Đài Loan: Miếng gân gà của Tào Tháo

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Đài Loan: Miếng gân gà của Tào Tháo

Cả thế giới luôn cảm nhận được sức nóng phả ra từ eo biển Đài Loan, nơi rất có thể trở thành địa điểm châm ngòi cho một cuộc Thế chiến mới. Tại sao hiện trạng Đài Loan ngày nay lại trở nên như vậy và địa lý Đài Loan có ảnh hưởng đến vận mệnh thế giới ra sao?

Chế độ quân chủ cuối cùng của Trung Quốc là nhà Mãn Thanh. Đế chế này bị lật đổ và được Trung Hoa Dân Quốc tiếp nối. Về sau, đối thủ tiềm năng nhất của Quốc dân Đảng là Đảng Cộng sản xuất hiện. Sự đối chọi gay gắt giữa hai lý tưởng khiến hai bên không thể hoà hợp. Người này không thể sống khi kẻ kia còn tồn tại. Cuối cùng, Quốc và Cộng đánh nhau để làm chủ Trung Hoa. Ban đầu, phần thắng nghiêng về Quốc khi họ dồn ép Cộng đến mức phải thực hiện cuộc rút lui Vạn Lý Trường Chinh để tránh chịu cảnh tiêu tan hoàn toàn.

Giữa lúc hai kẻ tử thù đang ác đấu thì một thế lực đáng sợ chen ngang: Đế quốc Nhật Bản.

Đế quốc Nhật Bản là quốc gia hiện đại hoá nhanh nhất thế giới và họ không giấu diếm dã tâm chinh phục. Quân đội Nhật mạnh không hề thua kém gì những cường quốc phương Tây. Khi Nhật tiến hành thôn tính Trung Quốc, họ tấn công quân Quốc dân Đảng dồn dập khiến chính quyền này thiệt hại rất lớn. Mặc dù Quốc miễn cưỡng bắt tay với Cộng để kháng Nhật nhưng cả hai vẫn xem nhau là kẻ thù cuối cùng cần tiêu diệt. Thời điểm Nhật hoành hành, Đảng Cộng sản hạn chế giao tranh. Mục tiêu của họ là dưỡng sức sau tổn thất trong nội chiến Quốc – Cộng. Đây là cơ hội bằng vàng để hồi phục lực lượng trong khi Quốc dân Đảng suy yếu.

Chiến tranh Trung Nhật

Cuối Thế chiến, Nhật Bản đầu hàng quân đội Mỹ và buộc phải trả lại đất đai Trung Quốc, cuộc nội chiến Quốc – Cộng tiếp tục và lần này phần thắng nghiêng về Đảng Cộng sản khi họ chiếm trọn Đại Lục. Quốc dân Đảng rút lui về căn cứ cuối cùng của họ: đảo Đài Loan. Tình trạng này vẫn kéo dài đến tận ngày nay và không bên nào chịu nhường nhau. Sau này lãnh đạo Đảng Cộng sản Mao Trạch Đông nói mỉa với người Nhật rằng nếu các ông không xâm lược Trung Quốc thì chưa chắc chúng tôi đã thắng.

Cả chính quyền Đại Lục và Đài Loan đều xem mình là người cai trị hợp pháp của toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc. Đại Lục xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và sớm muộn gì cũng sẽ thu hồi trở về. Còn Đài Loan không chấp nhận điều đó và ít nhất muốn giữ vững nền độc lập mong manh của riêng mình.

Sẽ có vài địa điểm trên Trái Đất sở hữu địa lý thay đổi lịch sử hoặc thay đổi cả trật tự thế giới. Đài Loan là một nơi như vậy. Đài Loan là khối đất liền lớn nhất nằm giữa Nhật Bản và Philippines, vốn là 2 đồng minh của Mỹ, do đó là nơi kết nối một chuỗi đảo mà các chiến lược gia Mỹ xác định là tối quan trọng để kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc Đại Lục. Nói chung nếu là lãnh đạo Đại Lục, bạn sẽ thấy Đài Loan cực kỳ “ngứa mắt” khi nó giống như một con nhím xù lông chặn hẳn đường tiến ra Thái Bình Dương để bạn xưng hùng xưng bá. Nếu mất Đài Loan, coi như hệ thống bao vây Đại Lục của Mỹ bị thủng một lỗ. Cho dù Mỹ có đóng quân ở Nhật đi nữa thì cũng không bù đắp nổi thiệt hại này.

