Bão táp Tây Sơn – Kỳ 9: Phản phục vô thường

Tác giả Wong Trần
Artist & Designer Mỹ Thanh
Bão táp Tây Sơn – Kỳ 9: Phản phục vô thường

Trong lúc vua tôi nước Thanh đang bàn tính chuyện phát binh thì phía Tây Sơn đã hành động trước. Đại tư mã Ngô Văn Sở một lần nữa phái Chưởng cơ Hoán Nghĩa hầu Trần Danh Bính đem quân lên biên giới. Lần này, quân Tây Sơn hướng về Lạng Sơn. Lạng Sơn có đường nối với Trấn Nam quan, là cửa ngõ giao thông với nhà Thanh. Ngô Văn Sở cần ưu tiên củng cố cho hướng này.

Tin quân Tây Sơn kéo tới khiến cho Đoàn Thành (trấn lỵ Lạng Sơn) chấn động. Đốc trấn Lạng Sơn là Phan Khải Đức thấy binh dân bảy châu chỉ có hơn 2000 người. Liệu rằng không đủ sức chống cự Trần Danh Bính, nên Phan Khải Đức lập tức sai người cầu viện quân Thanh.

Đường dẫn tới ải Trấn Nam

Phó tướng nhà Thanh là Ba Nhĩ Bố lúc này đang ở Trấn Nam quan. Ông ta vội báo tin khẩn cho Tôn Sĩ Nghị. Ngày 24 tháng 8 năm Mậu Thân (1788), Tôn Sĩ Nghị được tin, “vội vàng bất kể ngày đêm chạy đến”. Bản thân ông ta tính rằng “nội địa hiện chưa tiến quân, không lẽ chỉ vì một thành Lạng Sơn bên ngoài biên ải mà động binh”. Tuy nhiên, cũng không thể bỏ mặc Phan Khải Đức mà không cứu. Cách tốt nhất là “phải trợ lực cho y bằng thanh viện”. Vì thế, trước khi xuất phát, Tôn Sĩ Nghị đã phát hịch điều quân từ hai ải Bình Nhi và Thủy Khẩu tới tăng viện cho ải Trấn Nam.

Tôn Sĩ Nghị gặp Đề đốc Hứa Thế Hanh và Tổng binh Trấn Tả Giang là Thượng Duy Thăng ở trên đường đi. Thượng Duy Thăng vốn là cháu bốn đời của Bình Nam vương Thượng Khả Hỉ (một trong Tam phiên thời Khang Hy), được lệ thuộc vào Hán quân Tương Lam kỳ. Thượng Duy Thăng ban đầu làm quan học sinh, rồi được thăng làm Chỉnh Nghi úy của vệ Loan Nghi. Sau năm lần thăng tiến, Thượng Duy Thăng lên tới chức Tổng binh ở trấn Tả Giang thuộc Quảng Tây. Tôn Sĩ Nghị liền cùng Hứa Thế Hanh và Thượng Duy Thăng đi tới biên giới.

Khi đến Trấn Nam quan, Tôn Sĩ Nghị cho kiểm điểm binh lực phòng thủ vùng biên, tổng cộng có 4000 quân. Tôn Sĩ Nghị để lại 1000 người chia ra giữ các cửa khẩu để phô trương thanh thế. Tôn Sĩ Nghị dự tính sẽ cùng Đề đốc Hứa Thế Hanh chỉ huy 3000 quân còn lại rời cửa ải dựng trại để phô trương thanh thế. Từ Trấn Nam đến Đoàn Thành cách nhau chừng 70 dặm. Ông ta tính rằng khi quân Tây Sơn nghe tin, sẽ không dám tấn công Lạng Sơn.

Nhưng sự tình một lần nữa lại biến đổi. Tôn Sĩ Nghị vừa mở cửa ải thì có hai người từ Lạng Sơn được Phan Khải Đức phái đến. Nhưng đó không phải thuộc hạ của Phan Khải Đức, mà là người của Trần Danh Bính.

