Cái chết và sự sống sau cái chết trong quan điểm của người Việt

Tác giả Tường Vân
Cái chết và sự sống sau cái chết trong quan điểm của người Việt

Thế giới, trong quan điểm siêu hình của phương Tây thời hiện đại, được vận hành bởi xung năng sống (life drive) và xung năng chết (death drive). Hai xung năng này không đối lập nhau mà kết hợp hài hòa trong cùng một hữu thể (organism). 

Xét một mặt nào đó, có thể coi sự sống và cái chết như cặp song sinh không thể tách rời, song chúng lại liên tục kháng cự sự tồn tại của nhau dưới tác động của một lực mù quáng (a blind will), để đến cuối cùng cái chết sẽ thắng thế khi đưa hữu thể quay về trạng thái nguyên thủy của hư vô, như lời phán truyền trong Kinh Thánh: “Vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (Cựu ước, Sáng thế ký 3:19). 

Và rồi từ hư vô sẽ lại nảy sinh mầm sự sống. 

Bởi thế giới khi được nhìn theo vòng lặp quy hồi này không bao giờ có điểm chung cục, nên trong mọi dạng thức niềm tin của con người, từ những nghi lễ dân gian cổ xưa cho tới thực hành tôn giáo còn truyền lại tới ngày nay, đều sẻ chia ý niệm về cái chết và sự sống sau cái chết. Đồng thời, cùng với sự sinh nở, cái chết được ý thức tập thể (collective consciousness) biến thành biểu tượng chung của cộng đồng mà từ đó con người dựng lên các thiết chế xã hội. Do đó, mối tương quan giữa cái chết với xã hội luôn mạnh mẽ hơn so với mối tương quan của nó với cá nhân cụ thể, được thể hiện thông qua những quy ước về tang chế mà một cộng đồng người phải tuân theo. 

Dựa trên mối tương quan này, người viết mong muốn diễn giải cái lý đằng sau ý niệm về cái chết và sự sống sau cái chết, cùng với tập tục để tang của người Việt. Tuy nhiên, xin độc giả lưu ý rằng phạm vi bài viết chỉ khảo cứu những quan niệm và nghi lễ tang ma của người dân tộc Kinh vùng đồng bằng Bắc Bộ, cụm từ “người Việt” được sử dụng trong bài là cách gọi ngắn gọn cho tập hợp nhóm người này.

Ý niệm về cái chết và sự sống sau cái chết của người Việt

Trong xã hội cổ sơ, cái chết trước hết là sự giảm thiểu số lượng người trong một nhóm, gây nên mối lo sợ cho tính bền vững của toàn cộng đồng. Sự bất toàn của kiếp sống, tính hư hoại của xác chết cũng đem lại cho tập thể người ấn tượng về sự nhơ bẩn, do đó hình thành quan điểm coi cái chết là điều xấu xa cần phải thanh tẩy. 

Xét xã hội Việt Nam dưới ảnh hưởng của nền văn hóa vu thuật (witchcraft culture) – ta thấy những lễ nghi mang tính chất thanh tẩy cái chết thường có sự trợ giúp của ma thuật. Yếu tố ma thuật trong ý niệm về cái chết và sự sống sau cái chết của người Việt không gì hơn ngoài cách giải thích có phần thô sơ về một thế giới siêu việt tồn tại bên cạnh thế giới thường ngày. 

Thế giới siêu việt đó không những miễn nhiễm với mọi tác động của không gian lẫn thời gian, mà còn có quyền năng tạo tác, chi phối mọi đổi thay nơi thế giới thường ngày. Với quyền phép lớn lao, người Việt tin rằng thế giới siêu việt kia chứa đựng nguồn năng lượng dồi dào mà thiếu đi nó, hữu thể không còn hoạt động, và gọi tên nguồn năng lượng đó là tinh (精).

Nếu như trong sự sinh nở, cái tinh được tỏ lộ, thì cái chết lại tước đoạt nó. Tuy vậy, cái tinh không bị rút khỏi thân xác người chết hoàn toàn, mà một phần của nó sẽ phóng chiếu ra xung quanh, có thể giáng họa hay ban phúc tùy vào hoàn cảnh. Niềm tin về sự còn lại của cái tinh cho thấy có sự chuyển tiếp từ cõi sống sang cõi chết trong nhãn quan người Việt, thay vì một biến đổi triệt để “sinh ra sinh, tử ra tử”. 

