Vậy điều gì đã khiến Phù Nam diệt vong?
Đế chế nổi lên và tàn lụi, đó là quy luật lịch sử. La Mã dù có tồn tại đến 1500 năm, nó vẫn chấm dứt trong tay người Thổ. Sử sách cho rằng chính người Khmer đã chấm dứt Phù Nam. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu địa chất môi trường cổ Liêu Kim Sanh đã nêu một giả thiết chấn động. Nền văn minh này có lẽ đã bị một cơn “đại hồng thuỷ” tiêu diệt. Không phải là cơn hồng thuỷ kiểu như Noah đã gặp trong Kinh Thánh, mà là một đợt biển tiến lấn vào đồng bằng sông Cửu Long. Dù nguyên nhân là gì đi nữa, chắc chắn Phù Nam đã suy yếu nghiêm trọng và người Chân Lạp đã nổi lên để trở thành chủ nhân vùng đất này.
Chân Lạp sau đó lại chia ra làm Lục Chân Lạp và Thuỷ Chân Lạp gồm nhiều tiểu quốc nhỏ, đánh chiếm lẫn nhau suốt hàng thế kỷ. Họ không có một chính quyền trung ương vững mạnh. Điều đó chấm dứt khi Jayavarman 2 quyết tâm đánh dẹp để quy giang sơn về một mối, tạo nên đế chế Khmer.
Nếu Phù Nam mang màu sắc thần bí của Atlantis, thì Khmer mang màu sắc kỳ vĩ của Ai Cập. Lịch sử Khmer dài, nhưng tựu trung có ba vị vua nổi bật nhất:
Jayavarman 2: vị vua khai quốc.
Suryavarman 2: vị vua chiến thần, người xây dựng Angkor Wat.
Jayavarman 7: vị vua chinh phạt Champa, người xây dựng Angkor Thom.
Từ năm 802, Jayavarman 2 tuyên bố độc lập khỏi sự khống chế của triều đình Java. Người Khmer tạo nên một trong những đế quốc lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đế chế Khmer trải rộng hơn 1 triệu cây số vuông, gấp đôi nước Pháp, gấp ba nước Đức và Việt Nam, gấp năm nước Anh hiện tại.
Sự giàu có của Khmer đến từ các nguồn của cải dồi dào nhờ thương mại. Đế chế sản xuất lúa gạo để nuôi Đông Nam Á. Đến 80% dân Khmer tham gia sản xuất hoặc trao đổi lúa gạo. Từ đây, thời hoàng kim của Khmer bắt đầu.