[Truyện ngắn] Tết về trên Gia Định kinh

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
[Truyện ngắn] Tết về trên Gia Định kinh
Tết về trên Gia Định kinh

– Chúa công đã trở về!

– Chúa công về rồi!!!

Cánh cổng thành Gia Định mở ra, Nguyễn vương Ánh cưỡi ngựa tiến vào, vẫn còn nguyên nón chiến và áo chiến. Theo sau là Hậu quân phò mã Võ Tánh. Hai người vừa có một cuộc viễn chinh dài ngày, bấy giờ đã giáp Tết. Nguyễn Ánh mỉm cười:

– May vẫn còn kịp Mùng 1.

Khởi nguyên từ vùng đồng bằng châu thổ, người nước Nam vô cùng coi trọng nông nghiệp. Trái với các bộ tộc du mục xa xôi phương Bắc, cày cấy là trái tim để vương quốc này tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Để tính toán chính xác ngày tháng, họ chia thời gian trong năm ra làm 24 tiết và tiết bắt đầu mùa vụ luôn là quan trọng nhất. Lâu dần đọc trại ra thành Tết Nguyên Đán. Người nước Nam xem Tết như dịp nghỉ ngơi trước khi bước vào một năm mới lao động vất vả. 

Đứng chờ cả hai về là công nữ Ngọc Du và vương hậu Tống Thị Lan. Vương hậu nói:

– Chúa công về thật kịp lúc. Thiếp đã sai chuẩn bị những món mà chàng thích nhất.

Nguyễn Ánh nói:

– Thôi nàng không cần bày vẽ tốn kém quá làm gì. Ta ăn uống đạm bạc quen rồi.

– Không được, một năm có mấy ngày Tết đâu. Năm nay chàng phải du xuân cùng thiếp nữa.

Ngọc Du thì tiến đến bên phu quân Võ Tánh:

– Mặt mũi hốc hác quá. Qua Tết mà không mập lên được chút nào thì chúa công đừng hòng để chàng ra trận.

Mọi ngày chúa Nguyễn Ánh vẫn ngồi ăn một mình hoặc trong xưởng đóng tàu, nhưng Tết này ngài phá lệ, cho phép những người thân cùng ngồi với mình quanh mâm cơm. Vương phi nói:

– Thiếp đã sắp sẵn xe cộ để du xuân rồi. Năm nay chiến sự không căng thẳng như những năm trước nên chúng ta đi xa một chút để xem dân gian ăn Tết.

Chúa Nguyễn ôn tồn:

– Nàng chu đáo quá. Nhân dân chuẩn bị Tết năm nay thế nào rồi?

– Mọi người vẫn đang chuẩn bị cho ngày tảo mộ.

Nước Nam luôn xem trọng hiếu nghĩa và tổ tiên. Quạ đi lại về quê cũ, cáo chết quay đầu về núi. Vì vậy mỗi dịp cuối năm họ thường tảo mộ, viếng thăm nơi an nghỉ vĩnh hằng của cha ông. 

Cứ đúng ngày là con cháu không quản ngại xa xôi, từ khắp nơi tề tựu quay về, sắm sửa rồi khởi hành. Phụ nữ quây quần nấu mâm cỗ, đàn ông vác cuốc xẻng phát quang cỏ dại, vun lại những nấm mộ, chăm sóc cây xanh xung quanh mộ phần của người thân. Người trưởng họ đi cùng sẽ hỏi con cháu rằng có nhớ đang tảo mộ ai không, và kể lại kỷ niệm về người đã khuất. Dù giàu có đến đâu cũng không được thuê người tảo mộ, đó là hành vi đại bất hiếu.

Sau khi tảo mộ, mọi người cùng trở về từ đường bày lễ dâng cúng tổ tiên, xem lại phả hệ, cầu chúc cho nhau và dùng bữa cơm sum họp. Đây là một phong tục rất đẹp đẽ và thiêng liêng. Con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn. Tâm linh nước Nam còn khẳng định sự mật thiết giữa phúc phần của người đã khuất dành cho người còn sống. Nếu con cháu không có lòng hiếu kính với tổ tiên, ắt sẽ được phù hộ.

Tết về trên Gia Định kinh

Nghĩ đến đó, chúa Nguyễn chợt ứa nước mắt:

– Lưu lạc ở phương Nam này đã bao mùa trôi qua. Không biết bao giờ ta mới quay lại được Phú Xuân để thăm mồ mả cha ông

Võ Tánh mời chúa Nguyễn một chén rượu:

– Sắp rồi, thưa chúa công, chiến sự đang có lợi cho chúng ta.

