Bả tổng Hứa Xương Nghĩa cùng các binh lính bị bão dạt cuối cùng cũng được đưa tới chỗ Tôn Sĩ Nghị. Hứa Xương Nghĩa đem ba tờ bẩm của phía Tây Sơn dâng lên. Tôn Sĩ Nghị thấy rằng Nguyễn Huệ đang mô tả tình hình Bắc Hà như thể nhà Lê vẫn còn. Đối phương đang tìm cách hoãn binh. Còn ông ta chỉ muốn đánh nhau.
Tôn Sĩ Nghị bèn gọi Lê Quýnh đến, để xác nhận thân phận của Lê Duy Cận có phải là thân tộc nhà Lê hay không. Lê Quýnh thừa nhận Duy Cận chính là con trai của cố vương, nhưng lại nói thêm “đó là người khờ khạo”, đã bị Nguyễn Huệ thao túng. Sĩ Nghị bèn trách mắng người thông dịch của phía Tây Sơn một thôi một hồi, nhấn mạnh rằng “trá ngụy vô dụng, đừng mong kế lạ”. Hành động ngoại giao không còn tác dụng. Hai bên chỉ có quyết chiến.
Tôn Sĩ Nghị còn hỏi Hứa Xương Nghĩa về tình hình phòng bị của Tây Sơn. Hứa Xương Nghĩa cho biết ở Thăng Long do Đại tư mã (Ngô Văn Sở) và Đô đốc thủy quân (Đặng Văn Chân) chỉ huy. Trên sông Phú Lương (tức sông Hồng) có nhiều thuyền lớn, bên trên bố trí súng lớn. Từ Lê Thành đến đây, quân Tây Sơn bố trí rất nhiều đồn trại.
Phan Khải Đức cho rằng quân Tây Sơn ở vào thế đường cùng, tất yếu phải dựng đồn trại cố thủ. Nhưng phía Tây Sơn lại mưu tính một kế hoạch vây diệt quân đội nhà Thanh.
Dọc đường quân Thanh tiến lên, quân Tây Sơn dựng nhiều đồn trại. Tôn Sĩ Nghị đã đích thân xem xét các đồn này. Chúng rất kiên cố, xung quanh cắm chông tre dày đặc. Nhưng quân Tây Sơn không cố thủ ở đó, mà lại bỏ đi. Địa hình dọc đường vô cùng hiểm trở. Đường đất từ núi thấp lên cao, ngoằn ngoèo như ruột dê. Hai người trông thấy nhau mà không đến chỗ nhau được. Nếu như mai phục ở những chỗ đó thì quân Thanh sẽ rất khó tiến lên. Nhưng quân Tây Sơn không làm như vậy.
Quân Tây Sơn liên tục rút lui theo hướng đường cái quan về phía sông Thọ Xương (sông Thương). Sông Thọ Xương, sông Thị Cầu và sông Phú Lương là ba phòng tuyến bảo vệ cho Thăng Long. Mục tiêu của cuộc rút lui là để nhử quân Thanh tiến lên. Chủ lực Tây Sơn lại đóng ở một hướng khác, trên tuyến Tam Dị – Trụ Hữu – Ha Hộ. Quân Tây Sơn tung ra nhiều trinh sát. Chỉ cần quân Thanh vượt qua, họ sẽ tung quân cắt đứt đường lui của Tôn Sĩ Nghị.
Tôn Sĩ Nghị thì vẫn chậm rãi tiến lên, để đợi các cánh quân phía sau chưa kịp tới hội quân. Quân Thanh tiến tới Cần Trạm. Quân Tây Sơn bỏ lũy, rút tiếp về sông Thọ Xương. Đến lúc này vẫn chưa thấy lực lượng hưởng ứng mà Lê Quýnh hứa hẹn ở đâu cả. Tôn Sĩ Nghị trách hai người Lê Quýnh và Lê Duy Đản:
– Sao bản bộ đường đi xa khỏi cửa ải đã hơn tám trăm dặm mà chưa thấy vương tự tôn động tĩnh gì?
Quýnh chỉ đáp rằng:
– Có thể đường sá ngăn trở.
Ông ta xin một mình đi tìm vua Chiêu Thống. Tôn Sĩ Nghị bằng lòng. Lê Quýnh để Lê Duy Đản ở lại, tiếng là “làm Thị sư”, nhưng thực tế là chân chạy vặt cho quân Thanh. Điều này làm Lê Duy Đản phật ý. Lúc ở đất Thanh, Lê Quýnh đã nuốt trọn số tiền mà nhà Thanh thưởng cho các bề tôi tòng vong nhà Lê, khiến Lê Duy Đản bực dọc một phen. Lần này, Lê Duy Đản có cảm giác Lê Quýnh bỏ rơi mình để chạy trốn trước.