Trước khi tái sinh dưới một hình hài khác, cái tinh còn lại sẽ tồn tại dưới dạng sự sống có tính linh, tác động được đến thế giới thường ngày, ví như người chết báo mộng hay người chết nhập đồng để căn dặn, bày tỏ những điều chưa kịp nói. Thời hạn để cái tinh hoàn toàn biến đổi là khi xác thịt tiêu tan, trở thành bùn đất, như lời cầu nguyện chép trong sách Tam giáo chính độ thực lục(1)

Khi sống, hơi thở thổi sự sống vào xác; sau khi chết, hơi thở bay đi và cái xác trơ lại ở mặt đất. Xác trơ lại được các vía trông giữ, hơi thở bay đi nhưng vía vẫn lưu lại trong xương; mong sao chúng xuất đi! Hồn ngụ ở Đông hay ở Tây, trên trời hay dưới đất. Mong hồn quay trở về đây và nhập vào xác – Trên núi Ngọc Bàn có chín con rồng phun nước trong bóng tối sâu thẳm. Hồn sẽ đến đó để gột sạch uế nhơ, đặng xương được trắng ngần, rồi cưỡi lên một vầng mây và bay về trời”. 

Lý do phải chờ đợi sau khi thịt nát xương tan thì cái tinh mới được giải thoát nằm ở quan niệm cho rằng cái tinh chỉ có thể thâm nhập vào cõi thiêng khi vật chứa nó hoàn toàn không còn hình thù nào. Bởi nhục thân là ô trược, mỗi thần khí là thanh cao dễ dàng di chuyển nơi thượng giới. Hơn nữa, khi trạng thái sống chuyển sang trạng thái chết, cái tinh không kịp tìm vật chứa mới nên rơi vào tình cảnh bơ vơ, cần có sự bảo vệ của người sống qua nghi lễ thanh tẩy để tránh khỏi sự đe dọa, quấy nhiễu của những âm hồn tà ác. Nếu tang lễ không được cử hành thận trọng, những âm hồn đó sẽ không cho cái tinh của người chết được yên ổn về nơi siêu thoát hoặc đem lại hiểm họa cho chính gia đình người chết.

Cần lưu ý rằng, cái tinh dùng để chỉ năng lượng phổ quát tuôn trào nơi mọi sinh vật sống, còn đối với con người cụ thể, cái tinh sẽ được phân chia thành hồn (魂) và phách (魄). Trong quan niệm của người Việt, hồn phát sinh từ nguyên lý dương, gắn liền với năng lực tình cảm và lý trí, còn phách được tạo thành bởi nguyên lý âm, chủ trì các chức năng của thể xác. Sau quãng thời gian trung chuyển, phách sẽ lưu lại nơi thân thể cùng với đất sâu, còn hồn trở nên thiêng, được con cháu trong gia tộc phụng thờ. Tại đây, hành trình vẫn tiếp tục, con người sẽ sống tiếp một đời sống sau cái chết trong tưởng nhớ và lễ cúng giỗ hàng năm. 

Trừ những gia đình theo tôn giáo đặc thù, hầu như nhà nào ở Việt Nam cũng có bàn thờ tổ tiên là nơi đặt bài vị và dâng cúng đồ lễ cho những người đã khuất. Vị trí chủ tế trong gia đình thuộc về người con trai trưởng, nếu gia đình không có con trai, họ sẽ nhận người cháu trai thuộc thế hệ kế tiếp làm con nuôi để không làm đứt mạch khói hương. Như vậy, cuộc sống luôn tiếp diễn nhờ sự kế tục từ thế hệ này sang thế hệ khác, nối liền người sống với người chết, cõi âm với cõi dương, khiến cái chết chỉ là một sự gián đoạn tức thời. 

Bởi niềm tin sâu sắc ấy, tổ tiên đã khuất luôn song hành cùng con cháu trong những buồn vui thường nhật của gia tộc. Với quan điểm “sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, sống chết không hề đối lập nhau, nên người đã khuất luôn được đối xử như khi họ còn tại thế. Mọi dịp hiếu hỷ trong nhà, ông bà đều được thông báo; mọi ngày lễ lớn, bàn thờ ông bà không khi nào lạnh lẽo quạnh hiu. Đặc biệt trong tiết Thanh minh hay rằm tháng Bảy, các gia đình đều làm lễ cúng thật trọng thể, nhân đó hội họp anh em trong không khí đầm ấm, thắt chặt tình thân sơ.

