Kể từ ngày Tiên chúa Nguyễn Hoàng vào trấn giữ đất Thuận Hóa để lánh mình khỏi hiểm họa đến từ người anh em cọc chèo Trịnh Kiểm (thế kỷ 16), liên tiếp các đời chúa Trịnh ngoài Bắc Hà luôn nung nấu trong tâm ý muốn chiếm lại mảnh đất này, dẫu nhiều lần phải chùn bước trước cửa ải lũy Thầy. Sau cảnh thái hòa kéo dài hơn trăm năm, hai bên bờ sông Gianh lại một lần nữa dậy sóng, song lần này, đối mặt với quân đội nhà Trịnh lại là một nhân tố mới đáng gờm: quân Tây Sơn.
Danh sĩ Hoàng Quang (không rõ năm sinh năm mất), vốn là bề tôi trung của chúa Nguyễn đất Nam Hà, đã mở đầu khúc ca ngậm ngùi tưởng nhớ mảnh đất quê hương trong cảnh tao loạn như vậy. Hơn 600 câu ca nối tiếp thuật lại một cách trung thực tình trạng đen tối, vô hy vọng diễn ra vào nửa cuối thế kỷ 18, khi triều chúa Nguyễn gần như đi tới điểm chung cục của mình, loạn lạc nổ ra khắp nơi, quân Tây Sơn quật khởi, còn chúa Trịnh Sâm ngoài Bắc nhân cơ hội cất quân tiến đánh.
“Thương đời loạn; thương đời loạn. Chẳng qua thiên ý đành xui; Hay nỗi nhân mưu thất toán. Năm Quý Tỵ tháng chín, tai mới nghe Tây giáp lộng trì; Sang Giáp Ngọ tháng năm, tờ lại thấy Bắc Hà phản gián. Ngỡ như năm trước, nói vậy lại qua; Ai ngờ phen này, tưởng thôi hóa hẳn. Cửa lũy Thầy sắt mà mọt;
hai mươi mốt tháng chín, bỗng đà binh pháp thẳng xông. Thành Phú Xuân vàng mà phai;
hai mươi tám tháng chạp, phút thấy điện đài vi soán. Cám thương sự nghiệp sinh sơ; Xiết nỗi Chúa tôi ly tán”.
Đại để toàn khúc Hoài nam đều mang màu giọng chua chát bi ai đến cực điểm, vừa bộc lộ nỗi tiếc nhớ chín đời chúa Nguyễn vừa thể hiện lòng thù ghét không giấu giếm của vị danh sĩ thất thế trước đội quân Tây Sơn. Chính vì lý do đó mà tuy giá trị văn chương của Hoài nam khúc không cao, bài ca vẫn lưu truyền tới ngày nay là bởi Công nữ Ngọc Huyên trên bước đường lưu lạc đã giữ gìn, cho phổ biến trong dân gian để khuếch trương thêm một lần nữa chính nghĩa và thanh thế gia tộc.
Tuy nhiên, ngoài tầng ý nghĩa có thể dễ dàng nhận thấy như đã nói trên, khúc ca còn hé lộ thêm một sự thật tàn nhẫn khác: nạn đói và bệnh dịch hoành hành dữ dội đến mức ông hoàng bà chúa thất thế phải đi ăn mày.
“Đói từ tháng 10 Giáp Ngọ (1774). Ở cửa Hàn (Tourane) không còn một con heo, con gà, con vịt. Đường cát trước kia sản xuất thật nhiều, nay biến mất. Tiền sụt giá: một quan còn giá trị độ một đồng tiền. Đó là tình trạng giữa năm 1775. Đã có người đàn bà ở giáo khu Bau nghe (?) ăn thịt con. Tình trạng nguy hại hơn là thêm vào với việc mất nhân công, người ta không còn hạt giống để gieo mùa sau. Cho nên đói khổ không chừa đến cả đám quan quyền, tôn thất: các phu nhân phải đi ăn xin.
