Thăng Long từ ngàn xưa đã là mảnh đất kinh kỳ tinh hoa hội tụ. Trong những buổi thái bình thịnh trị, dân cư ở nhiều vùng rời làng đến kinh thành lập nghiệp. Trên hành trình đó, họ mang theo bên mình những kỹ nghệ hàng trăm năm của cha ông. Những kỹ nghệ đó nhanh chóng bén rễ ở chốn kinh kỳ phồn hoa đô hội và hình thành nên Thăng Long 36 phố phường. Trong muôn vàn kỹ nghệ tinh hoa của đất Thăng Long xưa, nghề bạc ở phố Hàng là một trong kỹ nghệ truyền thống nổi bật nhất.
Nghề bạc nói riêng hay nghề kim khí nói chung ở nước ta không biết đã được hình thành từ lúc nào. Tuy vậy, việc chế tác luyện kim chế tác đồ đạt tinh xảo đã có từ rất lâu ở đất Việt. Những di vật sót lại của các thời kỳ như Đông Sơn, Bắc thuộc cho thấy rằng kỹ nghệ kim khí ở nước ta đã có lịch sử trên dưới 2000 năm.
Vùng Đại La từ trước thời tự chủ đã là trung tâm quan trọng của Giao Châu. Tại đây, những hoạt động kinh tế, chính trị, trao đổi diễn ra sôi động và thu hút nhiều thành phần dân cư khác nhau tụ hội. Nhu cầu về các sản phẩm tinh hoa phục vụ tầng lớp quyền quý theo đó cũng bắt đầu nở rộ. Nhiều làng nghề làm bạc, làm kim hoàn nước ta có thể đã được ươm mầm phát triển trong thời gian này.
Ví như nghề đậu bạc ở làng Định Công (Thanh Trì, Hà Nội), tương truyền được phát triển bởi ba anh em họ Trần thời Lý Nam Đế. Ba anh em đi chạy giặc nhà Lương, về sau cùng đi học nghề kim hoàn rồi về làng mở xưởng và truyền nghề cho dân chúng. Cuối cùng, họ được suy tôn làm tổ nghề ở làng Định Công.
Bước sang thời kỳ độc lập, nghề bạc nước ta tiếp tục có phát triển. Việc chế tác đồ dùng, trang sức cho quý tộc, cung đình dần trở nên phổ biến. Nhiều hiện vật tinh xảo thời Lý – Trần cho thấy một trình độ chế tác kim hoàn ở đẳng cấp cao của nghệ nhân đương thời.
Bên cạnh việc chế tác trang sức, đồ dùng, phụ kiện cho tầng lớp quý tộc thì việc đúc bạc lưu trữ trong quốc khố cũng đã bắt đầu xuất hiện. Dưới thời Hậu Lê, bạc lạng thường xuyên được sử dụng trong hoàng cung. Bên cạnh vai trò lưu trữ, chúng còn được để ban tặng cho các công thần.
Tương truyền, dưới thời Lê Thánh Tông, nhà vua đã lệnh cho Lại bộ thượng thư Lưu Xuân Tín mở trường đúc bạc ở kinh thành. Ông sau đó đã cho tuyển mộ nhân công ở quê nhà là làng Châu Khê (Cẩm Bình, Hải Dương) lên kinh thành làm việc. Ngoài đúc bạc, Lưu Xuân Tín còn dạy cho dân làng ở đây những kỹ nghệ kim hoàn, làm trang sức, đồ ngự dụng, đồ sinh hoạt,… Theo thời gian, kỹ nghệ của nhân công Châu Khê phát triển không thua kém gì Định Công.
Những cư dân làng Châu Khê chính là những người đặt nền móng cho sự hình thành phố Hàng Bạc ở Thăng Long. Danh tiếng vang xa nên về sau dân làng Định Công cũng di cư đến Thăng Long để lập nghiệp. Ngoài làng Định Công, còn có dân nghề bạc ở làng Đồng Sâm (Kiến Xương, Thái Bình) cũng lên kinh kỳ lập hội.
Nghề bạc ở Đồng Sâm tương truyền được tổ sư Nguyễn Kim Lâu. Theo đó, vào thời Minh thuộc, Nguyễn Kim Lâu rời làng lên châu Bảo Lạc, Cao Bằng học nghề vá nồi đồng rồi về dạy lại cho dân làng. Dân làng đời sau không ngừng cải tiến kỹ nghệ và xuất hiện nhiều thế hệ nghệ nhân xuất chúng. Cùng với những nghệ nhân làng Định Công và Châu Khê, họ về sau chính là những tinh hoa đã gây dựng nên con phố Hàng Bạc nức tiếng Thăng Long một thời.
Phố Hàng Bạc phát triển đến đỉnh cao trong giai đoạn thời Lê và thời Nguyễn. Nhìn thành phần dân cư như thợ thủ công, nho sĩ, thương nhân đã di cư về đây tụ hội quanh kinh kỳ. Những nghệ nhân nơi đây tinh thông nhiều kỹ thuật chế tác đỉnh cao như đậu bạc, đúc bạc, chạm bạc, chế tác trang sức,…Do trình độ tay nghề điêu luyện nên đây thường xuyên là nơi lui tới của tầng lớp tinh hoa, quyền quý. Đồng thời, không ít nghệ nhân được triều đình triệu vào cung làm việc.
