Trong một cuốn bách khoa Việt Nam có nhận xét Nhật Bản hậu Thế chiến:
“Sau thất bại trong Chiến tranh thế giới II, hiến pháp (1946) quy định Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ dùng quyền lực nhà nước làm thủ đoạn phát động chiến tranh, uy hiếp bằng vũ lực, hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp quốc tế. Tuy vậy, các lực lượng hoà bình và dân chủ vẫn cảnh giác đề phòng âm mưu phục hồi chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản.“
Vào thế kỷ 19, cả thế giới đều hy vọng rằng thế kỷ 20 sẽ là một kỷ nguyên hòa bình và tươi sáng. Trái với kỳ vọng của họ, thế kỷ 20 là một giai đoạn đẫm máu chưa từng thấy với hàng loạt các cuộc chiến mang tính hủy diệt và triệt hạ lẫn nhau.
Nhật Bản như ta thấy ngày nay là một quốc gia mang vẻ ngoài hiền hòa nhưng trong quá khứ họ là một đế quốc hiếu chiến và tàn bạo. Có một giai đoạn 200 năm dưới thời Mạc phủ Tokugawa, họ sống khép kín bí ẩn như Triều Tiên, nhưng dưới áp lực của họng súng Mỹ, họ buộc phải mở cửa. Vậy là Mỹ đã tháo phong ấn cho con thần long đang ngủ say và về sau chính họ phải thu phục nó.
“Văn minh lây giống như bệnh sởi. Nó còn hay hơn bệnh sởi vì nó đem lại nguồn lợi“
Nhật được gỡ xích khỏi tư tưởng xưa cũ và bắt đầu dùng “hấp tinh đại pháp” với văn minh phương Tây. Chỉ trong một thời gian ngắn, Nhật đã sẵn sàng dời non lấp biển. Quân phiệt (Militarism) là tư tưởng chủ đạo của Đế quốc Nhật. Cho dễ hiểu là quân đội nắm quyền tối cao trong một đất nước, là một chính quyền quân sự toàn diện và dùng vũ lực để nói chuyện. Đế quốc Nga là một con ngáo ộp bên châu Âu, thậm chí không ngán cả ông kẹ Ottoman, vậy mà Nga bị hạ đo ván trong chiến tranh Nga – Nhật.
Chiến thắng ấn tượng của Nhật khiến không ít sĩ phu Việt Nam trầm trồ. Đỉnh quá, chất quá, chưa bao giờ có một nước châu Á làm được như vậy. Cụ Phan Bội Châu cho rằng muốn đánh Pháp nhất định phải cầu viện Nhật:
“Nước Tàu hiện nay quốc thể đã suy hèn, cứu mình không xong thì cứu được ai. Duy nước Nhật Bản là một nước tân tiến ở trong nòi giống da vàng mới đánh được Nga, dã tâm đang hăng lắm. Tới đó, đem hết lợi hại tỏ với nó, tất nó ứng viện cho ta. Nếu nó không xuất binh nữa mà ta tới mướn tư lương mua khí giới, tất có thể dễ lắm…”
Trong Thế chiến thứ Nhất, Nhật về phe Đồng Minh gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ. Ngày 15 tháng 8 năm 1914, Nhật gửi tối hậu thư cho Đức nhưng không được hồi đáp. Một tuần sau, Nhật tuyên chiến với Đức.
Chính Nhật là lực lượng tranh hùng với Đức ở Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, cũng như đánh chiếm tài sản và đất đai mà Đức chiếm được ở châu Á. Nước Anh tích cực hỗ trợ công nghệ chống tàu ngầm và Nhật bắt được 7 chiếc của Đức. Việc đứng trong hàng ngũ phe thắng cuộc Thế chiến thứ Nhất thực sự đã giúp Nhật ngày càng mạnh hơn để theo đuổi những tham vọng mới.
Nhật sinh ra thuyết Đại Đông Á, nghĩa là nước này sẽ làm đại ca liên kết các nước Đông Á lại và không phụ thuộc phương Tây. Nhưng đây chỉ là danh nghĩa, kỳ thực âm mưu của Nhật còn to lớn hơn thế nhiều. Quân phiệt Myanmar hiện tại vẫn không nguy hiểm bằng quân phiệt Nhật Bản ngày xưa, bởi vì tư tưởng của Nhật là kiêm lục hợp (gồm thu bốn bể) và yểm bác hoành (gồm thu toàn cầu).
Thời điểm 1941, Nhật Bản là độc cô cầu bại. Khả năng quân sự của đế quốc mới nổi này cực kỳ ghê gớm. Hải quân Nhật đầu thế kỷ 20 mạnh chỉ sau cặp đôi Anh – Mỹ, nhưng tới Thế chiến thứ Hai có thể nói là tiệm cận mức thiên hạ vô địch. Nhật Bản nắm giữ công nghệ hiện đại, tinh thần rực cháy và sức chiến đấu dũng mãnh. Điểm yếu duy nhất của họ là thiếu những nguyên liệu công nghiệp cần thiết để duy trì cỗ máy chiến tranh “đói khát” đó.
