Chuyện các Bà Chúa nội phủ nhà Trịnh – Kỳ 1: Bà Chúa Me Vũ Thị Ngọc Huyên

Tác giả Tường Vân
Chuyện các Bà Chúa nội phủ nhà Trịnh – Kỳ 1: Bà Chúa Me Vũ Thị Ngọc Huyên

Xưa nay, chuyện hậu cung luôn là đề tài hấp dẫn hơn cả, bởi cuộc sống chốn lầu quỳnh điện ngọc dường như cách xa hồng trần cả ngàn dặm, đem đến biết bao đồn đoán, ngưỡng mộ cùng ganh ghét đố kỵ trong con mắt người đời. Trái với quan điểm phổ biến cho rằng chuyện “thâm cung bí sử” không đáng để nhắc tới, thực chất qua một vài chi tiết nhỏ trong sách sử, nếp sinh hoạt chốn cung đình hiện lên sinh động hơn bao giờ hết, cho ta thấy lịch sử đâu chỉ có những chiến công oai hùng. Lịch sử còn là của con người, là những câu chuyện rất đỗi con người.

Thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, bởi nhiều nguyên do khác nhau mà các tài liệu về đời sống nội phủ nhà Trịnh không thật phong phú, chủ yếu chỉ có Trịnh gia chính phả, Trịnh gia thế phả, Trịnh thị thế gia, cuốn Thượng kinh ký sự của Hải Thượng Lãn Ông, truyện Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh thuộc tập Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, vài chương trong bộ sử Khâm định Việt sử Thông giám cương mục đời Nguyễn cùng một số nghiên cứu khác ghi chép lại. 

Điểm nổi bật cần lưu ý ở đây là tuy nhà Trịnh nắm thực quyền, song trên danh nghĩa vẫn là thần tử nhà Lê nên hậu cung nhà chúa luôn nhún nhường một bậc. Chế độ nội cung thời Hậu Lê đặt ra ba thứ bậc gồm Tam phi (三妃), Cửu tần ((九嬪) và Lục chức (六職), nội phủ nhà Trịnh về cơ bản đều phỏng theo, nhưng đương thời chỉ cho các bà mệnh phụ đứng vào hàng Cửu tần và Lục chức, tới lúc mất mới chiếu theo tôn ty địa vị mà phong làm phi.

Do đó mà phủ chúa Trịnh phần nào ít câu nệ, bớt khép kín hơn so với cung vua Lê, đồng thời tính cách của các bà chúa nhà Trịnh bộc lộ rõ hơn với sự quyết đoán và sắc sảo hơn người, kể từ Bà Chúa Me – vương phi chúa Trịnh Cương, tới Đức Bà Vàng – chính phi của chúa Trịnh Doanh, cho tới Bà Chúa Chè Đặng Thị Huệ vang danh một thời.

Mây che gót ngọc

Theo cuốn Trịnh gia chính phả soạn bởi Trịnh Như Tấu thì Bà Chúa Me sinh năm Kỷ Tỵ, theo dương lịch là năm 1689, vốn có tên húy là Ngọc Nguyên hay Ngọc Mị. Bà vốn xuất thân từ gia tộc Vũ Tất danh giá tại làng Mi Thữ, huyện Đường Yên, trấn Hải Dương với người cha được phong tới tước Tuấn Trạch công. Tuy nhiên theo Phạm Đình Hổ thì bà chỉ là con nuôi nhà họ Vũ bởi duyên cớ lạ lùng:

Bà Võ Thái phi nguyên người làng Mi Thữ, huyện ta, tổ tiên trước là người Tử Dương, huyện Thượng Phúc. Cha đi ăn trộm, bị người làng đem giết đi. Khi ấy, bà mới ba bốn tuổi, mẹ xuống tỉnh Hải Dương làm thợ cấy thuê ở nhà Võ công làng Mi Thữ. Võ công một hôm ra ngoài ruộng, bấy giờ mùa hè đương nắng, phi theo mẹ đứng trên bờ ruộng, hễ đứng chỗ nào thì có đám mây theo che rợp đất, không sai bước nào. Võ công lấy làm lạ, bảo người mẹ cho phi làm con gái nuôi. Được ít lâu, người mẹ đi làm thuê nơi khác và chết, phi mới đổi theo họ Võ (...) Bấy giờ, họ hàng bà ở làng Tử Dương không còn ai cả, nên mới nhận họ Võ ở làng Mi Thữ làm quốc thích