Nhìn trên bản đồ, ta sẽ thấy Đại Lục và Đài Loan như bàn cờ tướng, với một eo biển rất rộng chia tách hai bên. Đài Loan cách Đại Lục 160 cây số, nhưng Đài Loan không chỉ có đảo lớn mà còn nhiều đảo nhỏ khác. Quần đảo Kim Môn có những nơi nhìn thẳng bằng mắt thường sang bên Phúc Kiến. Từ đảo Sư Tử đi phà tầm nửa tiếng là đặt chân lên Đại Lục. Đối với Đại Lục, điều này thật quá sức khó chịu. Đài Loan xa tận chân trời mà lại gần ngay trước mắt.

Không phải Đảng Cộng sản chưa từng thử chiếm lấy Kim Môn. Họ ba lần đã xua quân đổ bộ quần đảo cách bờ chưa đến 5 cây số này rồi bị Quốc dân Đảng đánh bật trở lại. Nhìn qua thì dễ như lấy đồ trong túi nhưng nó thật sự khó nhằn. Suốt 20 năm, quân Đại Lục pháo kích liên tục lên Kim Môn. Các cuộc oanh tạc quanh năm suốt tháng này khiến mỗi hộ gia đình phải tự đào hầm để sống chung với lũ. Dù vậy, Đại Lục vẫn không hạ nổi Kim Môn, mà thậm chí một nghề mưu sinh hình thành khi dân đảo bán dao làm từ đạn của những trận pháo kích.  

Trong thời Chiến Tranh Lạnh, quần đảo Đài Loan và Kim Môn trở thành một vấn đề sôi nổi trong chính trường Mỹ. Người Mỹ thường xuyên lượn lờ xung quanh điểm nóng này. Có lúc tên rơi đạn lạc trúng cố vấn quân sự Mỹ, Lầu Năm Góc đã cân nhắc đến khả năng dùng vũ khí nguyên tử nhằm trừng phạt Đại Lục. Tuy nhiên, Mỹ không chọn cách trực tiếp đối đầu quân sự với Đại Lục như chiến tranh Triều Tiên, thay vào đó họ bơm vũ khí, hô hấp nhân tạo cho Đài Loan cầm cự.

Năm xưa, nếu thực sự muốn thu hồi Đài Loan, Đại Lục bằng mọi giá phải đánh gục được tiền đồn đầu tiên ở đảo Kim Môn. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại với các loại khí tài tối tân như máy bay và tên lửa hành trình đủ sức tấn công đến tận Đài Bắc, việc chiếm Kim Môn không còn quá cần thiết nữa. 

Gần đây, Kim Môn đề xuất xây dựng cầu nối với Đại Lục hoặc biến nơi này thành vùng thương mại tự do, thu hút các nhà đầu tư Đại Lục, cho phép sử dụng đồng Nhân dân tệ. Ý tưởng trên làm Đài Loan nghi ngờ lòng trung thành của quần đảo này. Một số lãnh đạo của Đài Loan nhận định rằng   trong trường hợp tuyên bố độc lập để trở thành một quốc gia riêng, họ có thể phải thí Kim Môn cho Đại Lục. Một khi không còn giữ được nữa thì chấp nhận buông bỏ, sự sống còn của đảo Đài Loan vẫn là ưu tiên cao hơn.

Đài Loan giống như miếng gân gà của Tào Tháo vậy, ăn thì vô vị mà bỏ thì tiếc nuối. Tuy nhiên, Đại Lục sẽ chẳng bao giờ buông tha Đài Loan. Người Trung Quốc đã có quá đủ bài học trong chuyện bị dao kề vào cổ rồi. Nếu nói chuyện phải quấy không được, nắm đấm là biện pháp cần để giải quyết vấn đề.

Để tái chiếm Đài Loan, quân đội Đại Lục phải tiến hành một cuộc chiến tranh đổ bộ. Trong các thể loại chiến tranh, đổ bộ thuộc hàng khó nhất.

Chiến dịch xâm lăng Đại Việt của nhà Tống gần 1 thiên niên kỷ trước là một minh chứng. Sông Như Nguyệt chỉ khoảng vài trăm mét thôi mà Quách Quỳ đánh muốn trầm cảm luôn cũng không cách gì đưa toàn bộ đại quân qua sông quyết chiến với Lý Thường Kiệt được. Tào Tháo năm xưa muốn đổ bộ lên đất Đông Ngô cũng bị Chu Du hỏa thiêu hết đoàn thuyền ở Xích Bích, mà chắc chắn Trường Giang không thể so sánh được với eo biển Đài Loan.

