Hùng binh Hoàng Sa đương đầu cuồng phong biển Đông

Hoàng Sa trời đất mênh mông,

Người đi thì có mà không thấy về

Hoàng Sa đi dễ khó về

Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa

Hùng binh Hoàng Sa đương đầu cuồng phong biển Đông

Hoàng Sa trời đất mênh mông,

Người đi thì có mà không thấy về

Hoàng Sa đi dễ khó về

Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa

Người ngư dân già ngâm nga. Ông quăng chài thả lưới, ánh mắt lấp lánh ánh nắng phản chiếu từ đại dương xanh ngắt. Hôm nay trong chuyến đi ông có hai vị khách đặc biệt, một cô sinh viên và một anh thạc sĩ sử học. Cả hai thuê chiếc tàu này để đi thực địa nhằm lấy tư liệu làm luận văn nghiên cứu. Chàng trai hỏi:

– Ông là hậu duệ của đội Hoàng Sa thật hả?

– Ừ, nhà ông ở Lý Sơn từ thời các chúa Nguyễn rồi.

– Con có tìm hiểu về hùng binh Hoàng Sa nhưng chắc chắn là không thể tường tận được như ông.

Đưa điếu thuốc lên miệng kéo một hơi dài, ông kể:

– Hồi xưa hải đội Hoàng Sa gồm 18 thuyền với 70 người. Nếu khởi hành từ đảo Lý Sơn và may mắn trời đẹp thì mất khoảng 3 ngày 3 đêm sẽ thấy được một dải cát vàng mênh mông. Biển cả khó lường lắm. Thế lính Hoàng Sa đi tự nguyện nên phải là những hùng binh rất dũng cảm.

Ông nói tiếp:

– Các bậc tiền nhân của ông đã vâng mệnh triều đình đi làm nhiệm vụ tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều người chỉ có đi mà không có về. Vì vậy, để tưởng nhớ các vị tiền nhân hy sinh vì đất nước, các tộc họ ở Lý Sơn hàng năm đều tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, qua đó cho con cháu biết công lao của tổ tiên mà ghi nhớ và noi theo.

Chàng trai hỏi:

– Ông ra Trường Sa chưa?

– Cũng vài lần. Hai quần đảo xa nhau lắm nên không ông có nhiều dịp.

– Dạ, hồi xưa, các vua chúa không phân biệt Hoàng Sa và Trường Sa. Trong hình dung của họ, đây là một quần đảo duy nhất trải dài khắp biển Đông gọi là Đại Trường Sa đảo hay Vạn lý Trường Sa. Thời nhà Nguyễn vẫn ghi:

Vạn lý Trường Sa thuộc đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đi thuyền theo hướng Đông ra, chỉ ba ngày đêm đến nơi. Nước Việt Nam ta xưa kia thường chọn người đinh tráng ở hai đội An Hải và An Vĩnh đặt làm đội Hoàng Sa để thu lượm hải sản, mỗi năm cứ tháng 2 ra đi, tháng 8 trở về. Bãi cát từ Đông qua Nam, nổi lên chìm xuống, kể hàng nghìn trăm dặm, trong đó có những vũng sâu thuyền tàu có thể đậu được.

Trên bãi có sản xuất nước ngọt, chim biển phần nhiều không biết gọi tên gì. Có ngôi miếu cổ lợp ngói, có tấm biển khắc bốn chữ “Muôn dặm sóng yên”, không rõ xây dựng từ đời nào. Quân lính ra đó thường mang các thứ cây quả phương Nam tới gieo trồng xung quanh miếu để ghi dấu vết. Từ ngày đội Hoàng Sa triệt bỏ, cho đến nay không còn ai qua lại chốn ấy nữa.

dai-nam

“Đại Nam nhất thống toàn đồ” và “Vạn lý Trường Sa”

– Còn trẻ mà giỏi Sử quá ta.

– Dạ, ngành của con mà. Thường con sẽ chép lại những đoạn có liên quan tới Hoàng Sa, Trường Sa vào vở để nhớ lâu.