Nhưng giữa đại dương mênh mông thế này thì đáp ở đâu?
Hàng không mẫu hạm (tàu sân bay) là lời giải cho bài toán khó này. Tàu sân bay là thứ thiết yếu nếu nước nào đó muốn thống trị thế giới. Mỹ và Nhật hồi đó không thiếu. Nhìn lại Trung Quốc đến đầu thế kỷ 21 vẫn chỉ có 1 con Liêu Ninh thôi. Chính vì thế, nước này đang ráo riết xây đắp đảo nhân tạo Trường Sa với Hoàng Sa của Việt Nam để biến những nơi này thành “tàu sân bay không thể đánh chìm”.
Cuối cùng ta thấy sự hiện diện của đại chiến hạm Yamato. Nếu như Mỹ có Iowa thì Yamato là niềm kiêu hãnh của Nhật. Con quái vật Yamato là hung thần trên biển. Nó dài tới 263 mét, gần bằng 3 sân bóng đá, chở được 2500 người và chỉ chịu thua Titanic một chút. Vỏ tàu dày cùng 9 đại pháo khổng lồ là thứ khiến đối thủ phải méo mặt nếu chạm trán với Yamato cùng bầu đoàn thê tử hộ tống nó.
Ngay khi Nhật tiến vào Đông Dương thuộc Pháp, Mỹ lập tức siết chặt bằng cấm vận. Đòn cấm vận của Hoa Kỳ bao giờ cũng thấm và Nhật Bản cũng không ngoại lệ. Giống như một con thú dữ đang hung hăng cắn phá thì bỗng nhiên bị tay cao bồi quăng thòng lọng thít chặt cổ. Tay Thủ tướng hiếu chiến Hideki Tojo lên kế hoạch “xử đẹp” Mỹ, phải tiêu diệt toàn bộ hải quân Mỹ thì mới có cơ để Nhật Bản làm bá chủ.
Mỹ đề phòng Nhật, rất đề phòng là khác, nhưng cũng không ngờ Nhật bạo gan đến vậy. Hai bên vẫn đang đàm phán để giải quyết xích mích thì bất ngờ vào rạng sáng ngày 7 tháng 12 năm 1941, Trân Châu Cảng của Mỹ bị tấn công dữ dội. Thì ra Nhật đã quá cao tay, đi trước một nước.
Nhật tung hết những thứ mình có, máy bay xuất kích từ 6 hàng không mẫu hạm như đàn ong bay vần vũ khắp Trân Châu Cảng bắn phá quyết liệt. Trước khi thực hiện chuyến bay không ngày về, các thanh niên quyết tử vì tổ quốc quyết sinh đã viết chúc thư cho gia đình, cột khăn lên đầu thể hiện quyết tâm và hét to Banzai khi xuất kích.
Giờ vào siêu thị điện máy Chợ Lớn hay Thế Giới Di Động là ta dễ dàng mua được Tivi, tủ lạnh Mitsubishi. Tuy nhiên, sản phẩm huyền thoại nhất mà hãng này từng chế tạo là tiêm kích Zero. Naoki Hyakuta ghi lại lời lính Mỹ trong cuốn Không chiến Zero rực lửa:
“Chúng tôi biết chiến cơ tinh nhuệ mới của Nhật Bản có mã là Zero. Họ đặt cho chúng một cái tên vô cùng kỳ quái. Zero nghĩa là số 0, ấy vậy mà chiếc chiến cơ đó đã bỏ bùa chúng tôi với chuyển động kinh hoàng. Tôi từng nghĩ đó chính là sự huyền bí đến từ phương Đông.
Các chiến cơ Zero thật sự rất đáng sợ. Chúng nhanh đến mức không thể tin được. Sự khó lường của Zero là thứ chúng tôi không thể dự đoán, như ma trơi vậy. Mỗi lần chiến đấu, chúng tôi lại có cảm giác yếu thế bao trùm. Thế nên mới có mệnh lệnh rằng đừng để xảy ra không chiến với Zero. Chúng tôi đã từng nghĩ các phi công lái Zero chẳng phải người mà là ma quỷ. Nếu không thì cũng là những cỗ máy chiến tranh.”
Những chiến cơ Zero khiến Mỹ choáng váng mặt mày, chưa bao giờ họ bị đánh te tua như thế. Cuộc đồ sát cảng Trân Châu nằm ngoài tiên liệu của Hoa Kỳ, vì cho đến tận bình minh hôm đó, binh lính vẫn đang ngon giấc trên giường. Rất may cho Mỹ là không có tàu sân bay nào bị đánh chìm do chúng đã đi vắng hết ngoài đại dương rồi.
Hóa ra trước đó, vào ngày 26 tháng 11, Nhật đã âm thầm xuất phát hạm đội hải quân khét tiếng của mình theo một lộ trình kỳ dị, âm thầm hướng về Hawaii. Để đảm bảo bí mật tuyệt đối, Nhật sẵn sàng đánh chìm bất cứ tàu nhỏ ngây thơ vô tội nào trên đường đi, dù là tàu trung lập chăng nữa, giết người diệt khẩu luôn. Trong trường hợp xui xẻo lỡ bị tàu Mỹ bắt gặp trước khi đến Hawaii thì toàn quân sẽ quay về Nhật, giả đò như đang đi dạo vậy thôi. Thế nhưng mọi việc đều trót lọt và Mỹ nhận được một cú tát tỉnh cả người.