Tang chế trong xã hội Việt Nam

Dầu cho các nghi thức đã giản tiện hơn so với trước đây, đám hiếu vẫn là một sự kiện xã hội quan trọng, bởi nó khởi sinh từ ý niệm về cái chết và cuộc sống sau cái chết của người Việt. Cũng giống như những suy tư trừu tượng về cái chết như đã nói ở trên, nghi thức tang ma của người Việt ẩn chứa nhiều yếu tố ma thuật. 

Ở đây, ma thuật không nên được hiểu là những thực hành mê tín dị đoan gây hại cho người khác. Thực tế, ma thuật tồn tại trong mọi sinh hoạt của con người, từ những thói kiêng khem (kiêng quét nhà đầu năm, kiêng xuất hành ngày xấu,…) cho đến những hèm tục trong lễ tết, hội hè – mà thông thường ta đồng nhất chúng với bản sắc văn hóa. Sự phổ biến của ma thuật trong đời sống gắn liền với nhu cầu được sống an toàn của con người trong một thế giới nhiều bất trắc, đồng thời ma thuật cũng là một trong nhiều cách giúp con người tiếp xúc với cõi linh thiêng.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Do đó, những nghi lễ liên quan tới người chết đều được người Việt tiến hành trong bầu không khí cẩn mật và nghiêm trang, với những kiêng kỵ, những thủ tục phải tuân theo. 

Đầu tiên, khi mới mất, thi hài sẽ được tắm rửa sạch sẽ bằng nước thảo mộc, được thay quần áo mới và được người nhà làm nghi thức ngậm hàm: Lấy đũa tách miệng, bỏ vào đó gạo sống cùng ba đồng tiền. Bên cạnh nơi giường nằm của thi hài luôn bày các món nóng theo đúng giờ ăn như khi còn sống, nhang không khi nào tắt để thanh tẩy không khí xung quanh. Để tránh ảnh hưởng xấu tỏa ra từ xác, nước thơm lau rửa phải được đổ ở một nơi riêng, những tấm vải dùng để lau chùi cũng phải chôn thật xa và quanh nhà phải kẻ những vạch vôi nhằm ngừa khí độc lan sang hàng xóm. 

Trước khi nhập quan phải chiêu hồn. Bởi trong giai đoạn chuyển tiếp giữa sống và chết, hồn vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi thân xác nên ở trong tình thế lạc lõng, bấp bênh. Người sống phải đảm bảo giúp cho hồn về đúng với xác như một nơi trú ngụ tạm thời, rồi hướng dẫn hồn nhập vào một vật thể bên ngoài để khiến cho quá trình chuyển tiếp diễn ra dứt khoát. Ở một số nơi, con cháu trong nhà sẽ cầm áo mới thay của người chết, leo lên mái nhà hú hồn ba tiếng rồi lấy áo đó phủ lên xác. 

Tuy nhiên, nghi thức này ít phổ biến hơn nghi thức phục hồn. Theo đó, người nhà sẽ lập bàn thờ cho thần bản mệnh của người chết, đặt đồ cúng và mời thầy pháp hoặc nhà sư làm lễ. Sau khi thầy pháp khấn mời thần bản mệnh tới để trợ giúp hồn, người nhà sẽ mời hồn nhập vào cây hoa phan(2) bằng cách khấn ba lần, mỗi lần khấn xong sẽ lần lượt thắt buộc từng dải vải. Xong xuôi, cây hoa phan sẽ được đặt cùng thi hài vào trong quan tài. Nghi thức phục hồn này áp dụng cho trẻ nhỏ hoặc những người không hưởng thờ cúng của gia đình, do đó mà cây hoa phan giữ hồn được chôn theo xác.

Chiêu hồn và nhập quan (nguồn internet)

Còn những người chết được nhang khói theo tục thờ tổ tiên, nghi lễ hồn bạch được tiến hành cho họ. Khi có dấu hiệu hấp hối, người nhà sẽ đặt lên ngực người sắp chết một dải lụa trắng thắt hình người. Người ta tin tưởng rằng khi người chết trút hơi thở cuối cùng, hồn sẽ theo đó mà nhập vào dải lụa bởi sự tương đồng giữa nó và thân xác. Sau khi gọi hồn nhập vào, dải lụa sẽ được đặt lên linh sàng, được cúng viếng và dâng đồ lễ như cho người sống. Khi tiến hành tang lễ, hồn bạch được đặt trên linh xa, đỡ lấy bài vị mà sau này sẽ là nơi hồn trú ngụ. Lúc hồn hoàn toàn chuyển sang bài vị rồi, hồn bạch bị coi là uế tạp và sẽ được chôn ở một nơi vắng vẻ.

