Dấu xưa – Kỳ 1: Trăm năm cầu Nhật Bản

Tác giả Wong Trần
Dấu xưa – Kỳ 1: Trăm năm cầu Nhật Bản

Đường chùa Cầu mưa buồn giăng ngập lối
Rừng thông xanh mưa thấm ướt bờ môi

Người Nhật trên đất Hoài Phố (Faifo)

Ngày nay, trong túi mỗi người ít nhiều đều có hình ảnh một chiếc cầu màu xanh dương. Chiếc cầu không dài, bắc qua một con sông nhỏ, trên cầu có dựng lầu. Đó là biểu tượng của thành phố Hội An.

Vào thời chúa Nguyễn, Hội An là một thương cảng quốc tế của xứ Đàng Trong. Người phương Tây gọi nó là Faifo. Năm 1651, Alexandre de Rhodes nói rằng tên tiếng Việt của nó là hŏài phô và người Nhật gọi là Faifo. Ô Châu cận lục của Dương Văn An thời nhà Mạc đã có ghi tên làng Hoài Phố 淮浦 thuộc huyện Điện Bàn. Nhiều nhà nghiên cứu nói rằng vào khoảng thế kỷ 16, nơi này đã được thương nhân người Bồ ghé thăm và đã nhắc tới tên gọi Faifo.

Haifo (Hoài Phố) trên bản đồ của Alexandre de Rhodes và mục từ trong Từ điển Việt-Bồ-La

Đến khoảng năm 1621, giáo sĩ người Ý là Cristopho Borri đã tả Faifo là một thành phố lớn đến độ có thể tính là hai thành phố: một thành phố của người Tàumột thành phố của người Nhật. Mỗi phố đều có khu vực riêng, có người quản lý riêng và sống theo tập tục riêng. Người Tàu sống theo luật lệ và phong tục Tàu, người Nhật sống theo luật lệ và phong tục Nhật.

Cũng trong khoảng những năm 1620-1623, dòng họ Chaya ở tỉnh Owari của Nhật được cấp phép sang Đàng Trong buôn bán. Dòng họ này còn để lại một họa phẩm vẽ cảnh con tàu của họ rời Nhật Bản đi sang Đàng Trong. Bức họa được gọi là Giao Chỉ quốc độ hàng đồ quyển (người Việt thường gọi là Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ). Trên bức họa này còn vẽ lại khung cảnh khu phố Nhật (Nhật Bản đinh 日本町) và khu phố Tàu (Đường Nhân đinh 唐人町) tại Đàng Trong. 

Các nhà nghiên cứu hiện đại xác nhận rằng bức họa này vẽ cảnh Faifo. Trên tranh có ghi chú rõ rằng Nhật Bản đinh có hai dãy, dài hơn 3 đinh (khoảng 300 mét). Khu phố Nhật nhìn to lớn và khang trang hơn hẳn khu Đường Nhân, vốn chỉ là những dãy nhà tạm lợp lá.

Nhật Bản đinh ở phía Bắc sông và Đường Nhân đinh ở phía Nam sông

Theo bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật dựng năm 1640 ở động Hoa Nghiêm núi Non Nước, có 7 cá nhân người Nhật và 6 cặp vợ chồng người Nhật đã tham gia cúng dường. Địa chỉ của những người Nhật này phần lớn đều đề là Nhật Bản dinh 日本營. Ngoại lệ có một cặp vợ chồng họ Nguyễn ghi Tùng Bản dinh 從本營 và 3 người ghi Nhật Bản quốc (trong đó có 1 người thuộc họ Chaya). Các nhà nghiên cứu cho rằng Nhật Bản dinh và Tùng Bản dinh là định danh các khu vực cư trú của người Nhật tại Faifo. Tùng Bản là tên hiệu của thương nhân Shichirobei – một người có thế lực ở Faifo. Ông này từng xây dựng một ngôi chùa ở Faifo đặt tên là Tùng Bản tự. 

Phiên bản phố Nhật trong Giao Chỉ quốc độ hàng đồ quyển. Lưu trữ của Bảo tàng Kyushu

Thời điểm này, hoạt động của người Nhật gặp nhiều khó khăn do chính sách hải cấm mà Mạc phủ Tokugawa ban hành từ năm 1633-1639. Người Nhật bị cấm vượt biển ra nước ngoài buôn bán. Mặc dù thương nhân Nhật vẫn tìm cách bám trụ và kinh doanh tại Faifo, số lượng người Nhật suy giảm theo thời gian. 

