Việt Nam bảo vật: Gia Long điểu thương

Tác giả Long Tự
Việt Nam bảo vật: Gia Long điểu thương

Hoàng đế Gia Long – Nguyễn Phúc Ánh là một nhân vật lịch sử đầy tranh cãi. Ông là người kiến lập nên nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Cuộc đời ông là một chuỗi những thăng trầm. Từ thuở thiếu niên khi cơ đồ gia tộc sụp đổ cho đến thời khắc lẫm liệt bước lên ngai vàng hoàng đế nước Nam. 

Trong vô vàn những kỳ trân dị bảo của nhà Nguyễn truyền lại đến nay. Có một hiện vật với vẻ ngoài đã nhuốm đậm tông màu trầm lắng của lịch sử. Đây là vật quen thuộc đã theo chân Nguyễn Ánh trong suốt những năm tháng chinh chiến bôn ba. Là thứ vũ khí đã nằm trên tay vua Gia Long trong những thời khắc sinh tử. Là “người bạn đồng hành” đã cùng Thế Tổ nhà Nguyễn chinh chiến với nhà Tây Sơn Gia Long điểu thương.

Những tranh cãi có lẽ sẽ không bao giờ chấm dứt mỗi khi chúng ta nhắc đến Nguyễn Ánh và những thứ liên quan về ông. Bởi những điều ông mà đã làm, trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra đối với quốc gia, dân tộc Việt Nam trong các chính sách cai trị lẫn cuộc chiến tranh với nhà Tây Sơn. Tuy nhiên, người viết hy vọng quý độc giả sẽ có góc nhìn cởi mở hơn ở bài viết này với khía cạnh một kỷ vật từ quá khứ. 

Chân dung Nguyễn Ánh. Nguồn: Viện nghiên cứu phát triển phương Đông

Về lai lịch,  nguyên bản của khẩu súng là một sản phẩm đến từ phương Tây nhưng được tiến hành gia công, chỉnh sửa bởi bàn tay người Việt. Theo đó, khẩu súng này có thể đã được trao đến tay Nguyễn Ánh từ các giáo sĩ, nhà buôn phương Tây trong những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 18. Sử sách triều Nguyễn đã có những ghi nhận về tài bắn súng của Nguyễn Ánh, theo đó sách Quốc triều chánh biên toát yếu chép rằng: 

“Tháng 3, năm Nhâm Dần, năm thứ 3 (1782), quân Tây Sơn chiếm lấy Sài Gòn. Lúc lâm trận, ngài (Nguyễn Ánh) bắn súng điểu thương hay lắm, bắn đâu trúng đó”.  

Vua Gia Long nổi tiếng với tài thiện xạ. Nguồn: Marlboroshi.

Tuy vậy, theo Đại Nam thực lục Chính biên, vào năm 1791 Nguyễn Phúc Ánh đã thông qua một người nước ngoài tên Budinonhi gửi mua tại Bồ Đào Nha “10.000 súng điểu thương, 2000 cỗ súng gang, mỗi cỗ nặng 100 cân, 2000 viên đạn nổ đường kính 10 tấc”. Khẩu súng trên vì vậy cũng có thể đến giai đoạn này mới xuất hiện. Dẫu vậy, dựa vào những ghi chép đó, ta có thể thấy rằng khả năng khẩu súng điểu thương đã được Nguyễn Ánh sử dụng trên dưới 10 năm trong cuộc chiến với Tây Sơn. Đây cũng chính là giai đoạn mà chiến tranh “leo thang” giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn. 

Sau khi thành lập nhà Nguyễn, khẩu súng vẫn là vật dụng quen thuộc của vua Gia Long. Đến năm 1820, vua Gia Long băng hà ở tuổi 59, khẩu súng và một số đồ đạc của nhà vua được dự định mang đi hỏa thiêu. Tuy nhiên, vua Minh Mệnh khi ấy đã có lệnh rằng “…những đồ mà Người đã dùng trong khi bôn ba bình định đất nước. Thấy những vật ấy, trẫm tưởng như nhìn thấy Tiên đế, chúng nhắc nhở cho trẫm công lao bình định của Tiên đế lớn biết đường nào”. Khẩu súng sau đó được vua Minh Mệnh phong là Võ công lương khí, được tống tàng cùng áo nhung, nón chiến ở trong đền Minh Thành.

Điểu thương của vua Gia Long. Nguồn: Visit Hue

Sang đến thời Thiệu Trị, năm 1841, vua cho khắc lên phía sau báng súng dòng chữ: “Vật xưa của Gia Long lúc chưa lên ngôi. Ban tặng vào thời Vua Minh Mạng. Năm Vua Thiệu Trị thứ nhất(1841) phụng chỉ khắc, mãi làm bảo vật truyền đời”. 