– Chưa nói trước được điều gì cả.

– Thần hứa, có chết cũng sẽ đưa được mọi người về lại Phú Xuân.

Ngọc Du thêm vào:

– Thôi chàng đừng nói gở. Năm mới năm me toàn nói chuyện chết chóc. Rồi chúng ta sẽ cùng đón một cái Tết thật lớn ở kinh sư.

Nàng nói tiếp:

– Năm nay chị đã dặn Huỳnh Đức đến xông đất.

Chúa Nguyễn gật đầu hài lòng. Đối với người nước Nam, xông đất đầu năm đã thành một tục lệ ra đời. Họ quan niệm rằng nếu người viếng nhà sớm nhất hạp tuổi với gia chủ, hoặc những người thành công, hạnh phúc thì cả năm sẽ phát tài phát lộc, an khang thịnh vượng. Sau đêm giao thừa, mọi thứ đều mới mẻ, vì vậy người đến nhà đầu tiên luôn là người cực kỳ quan trọng. Giả sử năm đó làm ăn không tốt, gia chủ sẽ đổ thừa sự xúi quẩy cho người xông đất. Chính vì thế để chắc ăn hơn, họ sẽ tự lựa chọn người phù hợp để khai trương năm mới.

Người xông đất sẽ đến vào sáng mùng 1 Tết, mang theo bánh trái và tiền lì xì. Cả nhà sẽ đon đả mời vào và đón nhận những lời chúc đẹp đẽ. Người khách chỉ cần ghé qua một lát là đủ để mang năng lượng tốt đẹp tới gia đình. Tuy nhiên họ cảm thấy rất vui vẻ vì bản thân đã đem đến phước lành cho người khác. 

Ngọc Du nói:

– Chị cũng sai thị nữ dựng mấy cây nêu bên ngoài cửa cung rồi.

Theo truyện cổ nước Nam, xứ sở đã từng trải qua một thời kỳ vô cùng tăm tối khi loài quỷ bước đi trên mặt đất, còn loài người trở thành nô lệ. Sự tham tàn của giống quỷ dữ dường như vô hạn và mỗi ngày lại càng bạc ác hơn. Chúng ép buộc loài người phải ăn gốc, còn mình hưởng ngọn, đẩy họ vào tuyệt lộ. 

Người khốn khổ đành cầu xin chư Phật giúp mình tìm đường sống. Phật khuyên người trồng khoai lang và thế là mùa thu hoạch ấy, bao nhiêu củ ngon ngọt về tay người, quỷ cầm mớ dây khoai mà căm tức vô cùng. Thế là quỷ đổi lại mình sẽ lấy gốc, còn ngọn dành cho người. Và mùa sau, đồng ruộng lúa mọc xanh ngan ngát, gạo chất đầy kho loài người. Quỷ bị chơi khăm, lồng lộn lên đòi hưởng cả gốc lẫn ngọn, để rồi nhìn người mang bắp về nhà.

Bất lực, quỷ tịch thu toàn bộ ruộng đất. Loài người theo lời Phật dạy, đến xin mảnh đất vẻn vẹn bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn cây. Quỷ cả tin bèn gật đầu. Đến khi chiếc áo cà sa được Phật ban phép trải rộng phủ lên toàn bộ xứ sở, chúng phải bỏ chạy trong cơn cuồng nộ. Không chấp nhận thua cuộc, quỷ tổ chức phản công. Loài người cũng đã nhịn quá đủ, họ huy động máu chó, lá dứa, vôi bột, tỏi để ném tới tấp vào chúng. 

Thất bại cuối cùng này chấm dứt tham vọng của quỷ, chúng chỉ dám xin hàng năm được trở về thăm mộ phần tổ tiên. Tuy vậy loài người vẫn đề phòng, hàng năm họ lại dựng cây nêu, buộc lá dứa hoặc đa mỏ hái, treo thêm chiếc khánh đất. Mỗi khi gió thổi, chiếc khánh sẽ rung lên để quỷ chớ quên. Họ còn cần thận vẽ hình cung tên chĩa mũi nhọn về hướng Đông, rắc vôi bột trước cửa ra vào để quỷ biết mà đừng bén mảng đến phá quấy ngày Tết bình yên.

Tết về trên Gia Định kinh
Cây nêu ngày Tết

Chúa Nguyễn hỏi:

– Thế còn các bao lì xì cho các công tử công nữ chị cũng chuẩn bị luôn chưa? 

