Khi đọc sử về các nền văn minh nông nghiệp, cái tôi quan trọng nhất là: hệ thống thủy lợi. Một hệ thống thủy lợi tồi tệ sẽ dẫn đến lượng lương thực sản xuất kém cỏi, từ đó hậu quả là dân số ít, mà dân số ít thì lại thiếu người làm việc và thiếu binh lính để mở mang bờ cõi. Người Khmer là bậc thầy của việc làm chủ dòng nước sông Mekong. Hệ thống thủy lợi và thoát nước của họ có khi nhiều quốc gia hiện đại cũng chưa bằng.
Đế chế Khmer là một nạn nhân của biến đổi khí hậu. Mặc dù là bậc thầy về nước, cuối cùng họ suy sụp vì siêu hạn hán và các đợt mưa lớn nối tiếp. Nhiều nền văn minh và triều đại trên thế giới thay đổi do biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp tới lượng lương thực sản xuất được để nuôi sống người dân. Biến đổi khí hậu là thứ cực kỳ đáng sợ vì nó gây nên nạn đói, dịch bệnh, chiến tranh và cái chết (4 kỵ sĩ Khải Huyền). Đại tuyệt chủng kỷ Permi giết gần hết sinh vật trên Trái Đất cũng do biến đổi khí hậu.
Sự suy yếu của đế chế Khmer là cơ hội cho một tộc người khác trỗi dậy. Giữa thế kỷ 12 và 14, người Xiêm (Thái) ở phương Bắc chống chọi không nổi với sự bành trướng của đế chế Mông Cổ, họ dần di chuyển về phương Nam và thành lập các vương quốc Sukhothai, Lanna và Ayutthaya.
Người Xiêm chắc chắn không thể bỏ qua đế chế giàu có đang hấp hối bên cạnh. Năm 1431, họ bao vây Angkor và đế chế Khmer chấm dứt. Nhà vua bỏ chạy về nơi ngày nay là Phnom Penh.
Sau khi Angkor bị người Xiêm huỷ diệt và trước khi kinh đô Oudong được thành lập, người Campuchia có một kinh đô phồn vinh khác mà ít người Việt chúng ta biết là Longvek (hay La Bích). Người Xiêm tiếp tục tàn phá Longvek. Thành phố sụp đổ, Khmer suy yếu nghiêm trọng. Từ đó, quốc gia này trượt dài và không còn gượng dậy được nữa, chỉ sót lại tàn tích của một thời vang bóng.
Tuy nhiên, người Khmer chưa bao giờ lãng quên đế chế hoàng kim của mình. Ngày đến Campuchia, tôi thấy Angkor Wat xuất hiện hầu như ở khắp nơi, từ các tấm áp phích, tranh ảnh, móc khóa, lưu niệm, quốc kỳ… Angkor Wat dù bị quên lãng từ sau thế kỷ 16, nó không bao giờ hoàn toàn bị bỏ hoang. Hoàng gia Khmer thường xuyên quay lại cúng tế và cũng một phần nhờ con hào to lớn bao xung quanh đã bảo vệ ngôi đền khỏi sự xâm lấn của rừng rậm.
Những người phương Tây khác, khó tin rằng người Khmer có thể xây dựng được ngôi đền và đã ngỡ rằng nó được xây dựng cùng thời với thành Rome. Trăm nghe không bằng một thấy, bạn hãy ghé thăm Angkor khi có dịp, nó là nước láng giềng Việt Nam mình thôi nên rất dễ đi. Thật mừng vì một tạo vật tuyệt vời như Angkor vẫn còn tồn tại sau gần ngàn năm và có thể nhìn thấy bằng mắt thường, thay vì thông qua những trang sách và trí tưởng tượng.