“Hôm qua, ngày 7 – 12, một ngày của sự nhục nhã. Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã bị các lực lượng hải quân và không quân của Đế quốc Nhật tấn công bất ngờ mà không tuyên chiến. Tôi yêu cầu Lưỡng viện của quốc hội Hoa Kỳ tuyên chiến với Nhật Bản, kể từ ngày chủ nhật hôm qua!”
Tổng thống Roosevelt tuyên bố chắc nịch, khẳng định mình sẽ tham gia Thế chiến. Anh, Úc, Hà Lan và 20 nước khác hưởng ứng lời hiệu triệu của đại ca. Nhật tuy là giang hồ có số má nhưng khi chứng kiến quá đông anh em xã hội vác dao đòi chém mình thì cũng phải thấy rén chứ. Đánh Mỹ không hẳn là sai lầm của Nhật, nhưng nó là cách duy nhất nếu muốn thống trị mặt biển.
Đô đốc Hải quân Đế quốc Nhật Bản Yamamoto cảm nhận rõ canh bạc họ sắp chơi rủi ro đến cỡ nào:
“Khoảng từ 6 đến 12 tháng đầu chiến tranh với Mỹ và Anh, tôi sẽ hăng hái giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Sau đó thì… tôi không có hy vọng nào thành công nữa“
“Người Nhật đang tìm cách thống trị quân sự đối với một nửa thế giới” – Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Welles nhận xét.
Hoa Kỳ quyết tâm triệt hạ Nhật Bản. Mặc dù đang giao tranh với Liên Xô dữ dội nhưng Đức không thể mang tiếng hứa lèo với đồng minh được. Vả lại, Hitler cho rằng Mỹ là một đế quốc Do Thái lớn ở phía Tây, sớm muộn gì cũng phải đánh. Thế là ông ta tuyên chiến với Hoa Kỳ. Không rõ những người lính Đức đang sa lầy trong mùa đông Liên Xô sẽ cảm thấy thế nào với nước đi vào lòng đất này của Quốc trưởng.
Cuối cùng, Nhật Bản đã chạm một tay đến giấc mơ của mình: Đông Ấn Hà Lan (hay Indonesia). Ngoài những mỏ dầu vô cùng giá trị để nuôi cỗ máy chiến tranh Nhật Bản, quần đảo này cực kỳ xuất sắc về địa chính trị. Nó là cầu nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, đồng thời phía trên là biển Đông và phía dưới là châu Úc. Đó là chưa kể đến điểm chiến lược eo biển Malacca. Nhật Bản có thể trả lại tự do cho mọi quốc gia, trừ Indonesia. Tướng Hitoshi Imamura đã nói thẳng với Sukarno:
“Tất cả những gì tôi có thể hứa với ông là tôi sẽ đem lại sự thịnh vượng đến cho nhân dân Indonesia, nhưng tôi không thể hứa hai chữ Độc Lập được“
Kenryo Sato, bạn thân của Thủ tướng Hideki Tojo, cảm thấy chiếm hết Đông Nam Á và Indonesia là đã đủ, giờ chỉ còn hòa với Anh Mỹ để kết thúc chiến tranh trong danh dự. Tojo là người lý trí và hiểu rõ tình thế mà mình phải đối mặt. Bên trong nội bộ quân phiệt Nhật Bản có nhiều kẻ rất hiếu chiến, không thể nói ngừng là ngừng được. Đối với họ, Indonesia chỉ là bước khởi đầu để chinh phục thế giới. Cho nên, Tojo lo lắng trả lời Sato:
“Nếu anh hoặc tôi mà thốt ra, dù thốt ra nhỏ thôi, chữ “hòa” là phe quân đội sẽ giết chết chúng ta ngay!“
Hơn ai hết, Tojo nhận thức rõ ràng dù là người ở vị trí rất cao trong chính trường Nhật Bản, nhưng phía dưới ông ta là một băng cướp hung bạo. Có những kẻ dám âm mưu bắt giữ cả Nhật hoàng chứ đừng nói là Thủ tướng, một điều ta sẽ thấy về sau trong âm mưu đảo chính Kyujo năm 1945.
Bản thân Tojo đã lâm vào thế cưỡi cọp, ngồi không yên mà xuống cũng không được. Vị Thủ tướng Nhật phải cưỡi con thú dữ này và phải đi cùng nó tới chết nếu không sẽ bị ăn thịt. Tojo giống như một phù thủy luyện âm binh. Ông ta đã gỡ phong ấn, mở nắp hũ cho ác quỷ tràn ra nhân gian, làm sao có thể nhốt chúng trở vào hũ được bây giờ?