Trần Danh Bính tiến quân, nhìn thấy dọc đường đều là hịch văn của nhà Thanh, thì đâm ra lo ngại. Ông ta tiến thì không dám một mình đối địch với quân Thanh, lùi thì sợ bị Ngô Văn Sở trị tội. Trần Danh Bính chỉ còn cách sai hai thuộc hạ sang quân doanh của Phan Khải Đức xin hàng, đồng thời đề nghị trực tiếp gặp mặt Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị.

Tôn Sĩ Nghị lại bắt đầu tính toán. Ông ta thấy rằng nếu vì lời xin của Phan Khải Đức mà phát binh sang Lạng Sơn, thì “uy võ không đủ trấn áp ngoại Di”. Vì thế, ông ta đóng quân lại, và cho đòi Trần Danh Bính sang ải Trấn Nam gặp mặt.

Hôm sau, Trần Danh Bính cùng 10 thuộc hạ qua ải đi sang nước Thanh. Cuộc gặp mặt được Tôn Sĩ Nghị thuật lại trong tập tâu gửi về cho vua Càn Long. Trong đó, ông ta huênh hoang rằng Trần Danh Bính “thấy binh lính quan nội uy nghiêm, hùng mạnh, hết sức sợ hãi, liên tiếp khấu đầu nhận tội. Tôn Sĩ Nghị hỏi Trần Danh Bính vì sao đem quân lên Lạng Sơn, lại hỏi tại sao không rút lui mà chuyển sang đầu hàng. Trần Danh Bính nói rõ lý do. Sau đó, Tôn Sĩ Nghị lại hỏi để xác minh tin tức Nguyễn Nhạc đã chết có phải là thực hay không. Trần Danh Bính thưa rằng ông ta chỉ biết Nguyễn Nhạc chạy về Quảng Nam, rồi bị bệnh nặng, nhưng không rõ sống chết.

Tôn Sĩ Nghị cảm thấy Trần Danh Bính có thể tin tưởng được, bèn an ủi ông này, rồi cấp cho ấn tín, sai ông ta về Lạng Sơn, cùng Phan Khải Đức chiêu mộ lực lượng, đợi ngày phát binh tấn công Lê thành (tức Thăng Long).

Đại tư mã Ngô Văn Sở trái lại phản ứng khá yếu ớt. Ông ta đã có đủ rắc rối cho mình khi cả Cao Bằng lẫn Lạng Sơn đều mất, còn nhà Thanh thì đang hăm dọa động binh. Ngô Văn Sở bèn đổi sang chiến lược… năn nỉ.

Ngày 11 tháng 9 năm Mậu Thân (1788), Ngô Văn Sở soạn một lá thư gửi cho Tham đốc Đức Nghĩa hầu Phan Khải Đức, Chưởng cơ Hoán Nghĩa hầu Trần Danh Bính ở Lạng Sơn. Ngô Văn Sở mở đầu bằng câu “cái nghĩa của bề tôi là phải tận trung”, rồi chuyển sang kể lể chuyện hai người Đức, Bính “phụng sự vương thượng chia cơm sẻ áo, ân tình biết là nhường nào, trải qua hàng trăm trận đánh, đi theo xông xáo nơi tên đạn”. Ấy vậy mà “nghe đồn rằng quan nội địa gửi mật dụ khuyên các ông quy hàng, các ông lập tức đem thân theo họ, có lẽ nào vong ân phụ nghĩa đến thế sao?”.

Kế đến, Ngô Văn Sở nhắc đến chuyện “quốc gia hưng vong là do số trời”. “Trời đã cho hưng thì ai mà phế được, còn như trời phế rồi thì ai mà hưng được”. Ngô Văn Sở dạy cho hai người một bài học lịch sử. Quyền bính nhà Lê đã suy sụp vào tay họ Trịnh. Họ Trịnh lại ngông cuồng tiến đánh Phú Xuân, khiến dân chúng đều chạy về phía Tây Sơn. “Vương thượng ta” (chỉ Nguyễn Huệ) kéo quân ra Bắc, “vốn chỉ muốn dẹp nạn cứu dân, không phải có bụng lấy nước”. Khi đó nhà Lê đã muốn nhường quyền trị nước, nhưng “vương thượng ta” mấy lần từ chối. Sau khi vua Lê mất, lại lập người nối dõi họ Lê rồi mới trở về.

