Cùng với rượu vang nho, trà là thức uống cổ xưa nhất của loài người, ban đầu chỉ dùng để giải khát hoặc chữa bệnh, dần dần được nâng lên hàng nghệ thuật ẩm thực rồi theo chân các thương gia châu Âu mà trở nên phổ biến toàn thế giới. Bởi hương vị phong phú và công dụng an thần, giữ cho tâm trí tỉnh táo của mình mà trà được tôn xưng đứng đầu trăm loài thảo mộc; đồng thời thú thưởng trà cũng trở thành văn hóa chung của cả Đông phương lẫn Tây phương. Dẫu đã trải qua biết bao biến động lịch sử, trà vẫn luôn hiện diện dưới mọi hình thức, từ những chén trà giản dị pha trong sương sớm tới nghệ thuật Trà đạo cầu kỳ cao nhã hay những bữa tiệc trà xa hoa của giới quý tộc châu Âu, góp một phần không thể thiếu vào đời sống sinh hoạt con người.
Nguồn gốc của trà
Trung Hoa thường được coi là cái nôi của văn hóa trà, bởi các trước tác có nội dung khảo cứu, phẩm bình về trà xuất hiện tương đối sớm và đa dạng về chủ đề, ví như các cuốn Trà kinh, Trà lục, Trà luận, Trà tiên,… đều có giá trị kinh điển. Song song với việc ghi chép, người Trung Hoa cũng liên tục thử nghiệm, cải tiến phương pháp sao chế, đun pha để dần đạt tới trình độ thưởng trà tinh mỹ nhất và lan truyền nghệ thuật thưởng thức này tới các nước đồng văn.
Tuy nhiên, nguồn gốc thực sự của cây trà cho tới nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi bởi yếu tố địa chính trị đan cài, chỉ có thể tạm thời xác minh dựa trên các nghiên cứu thực vật học. Theo đó, cây trà với danh pháp khoa học là Camellia sinensis phân bố chủ yếu tại khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, cụ thể là tại Tây Tạng, miền Bắc Thái Lan, Đông Miến Điện, Vân Nam, Thượng Đông Dương và xứ Assam Ấn Độ với bạt ngàn gốc trà hoang dã mọc thành rừng. Các tộc người sinh sống quanh vùng đất nguyên sơ của trà từ xa xưa đã biết hái lá làm thuốc hoặc sắc lấy nước uống giải nhiệt, rồi dần dần qua con đường xâm chiếm đất đai hoặc di cư, thói tục uống trà được sắc dân Hoa Hạ vùng Trung Nguyên tiếp nhận và phát triển mạnh mẽ sau này.
Căn cứ vào thư tịch cổ, có thể truy ra từ thời nhà Tấn (266 – 420), trà đã bắt đầu xuất hiện trong những buổi thù tiếp của các bậc vương tôn quý tộc, tuy chưa phổ biến và còn ít nhiều bị xem nhẹ là thủy ách hay lạc nô. Tới thế kỷ thứ 4, người Trung Hoa bắt đầu nhân giống cây trà ở tỉnh Tứ Xuyên rồi mở rộng diện tích gieo trồng khắp lưu vực sông Trường Giang và các tỉnh miền Nam.
Dưới thời Đường (620 – 907), trà rất được ưa chuộng ở vùng Giang Nam, trong khi tại miền Bắc ban đầu không mấy ai mặn mà với thức uống này. Mãi cho tới thời thịnh Đường (766 – 835), nhu cầu uống trà nơi mọi giai tầng xã hội mới tăng cao, trà quán được mở ra khắp nơi, nghề buôn trà cũng vì thế mà phát đạt, hình thành Trà Mã cổ đạo – tuyến đường trao đổi trà và ngựa nổi tiếng giữa người dân vùng Vân Nam và Tây Tạng.
Thưởng thức trà trong triết lý Đông phương
Cũng trong giai đoạn này, Lục Vũ (? – 804) – một trí thức người gốc Hồ Bắc – cho ra đời cuốn Trà kinh và ngay lập tức nhận được nhiều tán thưởng từ người đương thời bởi vốn kiến thức dày dặn cùng công phu khảo cứu chuyên sâu về trà được thể hiện nhuần nhuyễn trong sách.
Cuốn Kinh điển về trà này chia làm ba quyển thượng, trung, hạ, tổng cộng có mười mục, mỗi mục bàn về một chủ điểm khác nhau, tỷ như danh xưng, nguồn gốc, cách thu thập và chế biến lá trà tươi, hay luận về bộ dụng cụ đun uống đầy đủ và phẩm tính các loại trà thời bấy giờ.
Không chỉ tỉ mỉ trong việc kê cứu, Lục Vũ còn giới thiệu thêm lối thưởng trà mới lạ tinh tế hơn mà ông học được từ các tăng ni trong quãng thời gian ở chùa. Chính các vị thiền sư thời Đường là những người đầu tiên kết hợp thú uống trà với những suy tư mang đậm triết lý nhà Phật, đem đến cho trà một đời sống tinh thần riêng, sống động và thanh nhã gấp bội. Về sau, lối uống trà này tiếp tục được bồi đắp thêm bởi các cao tăng nhà Tống (960 – 1279) vốn là những bậc thầy về trà và thiền định, rồi lan truyền sang Nhật Bản, khai sinh môn nghệ thuật Trà đạo lừng danh.