Rồi đẩy mắt kính lên, cậu đọc tiếp:

Bản tấu của bộ Công, năm Minh Mạng thứ 17, nhà Nguyễn:

Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia đã phải vẽ bản đồ mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được một nơi, cũng chưa rõ ràng. Xin từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng Giêng, chọn phái biền binh thuỷ quân và vệ giám thành đáp một chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng Hai thì đến Quảng Ngãi, bắt hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê bốn chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa.

Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến, cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển bốn bên xung quanh nông hay sâu. Có bãi ngầm, đá ngầm hay không. Hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ.

Lại xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy. Căn cứ vào thuyền đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ bến, đối thẳng vào là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói rõ, đem về dâng trình.”

Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải
Chỉ dụ của vua Bảo Đại
  •  
  • Lão ngư dân gật đầu:
  •  
  • – Chỗ ông cháu mình đang đi là nơi sát quần đảo Hoàng Sa nhất trên lãnh thổ Việt Nam rồi đó con. Ngày xưa có lúc đội Hoàng Sa kiêm quản cả Bắc Hải, tức là khu vực khoảng Côn Đảo đến Hà Tiên.
  •  
  • Chàng trai hào hứng:
  •  
  • – Tính ra quần đảo này rất thú vị luôn ông. Hoàng Sa của mình mang màu sắc Tam giác quỷ Bermuda thật. Đây là một khu vực rất nguy hiểm cho các chuyến hải trình đi ngang Biển Đông.
  •  

Quê hương Lý Sơn và các vật dụng của hùng binh Hoàng Sa

Cô gái hỏi:

– Ủa nguy hiểm thế nào anh?

– Vùng biển to hơn đảo Đài Loan này như một mê cung với rất nhiều đảo nhỏ, bãi cát và đá ngầm. Giống kiểu Bát trận đồ do Gia Cát Lượng bày ra để bẫy Lục Tốn vào vậy. Tàu thuyền rất sợ lọt vào trận địa Hoàng Sa vì xui xui là đắm, không thì cũng chết đói nếu dạt vô hoang đảo.

– Ghê vậy???

– Chúa Nguyễn cho lập hải đội Hoàng Sa cũng có nhiệm vụ ra vớt đồ ngoài đó vì tàu ngoại quốc chìm nhiều quá. Nếu ai bị đắm mà được người Việt phát hiện, họ chỉ cần nói từ Doy (đói) là sẽ được cho ăn ngập mặt. Dù được cấp thuyền, thường các thuỷ thủ sẽ chẳng ai muốn về vì ở đây sướng hơn, không làm mà vẫn có ăn. Thuyền trưởng phải vác gươm ra lùa họ mới chịu về lại tàu.

– Ừ ngay, cả với chính dân địa phương còn nguy hiểm mà.

Hải đội Hoàng Sa. Thuyền chiến, thuyền buồm, thuyền chỉ huy thời vua Minh Mạng triều Nguyễn.

Lão ngư cười:

– Giờ đang là lúc nắng đẹp, muốn chụp gì thì tranh thủ đi chứ để chiều mưa nữa.

Chàng trai quay sang cô gái:

– So với nhiều nước, địa lý Việt Nam cực kỳ đẹp. Nếu có dịp làm một chuyến xuyên Việt từ Nam ra Bắc, em sẽ thấy nước ta trải dọc theo kinh tuyến nên được hưởng nhiều đới khí hậu khác nhau. Hành trình mở đất từ vùng cận nhiệt đới đến tận vùng nhiệt đới xavan, gồm cả đất ChampaThủy Chân Lạp, đã để lại cho nước mình một bờ biển rất dài và một ngư trường khổng lồ. Tuy nhiên chính vị trí này đã treo trên đầu Việt Nam một lời nguyền địa lý đã tồn tại hàng vạn năm và càng lúc càng trở nên khắc nghiệt hơn: Những cơn cuồng phong nhiệt đới.

Người ngư dân già mở miệng cười sang sảng. Chiếc tàu cá xanh đỏ này đã theo ông chinh chiến khắp các ngư trường miền Trung. Ông nói:

– Đúng rồi, sợ nhất là gặp bão biển. Cá mập không đáng sợ bằng một góc của bão biển. Những đội Hoàng Sa, Bắc Hải ra khơi với hành trang là những bó chiếu cói, dây mây để bó xác khi tử trận và những thẻ linh vị để ghi tên. Nhiêu đó đủ để con hiểu biển Đông đáng sợ cỡ nào.