Thế nhưng khi về rồi mới nghe Lê Duy Kỳ (tức Chiêu Thống) “là người dâm bạo, tin dùng kẻ gian trá, giết chú, tư thông với em, bên trong ly tán, bên ngoài chống lại, khiến cho đại loạn, dân chúng lại rơi vào chỗ lầm than”. Vì vậy, mới phải cất quân lần nữa để “cứu lấy muôn dân”. Lê Duy Kỳ chạy trốn, đất nước không người cai trị, “quốc dân tất cả cùng suy tôn, mong vương thượng chúng ta trông coi quốc sự, đành phải miễn cưỡng theo lời cầu xin”. Những việc này đã được chép thành công văn, đưa lên Nam Quan để báo với nhà Thanh. Đó đều là những việc mà Phan Khải Đức và Trần Danh Bính đều biết. Ngô Văn Sở kết luận “nếu không phải trời cho hưng lên thì làm sao được thế?”.

Ngô Văn Sở cho rằng trong tình hình hiện tại “công văn bản quốc chưa đệ đạt lên, sự tình trong nước chưa được thiên triều xem xét, quan ngoài biên ải chỉ mới nghe lời một phái, đã toan động binh”. Hai người Đức, Bính là quan giữ biên cương, đáng lý phải “tùy cơ, lựa lời” đem tình hình thực tế nói rõ với phía Thanh, “để cho việc nước sớm êm, khỏi gây hấn nơi biên cảnh”, thế mà lại “khom mình hướng về phương Bắc”.

Ngô Văn Sở đồ rằng hai người bọn họ tưởng rằng nhà Thanh lớn mạnh, còn Tây Sơn nhỏ yếu, nên mới đầu hàng để giữ mạng. Nhưng Ngô Văn Sở lại tuyên bố rằng thắng bại của nhà binh là do “lý thẳng hay cong”, chứ không phải do “quân nhiều hay ít”. Quân Thanh dù có trăm vạn “cũng không qua khỏi cái lẽ phế hưng”. Nói theo cách ngày nay là không thể chống lại xu thế của lịch sử. Dù họ muốn xâm lấn cũng không có danh nghĩa.

Vả lại, “vương thượng của chúng ta anh võ”, “binh tinh tướng dũng”. Lúc mới khởi nghĩa đã đánh bại Chiêm Thành, Xiêm La, huống chi ngày nay đã có được toàn quốc, “đất rộng dân đông gấp trăm lần khi trước”. Mặc dù binh mạnh là thế, nhưng vẫn muốn dùng biện pháp ngoại giao với nhà Thanh. Ngô Văn Sở nhắc họ: “Nước lớn có binh chinh phạt thì nước nhỏ cũng có kế sách chống đỡ, các ông việc gì mà phải lo”.

Ngô Văn Sở nói thêm rằng Lê Duy Kỳ đào vong, “chắc đã chết nơi rừng sâu nước độc nào rồi”; mà nếu có sống sót trở về thì cũng không thể giữ được nước nữa. Ông cảnh cáo hai người nếu không biết hối hận quay về thì “cái nợ bội bạc kia không còn đường nào mà chạy được nữa”.

Lá thư này dường như đã lung lạc được Trần Danh Bính. Nhưng Phan Khải Đức thì không. Bức thư của Ngô Văn Sở được trình lên cho Tôn Sĩ Nghị. Nhờ đó mà nội dung thư vẫn còn lưu lại đến ngày nay. Vào thời điểm đó, nó gây cho Ngô Văn Sở một rắc rối nho nhỏ. Ông ta sẽ không dám dùng tên Ngô Văn Sở để giao thiệp với Tôn Sĩ Nghị nữa, mà phải dùng một nick phụ. Đó là Ngô Hồng Chấn.
 