Đến năm 1695, Thomas Bowyer ghi nhận ở Faifo chỉ còn 4-5 gia đình người Nhật. Cùng năm này, Thích Đại Sán thấy Hội An phần lớn thuộc về thương nhân người Phúc Kiến. Các gia đình người Nhật cuối cùng rời Hội An về nước vào khoảng giữa thế kỷ 18. Dù đã rời đi, người Nhật vẫn lưu lại dấu ấn của mình qua một số công trình kiến trúc trong khu vực. Nổi bật nhất trong số các kiến trúc đó là chiếc cầu bắc qua khe Ồ Ồ, mà ngày nay ta gọi là Chùa Cầu.

Từ cầu Hội An đến cầu Lai Viễn

Ngày nay chúng ta không còn ghi chép cổ xưa nào về thời điểm xây dựng Chùa Cầu. Quảng Nam xã chí biên soạn khoảng 1943 – 1944 dựa vào cặp tượng chó và khỉ thờ ở hai đầu cầu để cho rằng chùa được lập từ năm Giáp Thân đến năm Bính Tuất (1644-1646). Ngoài ra, trong Minh Hương tam bảo vụ soạn năm 1972, Trương Đình Hoanh nói rằng cầu được dựng vào năm 1653. Nhưng cũng có người cho rằng đó chỉ là niên đại dựng thêm miếu thờ Bắc Đế ở phần bắc cầu mà thôi. Truyền thuyết địa phương nói rằng người Nhật đã dựng cầu này để trấn yểm con Cù – một loài rồng ẩn nơi các cù lao. Mỗi khi chúng quẫy động sẽ tạo ra động đất cho nước Nhật Bản.

Giáo sĩ Bénigne Vachet ở Đàng Trong những năm 1673 – 1683 có kể chuyện về một ông thầy bói mù Đàng Trong đã kiện tụng với một anh lính. Vachet nói rằng các thầy bói mù Đàng Trong “thường ngồi ở mấy chiếc cầu có mái che để kiếm ăn”. Học giả L. Cadière nói rằng câu chuyện của Vachet diễn ra ở chiếc cầu mái che tại Faifo, mà tại Faifo chỉ có cây cầu mái che duy nhất là “cầu của người Nhật Bản”. Chi tiết này cho thấy chí ít đến năm 1683 thì cầu này đã xuất hiện.

Cầu Hội An và phố Hội An trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư. Bản Hồng Đức bản đồ (trái) và Nam Việt bản đồ (phải)

Người đầu tiên ghi lại tên gọi của cây cầu là một gián điệp Đàng Ngoài. Đỗ Bá Công Đạo – người có đam mê vẽ bản đồ đất nước – đã tìm cách lẻn vào Đàng Trong để vẽ bản đồ phần lãnh thổ của chúa Nguyễn, rồi đem về trình cho chúa Trịnh. Chúa Trịnh đã sai Đỗ Bá Công Đạo soạn bộ bản đồ Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, đề năm 1686. Trong bản đồ có vẽ phố Hội Ancầu Hội An 會安橋.

Khoảng chừng chục năm sau, nhà sư Thích Đại Sán lại gọi tên nó là cầu Nhật Bản. Trong ký sự về chuyến đi Đàng Trong năm 1694-1695, ông viết:

Hội An là một mã đầu lớn, nơi tập hợp của thương khách các nước, thằng bờ sông một con đường dài 3-4 dặm, gọi là Đại Đường Cái, hai bên đường hàng phố liền nhau khít rịt, chủ phố thảy đều người Phúc Kiến, vẫn ăn mặc theo lối tiền triều (nhà Minh), phần đông phụ nữ coi việc mua bán, những khách trú ở đây hay cưới vợ bản xứ cho tiện việc thương mại, cuối đường là cầu Nhật Bản, tức Cẩm Phố, các bờ bên kia tức Trà Nhiêu, nơi đình bạc của các tàu ngoại quốc.

Thích Đại Sán - Hải ngoại kỷ sự

 Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu đi duyệt binh tại dinh Quảng Nam, “rồi đến phố Hội An, nhân thấy phía Tây phố có cầu là nơi thuyền buôn tụ họp, nên đặt tên là cầu Lai Viễn, viết chữ biển vàng ban cho”. Từ đó cầu Hội An, cầu Nhật Bản còn có tên là cầu Lai Viễn 來遠橋; có lẽ lấy ý từ câu nói trong Luận ngữ: “Hữu bằng tự viễn phương lai, diệc bất lạc hồ” (Có bạn bè từ phương xa đến, chẳng phải là vui đó sao). Đầu thời Gia Long, Đốc học dinh Quảng Đức là Đinh Tường Phủ (tức Đinh Phiên) nói Hội An “là đường lớn lưu thông bốn phương, trăm thứ hàng hóa chẳng đâu không từ xa kéo đến đây; vì thế cầu này có tên là Lai Viễn vậy”.