“Hôm nay, hai chiến hạm tối tân và lớn nhất của ta bị máy bay Nhật Bản đánh chìm. Tư lệnh hạm đội đã làm những gì cần thiết nhưng không thể ngăn chặn được thảm kịch. Giờ đây người Nhật tự do tung hoành từ đảo Ceylon (Sri Lanka) đến tận Hawaii” – Thủ tướng Anh Winston Churchill.
Thế chiến bắt đầu sôi động hơn. Nếu như Thái Bình Dương là một bàn cờ vây thì Nhật và Mỹ là hai kỳ thủ cao tay, họ ra sức tranh giành các đảo để chiếm thế thượng phong trên mặt biển. Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn khốc liệt nhất.
Lần thứ hai xảy ra vào thế kỷ 20, khi Nhật đã làm gỏi Đông Nam Á. Thủ tướng Hideki Tojo đã phóng lao thì phải theo lao. Ông ta đe dọa:
“Nước Úc phải ý thức rằng mình không đủ khả năng chống lại sức mạnh vô địch của hoàng gia Nhật vì dân số ít ỏi cùng sự xa cách với Anh và Mỹ. Úc và New Zealand giờ đây nằm trong tầm tay của lực lượng hoàng gia Nhật. Nếu họ không thay đổi chính sách đối ngoại thì phải chịu chung số phận với quần đảo Indonesia“
Thủ tướng Úc John Curtin kinh hoàng:
“Đây là một lời cảnh cáo. Úc giờ đây là tiền đồn của Đồng Minh để bảo vệ Thái Bình Dương và bờ biển của Mỹ. Một khi Úc thất thủ thì Mỹ lo mà thiết lập phòng thủ ngay trên thành phố San Francisco là vừa. Tôi kêu gọi chính phủ Mỹ giúp đỡ Úc bảo vệ biên cương trước khi quá muộn“
Mỹ vác hàng không mẫu hạm ra biển San Hô để giúp Úc và đây cũng là lần đầu tiên các tàu sân bay đối đầu với nhau trong lịch sử. Trận này anh hùng cứu mỹ nhân thành công nhưng đổi lại bằng 1 tàu sân bay. Và rồi, một trận đánh định mệnh khác đã đến.
Như đã kể, bằng cách tiêu diệt hạm đội Mỹ ở Trân Châu Cảng, Nhật muốn làm tê liệt đối thủ trước. Kế đó, họ sẽ tung lực lượng ra chiếm các đảo ở Thái Bình Dương để tạo thành một vành đai và nếu được sẽ tấn công lên cả Bờ Tây nước Mỹ.
Vấn đề là sau Trân Châu Cảng, Nhật sẽ đánh ở đâu tiếp theo?
Thái Bình Dương mênh mông, làm sao biết chính xác Nhật sẽ đánh đảo nào đầu tiên?
Mỹ đã bẻ khoá được mật lệnh của Nhật và họ phỏng đoán rằng Midway sẽ là mục tiêu kế tiếp. Nhưng tất cả chỉ là phỏng đoán. Nếu đoán sai, họ sẽ phải trả giá.
Cuối cùng, họ đoán đúng. Dù vậy, đoán đúng cũng chưa chắc đã thắng được hạm đội khủng khiếp của Nhật:
– Nhật có 4 tàu sân bay, Mỹ có 3.
– Nhật đông hơn, trang bị tốt hơn.
– Nhật đang thắng liên tiếp nên tinh thần máu lửa hơn.
Nếu ta xem máy bay là rồng, phi công là kỵ sĩ rồng, thì tàu sân bay là hang rồng. Chiếu được tàu sân bay là chiếu tướng. Midway chính là khái niệm chính xác nhất cho một màn Khiêu vũ của bầy rồng. Trên đại dương mênh mông, hai bên phải tung tất cả rồng mình đang có ra và phá hủy hang rồng của đối phương.
Trước khi xuất hiện tên lửa và bom dẫn đường, để ném bom các thành phố, ta có thể dùng máy bay thả từ tầm cao. Tuy nhiên, với các mục tiêu di động như tàu chiến, ném bom bổ nhào gần như là bắt buộc. Phi công thật sự phải thực hiện một pha lao xuống ở góc 70 độ để tiếp cận mục tiêu như con chim cắt vồ mồi.
Góc nhìn của một phi công máy bay bổ nhào Mỹ trong đại chiến Midway sẽ như sau:
– Anh ta lao thẳng xuống tàu chiến Nhật bên dưới.
– Chịu đựng và lạng lách dưới làn lửa đạn.
– Thực hiện một pha ném bom.
– Bình tĩnh bẻ ngoặt hướng lái lên để tránh đâm thẳng vào tàu chiến.
Những phi công dạng này thật sự là thần kinh thép. Tưởng tượng nếu lúc lao xuống bị đứt thắng là họ thành máy bay… cảm tử luôn. Chưa kể, ngoài câu chuyện tinh thần còn phải xử lý thêm gia tốc trọng trường tăng nhanh khi máy bay bổ xuống, làm giảm máu lên não nữa. Thể lực và tập luyện phải nói là vượt tầm con người.