Cô sinh viên lên tiếng:

– Vậy mà quê con không sợ bão. Học sinh cứ hóng có bão để nghỉ học.

– À, con người trong Nam thì ít gặp bão là đúng rồi, nhưng chính vì ít gặp nên người ta ít kinh nghiệm.

– Vậy là Nam Bộ cũng có bão hả ông?

– Có chứ sao không? Bão thì đúng là cỡ chục năm mới đánh vào Nam Bộ một lần nên người ta rủ nhau ra ngó coi cho biết. Chính vì vậy mới chết nhiều. Hồi bão Linda đánh vào Cà Mau năm 97 chết quá trời đó con. Gió bão dồn dập đẩy nước lên bờ tạo thành triều cường cuốn phăng người đi. Kinh khủng lắm. 

– Dạ, vậy mà mấy năm trước dạo qua báo mạng thấy không ít thanh niên bình luận kiểu đón bão với tư thế đón Tết, tưởng được nghỉ học là sướng nên vui như hội luôn. Con từng xui xẻo đi miền Trung vào đúng đợt bão. Bão to quá người ta cắt điện hết thì ở nhà chán lắm luôn ông, chưa kể có khi còn cúp luôn cả nước, tắm rửa hay toilet thì ráng nín. Thậm chí không có hàng quán nào bán thì phải nhịn đói luôn. Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Bão tan thì đi học bù bể đầu luôn chứ dễ ăn quá mà đòi nghỉ. 

Chàng trai cười:

– Hồi bão Damrey 2017 tại Nha Trang. Nhớ buổi sáng anh ra ngoài thì đường biến thành rừng luôn. Còn muốn biết siêu bão ở mức cuồng phong thịnh nộ thế nào thì em cứ lên mạng tìm thành phố Tacloban của Philippines sau bão Haiyan năm 2013, y như mới ăn một quả bom nguyên tử. May mà cường độ nó giảm khi vào Việt Nam chứ không cũng chẳng biết thế nào. Hôm đó anh đi tàu lửa từ Hà Nội ngang qua Nghệ An thấy nước lũ trắng xóa.

Ông già ân cần dặn:

– Lần sau mùa mưa, mấy đứa con đừng có ra miền núi phía Bắc, đặc biệt là miền Trung. Bão đi qua chưa phải là xong, mới hiệp một thôi. Sau đó qua hiệp hai là các đợt mưa lớn dồn dập do hoàn lưu bão gây ra. Đủ thứ kinh khủng như ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét nối tiếp. Không kịp trở tay đâu.

Sức mạnh của bão Damrey năm 2017

Lão ngư nói:

– Ừ hồi đó Haiyan đúng là ghê thật sự, mà trời mưa bão sao con không ở nhà?

Chàng trai hồi tưởng:

– Dạ, con đi thăm bạn ngoài Hà Nội, mua vé cả tháng trước rồi. Sau 2 ngày 2 đêm vạ vật trên tàu SE1, con đã đặt chân xuống ga Nha Trang vào lúc 6 giờ 23 phút sáng. Lúc đó con có vài cảm nghĩ. Đầu tiên, có cảm giác con đi tới đâu là thiên tai tới đó. Ngày trước cùng nhóm bạn đi Cần Thơ thì cũng nhờ con mà gặp mưa to. Ngày sau con về miền Trung thì bão Haiyan cũng theo ra miền Trung. Và khi nó phát hiện con bỏ Huế, Đà Nẵng thì nó quẹo theo ra miền Bắc đánh vào Quảng Ninh, Hải Phòng luôn! Con vẫn thoát khiến nó cay cú lắm, nên nó chờ anh trên chuyến tàu về Nam, ra đánh sập cầu ở Bình Định và gây lụt ở Quảng Ngãi khiến con trễ tàu 10 tiếng đồng hồ.

Cô gái xuýt xoa:

– Ghê thật đấy, em mà trời bão chắc bỏ vé luôn chứ không dám về.

Siêu bão Haiyan ở cường độ cực đại và tiến đến Philippines vào ngày 7 tháng 11 năm 2013.
Các mảnh vỡ vương vãi trên đường phố Tacloban vào ngày 14 tháng 11, gần một tuần sau khi cơn bão ập đến

Hình bên trái: Siêu bão Haiyan ở cường độ cực đại và tiến đến Philippines vào ngày 7 tháng 11 năm 2013.

