Pháp lam xứ Huế: Sắc một thuở còn vương – Kỳ 1

Tác giả Tường Vân
Pháp lam xứ Huế: Sắc một thuở còn vương – Kỳ 1

Trong số các bảo vật cung đình Huế, bên cạnh gốm sứ ký kiểu 1 và đồ ngự dụng được chế tác từ kim loại quý, pháp lam cũng thuộc hàng tuyệt phẩm. Pháp lam có tính thẩm mỹ cao, công dụng không chỉ gói gọn trong phạm vi đồ dùng thường nhật mà còn được sử dụng nhiều trong các công trình kiến trúc và đồ tế tự hoàng gia.

Tuy nhiên, thật đáng tiếc là ngày nay kỹ thuật tạo tác pháp lam Huế đã thất truyền do những biến động của thời cuộc; đồng thời số hiện vật còn lại trong nước không nhiều để có thể khảo cứu một cách toàn diện. Dựa vào nguồn tư liệu chuyên môn đáng tin cậy, người viết sẽ trình bày chi tiết về pháp lam Huế trong bài viết nhỏ này nhằm mở rộng chân trời hiểu biết về loại cổ vật từng một thời thuộc về giai tầng quyền quý, nay là di sản văn hóa chung của toàn dân tộc.

I. Tổng quan về pháp lam

Pháp lam, nguyên gốc là phát lam (發藍), là một chế phẩm có cốt làm bằng đồng, bên ngoài tráng men nhiều màu, có khả năng chịu nhiệt và tác động ngoại lực rất cao. Nguyên ủy cái tên phát lam được dùng để chỉ màu men lam trên bề mặt sản phẩm, về sau người Trung Quốc gọi trại đi là pháp lang (琺瑯), đều có bộ ngọc (玉) ở mỗi chữ, hàm ý tôn quý loại đồ vật này như ngọc báu. Khi xuất hiện tại Việt Nam, triều đình Huế lại đổi là pháp lam, đặc biệt ban thêm trước mỗi chữ một bộ ngọc (玉), có thể để tránh phạm húy, cũng có thể nhằm đề cao thêm giá trị của sản phẩm.

Pháp lam vốn có xuất xứ từ Ba Tư, đi theo con đường chinh phạt của quân Nguyên – Mông từ Trung Á tới Trung Quốc từ thế kỷ 13 rồi dần dà phát triển mạnh mẽ nơi đây. Căn cứ vào thư tịch cổ Trung Hoa, ban đầu loại sản phẩm này được gọi là Đại Thực diêu (大 食 窯) hay Quỷ quốc diêu (鬼 國 窯)3 theo tên vùng đất phát tích ở Tây Vực4, qua thời gian mới đổi thành phát lam hay pháp lang. Pháp lam Trung Hoa được trau dồi và hoàn thiện bởi thợ thủ công tay nghề cao nên đạt tới trình độ tinh xảo tuyệt mỹ, chia thành bốn loại, đều gây ảnh hưởng lớn tới kỹ thuật chế tác pháp lam tại Nhật Bản và Việt Nam sau này.

Thứ nhất là Kháp ti pháp lang (掐 丝 珐 琅), là pháp lam được chế tác theo kiểu chia ngăn. Nghệ nhân sẽ dùng tơ đồng kết thành họa tiết khác nhau, gắn lên cốt đồng, chia thành các ô rồi phủ men nhiều màu từ trong ra ngoài, đưa vào lò nung cho tới khi lớp men phủ đạt độ dày thích hợp thì đem mài nhẵn và mạ vàng các đường tơ đồng. Loại pháp lam này xuất hiện sớm nhất vào cuối thời nhà Nguyên, có nhiều nhất vào thời nhà Minh và phát triển rực rỡ nhất vào thời nhà Thanh. Chính bởi số lượng dồi dào vào đời vua Cảnh Thái nhà Minh, nên Kháp ti pháp lang còn có danh xưng là Cảnh Thái lam (景泰蓝), rất có giá trị.