Phạm Đình Hổ - Vũ trung tùy bút

Phạm Đình Hổ là người cùng huyện Đường Yên với bà chúa, lại sống về thời chúa Trịnh Sâm không cách đó bao xa, vả lại xưa kia trong dân gian việc nhận họ với gia tộc lớn không hề hiếm lạ, nên câu chuyện này có thể có tính xác thực cao.

Tới năm mười tám đôi mươi, Bà Chúa Me tiến cung, theo hầu Thế tử Trịnh Cương. Khi Thế tử lên ngôi chúa, bà được phong vào hàng Cửu tần, sinh cho chúa ba con gồm hai trai, một gái, về sau lần lượt là chúa Trịnh Giang, chúa Trịnh Doanh và quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cư. Khi chúa Trịnh Cương băng hà, Thế tử Trịnh Giang thuận lợi kế nghiệp, song bởi bản tính “ươn hèn, không gánh vác nổi ngôi chúa” của ông mà hai lần Bà Chúa phải ra tay cứu vãn cơ đồ dòng họ. 

Cũng toan gánh vác sơn hà

Như lời nhận xét chẳng sai, chúa Trịnh Giang lên ngôi ngoài những cải cách nhỏ trong những năm đầu, càng về sau chúa càng trễ nải việc chính sự, lại bộc lộ nhiều nết xấu như càn rỡ, chi tiêu vô độ, hoang dâm,.. Đặc biệt chúa lại khinh nhờn tôn ty trật tự đến nỗi có quan hệ bất chính với một bà thiếp yêu họ Đặng của chúa Trịnh Cương khi trước. Chuyện tới tai bà Thái phi, bà liền bức ép bà thiếp đó phải tự tử. Xét theo bối cảnh thời đó, hành động của Bà Chúa chỉ đơn giản là “giải quyết tận gốc” một vấn đề, gián tiếp bảo vệ con trai, song bà không ngờ rằng chính sự cực đoan tàn nhẫn ấy lại di họa về sau. 

Ảnh minh hoạ Trịnh Giang - Nguồn: Internet

Trước cái chết có phần oan trái của bà thiếp họ Đặng, cộng thêm một lần không may bị sét đánh gần chết, chúa Trịnh Giang sinh bệnh kinh quý, nghe theo đám hoạn quan trong cung mà xây cung Thưởng Trì dưới lòng đất, ở hẳn trong đó không màng tới việc triều chính, phó mặc cả cho em trai là Trịnh Doanh. Tình hình Bắc Hà trở nên hỗn loạn: sưu thuế nặng nề, phu dịch khổ ải, mất mùa đói kém xảy ra liên tiếp mà nhà chúa thì ăn chơi hưởng lạc, nên binh biến nổ ra khắp nơi, sau tàn dư còn kéo dài dai dẳng tới tận cuối đời chúa Trịnh Sâm. 

Lúc bấy giờ, vương đệ Trịnh Doanh tuổi đã trưởng thành, lại “sáng suốt, có tài văn võ, từ khi mở phủ Lượng Quốc, tạm giữ chính quyền, được lòng người gắn bó đã lâu”, nên là ứng cử viên tiềm năng cho ngôi chúa thay anh trai. Song một phần vì e vượt thói cương thường, một phần vì hoạn quan Hoàng Công Phụ quá lộng hành, lạm đến cả quyền của Thái úy Ân quốc công – tước vị của Trịnh Doanh – nên Doanh chưa thật quả quyết.

