Trung Quốc: Gã khổng lồ mong manh

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Trung Quốc: Gã khổng lồ mong manh

“Phàm thiên hạ phân lâu lại hợp, hợp lâu lại phân”. Câu mở đầu trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa này hóa ra lại rất đúng với Trung Quốc. Quốc gia này đã tan vỡ và thống nhất liên tục trong suốt hàng ngàn năm tồn tại của nó. Nguyên nhân là vì đâu?

 Lẽ thường hợp tan

Bản thân quốc gia khổng lồ này chính là một nền văn minh cổ xưa. Để có được hình dạng như hiện tại, các triều đại Trung Hoa đã phải chống chọi với rất nhiều lời nguyền địa lý.
Tại sao lại có câu “Thiên hạ phân lâu lại hợp, hợp lâu lại phân”?
Gác lại nhà Hạ mang nhiều tính thần thoại, ta xét đến triều đại Trung Quốc đầu tiên được ghi chép rõ ràng trong chính sử là Thương. Bản đồ nhà Thương so với Trung Quốc hiện tại bé hơn rất nhiều. Từ thời Chu, chúng ta tiến nhanh đến thời Xuân Thu và thời Chiến Quốc, là những giai đoạn Trung Quốc phân rã làm nhiều quốc gia nhỏ, để rồi thống nhất thành đế quốc Đại Tần trong tay Thuỷ Hoàng đế. Tuy nhiên, thời gian hợp nhất ngắn ngủi này cũng nhanh chóng đi tới phân ly vào thời Hán Sở tranh hùng, để rồi tái thống nhất lần nữa dưới triều đại nhà Hán.

Từ đó về sau chúng ta tiếp tục thấy chuyện phân ly – hợp nhất trở thành thường tình trong lịch sử Trung Quốc. Hết Tam quốc rồi đến Tấn, hết Ngũ Hồ loạn Hoa rồi đến Nam Bắc triều, Tùy, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Nước Trung Quốc hiện tại nhờ kế thừa đất đai Thanh triều mà trở nên khổng lồ. Dù vậy, họ vẫn chưa hoàn toàn hợp nhất được mọi lãnh thổ mà nhà Thanh để lại.

Khi nhìn vào bản đồ Trung Quốc hiện tại, chúng ta nhìn thấy gì?

Một đất nước mang hình dáng gà trống và hai dòng sông khổng lồ nằm giữa trung tâm. Tên của hai con sông ấy là Hoàng Hà và Dương Tử. Chúng thậm chí còn dài hơn cả Euphrates và Tigris – những dòng sông đã tạo nên văn minh Lưỡng Hà rực rỡ. Các con sông lớn, đồng bằng rộng rãi, cộng với khí hậu lý tưởng giúp Trung Quốc sản xuất được một lượng lương thực vượt trội so với châu Âu.

Điều đó lý giải vì sao dân số Trung Quốc đông đến vậy. Nó giúp họ duy trì một lực lượng lao động lớn và một đội quân đông đảo, cũng như đủ dư thừa để nuôi dưỡng những người không phải lao động chân tay, giúp họ có thời gian để nghĩ đến chính trị, nghệ thuật, triết học và khoa học.

Hoàng Hà là con sông hung dữ bậc nhất thế giới. Những cú cựa mình của nó khiến hàng vạn người thiệt mạng, thế nhưng lợi ích nó đem về là không thể phủ nhận. Sự màu mỡ trên đồng bằng Hoàng Hà chính là thứ tạo nên văn minh Trung Hoa. Trung Quốc có câu “Hoàng Hà trong vắt, ắt có tai ương” để nói lên tầm quan trọng của phù sa Hoàng Hà.

Hoàng Hà và Dương Tử chạy song song với nhau nên không hề có chút liên quan nào. Người Trung Quốc đã tìm cách hoá giải lời nguyền địa lý này. Vạn Lý Trường Thành là công trình nổi tiếng nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, Đại Vận Hà mới là công trình vĩ đại và hữu ích nhất. Đại Vận Hà kết nối sông Hoàng Hà và Dương Tử trên quãng đường xấp xỉ chiều dài nước Việt Nam. Lương thực, hàng hoá và binh lính dễ dàng di chuyển giữa hai miền Nam – Bắc Trung Quốc, giúp họ quản lý đế chế to lớn của mình hiệu quả hơn nhiều.

 Bên kia biên giới

Nhìn ngược lên phương Bắc, đây là nhà của các dân tộc du mục, cơn đau đầu dai dẳng với Trung Quốc. Trung tâm Trung Quốc hoàn toàn trống trải và dễ tổn thương. Nếu những dân tộc phía Bắc này phi ngựa xông thẳng vào thì rất khó để cản bước tiến của họ. Vạn Lý Trường Thành được xây dựng để ngăn chặn điều đó.

Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, một vùng thảo nguyên Nội Mông lẫn sa mạc Gobi đã tạo nên miếng đệm phòng thủ rất dày. Giả sử nước Nga muốn tấn công, họ phải cân nhắc chuyện mệt mỏi vượt qua một vùng hoang vu hẻo lánh, trong khi Trung Quốc có đủ thời gian chuẩn bị chờ đối thủ đến. Có thể nói khi Trung Quốc đưa vùng đất du mục phương Bắc năm xưa vào bản đồ, lời nguyền này lại trở thành… một món quà.

Thảo nguyên Mông Cổ. (Ảnh: Frédéric Lagrange)
Sa mạc Gobi. (Ảnh: Amusing Planet)

Phía Nam Trung Quốc là Đông Nam Á. Khu vực này gồm nhiều quốc gia nhỏ và chia rẽ. Những quốc gia này khác chế độ chính trị, tôn giáo, sắc tộc, có thể mua chuộc bằng nhiều phương pháp và chia để trị là sở trường của Trung Quốc suốt hàng ngàn năm qua. Trung Quốc luôn cố gắng không để một nước nào xung quanh họ trở nên quá mạnh. 

Điển hình vào thời Việt Nam phân làm đôi do hai gia tộc Lê và Mạc đánh nhau để giành ngai vàng, Trung Quốc áp dụng chính sách “không từ họ Mạc, không chối họ Lê”. Trai cò choảng nhau, ngư ông đắc lợi. Một nước Đại Việt chia rẽ sẽ tuyệt vời hơn một nước Đại Việt hùng cường như thời Lê Thánh Tông.

Hướng Tây là một vấn đề đáng bàn vì giáp với Trung Quốc là lãnh thổ của một vương quốc cổ xưa: Tây Tạng.
Đây là thượng nguồn của nhiều con sông lớn, bao gồm cả Hoàng Hà và Dương Tử, mệnh danh là Tháp nước thế giới. Ấn Độ và Trung Quốc vốn cơm không lành, canh không ngọt. Giả sử Ấn Độ kiểm soát Tây Tạng và cả tháp nước, đó sẽ là mối hoạ thực sự với Trung Quốc. Do đó Trung Quốc tiên hạ thủ vi cường. Họ quyết định xua quân chiếm luôn Tây Tạng, mặc kệ dân bản địa phản đối gay gắt đến đâu. Người Trung Quốc xem Tây Tạng là một quân cờ không thể buông bỏ vì tầm quan trọng chiến lược ở mức độ then chốt. Rồi đây tháp nước này sẽ định đoạt tương lai của cả châu Á.
Theo Liên Hiệp Quốc, nhu cầu nước toàn thế giới sẽ vượt quá mức cung 40% vào năm 2030. Khi ấy, khan hiếm nước ngọt sẽ trở thành một trong những thách thức lớn nhất với nhân loại và nước ngọt sẽ trở thành một loại “dầu mỏ” mới. Suy cho cùng, không nguồn tài nguyên nào quý giá với con người hơn là nước và người Trung Quốc đang nắm giữ rất nhiều nước.
Cuối cùng, hướng Đông mới là điểm nóng hàng đầu và cũng là nơi dễ xảy ra Thế chiến thứ Ba nhất. Cách bờ biển Phúc Kiến hơn 160 cây số là đảo Đài Loan, một nơi chính quyền Trung Quốc cho là tỉnh ly khai và sớm muộn gì cũng sẽ được thu hồi.
Dưới góc nhìn của Mỹ, Đài Loan là một phần trong hệ thống hai chuỗi đảo để khoá chặt đường ra đại dương của đại kình địch này. Trung Quốc muốn trở thành một thế lực toàn cầu thì nhất định phải phá được các chuỗi đảo này để tung hoành ngoài vùng biển lớn. Chỉ có điều hai sợi dây xích này quá chắc chắn, như những vòng kim cô để phong ấn con mãnh thú hung dữ, không cho nó sổng ra ngoài. Người Mỹ sẽ luôn để mắt đến Đài Loan để kìm hãm đối thủ lâu nhất có thể và đây cũng là lời nguyền địa lý nghiệt ngã mà Trung Quốc hiện đại phải đối mặt.

Qua những phân tích trên, ta có thể thấy việc cai trị Trung Quốc là một nghệ thuật. Với rất nhiều trở ngại bủa vây bốn phương tám hướng, việc điều hành Trung Quốc giống như chơi một game chiến lược ở cấp độ khó vậy. Trên một bản đồ mênh mông, họ vừa phải chống lại ngoại tộc, vừa phải ngăn chặn nội chiến và khống chế những vùng đất đã chinh phục.

Mạnh mẽ bên ngoài, mong manh bên trong. Trung Quốc hiện tại bao gồm đất đai của rất nhiều nước ngày xưa và chắc chắn dân bản địa không hề hài lòng vì chuyện đó. Với hơn 1 tỷ dân, việc đảm bảo cuộc sống cho họ từ việc làm đến cái ăn cũng là cả một vấn đề. Đế chế Trung Quốc tồn tại lâu đến đâu, tất cả phụ thuộc vào những người cầm cương hóa giải những lời nguyền địa lý tốt đến mức độ nào.

Art Director Lê Minh
Artist & Designer Mythz
Researcher Hồ Đức
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share