Pháp lam làm theo lối kháp ti

Thứ hai là Họa pháp lang (画 珐 琅), được thợ thủ công dùng bút vẽ thẳng lên nền men như vẽ tranh. Trước hết, một lớp men sẽ được quét trực tiếp lên cốt đồng làm lớp lót, sau đó nghệ nhân dùng lớp men khác để vẽ họa tiết rồi đưa vào lò nung. Khi nung xong, loại pháp lam này còn phải trải qua giai đoạn mài bóng mới được coi là hoàn chỉnh.

Pháp lam làm theo lối họa

Thứ ba là Tạm thai pháp lang (錾 胎 珐 琅), là loại pháp lam có cốt được chạm trổ. Các bước chế tác đầu tiên của loại pháp lam này tương tự như lối làm kháp ti, song hoa văn cùng cốt đồng sẽ được khắc lõm xuống rồi đem phủ men lên, mục đích là để khi nung xong, các đường viền hoa văn sẽ nổi lên. Cũng giống Họa pháp lang, đánh bóng mài nhẵn là bước cuối cùng trong chế tác Tạm thai pháp lang.

Pháp lam làm theo lối tạm thai

Cuối cùng là Thấu minh pháp lang (透 明 珐 琅), còn gọi là Quảng pháp lang (廣珐琅) bởi dưới thời vua Càn Long nhà Thanh, Quảng Châu là nơi sản xuất chủ lực loại pháp lam phủ men trong suốt này. Khác với ba loại pháp lam nêu trên, Thấu minh pháp lang có cốt khá đa dạng, được làm từ vàng, bạc và đồng; các họa văn được chạm nổi hoặc khắc chìm, trực tiếp tráng men nhiều màu, bên ngoài phủ một lớp men trong, khi nung xong không cần mài bóng. Do tính chất bóng bẩy trơn mịn của lớp men thấu minh mà loại pháp lam này có các sắc độ đậm – nhạt và các mảng sáng – tối đan xen hết sức tự nhiên, uyển chuyển.

Pháp lam làm theo lối thấu minh

II. Nguồn gốc của pháp lam cung đình Huế

Đều chịu ảnh hưởng từ pháp lam Trung Quốc, song pháp lam Nhật Bản (Shipouyaki – 七 宝 燒) chỉ chuyên làm theo lối thấu minh, còn pháp lam Huế lại trung thành với lối họa. Mỗi dòng pháp lam đều có nét đặc sắc riêng trong kỹ nghệ chế tác và phong cách thẩm mỹ, tạo ra thành phẩm mang dấu ấn độc nhất của từng quốc gia. Nếu pháp lam Nhật Bản lừng danh về độ sáng trong và bề mặt trơn nhẵn không tỳ vết thì pháp lam Huế có tiếng trong việc phối màu rực rỡ và ứng dụng linh hoạt vào trang trí các công trình kiến trúc – một điểm độc đáo so với các dòng pháp lam khác trên thế giới vốn chủ yếu sử dụng loại chế phẩm này trong sinh hoạt thường ngày và tô điểm nội thất đơn thuần.

Pháp lam Nhật Bản làm theo lối thấu minh

Tuy có tác động lớn, nhưng Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất chế tác được pháp lam; hơn nữa, kỹ thuật làm ra họa pháp lam vốn bắt nguồn từ châu Âu, cụ thể là từ vùng Limoges (Pháp) và Battersea (Anh) vào thế kỷ 15, rồi mau chóng lan truyền sang các nước lân cận như Hà Lan, Đức, Ý,… Khởi thủy, kỹ thuật vẽ trên pháp lam của Anh – Pháp cũng tương tự như lời miêu tả ở phần trên: Trước hết, phần cốt đồng sẽ được phủ lớp men lót, sau đó nghệ nhân trực tiếp cầm bút lông vẽ họa tiết bằng men màu lên, đem nung rồi mài cho nhẵn bóng. Tại Pháp, thành phẩm được gọi là émail peint sur cuivre, còn tại Anh là painted enamels.