Trước và trong thời Đường, trà được chế biến chủ yếu bằng cách ép khô thành từng bánh. Sau khi nông phu hái lá trà về, họ nghiền lá thành bột, đổ vào khuôn tròn và ép thật chặt, rồi đem đi sấy khô. Bánh trà được sấy xong thì đem buộc lại thành từng cặp, treo lên các gánh để người đi buôn quẩy khắp các tuyến đường của vương quốc Đại Đường. Tới thời Tống, trà bánh thô nồng mất đi vị thế độc tôn, nhường chỗ cho trà bột, tức là loại trà nghiền mịn như bột rồi đánh trong âu bát để tạo bọt, đem đến hương vị thanh lãng hoàn toàn mới mẻ cho người thưởng thức.
Sự cầu kỳ trong lối thưởng trà đời Tống còn thể hiện cả trong những cái tên yêu kiều mà người ta đặt cho trà, như ô trảo (vuốt diều), tước thiệt (lưỡi sẻ) hay thọ mi (mày xám). Ngoài ra, nếu Đường triều có Lục Vũ với Trà kinh thì Tống triều có Tống Huy Tông Triệu Cát (1082 – 1135) với Đại Quan trà luận được xếp vào hàng kinh điển. Cả hai đều là những nghệ nhân về trà, có vốn hiểu biết uyên thâm và có công sắp đặt quy củ các thói tục, đồng thời đưa thêm triết lý Phật – Đạo vào trong những luận bàn về trà, nâng thú thưởng trà lên thành một nghệ thuật sống.
Sau khi triều Nguyên sụp đổ, triều Minh thay thế đã phục hồi lại nền văn hóa Hoa Hạ vốn bị chôn vùi trăm năm dưới ách cai trị ngoại tộc, trong đó có văn hóa thưởng trà. Người thời Minh uống trà gần giống kiểu cách ngày nay với lá trà được đun nóng trong ấm rồi rót ra chén. Dẫu khi ngâm trong nước nóng, lá trà sẽ chìm xuống đáy, nhưng tầng lớp quyền quý vẫn muốn thể hiện phong thái xa hoa cầu kỳ bằng chỉ hé mở nắp chén để nhấp trà, hoặc dùng một lá bạc mỏng để chặn lá trà nổi lên khi uống. Trong khi người Nhật vẫn bảo lưu cách đánh trà trong bát như đời Tống, thì người Việt đã mau chóng du nhập lối uống trà với đầy đủ ấm chén theo phong cách nhà Minh vào khoảng thế kỷ 16.
Đã nhắc tới Trà đạo, thiết tưởng cũng nên đề cập tới hai vị thiền sư có công lớn nhất trong việc thiết lập lễ nghi là Myoan Eisai (1141 – 1215) và Murata Juko (1423 – 1502). Nếu như Eisai chủ trương trà lễ phải trang nghiêm, trà cụ phải tinh khéo, người thưởng trà cũng chỉ thuộc giới tăng lữ hoặc quý tộc, thì Juko đem đến một phiên bản Trà đạo khác dung dị và gần gũi với chúng nhân hơn mà vẫn giữ được tinh thần Thiền tông Nhật Bản.
Về thiền sư Eisai, tục truyền rằng ông đã tới Chiết Giang vào năm 1187 để bái sư học đạo, sau bốn năm thì quay về cố quốc, đem theo các bộ kinh Thiền tông và hạt giống cây trà để gieo trồng nơi thiền viện của mình tại Kyushu. Cũng tại nơi đây, vào năm 1211, Eisai chấp bút viết cuốn sách luận về trà đầu tiên của Nhật Bản với tên gọi Khiết trà dưỡng sinh ký, công phu có thể sánh bằng cuốn Trà kinh của Lục Vũ. Trong sách, ngoài giới thiệu danh xưng, nguồn gốc xuất xứ của trà, ông còn luận về tác động của ngũ vị (đắng, cay, chua, mặn, ngọt) lên lục phủ ngũ tạng để từ đó bàn rộng hơn tới dược tính của trà và phép dưỡng sinh cơ thể, hợp với triết lý hành thiền:
Hễ khi con người ta tinh thần không khỏe, ắt phải uống trà để điều hòa tâm tạng, tiêu tan muôn bệnh. Trà thật quý thay! Trên thông với cảnh giới chư thiên, dưới cứu giúp con người.
Còn về thiền sư Juko, bởi chịu ảnh hưởng từ tư tưởng phóng khoáng của người thầy Ikkyu Sojun (1394 – 1481) nên ông đã đổi mới trà lễ, kết hợp hài hòa đời sống dân dã với vẻ đài các thiên kim của giới quý tộc thông qua việc sử dụng bộ trà cụ mộc mạc, còn nhiều khuyết thiếu thay vì nhất nhất hướng đến sự hoàn mỹ như phong cách thưởng trà Trung Hoa.
Theo một cách nào đó, Juko đã tạo ra một trường phái mỹ học mà về sau này rất nổi tiếng dưới cái tên wabi-sabi, chủ trương không chấp nhất vào hình tướng thế gian, coi trọng những điều không hoàn hảo. Cùng với quan điểm thẩm mỹ wabi-sabi và tinh thần hòa, kính, thanh, tịch (hoặc cẩn, kính, thanh, tịch) được các thiền sư Nhật Bản truyền thừa về sau, Trà đạo không đơn thuần chỉ là một phong cách thưởng thức tân kỳ nữa, mà đã trở thành đường lối tu học và nuôi dưỡng bản tâm đến độ trong trẻo không tỳ vết, có tác động lớn đến cả những quốc gia phương Tây trong thời kỳ hội nhập.