Hình bên phải: Ảnh hưởng nặng nề bởi siêu bão Haiyan.

Lão ngư nói:

– Nhưng mà bão chủ yếu đánh vào miền Trung, ít khi vào miền Nam lắm. Tuy nhiên, mỗi lần nó vào là thảm họa.

Chàng trai gật gù, kể:

– Dạ, cái năm Giáp Thìn 1904, một quan chức Sài Gòn còn khẳng định chắc nịch vậy mà:

Nam Kỳ vốn là Phật địa, không bao giờ có bão lụt tàn phá như các xứ thuộc địa khác. Ấy là sự bảo đảm của nên thịnh vượng chung cho xứ sở, cho mọi người, mà cũng là một hạnh phúc riêng cho các công ty xe lửa…”

Cuối cùng Ngay hôm sau, Sài Gòn tưởng dông thường thôi, đến 5 giờ chiều mưa gió cực to, nhà bay nóc, dây điện bị xé, ngựa bứt dây cương chạy vì sợ, tàu ở Bến Nhà Rồng chìm đồng loạt. Toàn bộ các tỉnh Nam Kỳ đều dính không chừa một tỉnh nào hết. Nguyên hàng dừa do người Pháp trồng ở bãi Sau Vũng Tàu bị đốn ngã sạch sẽ do sóng thần cao gần 4m. Từ Kiên Giang đến Long An bão quật tơi bời, thây ma nổi lềnh bềnh trên sông Vàm Cỏ. Riêng Sài Gòn có đến 3000 người chết.

Nặng nhất là ở Tiền Giang, chỗ Gò Công và Mỹ Tho, dân vẫn đang đánh cá và thu hoạch nông sản. Hôm đó là 16 tháng 3 âm lịch, dân làng Tân Bình Điền hồ hởi đi xem tuồng Quan Công dẫn 2 chị dâu tìm Lưu Bị. Đang tới lúc gay cấn thì nước lũ quét đến, không ai chạy kịp. Khi nước rút, người ta đi kiếm thân nhân thì thấy xác Tào Tháo, Quan Công mặt còn nguyên son phấn nằm vắt vẻo trên cây tre. Sau có ngày giỗ lớn:

“Tháng ba, mười sáu lai niên, cũng trùng một bữa, đậu tiền cúng chung.”

Lão ngư tặc lưỡi:

– À ông cũng được nghe người lớn kể cái năm Giáp Thìn đó, bão đánh vào Huế. Cơn bão đổ bộ kinh đô vào lúc nửa buổi sáng. Nước dâng lên ngập hết cung điện trong Cấm thành và quan thự trong Kinh thành, nhà cửa nóc ngói bay tung. Cột cờ trên kỳ đài gãy ngang rơi xuống. Cái cầu Trường Tiền cứng thế mà nó còn đánh sập được. Còn chợ Đông Ba thì thôi khỏi nói.

– Mà ông có biết tại sao bão vào nước mình dữ như vậy không?

– Ông ít học, chỉ dựa vào kinh nghiệm dân gian mà đoán khi nào có bão vào thôi. Như cứ vào sáng sớm, ông thường nhìn nơi mặt trời mọc, nếu thấy rạng mây, ngư dân thường gọi là vẩy tê tê, di chuyển theo hướng Đông – Tây thì rất có thể trong vài ngày tới sẽ có bão, biển sẽ động mạnh. Khi đó phải tìm cách đưa thuyền vào nơi trú ẩn an toàn thôi chứ không dám liều lĩnh. 

Cô gái háo hức:

– Hay ghê, ông kể tiếp đi.

– Người Việt mình có câu “Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ”. Nếu nhìn chân trời tỏa ráng vàng thì sắp dông bão. Chưa kể, nếu bầu trời xuất hiện những mống mây đỏ, cong vòng như chiếc sừng trâu thì có lẽ trời sẽ đổ mưa.

– Thế lỡ ra khơi rồi thì sao hả ông?