Trận Midway này, nếu Mỹ bại, họ sẽ không thể quay trở lại chiến trường một thời gian. Kéo theo Anh và Liên Xô cũng bại nốt khi đạo luật Lend-Lease viện trợ dầu, thực phẩm và trang thiết bị phải ngừng.
Cửa thắng người Nhật sáng hơn rất nhiều. Midway là nơi diễn ra trận đánh thay đổi lịch sử thế giới. Giả sử Nhật ăn Mỹ tại Midway, họ có thể rảnh tay đánh vào Úc và Siberia, có được những nguồn tài nguyên cần thiết để mạnh hơn nữa. Nếu Nhật thắng trận này, thế giới chúng ta đang sống có thể rất khác.
Rất may cho thế giới là Mỹ huỷ diệt hết 4 tàu sân bay của Nhật ở Midway, Xô nghiền nát Tập đoàn quân số 6 thiện chiến của Đức ở Stalingrad.
Trong khi Hoa Kỳ quần thảo với Nhật ngoài Thái Bình Dương, nước Anh lúc ấy phụ trách phòng thủ Nhật tại Đông Nam Á. Suýt nữa Anh đã bị loại khỏi vòng chiến khi Nhật thọc mạnh vào Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, may mắn thay, người Nhật lại rút đi.
Trên các thuộc địa của mình, đế quốc Anh chật vật giành từng tấc đất với tên samurai châu Á. Trong đó, trận đánh tại Ramree là độc đáo nhưng cũng kinh dị nhất. Đảo Ramree nằm tại Myanmar là thứ bạn chỉ có thể tưởng tượng được trong truyện viễn tưởng. Đó chính là đảo cá sấu.
Không phải sấu thường mà là những con sấu nước mặn to đùng như khủng long ăn thịt, khoảng 7 mét. Quân Anh kịch chiến với quân Nhật kéo dài đến chập tối. Xác định không thể tiêu diệt nổi đối phương, chỉ huy Anh quyết định lừa lính Nhật vào đầm lầy.
Mấy phút sau, qua ống nhòm, các sĩ quan người Anh đã bắt đầu được chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng. Ban ngày những con cá sấu chui xuống nước trốn vì tiếng súng. Nhưng khi màn đêm buông xuống cùng sự tĩnh mịch, cơn đói cồn cào bị kích thích bởi mùi từ vết thương của lính Nhật, bầy quái vật hiện nguyên hình, trườn tới gần con mồi cắp lấy họ kéo xuống nấm mồ của đời mình. Cứ thế hàng nghìn con quái thú điên cuồng nối xông lên. Các binh sĩ Nhật mình đẫm máu la hét giãy giụa, nằm khắp nơi dưới lớp bùn lầy đen ngòm. Họ bị những cái hàm của loài bò sát khổng lồ nghiền nát, và những âm thanh kỳ lạ náo động của lũ cá sấu quần thảo là tạp âm của địa ngục.
Chỉ trong một đêm ngắn ngủi, trung đoàn biệt kích Nhật thiện chiến nhất tên Cơn Lốc, được trang bị vũ khí đầy đủ, gồm 1215 binh sĩ dày dạn kinh nghiệm trận mạc và được tuyển chọn kỹ lưỡng bị lũ cá sấu nuốt sống, chỉ còn 20 người trở về được trong trạng thái điên loạn. Sách Kỷ lục Guinness ghi nhận đây là thảm kịch có “số lượng lớn nhất các ca tử vong của con người do động vật gây ra”.
Thế nhưng sau đó chính người Mỹ lại gặp thảm họa tương tự khi tàu USS Indianapolis trúng ngư lôi Nhật và đắm. 1000 người chết theo tàu, 800 người khác nổi lềnh bềnh trên mặt biển và đấy cũng là lúc thần chết tìm đến. Đàn cá mập trắng hung dữ lượn lờ bên ngoài. Lính Mỹ mất đi 3 hoặc 4 người mỗi ngày đêm. Bạn mà ở hoàn cảnh đó chắc cũng khóc hết nước mắt chứ không đùa. Chỉ vài phút, bạn sẽ thấy vây của cá mập, không phải một mà là vài chục chiếc vây trong nước.
Khi những con cá mập tấn công, một vài người đập nước, đấm đá và kêu thét. Tất cả binh lính quyết định chụm lại để phòng vệ. Thế nhưng mỗi lần chúng cắn người, máu lại lênh láng đỏ rực mặt biển và bầy ác ngư kéo đến càng đông. Trong làn nước trong xanh đầy chết chóc ấy, bạn có thể nhìn thấy đôi mắt xám vô hồn của hung thần biển cả. Lần lượt từng người một từ giã cuộc đời trong hàm cá mập. Phải 4 ngày sau cứu hộ mới tới. Đói khát, nắng cháy, sợ hãi, 4 ngày địa ngục dài như 4 thế kỷ trong tâm trí những người thoát nạn.
