Lịch sử Quốc ngữ: Thành lập trường tổng và địa phương

Tác giả Omega+
Lịch sử Quốc ngữ: Thành lập trường tổng và địa phương

Số phận và lịch sử của chữ Quốc ngữ gắn chặt với sự thành lập của trường tổng và các trường ở Đàng Ngoài, do các Cha Thừa sai đảm nhiệm. Chữ viết này sẽ mau chóng được giảng dạy trong khuôn khổ trường học.

Thành lập trường tổng ở Ayutthaya

Vào hậu bán thế kỷ 17, nhờ chính sách mở cửa của vua Xiêm mà Xiêm La trở thành điểm tập kết của các thương nhân châu Âu, đồng thời cũng là nơi quy tụ của giáo hữu Nhật Bản, Trung HoaViệt Nam chạy trốn các cuộc bách đạo ở quê hương. Theo dấu chân của Pierre Lambert de la Motte và François Pallu, hai người lần lượt tới Ayutthaya vào năm 1662 và 1664, các đại diện tông tòa khác do Rome bổ nhiệm như Jacques de Bourges và François Deydier cũng đã quá cảnh ở Ayutthaya trước khi đến vùng đất truyền giáo của họ.

Giám mục François Pallu

Lời kêu gọi người ngoại quốc đến buôn bán trong xứ của vua Xiêm đã biến Ayutthaya trở thành một thành phố đa ngôn ngữ. Jacques de Bourges đã nhắc đến điều này trong một báo cáo của ông: 

Người ta đến Ayutthaya từ khắp nơi, Nhật Bản, Trung Hoa và quần đȧo Philippines, Champa, Cao Miên, quần đảo Java, Sumatra, Golconde và khắp bờ biển Coromandel” 

Có hơn hai mươi ngôn ngữ được nói ở Ayutthaya, nơi tập trung các dân tộc hầu hết là Đông phương như Nhật, Hoa, Đàng Trong, Cao Miên, Ấn Độ, Môn, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, điều này đã thúc đẩy việc học ngôn ngữ của các nhà truyền giáo người Pháp. Một vài khu trong thành phố được dành riêng cho người ngoại quốc, nhất là cho giáo hữu Đàng Ngoài tị nạn. Những giáo hữu này là thầy dạy học và thông ngôn cho Lambert de la Motte với cộng đồng người Đàng Trong sinh sống trong thành phố: 

Tôi đã gửi cho một lời khuyên nhỏ về nghĩa vụ yêu kính Thiên Chúa bằng tiếng Bồ và một trong số thông ngôn đã dịch sang tiếng Đàng Trong

Chính trong bối cȧnh này các đại diện tông tòa quyết định thành lập một trường học – chủng viện tại Ayutthaya năm 1666. Không lâu sau, Louis Laneau đã nhắc về “một nhóm học sinh sẵn sàng học tiếng La-tinh”.

Ayutthaya và Đông Nam Á lục địa vào năm 1540 Biên giới Đông Nam Á vẫn tương đối không được xác định cho đến thời kỳ hiện đại.

Tháng 3 năm 1668, Lambert de la Motte được phép truyền chức linh mục tại Xiêm La. Như đã nói, chỉ sau khi có chỉ thị này thì hai người Việt đầu tiên là Bentô Thiện và Giuong Văn Hòe lần lượt được thụ phong linh mục. Cùng năm đó, François Pallu nhận được một sắc lệnh từ Rome, đề ngày 4 tháng 7 năm 1669, về việc mở rộng thẩm quyền của các đại diện tông tòa trên vương quốc Xiêm La. Việc đào tạo linh mục bản xứ chính thức được tiến hành.

Thành lập các trường ở Đàng Ngoài

Kế hoạch mà Alexandre de Rhodes ấp ủ từ sớm về việc đào tạo các linh mục người Á và lập luận do ông phát triển để bảo vệ cho kế hoạch này khi trở về châu Âu mang ý nghĩa đặc biệt sau này. Mong muốn của de Rhodes là được thấy các thầy giảng người Việt học tiếng La-tinh và tiếng Bồ Đào Nha hẳn nhiên cũng là mong muốn đào tạo họ thành linh mục, đi ngược lại chính sách của dòng Tên khi đó vốn chỉ dạy cho họ những điều sơ đẳng của tiếng La-tinh. De Rhodes đánh giá cao khả năng của các thầy giảng mà ông đã làm việc cùng ở Đàng Ngoài và Đàng Trong

Alexandre de Rhodes

Rõ ràng hàng giáo phẩm địa phương sẽ gần gũi hơn với dân chúng, như Sérieys giải thích vào năm 1803: 

“Các linh mục trong xứ nói ngôn ngữ này tốt hơn, thông thạo hơn và diễn đạt các bí tích rõ ràng hơn. Họ hiểu tường tận các phong tục và khuynh hướng của đồng bào mình; họ có mối quan hệ gắn bó hơn với những người đó.”