Lúc này, quân Thanh đã được tiếp viện. Tôn Sĩ Nghị liền chia đường tiến lên. Ông ta cũng cẩn thận đặt quân phòng thủ những chỗ hiểm yếu mà mình đã đi qua. Nhờ sự giúp đỡ đưa tin của những người ủng hộ vua Chiêu Thống, ông ta cũng nắm được đại khái vị trí đóng quân của quân Tây Sơn. Tôn Sĩ Nghị bèn tung ra một đòn bao vây tiêu diệt.
Một mặt Tôn Sĩ Nghị sai Tổng binh Thượng Duy Thăng, Phó tướng Tôn Khánh Thành đem 1200 quân tiến theo đường cái quan về hướng sông Thọ Xương. Mặt khác, ông ta vừa nhận được thêm quân của bọn Tổng binh Trương Triều Long, Lý Hóa Long. Tôn Sĩ Nghị liền sai Trương Triều Long đem 3000 quân bản bộ chia làm hai: một nửa do Tham tướng Trương Thuần chỉ huy, từ Gia Quan kéo xuống Ha Hộ; đích thân Trương Triều Long đem một nửa quân còn lại từ Tam Dị vòng ra sau lưng Trụ Hữu. Hai mặt giáp công cụm quân của Trần Danh Bính.
Canh năm ngày 13 tháng 10, quân Thượng Duy Thăng kéo tới sông Thọ Xương. Quân Tây Sơn lập trại, dựng cầu phao, cho mấy trăm quân phòng thủ bờ Bắc. Khi quân Thanh kéo đến, quân Tây Sơn nổ súng bắn chết một tên lính Thanh và làm bị thương ba tên khác. Họ vừa bắn vừa lui qua cầu phao.
Thiên tổng nhà Thanh là Liêu Phi Hồng đem 20 tên lính hăng hái truy kích, xông lên cầu phao. Ông ta chợt thấy bước chân mình hụt hẫng, thoắt cái đã rơi ùm xuống nước cùng với mấy tên lính đi sau. Hóa ra quân Tây Sơn đã cắt cầu. Nhưng Liêu Phi Hồng và đám binh sĩ vẫn cố bơi qua bờ bên kia.
Bấy giờ, sương mù giăng kín. Quân Thanh kết bè tre để vượt sông. Quân Tây Sơn bỏ phòng tuyến Thọ Xương, tiếp tục rút lui. Tôn Sĩ Nghị lệnh cho Phó tướng Tôn Khánh Thành, Du kích Lưu Việt đem 200 quân mai phục ở các nơi để cắt đường về của cụm quân Trần Danh Bính. Lưu Việt bèn bố trí mai phục ở Dĩnh Kế.
Trong khi quân Thanh tiến về sông Thọ Xương, trên hướng Gia Quan đi Ha Hộ, quân Tây Sơn cũng chặn đánh cánh quân của Trương Thuần. Quân Thanh trông thấy quân Tây Sơn đóng ở sườn núi. Viên tướng Tây Sơn đội khăn đỏ kéo quân ra đánh. Quân Thanh nổ súng. Viên tướng trúng đạn rơi xuống ngựa. Quân Thanh thừa thế xông lên giao chiến. Quân Tây Sơn thiệt hại nặng, phải rút lui.
Cánh quân của Trương Triều Long cũng kéo tới vùng giáp giới Tam Dị và Trụ Hữu. Quân Tây Sơn vẫy cờ xanh, đỏ, trắng, đen, thúc trống đổ ra đánh. Sau một trận ác chiến, quân Tây Sơn rút lui. Quân Thanh thu được 20 thạch gạo cùng nhiều khí giới, thuốc súng, đạn chì, cờ quạt của quân Tây Sơn.
Trần Danh Bính đem 200 quân rút về hướng sông Thọ Xương. Qua Dĩnh Kế, họ bị phục binh của Du kích nhà Thanh là Lưu Việt đổ ra đánh. Chạy xuống hạ du sông Thọ Xương, lại có bọn Trương Triệu Phan dẫn phu mỏ người Thanh đón đánh. Trần Danh Bính cùng Chỉ huy Lê Đình, Nội vệ Lật Toàn cưỡi ngựa chạy trốn vào trong thôn, bị Phó tướng nhà Thanh là Tôn Khánh Thành đem quân vây bắt.
Trong vòng 3 ngày, quân Thanh lập được ba chiến tích lớn. Đại chiến Gia Quan – Ha Hộ, đại chiến Tam Dị – Trụ Hữu và trận chiến sông Thọ Xương là ba chiến công đầu tiên được vẽ trong bộ tranh Bình định An Nam chiến đồ của nhà Thanh.
Ngày 15 tháng Mười, Tôn Sĩ Nghị kéo quân đến phía bắc sông Thị Cầu. Đón ông ta là danh tướng Tây Sơn – Nội Hầu tướng quân Lân Ngọc hầu Phan Văn Lân. Trận chiến sắp tới sẽ khiến Tôn Sĩ Nghị phải kinh hồn.
Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?