Xét về toàn diện, đế chế mặt trời mọc là đối thủ khó nhai nhất của Hoa Kỳ từ trước đến nay trên chiến trường. Khát máu, ranh ma và bất khuất. Từ thời Mông Cổ, hiếm có quân đội châu Á nào gây kinh hoàng cho thế giới như người Nhật. Cũng như trong lịch sử, trừ thời chiến tranh Mông Cổ, chưa lúc nào toàn bộ các nước đồng văn Đông Á đều bị hủy diệt và tàn sát như thời đế quốc Nhật. Mỹ đã tháo phong ấn cho Nhật, bây giờ họ phải tìm cách phong ấn nó lại lần nữa.
Nếu như cái đích của Nga là Berlin thì cái đích của Mỹ là Tokyo. Năm 1943, Nhật đã thấy dấu hiệu bại trận hiển hiện trước mắt. Nhật hoàng trách quân đội:
“Các khanh cứ lặp đi lặp lại là quân lực Thiên Hoàng là một sức mạnh không thể chiến bại được. Nhưng mỗi khi địch quân đổ bộ lên đảo là các khanh thất trận. Các khanh có khả năng đẩy lui chúng ở đâu không? Vậy các khanh nên thiết lập một giới tuyến phòng ngự, chứ nếu quân lực hoàng gia lùi mãi, các nước trong cộng đồng Đại Đông Á sẽ hết tin ở Nhật Bản“
Nhật dùng từ Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á để che đậy dã tâm thống trị của họ, nhưng sau 3 năm thấy không ăn nổi Mỹ nữa nên phải dùng lại bài cũ. Nhật thật sự cần đồng minh trong giờ phút đen tối này.
Đầu tiên là phát hai miếng đất lớn cho Miến Điện và Thái Lan làm quà. Sau đó tuyên bố giúp Ấn Độ tiêu diệt thực dân Anh. Kế nữa là trả độc lập lại cho Philippines. Riêng Indonesia nhiều tài nguyên quá nên tạm thời bị… lơ đẹp.
Nhật tổ chức hội nghị Đại Đông Á bao gồm nhiều nước bị phương Tây ăn hiếp lại để bàn việc.
Miến Điện xúc động:
“Trong nhiều thế hệ qua. Mẹ châu Á đã đánh mất bầy con. May nhờ nước Đại Nhật Bản, người anh cả, chúng ta đã tìm lại được mẹ. Vậy từ nay, chúng ta hãy nắm tay nhau. Một ngàn triệu người châu Á tiến về phía trước xây dựng một thế giới của Tự Do, Hạnh Phúc và Sung Túc“
Ấn Độ đồng ý:
“Tôi nghĩ rằng hội nghị Đại Đông Á được triệu tập ở Tokyo, xứ sở của Mặt Trời mọc, là một điều lành. Đây không phải là lần đầu tiên mà thế giới phải quay về hướng Đông để tìm ánh sáng soi đường“
Nhật Bản chốt hạ:
“Đây là một hội nghị khoáng đại linh hồn và dòng máu Á Châu, lần đầu tiên trong lịch sử loài người. Nơi đây những người anh em gặp lại nhau sau một chuỗi dài đen tối triền miên. Người Hoa, Mãn, Ấn, Phi, Miến, Thái, Nhật cảm thấy họ là anh em ruột chung một mẹ: mẹ Á Châu“
Thế nhưng, thực tế vẫn là Đế quốc Nhật Bản phải cô đơn chống đỡ với hàng loạt kẻ thù bốn phương. Lúc này, Ý đã đăng xuất khỏi trò chơi, còn Đức đang bị Liên Xô đánh như đờn ca vọng cổ bên châu Âu, thân mình còn lo chưa xong. Việt Nam nhân dịp ấy vùng dậy và lấy lại độc lập sau gần 100 năm khốn khổ bị Pháp cai trị. Dù vậy nước ta cũng đổi bằng cái giá quá đắt khi Nhật vì nhu cầu đánh Mỹ đã bắt nhổ lúa trồng đay khiến 2 triệu người chết đói. Mà ngày đó dân miền Bắc có tầm mười mấy triệu người thôi. Tính theo tỷ lệ dân số thì gọi là đại thảm họa.
Mức độ khốc liệt của chiến tranh Thái Bình Dương càng lúc càng tăng khi gần về cuối, vòng vây của Mỹ càng siết chặt, dồn Nhật vào cửa tử. Sau một nỗ lực phi thường, Mỹ đã lấy lại Philippines và vươn tới được lãnh địa Nhật Bản. Binh hùng tướng mạnh đổ bộ đảo Iwo Jima. Đây là trận ác chiến mà thương vong Mỹ nhiều hơn Nhật, dù rằng họ cũng đã cắm được thành công quốc kỳ trên đảo. Bạn có thể xem hai bộ phim bi tráng Letters from Iwo Jima và Flags of our Fathers để hiểu thêm.
Càng ngày các cuộc không kích càng xảy ra với tần suất dày đặc hơn, đặc biệt khi tầm bay của người Mỹ từ các đảo xung quanh đến đất liền Nhật Bản mỗi lúc một gần. Quân phiệt Nhật khiến Nhật Bản trở thành kẻ thù của thế giới và đẩy nước này vào cảnh điêu tàn tận cùng.