Phải mãi tới khi Bà Chúa Me chính thức can dự, cho triệu quan bồi tụng Nguyễn Quý Cảnh vào phủ, dụ rằng ông phải khuyên Trịnh Doanh thay Trịnh Giang để giữ lấy ngai chúa, thì lúc ấy kế hoạch đảo chính mới được thực hiện. Sẵn có lực lượng hương binh trong tay, Nguyễn Quý Cảnh đánh dẹp phe phái chống đối, chủ yếu là đám hoạn quan bên cung Thưởng Trì, kết thêm đồng minh với các thế lực trong nội phủ, lại thuyết phục được vua Lê dụ bảo Trịnh Doanh hai, ba lần để Doanh không còn cớ nào từ chối. Như vậy đã đủ danh chính ngôn thuận để tôn Trịnh Doanh lên ngôi chúa, xưng làm Minh Đô vương, tôn anh trai làm Thái Thượng vương, từ đây nhà Trịnh đổi ngôi quốc chính. 

Chân dung Nguyễn Quý Cảnh

Lần thứ hai Bà Chúa Me “cũng toan gánh vác sơn hà” là dưới triều Trịnh Doanh, khi chúa phải thân chinh đi dẹp loạn. Thái phi ở lại nội cung, sắp xếp việc triều chính đâu ra đấy: “điều khiển bọn Trịnh Đạc chiểu theo địa giới giữ bốn cửa thành, lại phân phối sai quan văn là bọn Phạm Kinh Vĩ, Nguyễn Bá Quýnh đem hết dân cư ngoài thành ra bến sông bố trí hàng ngũ, để làm nghi binh (…) kinh sư vẫn được yên ổn”.

Chỉ vài dòng ghi chép vắn tắt trong sách sử cũng đủ cho ta hình dung một người phụ nữ uy quyền bậc nhất nội phủ họ Trịnh thời bấy giờ. Riêng việc đổi ngôi quốc chính lại càng phi thường hơn nữa, bởi tuy sinh thời chúa Trịnh Cương đã có ý thay Thế tử, song Trịnh Doanh không phải lựa chọn hàng đầu bởi tuổi còn nhỏ lại chỉ đứng hàng thứ tư theo thứ tự sinh, sau hai vị quận công Trịnh Đang và Trịnh Trang. 

Sự kiện chúa Trịnh Giang nối ngôi làm hỏng chính sự vừa là nguy biến lại vừa là cơ hội cho Bà Chúa Me giành lấy ngai vương cho con mình thêm một lần nữa. Nhưng bà cũng là bậc nữ lưu hiếm có khi chứng tỏ mình có tài quán xuyến nội cung, trợ giúp con trai mình trong những ngày đầu nắm giữ quyền bính, đến sử gia triều Nguyễn vốn không mấy thiện cảm với nhà Trịnh cũng phải khen rằng:

Vũ thị cũng là một người anh kiệt trong phái phụ nữ, cho nên mới có thể mấy lần định được kế mưu lớn

Quốc sử quán triều Nguyễn - Khâm định Việt sử thông giám cương mục

Thói thường “một người làm quan cả họ được nhờ”, huống gì một bà chúa làm vinh hiển đến cả một gia tộc! Vẫn theo Phạm Đình Hổ, “em nghĩa đệ là Bính Trung lại có công phù lập nhà chúa, tước vị đến cửu phẩm. Con cháu họ hàng làm càn, bắt dân đi phu lấy đá về làm nhà từ đường. Tất cả bốn phủ thuộc tỉnh Hải Dương phải đi cung cấp phu dịch khiêng vác (…) ba huyện ở phủ Thượng Hồng phải chịu phu dịch rất nặng, dân không thể kham được

Sự kiêu căng cậy thế ấy tất dẫn đến nổi loạn, và cái loạn xảy ra năm Canh Thân – Tân Dậu (1740 – 1741) khiến “tỉnh Hải Dương ta chịu hại binh đao đến mười tám năm, ruộng đất hầu thành rừng rậm (…) Những người dân sống sót phải đi bóc vỏ cây, bắt chuột đồng mà ăn. Mỗi một mẫu ruộng chỉ bán được một cái bánh nướng”. 

Tuy công trạng Bà Chúa Me đối với họ Trịnh có thể kể là lớn vậy, song bà đã vô tình góp phần gieo mầm họa trong dân gian, ấy là những cuộc nổi dậy không dứt sẽ còn tiếp diễn tới khi nhà Trịnh sụp đổ hoàn toàn. 

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Designer Trần Văn Hậu

Chia sẻ câu chuyện này
Share