Biển đề Lai Viễn kiều do chúa Nguyễn Phúc Chu viết. Ảnh của Trung tâm Quản Lý Bảo Tồn Di Sản Văn Hóa Hội An

Cầu Nhật Bản: bao lần thay da đổi thịt

Lần trùng tu dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1763-1764)

Diện mạo cầu Lai Viễn được mô tả lại trong tờ trát của xã Minh Hương năm 1764:

“Nay bổn xã có Lai Viễn kiều là một nơi có tiếng hệ thuộc. Đức vua trước đã ngự đến ban đề khuê chương sáng rỡ ngày nay vẫn còn. Trong thì thờ Phật nơi để thần nương, ngoài thì bày phố tiệm nơi cho người sinh nghiệp”.

Tờ trát của xã Minh Hương năm 1764

Vào thời điểm đó, cầu đã xuống cấp. Năm 1763, người xã Minh Hương là Trương Hoằng Cơ đứng ra huy động mọi người trùng tu. Trương Hoằng Cơ hiệu Đào Yêm tiên sinh, quán ở huyện Ngân Đồng, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến; quê mẹ ở thôn Bình Khương, châu La Tháp (nay thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Trương Hoằng Cơ đã đứng ra vận động trùng tu nhiều công trình đình, miếu ở trong khu vực, trong đó có cầu Lai Viễn. Đến năm 1764, việc trùng tu mới hoàn thành. Tờ trát năm 1764 tự hào rằng: “Hiện tại thì miếu thờ rực rỡ, tượng Phật nguy nga, làm cho xã chúng tôi thêm phần quang rạng”.

Diện mạo cầu Lai Viễn sau đợt trùng tu đó còn được Lê Quang Định ghi lại vào năm 1806:

Cầu dài 8 tầm, rộng 2 tầm, tục gọi là cầu Ngói. Tương truyền cầu này do thương nhân Nhật Bản dựng nên, dưới cầu dựng trụ đá, phần trên đều bằng gỗ ván, gồm chín gian lợp ngói, có biển đề ba chữ vàng là Lai Viễn kiều, có bảng vàng khắc bảy chữ Quốc Vương Thiên Túng Đạo Nhân đề, hai bên cầu đều bày bán đủ các thứ hàng hóa, sát cầu về phía bắc có một gian nhà ngói, bên trong thờ Chân Võ Bắc Đế.

Lê Quang Định - Hoàng Việt nhất thống dư địa chí
Cầu Hội An và phố Hội An trong Càn khôn nhất lãm của Phạm Đình Hổ (1768-1839)

Chúng ta không rõ từ thời điểm nào trong chùa chuyển từ thờ Phật sang thờ Chân Võ Bắc Đế. Chí ít là từ năm 1787, giấy tờ của xã Minh Hương về việc chi tiền cho các lễ cúng ở cầu này đã có ghi lễ đản sanh của Bắc Đế vào ngày mồng 3 tháng Ba.

Năm 1817, Đốc học Đinh Phiên cũng tả cầu này:

Trên cầu có dựng mái, dưới mái lát ván, thản nhiên như đi trên đất bằng. Người đi đường được yên ổn, kẻ mệt mỏi được nghỉ ngơi. Khách dạo chơi thì hứng gió mát, dựa lan can, ngắm dòng nước rồi làm thơ.

Đinh Phiên - Trùng tu Lai Viễn kiều bi ký

Hai lần trùng tu dưới thời Nguyễn (1817 và 1875)

Cũng theo lời Đinh Phiên, vào thời điểm đó, cầu Lai Viễn đã xuống cấp, “gỗ lâu ngày đã bị mối mọt hư nát”. Năm 1817, dân xã Minh Hương đã quyên góp để trùng tu cầu này. Khi việc trùng tu hoàn tất, dân chúng còn dựng bia kỷ niệm.

Đến năm 1875, cầu được dân xã Minh Hương trùng tu lần nữa. Diện mạo của lần trùng tu sau cùng được ghi lại trong Đại Nam nhất thống chí bản in thời Duy Tân (1910):

Cầu Lai Viễn: Cầu ngói. Ở xã Minh Hương huyện Diên Phước, tương truyền người buôn nước Nhật Bản làm ra, dài 18m70, trên nóc cầu có gác ngôi chùa, xây trụ đá lợp ngói có 9 gian, trong chùa có thờ bức tượng Bắc đế cỡi trên con cù 北帝騎虬象, 2 bên bày hàng hóa mua bán, … tục danh là Cầu Chùa.

Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Quảng Nam

Diện mạo cầu này còn được lưu lại trong tranh vẽ của Charles Brossard trong cuốn Les colonies francaises in khoảng năm 1901 – 1903. Đầu cầu được sơn màu vàng. Các trụ cầu bằng đá đứng độc lập với nhau. Phần vách cầu và lan can cầu đều làm bằng gỗ. Họa tiết trang trí trên tường và phần mái cũng có nhiều điểm khác biệt. Đây là tư liệu hình ảnh sớm nhất về cầu Nhật Bản mà ta được biết.

Cầu Nhật Bản những năm 1901 - 1903

Lần trùng tu dưới thời Pháp thuộc (1915 – 1917)

Năm 1915, công sứ Lesterlin Galtier lại cho xuất ngân quỹ để tu bổ cầu, có dựng bia kỷ niệm. Công tác khởi đầu từ tháng sáu năm Ất Mão (1915) đến tháng sáu năm Đinh Tỵ (1917) thì hoàn thành. Lần trùng tu này khiến cầu có một số biến đổi. Học giả đương thời là Albert Sallet mô tả:

Cái cầu được trùng tu toàn bộ vào năm 1915. Chính vào lúc sửa chữa đã chạm trang trí mỹ thuật các trái cây ở cả hai mặt, thay cho những bức tranh đơn sơ trước đây. Cái miếu bị bão quét mất cách đây vài năm, đến đầu năm 1917 mới xây lại. Mùa hè năm 1918, người ta có đặt đối xứng gần các chỗ đầu cầu 4 bia đá ghi lại công trình xây dựng, tên của các nhà hảo tâm bằng chữ La-tinh vụng về, tên của người Âu (Tòa sứ và Công chính) đang cai quản trong thời gian xây dựng, việc đặt các bia này không được bổ ích cho lắm.

Albet Sallet - BAHV
Cầu Nhật Bản năm 1919

Thực vậy, dựa trên tư liệu hình ảnh giữa các thời kỳ, chúng ta có thể thấy rõ trang trí chữ Thọ ở phía đông cầu bị đổi thành quả phật thủ, và ở phía tây thay bằng quả lựu. Gờ chỉ ở mặt trước cầu bị bỏ đi, chỉ còn lại tường phẳng. Trụ cầu trước đây có thiết kế độc lập, nay đổi thành liên kết dạng vòm. Phần vách gỗ ở thành cầu được thay bằng gạch, vữa, có hàng bông gió ở giữa.

Trang trí ở đầu cầu trước và sau trùng tu 1915-1917

Có lẽ cũng chính giai đoạn này mà bức tượng Bắc Đế cưỡi cầu bị mất. Sallet mô tả bức tượng Bắc Đế thời đó như sau:

Tượng ở tư thế ngồi, khuôn mặt lạnh lùng mơ màng hơn là chiến binh áo lộng lẫy thếp vàng. Người An Nam cho pho tượng ấy có từ lâu đời bằng gỗ tốt. Bên phải ngài là con hổ mạ vàng, mặt nó bằng con bên trái, sắp xếp những vị có chức quyền xung quanh bàn thờ đều có vòng chữ đã cổ rồi.

Sallet - Tập san Đô Thành Hiếu Cổ

Cũng theo Sallet, các tượng chó và khỉ thờ ở cầu lúc đó làm bằng đất sét. Năm 1919, Sallet ghi lại diện mạo cầu sau khi trùng tu:

Đây là một cầu mái bọc, với nền móng và gầm cầu làm bằng vôi gạch. Bên cạnh phía bắc có một công trình cao ở giữa suối, trên xây một chùa nhỏ. Hướng của cầu là Đông - Tây. Phần chính gồm một vòm giữa dài độ 3 mét và 2 vòm 2 bên.

 

Phần giữa có lát bằng ván hẹp trên một chiều dài 8 mét và chiều rộng 3 mét dùng làm đường đi chính. Hai bên có những đường đi phụ cao hơn, còn cạnh bắc để bao cái miếu. Ở hai đầu cầu đều lát đá dài đến 4 mét và hết cả chiều rộng.