Khi tăng độ sáng cho poster phim Grave of the Fireflies (Mộ đom đóm), bạn sẽ thấy những đốm sáng nhảy múa xung quanh anh em Seita và Setsuko không phải là đom đóm, mà là ẩn dụ cho máy bay đang rải thảm xuống Kobe. Đom đóm trong văn hóa Nhật Bản cũng tượng trưng cho linh hồn những người đã chết.
Do nhà cửa nước Nhật đa số là gỗ nên cháy càng ác liệt. Trong sự kiện không kích Tokyo, vùng trung tâm đại đô thị chìm trong biển lửa bởi bom napalm rải từ 279 pháo đài bay B-29. Chỉ 1 đêm duy nhất, 100 ngàn người chết và 1 triệu người thành vô gia cư.
Không chậm trễ, quân Mỹ tiến đến cửa ngõ Okinawa, hạ gục đại chiến hạm Yamato và chiếm luôn đảo. Tuy nhiên, cái giá phải trả cũng chẳng rẻ. Bị dồn vào đường cùng, Nhật Bản ồ ạt tung phi đội Thần Phong (Kamikaze) ra quyết liều mạng. Các thanh niên Nhật bị nhồi sọ nên độ liều lĩnh không phải bàn. Họ không sợ chết và xem việc biến bản thân mình thành những tên lửa sống là vinh quang. Tác giả trích thư của cậu sinh viên giỏi Ogawa Kiyoshi, người lái chiếc Zero cảm tử giết đến 400 lính Mỹ:
“Con sẽ ghi danh tham gia phi đội Thần Phong (Kamikaze) ba má ạ. Con sẽ thanh thản bay xuyên qua những áng mây trên trời. Việc gì phải nghĩ đến sinh tử khi ai chẳng phải chết một lần, và không khoảnh khắc nào vinh quang hơn ngày con hy sinh vì tổ quốc. Con sẽ mỉm cười và bay ra tiền tuyến, kể cả ngày ghi danh và mãi mãi về sau…”
Tại Okinawa, Mỹ ráo riết xây dựng căn cứ chuẩn bị chiến dịch cuối cùng để chấm dứt mọi việc tại sào huyệt Tokyo. Chiến dịch đổ bộ vĩ đại nhất lịch sử Downfall (Sụp đổ) dự kiến chia ra làm hai phần là Olympic và Coronet.
Theo kế hoạch, bắt đầu từ Okinawa, Mỹ sẽ tấn công hai đảo chính Honshu và Kyushu, bao vây kinh thành Tokyo buộc Thiên hoàng giơ tay chịu trói. Nhưng tình báo Nhật cũng đoán được thế nên Đế quốc Mặt Trời Mọc đã chuẩn bị chiến dịch Ketsugo để đón Mỹ.
Dù Hải quân Nhật Bản đã tê liệt nhưng khi đổ bộ lên đất liền, Mỹ phải đối mặt với một dân tộc cuồng tín. Lúc này, mục đích phòng thủ của người Nhật không phải để thắng vì họ biết 100% là thua tới nơi rồi, nhưng phải đánh trả làm sao cho quân Đồng Minh chết nhiều đến mức phải đồng ý để Nhật buông vũ khí trong danh dự, cũng như có những điều khoản chấp nhận được. Tinh thần võ sĩ đạo không cho phép đầu hàng. Chơi tới cùng theo kiểu nụ cười tao mà tắt thì nước mắt mày cũng rơi.
Dự kiến nếu cả Downfall và Ketsugo trở thành hiện thực, số người thiệt mạng sẽ cao không tưởng. Quân Đồng Minh sẽ phải tiêu diệt 5 đến 10 triệu người Nhật mới kết thúc chiến tranh thế giới.
Thế nên họ đã có cách khác.
Nhật: *Đã xem*
Đối với một người coi trọng danh dự tới mức sẵn sàng mổ bụng tự sát, thì việc bạn hỏi anh ấy có đầu hàng không cũng như hỏi cho có vậy thôi. Một người lính Nhật lưu lạc trên đảo sau khi Thế chiến kết thúc cả chục năm vẫn sẵn sàng chiến đấu. Cho đến tận lúc người ta mời chỉ huy năm xưa đến ra lệnh buông súng thì ông ta mới buông. Vậy cũng để hiểu tinh thần Nhật Bản bất diệt ra sao. Do vậy muốn khuất phục được con cháu Thái Dương thần nữ Amaterasu, bạn cần một thứ gì đó thật vĩ đại, thật hoành tráng và thậm chí, kinh hoàng.
Một đám mây hình nấm bốc cao trên bầu trời Hiroshima. Tâm chấn sáng rực như mặt trời giữa trưa. Liên tiếp nhiều luồng sóng đồng tâm tỏa rộng quét sạch mọi thứ trên đường đi của chúng. Nhà cửa vỡ vụn ra như những mảnh tro tàn trước cuồng phong. Sức nóng dã man của vụ nổ vô tiền khoáng hậu này biến cát thành gương, biến mặt đất thành mặt trăng, lủng lỗ chỗ và điêu tàn. Quá nhiều người chết tức tưởi trước khi họ ý thức được điều gì.
