Ngoài sự hỗ trợ tích cực về mặt quân sự của giám mục Bá Đa Lộc trong cuộc chiến phục vị, chúa Nguyễn Ánh còn có bên mình một đồng minh quan trọng khác là vua Rama I của vương quốc Xiêm La (Thái Lan ngày nay). Mối quan hệ này không chỉ phản ánh đoạn đời thăng trầm của vị chúa cuối cùng của nhà Nguyễn xứ Nam Hà, mà rộng hơn là tình hình chính trị bang giao giữa các vương quốc trong khu vực. Cùng với đó là những âm mưu chính trị, những xung đột gay gắt và ân oán đan cài, tất cả tạo nên bức tranh phức tạp mà sống động về một phần lịch sử hậu bán thế kỷ 18.
Sau khi quân bài “phù Hoàng tôn Dương, diệt Trương Phúc Loan” trở nên không còn hữu hiệu, nhà Tây Sơn quyết định truy đuổi đến cùng gia tộc chúa Nguyễn. Dòng dõi nhà chúa khi ấy còn hai người nổi bật là vương tôn Ánh và Xuân quận công, tức Nguyễn Phúc Xuân là một trong mười tám người con trai của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, theo vai vế trong gia đình là chú ruột của Nguyễn Ánh. Nhưng số phận đã hướng hai người thân ruột thịt đi những con đường rất khác nhau.
Nếu Đỗ Thanh Nhơn là tướng trung thành của vương tôn Ánh, thì với Xuân quận công, tâm phúc của ông là Đô đốc Hà Tiên Mạc Thiên Tứ. Sau cái chết thảm khốc của Định vương Nguyễn Phúc Thuần vào năm 1777, dưới áp lực của quân đội Tây Sơn, Mạc Thiên Tứ buộc phải lưu vong.
Vua Xiêm lúc bấy giờ là Taksin [1], với danh nghĩa nối lại quan hệ hòa hảo với Hà Tiên đã cho người mời Mạc Thiên Tứ cùng gia quyến về Xiêm nương náu, sau đó cho phép thêm Quận công Nguyễn Phúc Xuân – con trai của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát – và cộng đồng nhỏ người Việt tỵ nạn cùng ở lại. Tuy nhiên, lời mời thân thiện này thực chất ẩn giấu tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Xiêm lên Chân Lạp và Hà Tiên, nên dần dà khi quan hệ Xiêm – Việt không đi theo hướng mà vua Taksin mong muốn, một bi kịch đã xảy ra.
Bắt đầu từ năm 1778 khi tướng Đỗ Thanh Nhơn tôn vương tôn Ánh làm Đại Nguyên soái, phía nhà Nguyễn cho người mời Mạc Thiên Tứ cùng Xuân quận công về nhằm hỗ trợ thêm cho lực lượng còn non trẻ, vua Taksin đã tỏ ý không hài lòng bởi muốn giữ hai người làm con tin chính trị. Tới ngay năm sau đó, nội bộ Chân Lạp biến động lớn, các phe phái chống lại vua Ang Non II [2] – vốn thân Xiêm – sang cầu viện chúa Nguyễn. Thể theo lời cầu, các tướng nhà Nguyễn trong đó có Đỗ Thanh Nhơn cầm quân sang đánh Chân Lạp. Hậu quả là Ang Non II bị sát hại, chính quyền mới thân Việt được lập ra, gây bất bình lớn cho Xiêm vương.
Chưa dừng lại ở đó, vào năm 1780 sau khi Đại Nguyên soái Nguyễn Ánh chính thức xưng Vương rồi sai sứ thần sang hòa hiếu với Xiêm triều, vua Taksin chưa kịp có động thái nào đã biết tin thuyền buôn của mình tới Hà Tiên bị cướp bóc dã man khiến ông nổi giận đem bắt giam toàn bộ đoàn sứ thần, đồng thời trở nên nghi ngờ hết thảy người Việt đang lưu vong trên đất nước mình.
Trong đống củi khô đang cháy âm ỉ ấy, lá thư nặc danh có nội dung thúc giục Mạc Thiên Tứ cùng Xuân quận công làm nội gián cho Đàng Trong tại Xiêm La chính là mồi lửa thiêu hủy tất cả. Phẫn nộ và căm ghét đến tột độ, vua Taksin cho tống giam ngay lập tức Xuân quận công và cả gia đình Mạc Thiên Tứ. Một người con lớn của Mạc gia là Mạc Tử Dung không chịu được oan khiên liền khảng khái lên tiếng bênh vực cha, kết cục bị đem ra xử tử. Mạc Thiên Tứ bị ép nuốt vàng mà chết, chỉ vài ngày sau vua Xiêm cũng cho hành quyết Xuân quận công, gia đình Mạc Thiên Tứ, sứ thần nhà Nguyễn và những người liên quan khác, còn những người Việt còn lại thì đem đi đày nơi biên ải.