Ngay từ khi thành lập Hội Thừa sai, các đại diện tông tòa đã đi theo cùng một đường lối gồm hai bước – một đường lối được vạch ra bởi Huấn thị của Giáo hoàng: 

“Trước tiên là dạy giáo lý Ki-tô bằng ngôn ngữ bản xứ, song song với dạy tiếng La-tinh trong các trường mở ra cho thanh niên; thứ hai là đào tạo sâu về văn chương để lựa chọn học sinh có khȧ năng và tư chất bước vào đời sống tăng lữ.”

Tuy nhiên không thể tổ chức đào tạo các linh mục tương lai như trong các trường và chủng viện châu Âu, trong bối cảnh mà chính quyền đôi khi lại cấm đạo Ki-tô. Hơn nữa lại không có thầy đủ trình độ dạy tiếng La-tinh. Pallu khi đó đã quyết định trực tiếp dạy giáo lý Ki- tô bằng tiếng Việt và ngữ pháp tiếng La-tinh cơ bản cho trẻ em trong trường cơ sở. Ở giai đoạn hai, thanh niên phải học đọc và học viết chữ La-tinh “mới được gửi tới chủng viện đào tạo mọi thứ cần thiết cho địa vị và nhiệm vụ của nhà tu hành“. Do đó quá trình đào tạo ở Đàng Ngoài chỉ được coi là giai đoạn chuẩn bị.

Một năm sau khi đặt chân đến Đàng Ngoài, vào tháng 8 năm 1666, Deydier triệu tập các thầy giảng và ông chiêu mộ được mười lăm thanh niên, trong đó có Bentô Hiền và Giuong Hòe. Ông cho biết những thanh niên này đã bắt đầu “đọc và viết bảng chữ cái. Một vài người trong số họ học tiếng La-tinh”. Thế rồi một trường học được dựng lên ở Kiên Lao năm 1682 nhưng sớm bị đốt cháy theo lệnh của một vị quan. Một kế hoạch mở trường thứ hai lập tức được triển khai vào tháng 7 năm 1685, ở Kẻ Cọc, dạy tiếng La-tinh cho học sinh để họ được thụ phong linh mục.

Đức giám mục Laneau (bên phải, phía trước).

Điều thú vị là, chính Domingo Hảo, người sau này cai quản giáo hạt Kẻ Cọc là người điều hành trường Kẻ Cọc. Vị thầy giảng này được Đức giám mục Laneau truyền chức linh mục năm 1677, rất thạo chữ Quốc ngữ của tiếng Việt và đảm nhiệm xuất sắc vai trò được giao phó, đó là dạy chữ này cho các thầy giảng. Cùng năm đó, một cơ sở khác được thành lập ở Kì Lan, nay thuộc tỉnh Nghệ An.

Các trường cơ sở khởi đầu bằng việc dạy chữ tượng hình (chữ Hán và chữ Nôm) và văn chương châu Âu cho thầy giảng trẻ. Nghiên cứu văn chương châu Âu đã được đề cập trong các báo cáo thời đó, bao gồm học tiếng La-tinh cơ bản và học chữ Quốc ngữ: 

Dựa vào các công trình tiếng Đàng Ngoài soạn bằng chữ quốc ngữ, họ sẽ thừa hưởng truyền thống của Giáo hội La Mã trong thực hành đời sống Ki-tô để sau này truyền giảng lại

Nhờ các trường này được thiết lập và vận hành tốt mà việc học và truyền bá chữ Quốc ngữ đã được duy trì qua nhiều năm và nhiều thế hệ: 109 linh mục Đàng Ngoài được thụ phong từ năm 1666 đến năm 1765. Có thể kết luận rằng, vai trò tiên khởi của chữ Quốc ngữ vẫn không thay đổi, trừ một số trường hợp trao đổi thư từ giữa thầy giȧng người Việt và nhà truyền giáo dòng Tên người Âu, thì kể từ đây chữ viết này đã dần dần được phát huy. 