Từ trái sang phải: Pháp lam vùng Limoges - Pháp lam vùng Battersea

Tới thế kỷ 15, theo bước chân của các giáo sĩ phương Tây trên con đường truyền giáo, pháp lam châu Âu cập ngõ Quảng Đông và được phường thợ nơi đây nhiệt tình tiếp nhận kỹ thuật chế tạo. Sản phẩm pháp lam làm theo phong cách ngoại quốc mới mẻ này ngoài tên gọi họa pháp lang còn có tên Dương từ (洋 瓷), tức đồ tráng men Tây dương, chia thành hai dòng chính: dòng ngự dụng có xưởng sản xuất ngay trong hoàng cung, còn dòng dân dụng đặt tại Tô Châu, Dương Châu và Quảng Đông.

Là một trong những nơi tiếp nhận họa pháp lam châu Âu đầu tiên, Quảng Đông dần phát triển cả về mặt kỹ thuật lẫn mỹ thuật tạo hình, trở thành nơi xuất khẩu số lượng lớn họa pháp lam sang các nước phương Tây vào thế kỷ 18. Bên cạnh những mô-típ Trung Hoa quen thuộc như sơn thủy, cỏ hoa, điển tích điển cố, pháp lam Quảng Đông còn áp dụng thêm kỹ thuật đánh bóng cùng phối cảnh để đặc tả cảnh trí và nhân vật sao cho phù hợp với nhãn quan người châu Âu. Đây cũng không phải điều hiếm lạ bởi pháp lam Nhật Bản cũng được sản xuất phỏng theo kỹ thuật Trung Hoa rồi xuất khẩu ngược lại vào chính thị trường quốc gia này, tạo tiếng vang lớn, rất được nhiều người yêu thích. 

Pháp lam Quảng Đông ngoài xuất khẩu tới các nước châu Âu còn mở rộng thị trường trong khu vực, đặc biệt là ở Việt Nam, với chứng tích là hàng loạt món pháp lam được xác định từng thuộc sở hữu của các gia đình quý tộc và thương nhân tại Huế và Hội An ở thời điểm tương đối sớm – ngay trước khi nhà Nguyễn trung hưng gia tộc. Những món pháp lam này chủ yếu được dùng làm đồ tế tự hoặc trang trí nhà cửa nhằm thể hiện địa vị của chủ nhân.

Khi triều Nguyễn khôi phục sơn hà (1802), tình hình chính sự ổn định, nhu cầu tiêu dùng của hoàng gia trở nên rộng rãi hơn, trong đó có pháp lam là sản phẩm được ưa chuộng nhất thời bấy giờ nên vào năm 1827, vua Minh Mạng đã ra chỉ dụ lập xưởng chế tác pháp lam (pháp lam tượng cục) đặt ngay tại Kinh thành Huế, kén thợ giỏi từng học nghề bên Quảng Đông về làm. 

Tuy nhiên, theo ghi chép của linh mục Cadière thì trước đó một năm, vua Minh Mạng đã ban tặng cho hai sĩ quan Pháp là Vannier và Chaigneau một số món pháp lam như sau: Sáu bình tráng men chế tạo trong Đại Nội gồm bốn bình cắm hoa bán bích, một bình để cắm hoa hình vuông và một bình để cắm hoa hình con ngỗng”, chứng tỏ rằng hoạt động chế tác pháp lam tại hoàng cung đã diễn ra một thời gian và đem lại kết quả khá tốt trước khi chính thức thành lập tượng cục.

Theo suy luận của một số nhà nghiên cứu, sở dĩ thợ thủ công Việt Nam học nghề tại Quảng Đông (chuyên làm họa pháp lam) thay vì Bắc Kinh (chuyên làm pháp lam theo lối kháp ti), một phần bởi vị trí địa lý gần gũi hơn, một phần bởi mối quan hệ sâu sắc được thiết lập với nghệ nhân Quảng Đông thời vua Gia Long khi ngài tuyển mộ những người thợ tay nghề cao đến Huế mở xưởng sản xuất gạch ngói tráng men đa sắc. Ngoài Huế, pháp lam tượng cục có thể còn đặt thêm hai cơ sở tại Ái Tử (Quảng Trị) và Đồng Hới (Quảng Bình) nhằm phục vụ nhu cầu trọng yếu chốn cung đình, song rất khó để xác minh bởi dấu vết của các xưởng sản xuất này đã hoàn toàn biến mất kể từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam.