Giáo sĩ Labartette vào một chủ nhật, ngạc nhiên thấy một người cháu vua dắt con trai, cả hai đều rách rưới, đến ăn mày ông. Cả bản Hoài nam khúc thảm thương là tiếng kêu than của đám quan quyền họ Nguyễn mất tước lộc, chịu đựng kiếp sống của kẻ chờ tiếng “ta lai” (lại đây: tiếng gọi người ăn mày), van vỉ miếng ăn, rên siết đói lạnh”.
(trích Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, sử gia Tạ Chí Đại Trường).
Cơn cớ nào đã dẫn tới tình trạng thảm khốc ấy? Đó là cuộc giao tranh tại Cẩm Sa, Quảng Bình giữa quân Tây Sơn và quân chúa Trịnh vào năm 1775.
… đến chiến trận Cẩm Sa bi hùng
Dựa trên nhiều nguồn tin cấp báo vào cuối năm 1774, chúa Trịnh Sâm nắm được tình hình biến loạn tại Đàng Trong, ngay lập tức điều đội quân tinh nhuệ gồm Quận Việp Hoàng Ngũ Phúc cùng các thuộc tướng Bùi Thế Đạt, Hoàng Đình Thể, Hoàng Phùng Cơ và Hoàng Đình Bảo tiến đánh Nam Hà. Trên danh nghĩa, chúa Trịnh lấy cớ dẹp loạn thần Trương Phúc Loan, nhưng thực chất động cơ của chúa là lấy lại đất Thuận Hóa đồng thời giải quyết dứt điểm vấn đề gia tộc họ Nguyễn sau hàng thế kỷ giằng co nhau trên một dải đất liền.
Khi ấy, quả thực triều chúa Nguyễn đã hư nát khó có cách nào cứu vãn khi năm lần bảy lượt các bề tôi thản nhiên lựa chọn việc phản bội dễ dàng như không:
“Tháng 9, quân Trịnh đến châu Bắc Bố Chính. Tri phủ Trần Giai chạy sang quân Hoàng Ngũ Phúc làm hướng đạo (…) Chúa sai Cai đội Quý Lộc (không rõ họ), Câu kê Kiêm Long (không rõ họ) đến khao quân Hoàng Ngũ Phúc (…) Khi bọn Kiêm Long đến, Phúc sai người hỏi riêng, Kiêm Long nói ‘Đường không đi không đến, chuông chẳng gõ chẳng kêu’, Phúc hiểu ý, bèn tiến quân đến dinh Bố Chính (…) Phúc sai biệt tướng là Hoàng Đình Thể tiến sát lũy Trấn Ninh. Bọn mã quân là Hoàng Văn Bật, Lê Thập Thí tự làm nội ứng ra mở cửa thành (…) Thủ tướng là bọn Luận Chính, Thành Tính (không rõ họ) đều hàng (…) Trấn thủ Liêm Chính (không rõ họ) cùng Tôn Thất Thiệp đều trốn chạy”.
(trích Đại Nam thực lục tiền biên, quyển XI, Quốc sử quán triều Nguyễn)
Càng về sau, tình hình càng nguy ngập đến nỗi quan quân nhà Nguyễn phải bắt sống Trương Phúc Loan nộp cho tướng Hoàng Ngũ Phúc với hy vọng nhà Trịnh sẽ giữ lời như đã tuyên bố trong bài hịch Hồ Xá: “Diệt kẻ tàn bạo, để giúp nạn họ hàng; nối mối giữ giềng, để bảo tồn dòng dõi. Giúp nạn thực do nghĩa cử, không phải lòng tham thừa nguy”
Song có khi nào miếng mồi ngon đã dâng đến miệng lại có thể bỏ lỡ? Quân Trịnh tiếp tục nại cớ “giặc Tây Sơn chưa trừ được, xin họp quân ở Phú Xuân để tiện sách ứng”, tức là không hề giấu giếm ý định tiến quân sâu hơn về phía Nam.