Sallet - Tập san Đô Thành Hiếu Cổ
Con đường chính bên trong cầu bằng phẳng với đường phụ bên hông nhô cao lên. Ảnh: BEFEO

Lần trùng tu dưới chế độ Sài Gòn (1962)

Các hình chụp chùa Cầu vào năm 1959 cho thấy bấy giờ lan can cầu đã bị hư hại hết sức nghiêm trọng. Vì vậy, trong khoảng năm 1962, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã tiến hành tu bổ, gia cố các cấu kiện mục nát, đồng thời treo bảng công nhận di tích, cấm phá hoại, dán giấy, viết và vẽ lên di tích.

Tình trạng xuống cấp của cầu Nhật Bản năm 1959

Ba lần trùng tu sau năm 1975

Chỉ trong vòng vài chục năm ngắn ngủi, chùa Cầu lại chịu nhiều tàn phá. Trận lũ năm 1964 cuốn trôi mất một tượng chó gỗ thờ ở đầu cầu. Về sau, một người vô gia cư đã chiếm dụng chùa làm nơi trú ngụ. Người này đã chẻ nhiều thứ bên trong chùa làm củi đốt. Ngay cả tượng Bắc Đế cũng có dấu vết bị chẻ. Nhưng do làm bằng gỗ cứng nên tượng vẫn còn lại một phần. Đến khi người vô gia cư này chết (khoảng tháng 6-1986), công tác trùng tu mới được bắt đầu.

Năm 1986, Bộ Văn Hóa phối hợp với UBND thị xã Hội An tiến hành tu bổ phần mái và sàn cầu. Những người tu bổ đã tiến hành lấy ý kiến các nhân chứng ở phố cổ. Họ theo hồi ức của “các cụ cao niên”, đổi sàn cầu từ phẳng thành sàn cong.

Sàn cầu cong lên sau lần tu bổ 1986

Ngoài ra, còn tiến hành xử lý phần mái bị cây dại làm hỏng, tạc lại tượng gỗ chó đực và sửa chữa bức thông gió hoa thị.

Phục dựng tượng chó năm 1986

Cũng trong tháng 7-1986, bức tượng Bắc Đế cũ bị hư hại từ nhiều năm trước, được đưa về Bảo tàng Hội An. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An đã mời hai cha con nghệ nhân Huỳnh Ri, Huỳnh Sướng tạc một bức tượng mới để thay vào.

Tượng Bắc Đế cũ (trái) và pho tượng mới làm năm 1986 (phải)

Tháng 10-1996, UBND thị xã Hội An lại tiến hành tu bổ. Lần này phải tiến hành xây lại một nửa trụ phía Tây bên phía thượng lưu, và đúc dầm phần tường phía Bắc của chùa.

Tu bổ nền móng năm 1996

Mặc dù đã trải qua hai lần tu bổ, việc trùng tu di tích vẫn được tiếp tục nghiên cứu. Năm 1999, hội nghị trùng tu Chùa Cầu được UBND thị xã Hội An tổ chức. Đến năm 2016, lại tổ chức hội thảo tu bổ Chùa Cầu. Sau nhiều cân nhắc, xét đến nguy cơ sụt lún và sụp đổ, cũng như xét đến điều kiện tài chính và kỹ thuật, các cơ quan chức năng đã lựa chọn phương án trùng tu hạ giải.

Ngày 28-12-2022, công việc trùng tu bắt đầu. Các hạng mục trùng tu bao gồm: gia cố phần móng để tăng độ chịu lực; thay thế các cấu kiện gỗ bị mục nát; thay thế ngói lợp bị vỡ; gia cố tường bao ở hai đầu cầu; thay thế các bộ phận gỗ đã hư hại ở mặt cầu và lan can.

Công tác hạ giải tiến hành đến tháng 12-2023 thì bị dừng lại vì những lo ngại của dư luận rằng sẽ hủy bỏ một công trình trăm năm để thay bằng công trình 1 tuổi; đồng thời có những ý kiến phản biện về vấn đề việc thay đổi sàn cầu từ phẳng thành cong của lần tu bổ năm 1986 có chính xác hay không. Các phương án trùng tu lại được đưa ra xem xét và lấy ý kiến chuyên gia cũng như quần chúng cho đến quý I năm 2024. Sau đó, công trình trùng tu lại tiếp tục cho đến cuối tháng 7-2024 thì hoàn thành.

Quá trình trùng tu Chùa Cầu cũng đem lại nhiều phát hiện mới về khảo cổ học, giúp soi sáng quá trình xây dựng và trùng tu của các thời kỳ trước. Câu chuyện Chùa Cầu vẫn còn nhiều điều thú vị đợi chờ các nhà khoa học kể lại.

Chia sẻ câu chuyện này

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Share