Ngọc Du đáp:

– Chị và em dâu đã chuẩn bị dư, trong trường hợp em muốn mừng tuổi các bé trong dân gian khi du xuân.

Ngày Tết, người lớn thường tặng trẻ em một ít tiền lì xì để lấy may mắn. Ý nghĩa của chúng không chỉ gói gọn ở giá trị vật chất đồng tiền, mà còn ở thiện ý của người tặng. Không đứa trẻ nào lại không thích thú khi được lì xì. Ngoại trừ số 4 phát âm gần với tử, tiền trong bao lì xì thường là số chẵn, bởi vì số lẻ gợi lên sự cô đơn.

Tiền được để trong phong bao kín đáo để tránh chuyện so bì hơn thua. Con trẻ vốn luôn tị nạnh với nhau. Nếu đứa này nhận nhiều hơn đứa kia, ắt xảy ra gây gổ, thậm chí đánh nhau, ảnh hưởng đến không khí ngày Tết, làm mất đi ý nghĩa của tiền lì xì. Còn đỏ luôn là sắc màu đầy hoan hỉ và nhiệt huyết, của sự mạnh mẽ và bùng cháy. của cát tường và thịnh vượng. Tuy con nít có thể không hiểu được sâu xa như vậy, nhưng các phong bì đỏ rực sẽ dỗ chúng ngoan ngoãn và cảm thấy ngày Tết thật tuyệt vời.

Tết về trên Gia Định kinh

Vương phi nói:

– Chàng đừng quên mình còn một lễ cúng ông Công ông Táo nữa.

– À, suýt nữa ta quên mất.

Táo Quân khi định hình, đã là một tạo vật gồm ba thực thể, lập nên một nhóm ba người với định mệnh được gắn kết chặt chẽ với nhau. Và Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ, chính là một bộ tam như thế. 

Nhiệm vụ chính của các Táo là chăm lo, quán xuyến từng ngôi nhà dưới trời Nam, giữ lửa cho từng căn bếp, và bảo vệ từng gia đình. Táo Quân là những người sẽ theo dõi, bảo vệ mỗi căn nhà suốt một năm dài, và ghi chép, bẩm báo lại với Ngọc Hoàng vào mỗi dịp cuối năm, khi Tết đến Xuân về.

Mồng bảy cá đi ăn thề

Mồng tám cá về vượt thác Vũ Môn

Xét về khía cạnh phong thủy thì cá chép xứng được gọi là thần thú. Cá chép là phương tiện của Táo Quân, được chọn để phóng sinh trong ngày Tết, ngày lễ Phật, xuất hiện trên bánh ngọt ngày Trung Thu, vân vân. Hình ảnh bầy cá chép dùng hết sức bơi ngược dòng nước hung dữ như thiên binh vạn mã với khát vọng hóa rồng đã in sâu vào tâm khảm người dân nước Nam. Chặng đường tàn nhẫn đó đã hóa kiếp biết bao nhiêu chú cá xấu số, nhưng đến cuối cùng vẫn có những thần long dũng mạnh vọt lên trời xanh từ Vũ Môn. 

Cá chép trở thành biểu tượng của may mắn, hy vọng và thành công. Ta cũng có thể ngầm hiểu là một ẩn dụ tâm linh tuyệt vời về một chặng đường gian nan nhưng đầy vinh quang về sau.

Chúa Nguyễn bảo với vợ:

– Ngoài sa trường những ngày cận Tết lại thêm nhớ nhà. Ta thèm bánh chưng quá nàng ạ. Cả bánh tét nữa. 

Dù theo tiến trình lịch sử, giang sơn của họ mở rộng về phương Nam, nhưng đa số phong tục truyền thống vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn. Họ đều giữ tục nấu bánh chưng, nhưng người Đàng Trong còn sáng tạo ra thêm một loại bánh mới là bánh tét. Cũng như bánh chưng, bánh tét cũng bao gồm gạo nếp, đậu xanh và thịt heo. Tuy nhiên khác nhau ở chỗ, bánh tét hình trụ dài và được gói bằng lá dong, thay vì hình vuông bọc trong lá chuối như bánh chưng.

Tết về trên Gia Định kinh

Theo truyền thuyết, trong chiến dịch Kỷ Dậu đánh quân Mãn Thanh, vua Quang Trung được người lính dâng lên một món ăn. Sau khi thưởng thức, nhà vua quyết định toàn quân sẽ nấu chúng để ăn Tết, và thế là món bánh tét ra đời. Dù vậy người ta vẫn tin rằng bánh tét là một sản phẩm được hình thành khi người nước Nam mang gươm mở cõi và giao thoa văn hóa với một dân tộc hùng mạnh khác trên bước đường của họ, vốn cũng thờ thần lúa.