Cùng thời gian đó (1780), tại Đàng Trong, tướng Đỗ Thanh Nhơn được phong tước Quận công với chức Ngoại hữu phụ chính Thượng tướng quân, sau lại lập tiếp công lớn trong vụ dẹp loạn tại phủ Trà Vinh, nên dần dần sinh kiêu lộng, chúa Nguyễn Ánh phải đem giết. Theo nhiều nhận xét, đây không đơn thuần chỉ là một đòn trừng phạt cho thói kiêu ngạo của quyền thần, mà sâu xa hơn là nỗi e sợ của ông trước thế lực ngày một lớn mạnh của nhóm Đông Sơn do Đỗ Thanh Nhơn làm chủ tướng có thể đe dọa tới quyền bính của chúa Nguyễn sau này.
Tuy trừ được tận gốc một mầm họa, song chúa Nguyễn Ánh vì thế mà tự đem lại rắc rối lớn cho chính mình. Chủ tướng Đỗ Thanh Nhơn bị giết, thuộc hạ bỏ đi quá nửa, khiến lực lượng Gia Định suy yếu thấy rõ. Không bỏ lỡ thời cơ, anh em nhà Tây Sơn đem thủy quân xuống đánh. Quân đội gần như hoàn toàn tan rã, chúa Nguyễn Ánh phải bôn tẩu từ miền Hậu Giang ra tới Hà Tiên, Phú Quốc, khi nghe ngóng tình hình êm xuôi hơn mới quay trở về Sài Gòn, thu lại tàn quân. Lo ngại quân Tây Sơn có thể tiến đánh thêm lần nữa, ông quyết định cầu viện vua Xiêm.
Tại Xiêm La vào năm 1781, vua Taksin quyết gây lại ảnh hưởng lên Chân Lạp sau cái chết của quốc vương Ang Non II nên đã sai anh em dũng tướng là Chakri và Surasih (sử Việt thường gọi là tướng Chất Tri và Sô Si) đi đánh Chân Lạp. Quân chúa Nguyễn đem quân tới Chân Lạp ứng cứu, tình hình giao tranh chưa ngã ngũ thì tới năm 1782, lấy cớ vua Taksin ngày càng mất ổn định về tinh thần, các tướng lĩnh Xiêm La đã tiến hành đảo chính.
Tướng Chakri nghe tin về cuộc đảo chính liền nghị hòa với tướng Nguyễn Hữu Thụy, lại thề hoạn nạn tương cứu cùng nhà Nguyễn và kéo quân về nước. Bất chấp mối quan hệ thân cận trong quá khứ, tướng Chakri lạnh lùng hành quyết Taksin và lên ngôi Quốc vương Xiêm La trong cùng năm, lập ra triều đại Chakri còn tồn tại tới ngày nay.
Về phía chúa Nguyễn, với quân lực thiếu thốn trong tay, chúa chỉ còn hy vọng vào sự trợ giúp của đồng minh Xiêm La sau khi đã cống hoa vàng hoa bạc cho Xiêm triều vào cuối năm 1782. Tuy mang danh nghĩa liên minh, song việc cống hoa vàng hoa bạc thực chất là hành động chịu thần phục của chúa Nguyễn trước Xiêm La để đổi lấy hỗ trợ quân sự từ vương quốc này, bởi:
“tục lệ tiến cống cây vàng bạc hàm ý rằng người gửi bằng lòng vai trò phiên thuộc đối với quốc gia họ đem đến. Ðó là một biểu tượng của thần phục (…) Bangkok cũng bảo đảm rằng họ sẽ bảo vệ phiên thuộc đó một khi bị đe dọa từ bên ngoài. Ðể đáp lại, nước chư hầu có nhiệm vụ cung cấp binh đội cho triều đình Xiêm La khi được yêu cầu và thủ lãnh của các chư hầu cũng phải sang Bangkok mỗi khi có những dịp quan trọng, chẳng hạn như việc đăng quang của một tân vương”.