Với nhiệm vụ đào tạo giới tăng lữ địa phương, các linh mục của Hội Thừa sai đã phổ biến rộng rãi hơn chữ viết này bằng cách dạy nó và dùng nó để dạy tiếng La-tinh cho thầy giảng. Chính các thầy giảng như Bentô Hiền và Giuong Hòe đã gánh vác trọng trách lớn nhất trong việc truyền dạy cho các thầy giảng người Việt khác và cho các linh mục triều người Âu. Ngoài ra, cũng chính họ đã đóng vai trò cầu nối trong việc trao truyền di sản ngôn ngữ giữa các giáo sĩ Dòng Tên và các linh mục của Hội Thừa sai.

Huy hiệu Giám mục Đức cha Francois Pallu và Lambert De La Motte

Trường học ở Đàng Trong: những khó khăn của buổi thành lập

Sau khi các linh mục của Hội Thừa sai tới Đàng Ngoài và nán lại, quá trình đào tạo giới tăng lữ bản địa ở đây gặp nhiều thuận lợi, trái ngược với Đàng Trong vô vàn trở ngại. Trước tiên, đó là trở ngại vì lệnh cấm đạo Ki-tô, các chúa Đàng Trong liên tục ban bố lệnh cấm và làn sóng bức hại đầu tiên đã xuất hiện vào cuối năm 1664: Hiền Vương cấm chỉ đạo Ki-tô trong xứ và tất cȧ linh mục người Âu “bị giam cầm trong nhà của các giáo sĩ Dòng Tên ở Hội An”. Những cuộc đàn áp theo lệnh này đã khiến: “43 người đã tử vì đạo chỉ trong năm 1665”. Các lệnh cấm khác được ban hành vào năm 1700, 1713 và 1750 khiến cho người Đàng Trong theo đạo Ki-tô gặp nguy hiểm; vì lẽ đó, nhiều giáo hữu phải bỏ đạo.

Sau đó, giữa các giáo đoàn khác nhau lại nảy sinh tranh chấp khu vực cai quản, lúc bấy giờ cùng hiện diện trên địa bàn có các giáo sĩ Dòng Tên, Dòng Phan Sinh và các linh mục của Hội Thừa sai. Một mặt, các linh mục triều người Pháp từ chối chịu dưới quyền một giám mục nước ngoài do Thánh bộ Truyền bá Đức tin chỉ định. 

Sau khi Đức giám mục Guillaume Mahot qua đời năm 1684, giáo triều La Mã đã tấn phong giám mục người Tây Ban Nha Francisco Perez, người đã thi hành thánh chức của mình mà không gặp phȧi một phȧn đối nào trong suốt ba mươi bȧy năm (1671-1728). Nhưng Alexandre Alexandris, một người Ý, được bổ nhiệm kế vị ông lại vấp phȧi vô vàn trở ngại trong quá trình thực thi quyền giám mục từ năm 1728 đến năm 1738: các linh mục người Pháp từ chối vâng lệnh ông. Mặt khác, các thừa sai dòng Phan Sinh muốn thoát khỏi sự giám hộ của các linh mục Thừa sai nên đã tìm cách đẩy họ ra khỏi đất Đàng Trong. 

Tình cảnh này gây nguy hại cho tiến trình truyền giáo cũng như cho việc đào tạo linh mục ở Đàng Trong. So với các linh mục Đàng Ngoài, số linh mục Đàng Trong vẫn quá ít ỏi, như Trương Bá Cần đã chứng minh, theo ông, các đại diện tông tòa đã bỏ bê việc đào tạo linh mục ở khu vực này.

Giám mục

Trên thực tế, sau Lucas Bền và Giuse Trang, hai vị được Lambert de la Mottte truyền chức năm 1668 tại Ayutthaya, còn có vị linh mục thứ ba là Manuel Bốn đến năm 1673 mới từ Xiêm La về Đàng Trong; rồi một vị thứ tư là Louis Doan về năm 1676. Vào năm 1690, có bốn linh mục về hẳn Đàng Trong nhưng hai trong số họ là François Vân và Thaddée Nghiêm đã qua đời cùng năm đó. Trong nhóm này chỉ có Manuel Lân và Mauro Lộc còn sống sót nên có thể đứng chủ lễ. Tình trạng neo người của giới chức giáo phẫm Đàng Trong trở nên nghiêm trọng hơn vào đầu thế kỷ 18: 