Dù đã có thể tự sản xuất pháp lam ngay trong nước, nhưng trên thực tế, các vị vua nhà Nguyễn vẫn chi một khoản không nhỏ để đặt các món pháp lam ký kiểu từ Trung Quốc, bởi trong giai đoạn đầu lập xưởng, số lượng nhân công thưa thớt, tay nghề chưa vững khiến cho thành phẩm làm ra không đạt yêu cầu về chất lượng. Phải mất rất nhiều năm sau, tới thời vua Thiệu Trị và Tự Đức thì pháp lam Huế mới đạt tới trình độ tinh xảo, tiếc thay sự kiện Kinh thành thất thủ năm 1885 đã khiến cho hoạt động sản xuất trong nước bị đình đốn, nghệ nhân Quảng Đông phải hồi hương dẫn đến kỹ thuật chế tác pháp lam vừa khởi sắc không được bao lâu đã rơi vào cảnh tàn lụi. 

Do đó, dưới triều vua Đồng Khánh, hàng loạt đồ gốm sứ và pháp lam ký kiểu đã được đặt hàng để tái thiết lại cung điện và miếu thờ tổ tông. Đồng thời trong giai đoạn này, nhà vua cũng hết sức quan tâm đến việc phục hồi lại các xưởng sản xuất, trong đó có pháp lam tượng cục, nhưng đáng tiếc không thể vực dậy được do bí quyết làm nghề đã thất truyền và ngân khố hoàng gia eo hẹp.

Như vậy, có thể xác định rõ ràng pháp lam Huế chia làm hai loại, một là loại địa phương tự sản xuất, hai là loại đặt hàng từ các xưởng bên Trung Quốc. Lại dựa vào lịch sử du nhập pháp lam vào Việt Nam, cũng khẳng định được phong cách chủ đạo của pháp lam cung đình Huế là họa pháp lam Quảng Đông.

còn tiếp

1 Là đồ gốm sứ do triều đình Huế đặt làm tại các lò nung ngoại quốc với những yêu cầu riêng về kiểu dáng, màu sắc, thơ văn minh họa và hiệu đề.
2 Ngày nay là Iran.
3 “Diêu” là tên chung chỉ các sản phẩm được nung (như sành, sứ, gốm,..). Đại Thực là tên của vùng đất ngày nay là Iran và Afghanistan, còn Quỷ quốc tức nước Quỷ, là tên gọi khác của Đại Thực. Sở dĩ có danh xưng này là bởi theo quan niệm “trung tâm tinh hoa” (中 華) của người Trung Quốc, những nước lân bang chỉ là tập hợp các sắc dân man di mọi rợ, với Nam Man, Bắc Địch, Đông Di, Tây Nhung và các xứ ma quỷ khác.
4 Tây Vực là tên chung chỉ các nước phía Tây Trung Quốc, nay là Tân Cương.
5 Tên đầy đủ của ông là Léopold Michel Cadière (1869 – 1955), là một linh mục truyền giáo thuộc Hội Thừa sai Paris. Ông đã dành cả cuộc đời mình tại Việt Nam để thực hiện sứ vụ truyền giáo và để lại hàng trăm công trình khảo cứu có giá trị về lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

[1]. Trần Đức Anh Sơn, Tổng quan về pháp lam và nhận thức mới về pháp lam Huế thời Nguyễn, Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, Chuyên đề: Pháp lam Huế, số 3 (166), 2021.
[2]. Nguyễn Xuân Hoa, Pháp lam Huế - Di sản độc đáo của triều Nguyễn, Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, Chuyên đề: Pháp lam Huế, số 3 (166), 2021.
[3]. Huỳnh Thị Anh Vân, Sưu tập pháp lam tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế: Những món có hiệu đề vua Nguyễn, Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, Chuyên đề: Pháp lam Huế, số 3 (166), 2021.
[4]. Trần Lệ Hoa, Đồ pháp lang cốt kim loại ở Cố cung Bắc Kinh, Vĩnh Cao dịch, Trần Đức Anh Sơn bổ chú, Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, Chuyên đề: Pháp lam Huế, số 3 (166), 2021.

Chia sẻ câu chuyện này

Graphic Designer Ens

Share