Eo biển Đài Loan

Đài Loan có đến hàng chục năm để chuẩn bị cho tình huống này. Với mọi cuộc chiến, khâu đầu tiên là huy động nguồn lực, tức là phải tập kết quân đội, lương thảo trước khi bắt đầu xuất quân. Với thời đại hiện nay, không khó để Đài Loan sớm nhận ra có một lực lượng hải quân Đại Lục lớn tập hợp bất thường. Nhờ có eo biển, họ sẽ nhiều thời gian chuẩn bị và sơ tán dân chúng trước khi cuộc đổ bộ thực sự diễn ra.

Quân đổ bộ tấn công luôn lỗ vốn hơn quân ở nhà phòng thủ, vì sau lưng quân phòng thủ là cả một hệ thống hậu cần hỗ trợ, còn sau lưng quân tấn công là biển nước mênh mông. Đài Loan trưng ra bộ mặt rất dễ thương với thế giới, là xứ sở của phim ngôn tình thanh xuân, thiên đường ẩm thực đường phố và quê hương trà sữa. Kỳ thực, Đài Loan là một cái bẫy chuột khổng lồ.

80 cây số vùng biển Normandy Pháp rất quang đãng và bằng phẳng để quân Đồng minh thực hiện chiến dịch đổ bộ D-Day lên đất Pháp để tiêu diệt Đức Quốc xã. Còn địa lý núi non trùng điệp trên đảo Đài Loan khiến hòn đảo này cực kỳ khó đổ bộ. Chỉ 13 bãi biển là thực hiện đổ bộ được, nhưng đây không phải điều dễ dàng. Chúng là vùng bắn giết. Quân Đại Lục không muốn gặp cảnh lên tới đâu là nướng quân tới đó, họ chắc chắn phải tính toán rất kỹ, nhưng chắc chắn thương vong sẽ không nhỏ.

Trong trường hợp quân Đại Lục vượt qua hết 13 vùng tử địa thì họ phải đối mặt với một thứ khác: 2/3 diện tích hòn đảo là rừng rậm và núi cao, có những ngọn cao hơn cả Fansipan của Việt Nam.

Đài Loan xây rất nhiều boongke phòng thủ. Đồng thời mọi con đường từ các bãi biển dẫn đến thủ đô Đài Bắc đều dày đặc cạm bẫy và mai phục. Quân Đại Lục sẽ trải qua một hành trình với đầy dây kẽm gai, bom mìn, vũ khí chống tăng, cây gỗ chắn ngang, cùng đủ thứ khó chịu khác.

Cuối cùng, khi vượt qua xong hành trình đó, người Đại Lục còn phải đánh tiếp cuộc chiến đô thị. Từng căn nhà, từng dãy phố trên Đài Loan sẽ là pháo đài. Ngoài quân chính quy, Đài Loan còn nửa triệu quân để đánh du kích. Nó sẽ như trận Stalingrad nếu quân Đài Loan quyết tử.

Binh sĩ Đài Loan
Đài Loan như một con nhím xù lông

Chúng ta còn chưa nói đến tấm kim bài miễn tử của Đài Loan: công viên khoa học Tân Trúc và tập đoàn bán dẫn TSMC.

Gần như mọi thứ trong cuộc sống hiện đại chúng ta đang dùng đều cần đến những con chip bé nhỏ và Đài Loan nằm trong số những người đứng đầu cuộc chơi. Ngành bán dẫn ở Đài Loan đã bám rễ quá sâu vào kinh tế thế giới và cả Đại Lục. Nó giống như bộ kinh trong Thiếu Lâm Tự khiến bao kẻ tà đạo trong giới võ lâm thèm muốn vậy. Chỉ cần Đài Loan gặp nạn, toàn bộ chuỗi cung ứng và nền kinh tế toàn cầu sẽ chao đảo. Chắc chắn Mỹ sẽ không để chuyện đó xảy ra. Cho nên chừng nào Đài Loan còn giữ được ưu thế trong ngành bán dẫn, ngày đó họ còn an toàn. 

Sau tất cả, địa lý của Đài Loan đã giúp Trung Hoa Dân Quốc tạm thời đứng vững cho tới thế kỷ 21. Nó đủ khó khăn để cản bước một cuộc chiến tranh tổng lực từ Đại Lục, và đủ then chốt để Mỹ không dám buông bỏ. Chúng ta vẫn chưa biết ai sẽ là người phá giải được thế cờ này. Tuy nhiên, con đường để Đài Loan trở thành một quốc gia độc lập chẳng hề dễ dàng và Đại Lục sẽ chẳng bao giờ để điều đó xảy ra.

Share