Còn tại Việt Nam, lối điểm trà không thịnh hành bằng lối đun bằng sanh, siêu trên hỏa lò vốn được nhiều đời văn nhân, quý tộc ưa chuộng, cho đến khi lối pha bằng cách hãm trà trong ấm xuất hiện vào thế kỷ 15. Những người sành trà thời Minh lại có quan điểm khác về dụng cụ uống trà so với người thời Đường – Tống, khi nhận xét rằng:
“Âu trà xưa dùng loại có hoa văn lông thỏ xuất ở Kiến diêu, chỉ thích hợp với loại trà nghiền và đấu trà mà thôi. Còn ngày nay, trắng thuần mới là đẹp, lại quý ở chỗ chén nhỏ”
Dưới triều Minh, người ta đua nhau sắm sửa ấm tử sa, ấm chu nê vùng Nghi Hưng cùng chén sứ trắng như ngọc để phục vụ một lối pha trà mới mẻ:
“Trước tiên trút một chút nước sôi vào trong ấm để xua tan hơi lạnh, dốc đổ hết sau đó mới bỏ trà. Sắp trà cụ trước, phải sạch phải khô, mở nắp chờ sẵn. Nắp hoặc đặt ngửa, hoặc để vào cóng sứ, chớ úp lên bàn, mùi sơn hoặc mùi thức ăn đều có thể làm hỏng trà. Đầu tiên nắm trà trong tay, nước sôi thì bỏ vào ấm, tiện tay trút nước sôi, úp nắp ấm lại cho yên vị. Trong khoảng thời gian ba lần hít thở, sau đó dốc đổ ra cóng, rồi lại trút nước sôi vào ấm lần hai, nhằm đánh động hương vị, cũng để sắc trà khỏi trầm trệ. Lại trong khoảng ba lần hít thở tiếp theo, khiến trà quay cuồng trở về ổn định, sau đó rót ra đãi khách, bấy giờ trà sóng sánh thơm trong, thơm hương đầu mũi”.
Sở dĩ lối điểm trà chuyển hẳn sang chuyên trà là vì vào thế kỷ 15, chè lá rời chiếm thế thượng phong, đẩy trà bánh lui dần vào quên lãng, đòi hỏi phải có cách pha chế mới để làm nổi hương vị. Đặc sắc nhất trong bộ đồ trà thời Minh phải kể đến ấm tử sa và ấm chu nê với chất lượng vượt trội, đã được người Việt sành trà tổng kết trong câu thành ngữ: “Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần”.
Xét cấu tạo ấm, tử sa vốn là loại đất sét có hàm lượng sắt cao, chịu nhiệt tốt, không lưu lại hơi đất khi đã tạo hình xong, có màu tím đỏ đặc trưng. Còn ấm chu nê kỳ thực cũng thuộc dòng tử sa, phẩm cách tương đương, cho ra màu đỏ pha vàng. Ngoài ưu điểm giữ nhiệt tốt, ấm tử sa còn không truyền nhiệt ra bề mặt, khiến cho người thưởng trà thoải mái bưng rót mà không sợ bỏng. Kế đến, ấm tử sa lưu hương rất lâu, người uống trà lâu năm hay có thú dưỡng ấm, tức là trút quanh ấm một lượt nước sôi tráng trà để làm dậy mùi hương; mỗi lần pha trà mới, hương sẽ không bị lẫn. Cuối cùng, ấm tử sa hay chu nê đều vừa dễ tạo hình lại vừa bền chắc, nhưng phải vào tay thợ khéo mới phô được hết những gì tinh túy nhất.
Cũng bởi phải trút nước dưỡng ấm, nên ấm tử sa được đặt trên thuyền trà, xung quanh bày chén nhỏ đặt trên đĩa bàn. Nếu ấm phải lựa ấm Mạnh Thần, thì chén phải chọn chén Mạnh Sâm, còn ấm thì kén từ lò Nghi Hưng, đun trà dùng nước suối để pha, dùng trà Vũ Di mới xứng. Bộ trà khí mỗi món một chiếc, riêng chén thì tùy số lượng khách, nhưng không nên quá ba người, vừa đủ chuyện trò lại không quá ồn ào hỗn tạp.
Như các triều trước, người Việt Nam thường chịu ảnh hưởng từ lối uống trà Trung Hoa, nên bắt đầu từ thế kỷ 18, các vua chúa nhà Nguyễn đã cho đặt đồ sứ ký kiểu với số lượng lớn, trong đó nổi bật là hai bộ chén đĩa được vua Gia Long đặt riêng cho mình. Bộ đồ trà Giáp Tý niên chế (1804) khá giản dị với một đĩa bàn, một chén tống dùng đựng nước trà chung và san đều cho ba chén tốt đi kèm. Còn bộ đồ trà Quý Dậu niên chế (1813) gồm một chén tống có đĩa dầm để lót chén, đi kèm với bốn chén tốt đặt trên đĩa bàn. Kể từ thời điểm này, bộ đồ uống trà đầy đủ các món dầm, bàn, tống, tốt trở nên phổ biến tại Việt Nam, được giới quyền quý ưu ái đặt thêm khay trà gỗ khảm hoặc khay ngà, mang dấu ấn đặc trưng của những người sành trà nước Việt.