Sài Gòn ngày nay đã từng trải qua rất nhiều giai đoạn trong suốt 300 năm của nó. Ban đầu chúa Nguyễn Ánh chọn vùng này làm nơi ở chính, vì ông không hy vọng trở về đô thành Phú Xuân được. Cuộc chiến dai dẳng giữa triều Nguyễn và nhà Tây Sơn vô tình đã tàn phá hầu hết các đô thị lớn tại miền Nam lúc đó, mở đường cho sự khai sinh của kinh đô Gia Định (hay Gia Định kinh).
Trong thời gian chúa Nguyễn sống tại Gia Định, ông cư ngụ trong một pháo đài lớn được gọi là Bát Quái Thành, chính là trung tâm quận 1 với các địa điểm check in quen thuộc như Hồ Con Rùa, đường sách Nguyễn Văn Bình, Diamond Plaza, vân vân.
Thế nhưng tại sao lại có một cái tên Đa Kao nghe kỳ cục vậy? Đa Kao là tiếng Việt, tiếng Tàu, hay tiếng Tây? Lục hết tự điển Việt Nam cũng không đào đâu ra được ý nghĩa của từ này. Khu vực Tân Định – Đa Kao này thực tế đã có lịch sử lâu đời nhưng bạn hỏi dân địa phương chưa chắc người ta đã giải thích được cho bạn.
Đầu tiên bạn nên biết phong cách đặt tên của người nước mình, ngoài việc chọn một cái tên thật đẹp như Thăng Long, thì cũng sẽ có những cái tên rất dân gian mang tính địa phương như Bến Nghé chẳng hạn. Cuối cùng là “đọc trại”. Đất nước Việt Nam hiện nay được tạo thành từ nhiều mảnh ghép khác nhau, của các vương quốc và dân tộc khác nhau. Khi người Việt mở rộng bờ cõi và đặt chính quyền cai trị, họ sẽ chuyển ngữ sang tiếng Việt cho dễ gọi. Những cái tên Sóc Trăng, Cà Mau, Phan Rang, Phan Thiết, vân vân thuộc trường hợp này.
Vậy còn Đa Kao?
Đây là một trường hợp thú vị. Khi người Pháp chiếm Nam Kỳ, họ đã cho cải tạo và xây dựng lại kinh đô cũ ngày xưa của chúa Nguyễn. Trong đề án quy hoạch mở rộng, người Pháp sáp nhập thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn lại để tạo nên Địa phương Sài Gòn – Chợ Lớn. Bên dưới nó là các đơn vị nhỏ hơn gọi là các hộ với các hộ trưởng đứng đầu. Vùng Đất Hộ được phiên âm sang tiếng Pháp là Dak Ho, nhưng trong tiếng Pháp thì chữ H là câm, viết ra nhưng không nói. Cho nên Dak Ho trở thành Dak O (Đắc Cô), cuối cùng đọc trại hẳn ra thành Đa Kao.
Dù có mặt trong văn bản hành chính, nhưng đến thập niên 50 của thế kỷ trước, cái tên này mới thực sự phổ biến. Nếu bạn là một fan của Sài Gòn ngày cũ thì hãy lựa một ngày đẹp trời đi dạo dọc con đường Trần Quang Khải nhé. Chỗ được xem là đất hộ đó giờ là công viên Lê Văn Tám, nhưng phường Đa Kao thì khá rộng. Thường người ta gọi là khu Đa Kao – Tân Định luôn.