Kế đến, Ngô Văn Sở nhắc đến chuyện “quốc gia hưng vong là do số trời”. “Trời đã cho hưng thì ai mà phế được, còn như trời phế rồi thì ai mà hưng được”. Ngô Văn Sở dạy cho hai người một bài học lịch sử. Quyền bính nhà Lê đã suy sụp vào tay họ Trịnh. Họ Trịnh lại ngông cuồng tiến đánh Phú Xuân, khiến dân chúng đều chạy về phía Tây Sơn. “Vương thượng ta” (chỉ Nguyễn Huệ) kéo quân ra Bắc, “vốn chỉ muốn dẹp nạn cứu dân, không phải có bụng lấy nước”. Khi đó nhà Lê đã muốn nhường quyền trị nước, nhưng “vương thượng ta” mấy lần từ chối. Sau khi vua Lê mất, lại lập người nối dõi họ Lê rồi mới trở về.
Thế nhưng khi về rồi mới nghe Lê Duy Kỳ (tức Chiêu Thống) “là người dâm bạo, tin dùng kẻ gian trá, giết chú, tư thông với em, bên trong ly tán, bên ngoài chống lại, khiến cho đại loạn, dân chúng lại rơi vào chỗ lầm than”. Vì vậy, mới phải cất quân lần nữa để “cứu lấy muôn dân”. Lê Duy Kỳ chạy trốn, đất nước không người cai trị, “quốc dân tất cả cùng suy tôn, mong vương thượng chúng ta trông coi quốc sự, đành phải miễn cưỡng theo lời cầu xin”. Những việc này đã được chép thành công văn, đưa lên Nam Quan để báo với nhà Thanh. Đó đều là những việc mà Phan Khải Đức và Trần Danh Bính đều biết. Ngô Văn Sở kết luận “nếu không phải trời cho hưng lên thì làm sao được thế?”.
Ngô Văn Sở cho rằng trong tình hình hiện tại “công văn bản quốc chưa đệ đạt lên, sự tình trong nước chưa được thiên triều xem xét, quan ngoài biên ải chỉ mới nghe lời một phái, đã toan động binh”. Hai người Đức, Bính là quan giữ biên cương, đáng lý phải “tùy cơ, lựa lời” đem tình hình thực tế nói rõ với phía Thanh, “để cho việc nước sớm êm, khỏi gây hấn nơi biên cảnh”, thế mà lại “khom mình hướng về phương Bắc”.
Ngô Văn Sở đồ rằng hai người bọn họ tưởng rằng nhà Thanh lớn mạnh, còn Tây Sơn nhỏ yếu, nên mới đầu hàng để giữ mạng. Nhưng Ngô Văn Sở lại tuyên bố rằng thắng bại của nhà binh là do “lý thẳng hay cong”, chứ không phải do “quân nhiều hay ít”. Quân Thanh dù có trăm vạn “cũng không qua khỏi cái lẽ phế hưng”. Nói theo cách ngày nay là không thể chống lại xu thế của lịch sử. Dù họ muốn xâm lấn cũng không có danh nghĩa.
Vả lại, “vương thượng của chúng ta anh võ”, “binh tinh tướng dũng”. Lúc mới khởi nghĩa đã đánh bại Chiêm Thành, Xiêm La, huống chi ngày nay đã có được toàn quốc, “đất rộng dân đông gấp trăm lần khi trước”. Mặc dù binh mạnh là thế, nhưng vẫn muốn dùng biện pháp ngoại giao với nhà Thanh. Ngô Văn Sở nhắc họ: “Nước lớn có binh chinh phạt thì nước nhỏ cũng có kế sách chống đỡ, các ông việc gì mà phải lo”.