Dưới thời Lê, phố Hàng Bạc cũng là nơi thường xuyên được các nhà buôn châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản lui tới để thu mua sản phẩm. Những hoạt động trao đổi buôn bán diễn ra sầm uất tại con phố này. Bên cạnh việc đúc bạc và chế tác đồ kim hoàn, William Dampier khi đến Thăng Long năm 1688 đã ghi nhận về hoạt động trao đổi tiền ở nơi đây. Theo đó, ông ta mô tả rằng những người phụ trách công việc đổi tiền thường là phụ nữ. Họ làm vào ban đêm và tốt không kém những nhà buôn “tinh khôn nhất London”.
Dưới thời Lê Cảnh Hưng, triều đình bắt đầu có những chính sách quản lý cụ thể đối với hoạt động buôn bán tại Thăng Long. Khái niệm Thăng Long 36 phố phường được ra đời trong thời gian này. Theo Đại Việt sử ký tục biên, vào năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748), triều đình “hạ lệnh chia bên trong kinh thành làm 36 khu, mỗi khu đặt một quan coi giữ việc tuần phòng, khám xét. Lại định phép ty tộc đoàn. Tiếp đó lại chia làm 9 điện, mỗi điện có 4 khu, mỗi khu đặt một viên chánh khu”. Phố Hàng Bạc thời điểm đó tọa lạc trong khu vực các phường Thái Cực, Đông Hà và Đông Các.
Sang thời Nguyễn, triều đình tiếp tục duy trì các chính sách quản lý đối với hoạt động kinh tế ở Thăng Long. Tại phố Hàng Bạc, dưới triều Gia Long, triều đình luôn duy trì một viên Ty quan phụ trách công tác thu gom bạc vụn ở địa phương. Số bạc vụn sau đó được trao lại cho các trường đúc trong phố, đúc thành bạc nén và vận chuyển về kinh đô.
Đến cuối thế kỷ 19, Hàng Bạc vẫn là một trong những con phố sầm uất nhất Hà Nội. Người Pháp gọi con phố này là Rue des Changeurs, tức “phố của những người đổi tiền”. Tuy vậy, theo sự biến động thăng trầm của đất nước. Kỹ nghệ thủ công phố Hàng Bạc dần mai một. Số lượng nghệ nhân lành nghề dần ít đi. Đồng thời, nhiều cơ sở làm bạc cũng bắt đầu mọc lên ở những khu vực khác của Hà Nội. Nghề bạc ở phố Hàng Bạc bước vào giai đoạn thoái trào.
Ngày nay, khi dạo bước trên Hàng Bạc, chúng ta vẫn bắt gặp một vài di sản còn sót lại của phố xưa như đình Kim Ngân hay những dãy nhà cổ nằm san sát nhau. Bên cạnh những góc tường cổ kính, các cơ sở chế tác vàng bạc trang sức hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Tuy vậy, số lượng lẫn phong cách chế tác các sản phẩm đã chuyển sang hình thức công nghiệp hiện đại với những khuôn mẫu sẵn có.
Hiện nay, những cơ sở lẫn nghệ nhân làm nghề truyền thống còn lại rất ít và hầu hết đều là những lao động cao niên. Còn trong thời kỳ đỉnh cao của mình, Hàng Bạc là nơi tập trung của tinh hoa nghề bạc Việt Nam. Tại đây, những nghệ nhân tinh thông đủ thể loại đồ tạo tác đồ trang sức như nhẫn, khuyên tai, vòng xuyến, vòng bạc, các thể loại đồ chạm và đậu vàng, bạc. Hình thái hoa văn trí rất đa dạng, từ Tứ linh, Bát vật cho đến Lưỡng long chầu nguyệt. Hay như các loại đồ án phổ biến khác như lan, trúc, cúc, mai, Bát quả và Bát bửu. Và hơn hết tất cả đều là sản phẩm thủ công mang tính chất là độc bản. Tiếc rằng cảnh nay giờ đã khác xưa!
Nghề bạc đất Thăng Long hiện nay đã không còn như trước nhưng vẫn còn đó những bóng người lặng lẽ tiếp tục trao truyền tinh hoa của cha ông đến thế hệ sau. Tại phố Hàng Bạc hay các làng Châu Khê, Định Công và Đồng Sâm, những lớp nghệ nhân mới đang dần dần lộ diện. Họ là những con người trẻ, nhiệt huyết và nhiều hoài bão tiếp nối di sản của tổ tiên.
Có lẽ, đến một thời điểm thích hợp nào đó, những con người này một lần nữa sẽ tụ hội với nhau và gây dựng lại một phố Hàng Bạc lừng danh như cái cách tổ tiên họ từng làm. Hay chí ít thì đó cũng là một nền kỹ nghệ làm bạc tinh hoa “vang bóng một thời” của người Việt đất Thăng Long xưa.