Khẩu súng sau đó tiếp tục được triều đình nhà Nguyễn lưu giữ cho đến năm 1885. Sau khi cuộc nổi dậy ở kinh thành Huế của vua Hàm Nghi thất bại, quân Pháp tràn vào kinh thành cướp phá và chiếm giữ nhiều đồ đạt. Khi vua Đồng Khánh lên ngôi, trong danh sách các bảo vật được Pháp trao trả lại cho triều đình, những vật có liên quan đến vua Gia Long chỉ còn mỗi nén vàng mà ông giao cho Thừa Thiên Cao hoàng hậu Tống Thị Lan khi chia tay ở đảo Phú Quốc. Số phận của khẩu súng ít được nhắc tới trong các tài liệu về sau. 

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, những bảo vật cung đình nhà Nguyễn lần lượt được chuyển giao cho Chính phủ lâm thời. Đến năm 2020, trong triển lãm cổ vật “Kỷ niệm 200 năm ngày mất của hoàng đế Gia Long (1820-2020)” tại bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế,, khẩu điểu thương của vua Gia Long được mang ra trưng bày. 

Cơ chế đánh lửa kiểu Flintlock

Về kiểu dáng, khẩu điểu thương này thuộc dòng Flintlock. Đặc điểm của loại súng này nằm ở cơ chế đánh lửa. Theo đó, loại súng này sử dụng cơ chế đánh lửa bằng đá lửa, thay cho cơ chế mồi thừng trước đó. Loại súng kiểu này xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 16 tại Tây Âu và trở thành kiểu súng phổ biến trong quân đội châu Âu nhiều thế kỷ sau đó. Tại nước ta, kiểu súng này đã xuất hiện từ thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh. Tuy nhiên, số lượng trang bị là rất hạn chế so với súng hỏa mai mồi thừng. Nguyên nhân là bởi nước ta thời điểm đó chưa có công nghệ khai thác và sản xuất đá lửa. 

Cơ chế khai hỏa

Sang đến thế kỷ 18, loại súng này đã trở nên lỗi thời ở châu Âu. Tuy nhiên, tại châu Á, loại súng này vẫn mang lại những hiệu quả đáng kể trên chiến trường. Quân đội Tây Sơn lẫn Gia Định đều chú trọng đến việc trang bị loại súng này.

Về nguyên lý, loại súng này có cơ cấu nạp đạn từ phía trước. Theo đó, đạn sẽ được nhồi chặt vào đáy nòng súng cùng thuốc nổ đen. Người bắn sau đó sẽ tiến hành bồi thêm thuốc súng vào phần chảo lửa (nơi tiếp giao với đáy nóng súng). Phần đầu cò có gắn đá lửa sẽ được kéo lên. Đây cũng là nguồn gốc của tên gọi điểu thương vì phần cò mổ có hình dáng tương tự đầu chim. Khi khai hỏa, phần cò mổ này sẽ va đập và tạo ra tia lửa, tia lửa làm cháy thuốc súng, tạo ra vụ nổ và đẩy viên đạn đi. 

Với cơ chế khai hỏa cùng kỹ thuật công nghệ đương thời, một khẩu Flintlock có tầm bắn rơi vào khoảng 250-300 thước. Độ chính xác tùy thuộc vào trình độ lẫn sự may mắn của xạ thủ. Bởi loại súng này bên cạnh cơ chế khai hỏa phức tạp thì độ chính xác cũng không thể so với những loại súng nòng xoắn về sau.  

Bên cạnh những chi tiết về kỹ thuật, khẩu điểu thương của vua Gia Long còn mang trong mình nhiều chi tiết Việt hóa. Chẳng hạn, phần tay cầm và ốp lót tay của khẩu súng có nhiều chi tiết hoa văn hình thoi kẻ so le. Đây là kiểu hoa văn phổ biến ở Việt Nam từ thế kỷ 17-18. Chi tiết trang trí hoa văn kiểu này vẫn xuất hiện trên các khẩu súng của những vị vua triều Nguyễn khác như Minh Mạng, Tự Đức và Khải Định. Điều này cho thấy rằng người Việt xưa đã có tư duy tạo nên những dấu ấn của văn hóa bản địa lên sản phẩm ngoại nhập. Khẩu Gia Long điểu thương vì lẽ đó không còn đơn thuần là một thứ vũ khí vô tri được du nhập từ ngoại bang.

Trải qua hơn 200 năm kể từ khi vua Gia Long tạ thế. Những tranh luận về công hay tội của ông vẫn còn là những chủ đề thường nhật mỗi khi chúng ta đề cập đến lịch sử. Nội dung bài viết này, đơn thuần chỉ mang tính chất giới thiệu đến quý độc giả thông tin về một hiện vật gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của một hoàng đế nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Qua đó, làm rõ nét hơn một chương đầy biến động của lịch sử Việt Nam.

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Designer TRẦN VĂN HẬU

Chia sẻ câu chuyện này
Share