615. Sau một thời gian, họ ở lại thương cảng Faïfo, là nơi tàu thuyền Bồ Đào NhaÝ thường xuyên ghé lại và là nơi người Nhật, người Hoa và người Việt cùng chung sống và buôn bán.

Thực hiện một chính sách mở cửa, nơi đây ghi nhận hoạt động tấp nập của các hải cảng lớn là Cửa Hàn và Hội An, “Chúa Đàng Trong luôn tỏ lòng yêu mến đặc biệt đối với người Bồ Đào Nha vì họ tới buôn bán trong vương quốc của ngài”, theo Borri.

Đây là một sự hỗ trợ lớn lao đối với các giáo sĩ Dòng Tên tiên phong và, mặc dù họ chưa biết ngôn ngữ của xứ này song lại được triều đình đón nhận nồng nhiệt đến mức họ đã có thể dựng được cư sở đầu tiên ở Hội An vào năm 1615. Sự hiện diện ở Hội An của một số giáo hữu Nhật Bản trốn chạy vì bị bức hại ở quê nhà chính là động lực dễ hiểu của lựa chọn này. Vì vậy những giáo sĩ Dòng Tên mới có thể tận dụng sự hỗ trợ của người Nhật, không chỉ trong sự tiếp xúc với người bản địa mà còn để bảo vệ họ lúc nguy cấp.

Bản đồ An Nam do Alexandre de Rhodes vẽ năm 1651, trong đó có chữ “Cocincina” (tay trái) and “Tunkin” (tay phải).
Xứ Đàng Trong (Cochinchine) với quần đảo Hoàng Sa

Vì thiếu dữ liệu nên chúng ta không biết được chính xác liệu cả ba vị giáo sĩ Dòng Tên đầu tiên ấy đến Đàng Trong có biết một ngôn ngữ Đông phương nào khác không, như tiếng Nhật hoặc tiếng Trung chẳng hạn. Nhưng vì Diogo de Carvalho từng sống ở Nhật Bản 5 năm nên có thể nghĩ rằng ông có khả năng diễn đạt bằng tiếng Nhật. Về phần António Dias, được đào tạo ở trường São Paolo ở Macao từ năm 1607 và sống một thời gian dài ở Trung Hoa nên cũng có thể cho là ông nói được tiếng Trung. Kiến thức ngôn ngữ mà hai cố đạo Dòng Tên này sở đắc chắc hẳn đã giúp ích cho họ trong những ngày đầu sống ở Hội An.

 

Đọc sâu hơn trong cuốn Lịch sử chữ Quốc ngữ

Chia sẻ câu chuyện này
Share