Thiết hồn bạch là một di vật dùng cho việc thờ cúng của người Việt.

Giờ hãy quay lại với nghi lễ nhập quan. Người chết sẽ được liệm bằng những mảnh vải kích cỡ khác nhau: Vải một khổ dọc, năm khổ ngang gọi là đại liệm; vải một khổ dọc, ba khổ ngang gọi là tiểu liệm, rồi được con cháu đặt vào quan tài. Nơi đáy quan tài vẽ chòm Bắc Đẩu thất tinh, lại dán thêm bùa chú khắp thành và nắp áo quan. Xung quanh thi hài người ta chèn quần áo, cỗ bài tổ tôm, quyển lịch Tàu hoặc lịch ta bởi trên đó có nhiều hình vẽ có tác dụng trừ ma đuổi quỷ. Nhập quan xong, người ta sẽ quàn xác trong nhà thêm nhiều ngày nữa, có ý chờ da thịt tan rữa, chỉ còn lại xương cốt, để hồn dần dần được trở nên thanh khiết. Tuy nhiên, vì lý do vệ sinh nên ngày nay gia quyến chỉ làm cho có lệ mà thôi, chứ không quàn xác quá lâu như trước. 

Trước ngày cất đám, người nhà làm lễ chuyển cữu, tức là chuyển quan tài sang chầu tổ miếu, tới ngày thì họ hàng và người thân quen tới chia buồn và đưa đám. Trên đường rước quan tài tới nơi hạ huyệt, phải thanh tẩy cả quãng đường đó bằng cách làm lễ cúng cô hồn vào đêm trước, mong cho những linh hồn lang thang sẽ yểm trợ, không quấy phá để đám tang được diễn ra suôn sẻ; đồng thời rắc vàng thoi tiền giấy khắp nơi. Suốt quãng đường về nơi an nghỉ cuối cùng, người chết nằm dưới sự bảo hộ của thần kiệu, tức là vị thần của xe nhà đòn, tránh bị các tà linh xâm phạm.

Chuẩn bị khâm liệm
Đưa tang

Khi tới nơi hạ huyệt, người nhà làm lễ tế thổ thần tại đó. Nếu có thầy pháp thì thầy sẽ dùng gậy vạch các đường nét xuống đáy huyệt để trấn trị tà ma, còn nếu có cái sư vãi thì mỗi người sẽ cầm một bó hương đi quanh mộ, tụng kinh niệm Phật rồi ném đất xuống huyệt. Trong ba ngày sau khi chôn, mỗi ngày con cháu đem đồ lễ ra viếng, rồi mới sửa sang lại mộ phần và làm lễ bế mộ. Kể từ đây, xác chết được mồ yên mả đẹp và phải tới ba năm sau người nhà mới làm lễ cải táng, chính thức cho thân xác được về chốn vĩnh hằng. 

Đó là về phần xác, còn hồn sẽ phải trải qua một quá trình riêng trước khi đoàn tụ cùng các bậc tiên tổ. Sau lễ an táng, trong vòng ba ngày, người ta tổ chức lễ tế ngu(3): Ngày đầu tiên gọi là sơ ngu, ngày thứ hai gọi là tái ngu với các nghi lễ được cử hành vào ngày chẵn, và ngày thứ ba là tam ngu, các nghi lễ diễn ra vào ngày lẻ. 

Do lễ tế ngu được cử hành trọng thể với nhiều nghi thức nên những gia đình không có điều kiện sẽ bỏ qua lễ này, chỉ tiếp người quen và họ hàng tới phúng viếng. Lý do cần phải làm lễ liên tục trong ba ngày là để trấn an hồn trước cảnh bơ vơ lạc lõng khi mất đi vật chứa là thân xác, khiến hồn được yên thỏa, như sách Thọ Mai gia lễ(4) viết: 

Khi cha mẹ mất đi, xác thịt đã chôn dưới đất, còn hồn phách bâng khuâng chưa nương tựa vào đâu nên con cháu tế ba tuần ngự tế này để cầu an hồn phách cha mẹ”.