Tới đây, cần giải thích thêm rằng, trái với những định kiến thường gặp, hành động cầu viện của chúa Nguyễn Ánh là điều hoàn toàn bình thường trong bối cảnh lịch sử giai đoạn đó. Như người viết đã từng đề cập trong bài viết về mô hình Mandala, quan hệ quyền lực giữa các cộng đồng người vùng Đông Nam Á rất khác biệt so với mô hình tập trung quyền lực của nhà nước Trung Hoa mà ta quen thuộc.
Theo mô hình Mandala, các tiểu quốc tập hợp lại và xoay quanh một vương quốc trung tâm lớn mạnh nhất. Dưới chế độ bảo hộ, vương quốc trung tâm có nghĩa vụ bảo vệ và hỗ trợ về mặt quân sự các tiểu quốc để đổi lấy quyền lợi kinh tế và lòng trung thành của họ. Đặc điểm nổi bật của mô hình này là giữa các vùng lãnh thổ không tồn tại đường biên giới hiểu theo nghĩa hiện đại, và do đó cán cân quyền lực có thể dễ dàng nghiêng từ vương quốc này sang vương quốc khác.
Trong tình thế mạnh được yếu thua, việc tìm kiếm liên minh là điều tất yếu mà phe phái nào cũng thực hiện, và chúa Nguyễn Ánh trong hoàn cảnh khốn cùng đã chấp nhận thần phục Xiêm La theo đúng mô hình Mandala để đổi lấy sự bảo trợ của vương quốc hùng mạnh này cùng các thuộc quốc của nó nhằm chống lại quân Tây Sơn. Nhưng điều quan trọng hơn cả là việc chúa Nguyễn Ánh chấp nhận duy trì tình trạng thần phục đó tới khi nào.
Đúng như nỗi lo của mình, ngay năm 1783, anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ lại đem quân vào đánh Gia Định, dồn chúa Nguyễn tới bước đường cùng. Chúa Nguyễn Ánh cùng gia quyến và thuộc hạ chạy trốn tới đảo Krabu thuộc Xiêm. Vì lời giao ước năm xưa trong chiến trận Chân Lạp cùng việc đã triều cống hoa vàng hoa bạc, khi Nguyễn vương vừa ngỏ lời cầu viện, vua Chakri liền đáp ứng.
Do đó, trong chuyến trở về Nam Hà cùng chúa Nguyễn và binh tướng còn có thêm hai đoàn quân thủy – bộ Xiêm La chống lại quân lực nhà Tây Sơn. Mặc dù sử nhà Nguyễn chỉ chép duy nhất lần quân Xiêm sang giúp chúa Nguyễn vào năm 1784 với thất bại nhục nhã tại trận Rạch Gầm – Xoài Mút thì biên niên sử Xiêm La ghi nhận thêm một lần đưa quân sớm hơn ngay từ năm 1783:
“Vua Xiêm sai Praya Nakhosawan đem liên quân Xiêm - Miên tiến sang Nam Hà bằng đường thủy. Người chỉ huy lực lượng Tây Sơn khi đó là Ong Tinh Wuang (tức Đông Định vương Nguyễn Lữ) nghe tin quân Xiêm kéo sang liền chặn đánh tại Sa Đéc. Hai bên đụng độ nhiều trận ác liệt. Praya Nakhosawan bắt được tù binh, thu được chiến thuyền và khí giới của quân Tây Sơn nhưng sau trả lại (...) bị tố cáo tội phản bội. Vua Xiêm ra lệnh rút quân về, Praya Nakhosawan cùng 12 người khác bị xử tử tại phía đông kinh thành”.
Sau hai lần tiến quân thất bại, vua Xiêm chấp thuận cho chúa Nguyễn lưu vong tại Vọng Các, hàng tháng trợ cấp một khoản tiền và đối đãi theo đúng nghi lễ dành cho các ông hoàng ngoại quốc. Trong thời gian trú ngụ tại đây, Nguyễn vương có cuộc sống tương đối thoải mái, luôn có tùy tòng theo hầu.
Mỗi lần vào chầu vua Xiêm, người ta dành riêng cho ông một chỗ ngồi tại điện Amarintharaphisek, lại miễn lễ quỳ và cho thông ngôn đi theo. Trong một bức họa hoàng gia, có thể thấy rằng khác với các quan lại khác, chúa Nguyễn Ánh ngồi xếp bằng, đối diện với vua Xiêm trên ngai vàng. Đây cũng là bức họa hiếm hoi cho thấy diện mạo của ông trong trang phục truyền thống của người Việt.