Nhật tưởng Mỹ chỉ sở hữu duy nhất một trái, nhưng thực tế Mỹ có hai. Dự án Manhattan thành công vượt dự kiến, siêu bom đã hoàn thiện 100%. Uranium cung cấp nguồn năng lượng tàn phá áp đảo bất cứ thứ gì từng được biết đến trên địa cầu. Một phát minh ra đời để kết thúc tất cả các phát minh khác.
Hiroshima trở thành nơi đầu tiên trong lịch sử bị vũ khí hạt nhân tấn công. Người Nhật sốc nặng nhưng vẫn ngoan cố, Mỹ quyết định phải mạnh tay. Kyoto được chọn làm mục tiêu chính, nhưng giá trị văn hóa đã giúp nó tránh khỏi thảm kịch. Và máy bay cắp theo quả bom nguyên tử trực chỉ Kokura.
Hôm đó là một ngày mây dày đặc bao phủ thành phố Kokura. Sau nửa tiếng lượn lờ trên trời nhưng không thể thả, phi công quyết định chuyển hướng sang nơi khác. Nagasaki đen không thể đen hơn vì nó là mục tiêu phụ thôi. Quả bom Fat Man chứa Plutonium nổ tung khi cách mặt đất 500 mét, một ánh chớp sáng lòa rạch ngang bầu trời và đám cháy lan mạnh từ Bắc tới Nam thành phố, kết liễu ngay lập tức ⅓ thường dân. Cảnh vật sau đó trở nên hoàn toàn yên ắng, không còn cả tiếng côn trùng kêu. Ông Yamaguchi 3 ngày trước dính bom ở Hiroshima, chạy nạn qua Nagasaki thì ăn thêm quả nữa, nhưng cuối cùng sống sót, không biết là xui hay hên nữa.
Ngay lúc đó, Liên Xô khai chiến với Nhật Bản, đánh tan tành đạo quân Quan Đông và sẵn sàng đổ bộ lên Hokkaido. Mỹ với Nga chưa bao giờ ăn ý và đồng tâm hiệp lực như thế. Bị hai siêu cường tấn công cùng một lúc, Nhật Bản không chịu nổi, đành rơi lệ đầu hàng và bộ máy chiến tranh bị dẹp bỏ. Hoa Kỳ bẻ nanh tháo vuốt và phong ấn con rồng thần này, thu phục nó, không để tác oai tác quái nữa. Nhiều người Nhật cảm thấy nhục nhã nên đã tự tử, chính phủ phải đem các cây anh đào xinh tươi về trồng trong thành phố để giúp mọi người lạc quan và xoa dịu nỗi đau bại trận.
“Quân thù đã bắt đầu đem ra sử dụng loại bom kinh khủng mới nhất mà sức tàn phá của nó thực sự không lường được đã gây ra cái chết của nhiều sinh mạng vô tội. Nếu chúng ta tiếp tục chống trả, không chỉ quốc gia Nhật Bản bị sụp đổ nhanh chóng và bị tiêu diệt mà có thể dẫn đến sự tuyệt chủng hoàn toàn văn minh của loài người.
Nếu điều đó xảy ra, Trẫm sẽ phải cứu lấy hàng triệu con dân như thế nào và trả lời sao trước vong linh của liệt tổ hoàng triều? Chính vì lý do này Trẫm đã ra lệnh chấp nhận các điều khoản trong tuyên bố chung của các cường quốc.”
Hoàng đế Hirohito nói. Nước Nhật chính thức ký văn kiện đầu hàng. Chiến tranh thế giới thứ Hai chấm dứt.
Lại nói, vì sao Trung Quốc luôn lồng lộn mỗi khi Thủ tướng Nhật thăm đền Yasukuni?
Đền này tên cũ là Đông Kinh Chiêu Hồn xã. Cũng giống như các chiến binh Viking muốn lên Valhalla hay quân thánh chiến Hồi giáo muốn lên thiên đàng vậy, quân sĩ Nhật xem việc chết vì xã tắc và trở thành Kami (thần) để phù hộ quốc gia là một vinh dự.
Chưa kể, bên trong đền Yasukuni là bảo tàng quân sự Yushukan. Nếu ngoài kia là một thế giới đáng yêu với nào là anime, nào là manga, thì trong bảo tàng này lưu giữ đậm đặc tinh thần Nhật Bản thời Thế chiến, tôn vinh những liệt sĩ xả thân vì nước. Bạn có thể thấy cả một chiếc Zero, dòng máy bay dùng để tấn công Trân Châu Cảng và thi triển đòn cảm tử Kamikaze.
Những điều này khiến Trung Quốc vô cùng khó chịu. Có lẽ người Nhật chấp nhận nhẫn nhịn theo thời thế, nhưng họ chưa bao giờ quên hẳn quá khứ của mình.
Thiết kế dàn trang Minh Hiếu, Thành Phúc
Thiết kế ảnh bìa Nhím