Sau lễ tế ngu, gia quyến sẽ cúng tế mỗi tuần một lần. Vào cuối giai đoạn này sẽ có hai lễ tế lớn là lễ trùng thất (lễ bốn mươi chín ngày) và lễ bách nhật (lễ một trăm ngày). Lễ bách nhật đánh dấu sự hoàn tất trong giai đoạn chuyển tiếp của hồn, từ nay hồn sẽ chính thức gia nhập thế giới bên kia, con cháu sẽ ngừng than khóc và thôi cúng tế thường xuyên như trước. Ngay ngày tiếp theo lễ cúng trăm ngày, người nhà sẽ làm tiếp một lễ nữa để trình diện hồn trước vong linh ông bà tổ tiên. Tuy vậy, hồn lúc này vẫn chưa chính thức được thờ cúng như một bậc tiên tổ bởi vẫn chưa trở nên thanh khiết hoàn toàn. Chỉ sau hai mươi bảy tháng kế tiếp (khoảng ba năm), con cháu mới chuyển bài vị từ bên ngoài vào phòng thờ để làm lễ chu đáo. 

Theo nguyên tắc thờ cúng bốn đời, khi chuyển bài vị mới lên gian thờ tổ, bài vị của ông bà đời thứ năm sẽ được lấy ra và chôn cất ngay bên mộ phần của họ. Chính thức từ khi làm lễ chuyển bài vị, hồn mới được thanh tẩy hoàn toàn và trở thành một phần của gia tộc, sẽ chung vui, chia buồn, phù hộ và trợ giúp những thế hệ kế tiếp, khiến cho sợi dây gia đình mãi được bền chặt.

Kết luận

Có thể thấy rằng, ý niệm về cái chết và sự sống sau cái chết của người Việt – dẫu phức tạp và có phần rắc rối khi bàn về những yếu tố như cái tinh hay hồn phách khi muốn diễn giải thế giới siêu hình – thể hiện niềm tin mãnh liệt vào vòng quay đời đời của sự sống. “Thác là thể phách, còn là tinh anh” (Truyện Kiều), bởi vậy nên xác thịt chỉ là thứ nơi cõi tạm, sinh đấy rồi cũng diệt ngay đấy, còn tinh anh của người mới là thứ tồn tại vĩnh viễn như trời đất kia. Bởi vậy nên trong suốt quá trình chuyển tiếp của hồn từ nơi trần thế tới chốn linh thiêng đều phải có sự trấn an và hướng dẫn của người sống, đảm bảo cho hồn không bị bỏ lại bơ vơ hay bị làm hại. 

Nhìn rộng ra, sự bảo trợ của cháu con qua những thực hành nghi lễ tang ma sẽ đổi lấy sự phù hộ lâu dài của hồn khi chính thức an nghỉ nơi thờ cúng gia tiên. Sâu xa hơn, chính ý niệm về cái chết và sự sống tiếp diễn sau cái chết đã hình thành nên tục thờ cúng tổ tiên, duy trì mối dây huyết mạch và cố kết sức mạnh cộng đồng người Việt.

Ghi chú:

(1) Sách ghi chép lại các nghi thức tổ chức tang lễ của ba tôn giáo: Nho, Đạo, Lão

(2) Là cây cờ hiệu bằng vải, gồm ba dải, được treo ở đầu cây tre.

(3) Hay còn gọi là lễ tế yên

(4) Là sách lễ do ông Hồ Sỹ Tân (1690 – 1760), hiệu Thọ Mai, người Nghệ An soạn dựa trên sách Chu Công gia lễ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, 1995.

[2]. Paul Giran, Phù thuật và tín ngưỡng An Nam, bản dịch của Hiệu Constant, NXB. Thế giới, 2021.

[3]. Arthur Schopenhauer, Siêu hình tình yêu, siêu hình sự chết, bản dịch của Hoàng Thiên Nguyễn, NXB. Văn học, 2016.

[4]. Joanne Faulkner, Freud’s Concept of the Death Drive and its Relation to the Superego,  Minerva – An Internet Journal of Philosophy Vol. 9, 2005.

[5]. Đỗ Thị Thu Hà, “Cái đó có nên được coi là đối tượng của nghiên cứu khoa học”: Định kiến và diện mạo của ma thuật trong nghiên cứu ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 2 (194), 2020.

Share