Gần như không dám tin vào sự thật, chúa Nguyễn Phúc Thuần gắng sức điều động những tinh binh cuối cùng, kể cả quân cấm vệ để lo chống giữ lại quân nhà Trịnh, song tất cả những nỗ lực ấy đều bị đánh bại. Cái chết của tướng Nguyễn Văn Chính đặt dấu chấm hết cho hy vọng của Định vương, bởi “bao nhiêu tướng giỏi quân mạnh các dinh thì đã điều vào Quảng Nam đánh giặc cả (…) binh tướng toàn là già yếu, không quen đánh trận, cho nên khi quân Trịnh đến thì chẳng ai chống giữ”. Cùng đường, chúa đành bỏ lại cơ nghiệp cha ông, dẫn theo gia quyến cùng các bề tôi trung chạy lánh vào Quảng Nam, để mặc Thuận Hóa cho Hoàng Ngũ Phúc chiếm giữ. Trong số thân quyến theo chân chúa, có hai ông hoàng con sẽ làm nên lịch sử sau này, dẫu số phận rất khác nhau: Hoàng tôn Dương và Nguyễn Phúc Ánh.
Theo vai vế trong gia tộc, Nguyễn Phúc Dương và Nguyễn Phúc Ánh là anh em họ, đều là cháu nội của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, song Hoàng tôn Dương thuộc dòng đích còn Ánh thuộc dòng thứ. Mười năm về trước, đáng lẽ vương tử Nguyễn Phúc Luân (cha Nguyễn Ánh) sẽ là người kế vị theo đúng di chiếu – bởi Thế tử lúc bấy giờ là Hạo đã mất, con của Thế tử là Dương còn quá nhỏ – nhưng vì những tranh đoạt ngầm trong nội bộ phủ chúa mà đã xảy ra chuyện “trộm long tráo phụng”:
Nguyễn Phúc Thuần là con một người thiếp yêu của chúa Phúc Khoát lại được Trương Phúc Loan hậu thuẫn lên ngôi, Nguyễn Phúc Luân bị tống giam, sau mất sớm vì quá đau buồn.
Chiếu theo tôn ti trật tự thừa kế ngôi vương, Hoàng tôn Dương là người duy nhất thích hợp, đặc biệt trong thời nguy biến này. Một mặt, chúa Nguyễn Phúc Thuần muốn đảm bảo sự an toàn của mình trước những làn sóng chống đối vốn âm ỉ từ lâu vì chuyện “bỏ trưởng lập thứ” nay có dịp bùng lên sau cái chết của Trương Phúc Loan; một mặt, chúa cũng muốn huyết mạch nhà Nguyễn được nối liền bởi chúa vốn không có con trai. Vì những lẽ đó, Nguyễn Phúc Dương được tôn làm Đông cung Thế tử, đặt ngôi tại Quảng Nam, cùng cai trị song song với chú ruột mình. Sử thường gọi chúa Nguyễn Phúc Thuần là Thái Thượng vương và Hoàng tôn Dương là Tân Chính vương.
Tuy nhiên, tính chính danh trong việc kế thừa ngôi vương của Hoàng tôn Dương cũng là cái cớ hoàn hảo cho những toan tính chính trị của nhà Tây Sơn. Dưới chiêu bài “phù trợ Hoàng tôn”, Nguyễn Nhạc khi ấy đã chiếm được toàn thành Quy Nhơn nên dựa vào thanh thế lớn mà gây sức ép lên vương triều Nguyễn bằng con đường quân sự. Nhạc thân chinh cầm quân đánh theo hướng sông Thu Bồn, cùng lúc hai thuộc tướng người Hoa là Tập Đình và Lý Tài đánh lên theo hướng cửa biển Hiệp Hòa . Chống cự không thành, tướng Nguyễn Cửu Dật dạt về bán đảo Sơn Trà, Thế tử Dương chạy về Câu Đê , còn chúa Phúc Thuần trốn về Gia Định.