– À, hôm nào đang lênh đênh tự dưng thấy gió nổi lên nhiều, thuyền lướt đi nhanh hơn, sóng đổ về nhiều, kéo lưới lên thấy rêu mắc nhiều, nước vẩn đục, đặc biệt là bầu trời ánh lên ráng đỏ thì ông sẽ lập tức đổi hướng tìm chỗ neo đậu. Cẩn tắc vô ưu con ạ. Mà cái thời chưa có thiết bị muốn xác định hướng đi ông cũng dựa vào những ngôi sao. Có mấy lão kiện tướng cừ lắm, nhìn nước màu bạc là biết gần bờ, nhìn nước sậm là biết ra khơi.

Chàng thạc sĩ đẩy gọng kính:

– Thật ra điều này có thể giải thích dễ hiểu bằng khoa học. Khu vực Philippines nằm gần xích đạo, có vùng biển ấm bậc nhất thế giới, mà biển ấm là điều kiện cần để sinh ra bão. Cái chết người ở chỗ gió mậu dịch thổi từ Đông sang Tây nên có rất nhiều thời gian để hút lấy hơi nước mang theo.

Cô sinh viên thắc mắc:

– Thế là Philippines hứng trọn à?

– Ừ, Việt Nam hên là còn có Philippines che cho phần nào chứ không thôi ăn cho hết. Philippines không những nằm trên Vành Đai Lửa, xui là nằm ngay thêm Vành Đai Bão, bão nó đi theo đường như băng chuyền ngoài sân bay vậy đó. Một năm xấp xỉ 20 cơn. Nước mình nằm song song với Philippines nên cũng không thoát khỏi.

– Vậy mà Magellan vẫn đặt tên là biển Thái Bình. Đáng lẽ nên gọi là biển Cuồng Nộ mới đúng.

– Ừ hên là ổng không đi vào thời điểm có bão ấy, chứ không cũng biết thế nào là lễ hội.

Lão ngư bình luận:

– Biển Đông dữ dội lắm. Vậy mới thấy nể hùng binh Hoàng Sa. Bao đời lính đã vượt qua bão tố, sóng gầm để đo đạc thuỷ trình, cắm cột mốc dựng bia chủ quyền lãnh thổ, khai thác hải vật và tài nguyên biển đảo. Không có những người dám đương đầu với thiên nhiên cuồng nộ, làm sao chúng ta có bằng chứng chủ quyền như bây giờ?

Sau đó lão ngư dân già kể cho chúng nghe những câu chuyện dân gian về biển cả, về chuyện chúa Nguyễn đã thoát khỏi phò mã Trương Văn Đa nhờ một cơn bão đánh đắm hạm đội Tây Sơn thế nào, về ông Năm Yersin dự báo bão cho dân Nha Trang ra sao, hai đứa mải ghi chép say sưa. Đoạn, lão ngư lấy ra một cái hũ, bên trong rất nhiều cát trắng, rồi nói:

– Người dân đảo ông có truyền thống thế này. Trước mồng 5 tháng 5, ngư dân bọn ông hốt cát trong lòng biển ở ngư trường Hoàng Sa mang về phơi khô thay vào các lư nhang trên bàn thờ để đốt hương. Qua đây, nhắc nhở bản thân, con cháu, ngư trường Hoàng Sa là của Việt Nam. Nơi đó có một phần xương máu của cha ông và đồng đội. Hạt cát trong ngư trường Hoàng Sa rất quý, ngư dân coi đó là di tích để đáp lại tiếng vọng của những người đã nằm xuống với Hoàng Sa, đất mẹ Việt Nam.

Tàu chạy một lúc nữa, trời đã ngả về chiều. Ông lão nói:

– Được một mẻ cá lớn ghê, giờ ông cháu mình nướng ăn tại chỗ, coi như liên hoan đi.

Hai đứa nhiệt liệt vỗ tay hưởng ứng. Đâu phải lúc nào cũng có dịp được nhậu trên đại dương đâu. Chuyến này phải nhậu cho thật đã mới vào bờ. Mọi người say sưa ăn uống, phía sau lưng họ, đường chân trời chuyển sang ráng đỏ hồng, thuyền bỗng lướt đi nhanh hơn.

Chia sẻ câu chuyện này

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc

Thiết kế Minh Hiếu – Thành Phúc

Nguyễn vương Ánh và các sĩ quan Châu Âu
Share