Dẫu được đối xử trọng thị, song hiểu rõ thân phận lưu vong, chúa Nguyễn Ánh vẫn âm thầm liên lạc với các lực lượng ủng hộ mình tại Nam Hà, chờ ngày trở lại. Bên ngoài, chúa vẫn tỏ thái độ thần phục, thậm chí còn cùng tùy tòng tham gia chiến đấu cùng vua Xiêm chống quân Miến Điện vào năm 1785. Một mặt, đó là nghĩa vụ mà thuộc quốc phải thực hiện. Mặt khác, chúa Nguyễn muốn cố làm đẹp lòng vua Chakri nhằm che giấu việc cho hoàng tử Cảnh đi làm con tin cầu viện Pháp – bởi thuộc quốc không được phép cầu viện nước ngoài một khi đã chịu sự bảo trợ của vương quốc trung tâm.
Nhưng cuộc chiến Xiêm La – Miến Điện kéo dài hơn dự tính đã khiến vua Xiêm không thể tập trung giúp đỡ chúa Nguyễn. Hơn nữa, đệ nhị vương Xiêm La đồng thời là em trai ruột của vua Chakri ngày càng tỏ ra có ác ý với chúa Nguyễn vì coi ông là một hiểm họa tiềm tàng trong tương lai nếu như ông phục quốc thành công. Với tất cả những lý do này, Nguyễn vương quyết bỏ trốn khỏi Vọng Các vào năm 1787.
Do may mắn cộng thêm chính sách khoan hòa của vua Chakri, chúa Nguyễn Ánh an toàn trở về và gây dựng lại đội quân, dần dần chiếm lại Gia Định. Khi ấy, tình hình Gia Định rất có lợi cho ông: Hai anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ xảy ra mâu thuẫn nặng nề, Nguyễn Huệ tấn công thành Quy Nhơn dữ dội đến mức Nguyễn Nhạc phải thu quân từ Gia Định về phòng thủ, để lại một vùng đất gần như vô chủ.
Khi chúa Nguyễn dàn quân ở cửa biển Cần Giờ, tướng Tây Sơn là Phạm Văn Tham cùng Nguyễn Lữ hợp sức xây lũy tại Sài Gòn và Biên Hòa nhằm chặn bước tiến quân. Hai bên giằng co không dứt điểm, nhưng vì một lá thư ly gián mà Phạm Văn Tham quay sang diệt Nguyễn Lữ, khiến Nguyễn Lữ phải chạy về Quy Nhơn rồi không lâu sau qua đời vì bệnh nặng. Song chiến thắng không thuộc về chúa Nguyễn, bởi năng lực của Phạm Văn Tham quá mạnh, một lần nữa chúa Nguyễn phải kéo quân chạy nạn về Mỹ Tho.
Cục diện từ đây cho tới năm 1788 tuy có thay đổi nhưng vẫn rất bấp bênh vô định với chúa Nguyễn Ánh: Lực lượng do Phạm Văn Tham chỉ huy vì phải đơn độc chiến đấu nên suy yếu rất nhanh, song anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đã giảng hòa nên có thể tái chiếm Gia Định vào bất kỳ lúc nào. Đội quân chúa Nguyễn lại vừa mỏng vừa không được tổ chức chặt chẽ nên khả năng rất cao là chúa Nguyễn sẽ phải bôn tẩu thêm một lần nữa. Vì vậy, ông lại sai người mang hoa vàng hoa bạc sang Xiêm triều cống để đổi lấy viện trợ. Ở lần giúp sức này, dưới sức ép của liên quân Xiêm – Việt – Chân Lạp, cánh quân của Phạm Văn Tham bị đánh bại hoàn toàn.
Cùng với sự trở về của giám mục Bá Đa Lộc vào năm 1789, quân chúa Nguyễn khi đó đã ổn định lại càng thêm vững mạnh hơn. Vị giám mục thành Adran không chỉ đem về chiến thuyền và vũ khí châu Âu vượt trội, mà còn lôi cuốn theo mình những sỹ quan người Pháp dạn dày kiến thức và kinh nghiệm chiến trường. Về sau này, họ trở thành những người phục vụ đắc lực cho chúa Nguyễn trong việc cải tổ quân đội, triển khai các chiến dịch quân sự và gián tiếp góp phần cho công cuộc thống nhất Nam – Bắc Hà của ông vào năm 1802.