Nhân lúc rối ren, Hoàng Ngũ Phúc đánh thẳng vào đồn Câu Đê, bắt giữ mẹ và vợ của chúa Phúc Thuần, khiến Hoàng tôn Dương phải bỏ đồn mà lánh. Quân Tây Sơn thuận thế “rước” Thế tử về phe mình, giữ làm quân bài chính trị cho những nước đi sau này. Thế trận hiện giờ nghiêng về đối đầu trực tiếp giữa quân Trịnh và Tây Sơn.
Ỷ vào kinh nghiệm chiến thắng trước đội quân rệu rã của nhà Nguyễn, quân Tây Sơn vẫn giữ nguyên những chiến thuật cũ trong giao tranh: “…đầu đội khăn đỏ, ở trần, xông vào chém bừa, không đợi thành trận. Từ trước, quân Nhạc đánh thắng luôn quân họ Nguyễn là do cách đánh như thế”. Nhưng cách tổ chức binh lính hỗn tạp, tự phát sao có thể địch lại đội quân được tổ chức chính quy và có thừa kinh nghiệm dẹp loạn Bắc Hà? Nên trong trận Cẩm Sa, quân Tây Sơn thua to, “thủy binh thì theo cửa Đại Chiêm ra biển, bộ binh thì nhằm Quảng Ngãi và Quy Nhơn mà trốn”. Hoàng tôn Dương phải lưu lạc nhiều lần nữa theo bước đường nhà Tây Sơn, và cay đắng nhất là bị Nguyễn Nhạc sử dụng như một phương tiện để mặc cả với tướng Tống Phước Hiệp nhà Nguyễn khi ông sai quân lấy lại đất Phú Yên, đòi trả lại Đông cung Thế tử.
Trước hai gọng kìm Trịnh – Nguyễn, Nguyễn Nhạc khôn khéo nhún mình xin ra hàng quân Trịnh, lấy lòng tin của Việp Quận công để đổi lại chức Tây Sơn trại trưởng. Thực chất đây chỉ là giai đoạn “án binh bất động” tạm thời của quân Tây Sơn khi Nhạc giả hòa hoãn với đội quân mạnh hơn để chờ thời mà thỏa mãn giấc mộng anh hùng bá chủ. Mặt khác, lợi dụng sự do dự trong cách ra quyết định của Tống Phước Hiệp mà Nguyễn Nhạc luôn hứa hẹn sẽ giao trả Hoàng tôn Dương khiến Hiệp tin mà buông bỏ phòng bị, để Nguyễn Huệ chớp cơ hội đánh lui Hiệp về Hòn Khói. Như vậy, lúc bấy giờ Thuận Hóa hoàn toàn thuộc về chúa Trịnh còn Quảng Nam do anh em Tây Sơn chiếm giữ. Nhà Nguyễn chỉ còn kéo dài hơi tàn của mình ở mảnh đất Gia Định, long đong tìm lại cách phục hưng cơ đồ.
Hậu quả của cuộc đối đầu Trịnh – Nguyễn – Tây Sơn thật khủng khiếp với người dân thường: Hai vùng Quảng Nam, Thuận Hóa bị giày xéo đến mức không thể tập trung sản xuất nông nghiệp, và hậu quả là nạn đói bùng nổ và kéo theo đó là dịch bệnh lan tràn. Chính quân đội nhà Trịnh cũng vì dịch bệnh mà chết đến quá nửa, Hoàng Ngũ Phúc phải rút hết quân về Thuận Hóa (trước đó còn đóng ở Bình Sơn, Quảng Ngãi). Thuộc tướng có người xin tiếp tục đóng quân ở Quảng Ngãi, có người lại bàn lập dinh trấn Quảng Nam, nhưng Quận Việp không thuận, một phần lý do có lẽ vì khi ấy đã lớn tuổi, ngại thay đổi. Cùng năm 1775, khi tình hình chinh chiến đã tạm yên giữa các phe phái, Hoàng Ngũ Phúc về lại Thăng Long, nhưng không may thọ bệnh mà mất dọc đường.
Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?