Tôi khẩn thiết mong ngài xem xét nhu cầu của giáo đoàn bị bỏ rơi này, chỉ cần mười tám hoặc hai mươi linh mục là đủ và giờ đây giáo đoàn chỉ còn đúng một người có khȧ năng làm việc

Vì thiếu linh mục mới nên các Cha phó người Âu phải dựa vào thầy giảng “được tuyển chọn trong số những người có khả năng và tư chất tốt để dạy cho họ tất cả nguyên tắc của đức tin, […] để hướng dẫn cho họ phương pháp giảng dạy”. Chính những thầy giảng này là người giữ “sổ đăng ký khai sinh, các cuộc hôn phối, khai tử hoặc nhập cư mới trong giáo hạt”. 

Song vì chữ tượng hình vẫn còn phổ biến ở Đàng Trong vào thời đó nên chắc chắn các sổ hộ tịch này được viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm. Vì vậy không còn cơ hội lẫn điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng chữ Quốc ngữ. Sự suy yếu của chương trình đào tạo linh mục Đàng Trong đã ảnh hưởng đáng kể tới việc sử dụng chữ viết này. Số lượng văn bản soạn bằng chữ quốc ngữ trong Hội Thừa sai ở Đàng Trong thực sự rất khiêm tốn. Những bức thư năm 1692 ký tên Ausiès de Fonbone là những bức thư cuối cùng của thời kỳ này được lưu giữ trong văn khố của Hội Thừa sai.

Về phía các thừa sai Dòng Tên, như đã nói, họ tiếp tục sử dụng chữ Quốc ngữ trong thư từ trao đổi với các thầy giảng người Việt sau khi bị triệu hồi về Rome năm 1680. Năm 1692, được phép chính thức trở lại, họ đã tới đông hơn cả số lượng rời đi trước kia, như đã đề cập ở trên. Đối diện với những thách thức liên tục, họ cố gắng củng cố các hội thánh địa phương. 

Trong suốt thời kỳ này, các Cha Dòng Tên không có trường học tại chỗ nên phải gửi chủng sinh tới trường ở Macao để đào tạo chuyên sâu. Ngay sau khi tái thâm nhập Đàng Trong và Đàng Ngoài, họ không còn nhu cầu giao tiếp qua thư với tu sĩ người Việt nữa. Đó là lý do chính khiến ta không tìm thấy thư từ hay báo cáo bằng chữ Quốc ngữ của thời kỳ này trong các văn khố.

Nói tóm lại, tranh chấp giữa các giáo sĩ Dòng Tên, Dòng Phan Sinh và các linh mục Thừa sai về việc phân định lãnh thổ cai quản tương ứng và về thẩm quyền của các giáo đoàn khác nhau đã làm họ hao tâm tổn trí và sao nhãng sứ mệnh truyền giáo. Hơn nữa, lại không có một trường học nào thành lập ở Đàng Trong để đào tạo các em nhỏ. 

Kết quả là các linh mục triều không có đủ ứng viên để gửi đi đào tạo chuyên sâu ở trường học ở Ayutthaya, để tấn phong linh mục sau này. Trong hoàn cảnh đó ta hiểu được vì sao chữ Quốc ngữ không còn xuất hiện trong các báo cáo soạn ở Đàng Trong kể từ năm 1693 – ngoại trừ để phiên âm tên người và địa danh hoặc tên nhà thờ – cho đến khi hai cuốn từ điển của Pigneaux de Béhaine ra đời năm 1772 – 1773.

Một trang trong từ điển của Pigneau de Behaine được Jean-Louis Taberd xuất bản năm 1838
Ảnh chụp bút tích của Pigneau de Behaine biên soạn từ điển Annam-Latin năm 1773

Vào năm 1741, giữa hai lần cấm đạo (năm 1723 và năm 1750), Hội Thừa sai đã trở lại Đàng Trong và được trao thẩm quyền cai quản. Ta biết rằng Đức giám mục Lefebvre đã mở ở đây một cơ sở nhỏ để đào tạo chủng sinh bản xứ. Từ đó trở đi, các trường lần lượt được thành lập ở Đàng Trong.

Đọc sâu hơn trong cuốn Lịch sử chữ Quốc ngữ

Chia sẻ câu chuyện này

Thiết kế Thành Phúc

Share