Để tránh làm phật lòng vua Xiêm, chúa Nguyễn Ánh khôn khéo viết thư cảm ơn vua Pháp đồng thời xác định rõ Hiệp định Versailles 1787 không thể thực hiện được. Nguyễn vương cũng chính thức triều cống hoa vàng hoa bạc lần thứ hai nhằm củng cố niềm tin về lòng trung thành của ông với triều đình Vọng Các. Không chỉ có vậy, sang tới năm 1790, khi Bắc Hà trở thành mối quan tâm hàng đầu của Nguyễn Huệ, chúa Nguyễn đã tận dụng thời cơ quý giá này để gấp rút xây dựng lại chính quyền Gia Định từ đống tro tàn.
Dẫu tạm thời không còn để mắt tới Gia Định, song dưới sự bảo trợ của triều đình nhà Thanh, Nguyễn Huệ cố gắng cô lập triều chúa Nguyễn theo nhiều cách, từ liên kết đồng minh với các tiểu quốc Thượng Lào vốn là thuộc quốc của Xiêm nhằm phân tán sự chú ý, cho đến việc kêu gọi các thương buôn nước ngoài chấm dứt quan hệ kinh tế với Đàng Trong. Nhưng giờ đây, không gì có thể làm chúa Nguyễn thoái chí được nữa.
Những năm tháng lưu vong bên Vọng Các, được tận mắt chứng kiến sự vĩ đại của vương triều Chakri, những kinh nghiệm có được từ cuộc chiến chống quân Miến Điện nổi danh thiện chiến, sự tự tin được bồi đắp khi tiếp nhận kiến thức từ phương Tây, và đặc biệt là sự tự chủ có lại sau khi nắm giữ Gia Định trong tay, tất cả đã gây nên những biến chuyển rõ rệt trong con người chúa Nguyễn. Ông quyết tâm tách dần khỏi ảnh hưởng của triều đình Xiêm La.
Dần dần, thông qua các thăm dò kín đáo, vua Xiêm bắt đầu tỏ ý e ngại trước thái độ cứng rắn ẩn bên trong lời lẽ mềm mỏng của Nguyễn Ánh. Biểu hiện rõ nhất là nguồn cung cấp viện trợ đã giảm đi nhiều lần, tỉ dụ như vào năm 1791, chúa Nguyễn viết thư đặt mua 1.000 khẩu súng kíp và 60 nghìn cân sắt, nhưng Xiêm triều chỉ gửi lại 1/5 số lượng hàng đặt. Hay như vấn đề xoay quanh Chân Lạp liên quan tới các phe phái thân Việt và thân Xiêm, chính vương triều Chakri cũng phải tỏ ra hòa hoãn trước chúa Nguyễn và hứa hẹn một tương lai “hai nước lại đoàn kết chẳng khác gì một lá vàng”.
Tới năm 1792, sau khi thắng lớn ở chiến trận đầm Thị Nại, chúa Nguyễn Ánh đề nghị hợp tác cùng quân Xiêm đánh quân Tây Sơn đến cùng, song phía Xiêm khôn khéo không đồng thuận mà cũng không từ chối, chỉ gửi quà biếu. Nhưng một bước ngoặt bất ngờ đã giúp chúa Nguyễn: Nguyễn Huệ đột ngột băng hà vào giữa năm 1792.
Thế chân vạc của quân Tây Sơn như thế là đã bị bẻ gãy. Không chần chừ một khắc, ngay đầu năm 1793, chúa Nguyễn khởi binh đánh thành Quy Nhơn. Vì quan hệ quan hệ quyền lực phức tạp giữa Xiêm La và các tiểu quốc Lào, chúa Nguyễn phải đề nghị vua Xiêm ban ấn nhằm thuyết phục các tiểu quốc này nuôi quân và không cung cấp lương thực cho binh sĩ Đàng Ngoài, đổi lại ông dâng vua Xiêm hoa vàng hoa bạc cùng các sản vật khác.
Khi vây thành Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc núng thế phải yêu cầu người cháu Quang Toản (lúc bấy giờ là vua Cảnh Thịnh triều Tây Sơn) cung cấp viện trợ. Theo lệnh từ Đàng Ngoài, các chiến tướng đem thuyền và voi vào ứng cứu, chúa Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm lần nữa, nhưng thay vì tiến theo ngả Nghệ An họ lại đi đường thủy từ Chân Lạp vào, đe dọa tới khu vực Gia Định – Đồng Nai. Không muốn mất Gia Định thêm một lần nào nữa, chúa Nguyễn đành rút quân về phòng thủ.