Bên phía nhà Thanh, việc Trần Danh Bính đầu hàng khiến Càn Long càng thêm quyết tâm. Ông ta cho rằng với lực lượng của Phan Khải Đức và lực lượng phu mỏ ủng hộ vương đệ Lê Duy Chỉ ở Ba Bồng, rồi nay có thêm Trần Danh Bính thì “ắt là việc sẽ dễ dàng hơn”. Có điều những người này nổi dậy là vì nghe tin “thiên triều kể tội đánh dẹp”. Vì vậy cần có một “đại viên” của nhà Thanh “đưa quân sang, trông coi sắp đặt thì mới đắc lực”. Vua Càn Long lặp lại mệnh lệnh lúc trước, sai Đề đốc Hứa Thế Hanh đem 3000 quân sang Lạng Sơn, còn Tôn Sĩ Nghị thì vẫn ở lại Trấn Nam quan, “ra vẻ tấn công tiễu trừ thôi”. 

Đáp lại các chỉ thị này, Tôn Sĩ Nghị cố xin vua Càn Long cho mình được đích thân đem quân sang nước ta. Ông ta lập luận rằng bản thân mình ở Lưỡng Quảng đã lâu, được “người Di ở quan ngoại” tin tưởng. Các viên Đề trấn (trỏ Hứa Thế Hanh, Thượng Duy Thăng) không thể bằng mình. Tuy bản thân đi theo không thể tham gia đánh trận (Tôn Sĩ Nghị là văn thần), nhưng có thể khích lệ mọi người. Vả lại, ông ta đã hứa với “người Di”. Nếu không đi thì sợ họ chán nản. Tôn Sĩ Nghị nài nỉ vua Càn Long, cùng lắm thì cho mình dẫn quân tới Lê thành, phục vị cho họ Lê. Nếu như tới lúc đó vẫn chưa giải quyết xong Nguyễn Huệ thì sẽ để Hứa Thế Hanh ở lại, còn mình quay về Lưỡng Quảng.

Tôn Sĩ Nghị còn trình bày kế hoạch quân sự tỉ mỉ. Ông ta dự định tiến quân bằng hai ngả: một ngả qua Lạng Sơn, một ngả qua Cao Bằng. Tôn Sĩ Nghị sẽ dẫn quân Lưỡng Quảng theo ngả Lạng Sơn. Còn hướng Cao Bằng sẽ dùng lực lượng của thổ mục châu Bảo Lạc nước ta là Nông Phúc Tấn, cùng với thổ tri châu Điền Châu của nước Thanh là Sầm Nghi Đống đảm nhiệm. Lực lượng dự trù trên hướng Lạng Sơn là một vạn lính chiến đấu: 5000 quân lấy từ Quảng Tây, và 5000 quân do các Tổng binh Trương Triều Long, Lý Hóa Long đưa từ Quảng Đông tới.

Lúc đầu Tôn Sĩ Nghị dự trù trong khoảng tháng Chín, tháng Mười sẽ xử lý xong nước ta. Nhưng lúc bấy giờ đã là trung tuần tháng Chín, sự việc chưa đâu vào đâu, tin tức của Lê Duy Kỳ cũng biền biệt. Nhưng Tôn Sĩ Nghị cũng đã nghĩ đến ba phương án xử trí: hoặc lập con trai Lê Duy Kỳ là Lê Duy Thuyên, hoặc lập chính Lê Duy Kỳ, hoặc lập em trai Duy Kỳ là Lê Duy Chỉ. Tôn Sĩ Nghị đã có trong tay hai trong số ba quân bài chính trị đó. Ông ta tính rằng đến hạ tuần tháng Mười thì lực lượng của Quảng Đông sẽ tập hợp được. Khi đó kỳ thi võ cũng đã kết thúc, Tôn Sĩ Nghị sẽ đưa quân tiến vào nước ta.

Nhưng Lê Chiêu Thống đang ở đâu?

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Share