Càng về sau, chúa Nguyễn càng từ chối nhiều hơn những lời đề nghị giúp đỡ từ Xiêm La, đặc biệt sau khi ông khám phá ra đường dây liên lạc ngầm giữa quân Chân Lạp – đứng đằng sau là Xiêm La – và quân của Nguyễn Nhạc. Cần lưu ý rằng quan hệ giữa ba vương quốc Đàng Trong, Xiêm La và Chân Lạp từ thời thịnh trị của các chúa Nguyễn xứ Nam Hà đã rất phức tạp. Khi là liên minh ba nước, khi lại là gián điệp ngầm do thám lẫn nhau, nhất là Chân Lạp thường xuyên trong vị thế là quân tốt trên bàn cờ chính trị Việt – Xiêm.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúa Nguyễn dứt hoàn toàn mối bang giao với Xiêm La. Trong những tháng ngày viễn chinh, ông vẫn chu đáo làm đúng nghĩa vụ thuộc quốc của mình, dù trên thực tế, đội quân của ông ngày càng khẳng định sự độc lập. Chẳng hạn như khi Xiêm triều yêu cầu hỗ trợ bảo vệ thành phố Samut Prakan, chúa Nguyễn không ngần ngại gửi đi 15 chiến thuyền cùng hơn 7.000 binh sĩ và các chiến tướng dưới quyền mình. Đồng thời trong hai năm (1797 – 1799), Nguyễn vương cũng đều đặn triều cống, gửi quà biếu và cho người sang phúng điếu nhân đám tang của chị gái vua Xiêm.
Trong những chiến dịch quân sự cuối cùng nhắm vào triều Tây Sơn ngoài Bắc, cùng với lực lượng vững mạnh và sự trợ giúp của đồng minh Xiêm La, chúa Nguyễn đã thành công thu giang san về một mối, lên ngôi Hoàng đế và lấy niên hiệu Gia Long vào năm 1802.
Hàm ơn vua Xiêm, vị Hoàng đế mới của Đại Việt gửi vô số kể những món quà tặng hậu hĩnh, song không bao giờ cống hoa vàng hoa bạc nữa, đồng thời khéo léo chối từ không nhận mũ miện từ Xiêm. Hành động này như một lời khẳng định rõ ràng vị thế độc lập và ngang hàng của vương quốc Đại Việt trước Xiêm La.
Mối quan hệ hòa hảo giữa hai vương quốc vẫn luôn được duy trì trong suốt triều đại trị vì của Rama I và Gia Long. Nhưng sau khi cả hai băng hà, mối quan hệ đó nhanh chóng trở nên xấu đi, và xung đột đã thực sự bùng nổ dưới triều Minh Mạng.
Đón xem kỳ 03.
LỜI BIÊN TẬP
Dù nói thế nào đi nữa, mối quan hệ thần thuộc với Xiêm La là một gánh nặng khác đối với Nguyễn Ánh trên con đường trở thành “chân mệnh thiên tử” hay một “chánh vì vương”. Nguyễn Ánh là vị quân chủ hiếm hoi của nước ta từ bỏ mô hình chính trị Trung Hoa, thay vào đó chịu quy thuộc một quyền lực Đông Nam Á “ngoại Di”. Đây là vết nhơ thể diện mà các sử gia triều Nguyễn phải cố gắng khỏa lấp trong các ghi chép của họ – bằng cách thay đổi xưng hô, hoặc thay đổi cách diễn giải sự việc.
Mối quan hệ thần thuộc với Xiêm còn đẩy Nguyễn Ánh tới chỗ phải chấp nhận sự can thiệp của Xiêm đối với một phần lãnh thổ Đàng Trong, như trường hợp trấn Hà Tiên hoặc phủ Ba Xắc. Sau khi thống nhất đất nước, Nguyễn Ánh đã cố gắng giải quyết các vấn đề này và thu hồi quyền lực. Nhưng triều đình Xiêm vẫn tiếp tục cư xử với Việt Nam bằng vị thế thượng quốc, mặc cho triều đình Phú Xuân cố gắng hành xử như thể mình mới là thượng quốc. Kỳ sau chúng ta sẽ thấy cả hai “thượng quốc” này cố gắng thể hiện vai trò của mình với nước “chư hầu”.