Không chỉ là một nét chấm phá cho nền ẩm thực, đòn bánh tét có nhiều ý nghĩa cao đẹp hơn thế. Vỏ vàng nhân xanh gợi nhớ cảnh đồng quê yên ả thanh bình, lá chuối ôm nhiều lớp bên ngoài như tình mẫu tử. Cắt một khoanh bánh tét đưa lên miệng thưởng thức, ta cảm nhận được như tinh túy của đất trời đang hòa hợp nơi đầu lưỡi. Bánh chưng và bánh tét là biểu tượng cho nét đẹp tuyệt vời của lao động, cũng là sợi dây kết nối người nước Nam với tổ tiên xa xưa của họ. Chúa Nguyễn chia sẻ:

– Năm nay ta sẽ ban chiếu cho khắp thành Gia Định, khuyến khích mọi người nấu bánh tét thật nhiều. Trước là để thấy được sự sung túc của xứ sở này, sau là để phát chẩn cho bá tánh. Ngay cả người nghèo cũng được hưởng một mùa Tết no đủ.

Tết về trên Gia Định kinh

Hơn 10 năm sau,

Kinh thành Phú Xuân,

Đối với người nước Nam, xuân luôn là mùa đáng mong chờ. Ngoài khí trời dễ chịu, đó là mùa của hoa cỏ, mùa vụ và lễ tết. Tết nguyên đán trong dân gian là ngày quan trọng nhất, thế nên không có gì ngạc nhiên khi một nơi lễ nghi phức tạp như hoàng triều, ngày Tết lại thêm phần xa hoa và long trọng.

Nguyễn Ánh đã trải qua phần lớn thời gian trong đời tranh đoạt thiên hạ. Ngay từ thời niên thiếu, ông đã là đứa nhỏ không cha, cuộc sống khó khăn. Rồi lại gặp cảnh loạn ly, mỗi ngày thức dậy nếu không phải đương đầu với gươm giáo, thì cũng phê duyệt tấu sớ, lăn lộn trong xưởng tàu. Từng người trong gia tộc ngã xuống theo năm tháng, đến khi đặt chân về lại đô cũ, quay đầu nhìn lại mới giật mình rằng bao nhiêu mùa xuân đã qua đi. 

– Tiếc là Võ Tánh không còn nữa.

Nguyễn vương ngậm ngùi. Hoàng hậu níu lấy cánh tay ngài an ủi:

– Sau tất cả thì Hậu quân phò mã cũng giữ được lời hứa. Nếu chàng biết rằng sinh mạng của mình giúp binh đao chấm dứt, hẳn sẽ mỉm cười nơi chín suối.

– Nàng để tâm an ủi chị ta nhé.

– Thiếp nhớ rồi.

Nguyễn Ánh cố nén nỗi buồn vào lòng và bước ra ngoài khoảnh sân đầy nắng. Ngày mồng một Tết, bá quan văn võ mặc lễ phục tề tựu tại triều chúc mừng nhà vua và hoàng tộc. Ngày mồng hai, nhà vua đến bái lạy nơi thờ phụng tổ tiên. Nhà vua cũng theo truyền thống du xuân, thưởng thức phong cảnh và xem thần dân ăn Tết. Đặc biệt, tế Nam Giao, tế Xã Tắc và  cày ruộng Tịch Điền là những lễ bắt buộc. Đây là những trọng trách mà thiên tử phải làm để cầu cho quốc thái dân an, xã tắc bền vững. 

Lễ tế Giao là ngày lễ quan trọng nhất với các vị đế vương nước Nam. Thiên tử là con Trời, là người thay Trời cai trị thiên hạ, và người làm con phải có bổn phận bày tỏ sự hiếu thuận.

Tết về trên Gia Định kinh
Tết về trên Gia Định kinh

Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao

Lễ tế Nam Giao không thuộc tôn giáo nào cả, nó là việc riêng của triều đình. Hoàng đế sẽ là Đại giáo chủ, đứng ra khẩn cầu Trời Đất xá cho những tội lỗi trót dại mắc phải và ban phước lành chở che, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Vì vậy đại lễ Nam Giao vô cùng phức tạp, đồ sộ, hoành tráng và không kém phần long trọng.

Đàn Nam Giao gồm ba tầng tương ứng với Thiên Thanh – Địa Hoàng – Xích Tử. Những người dự lễ sẽ đắm chìm trong khung cảnh mát rượi của một đêm mùa xuân, khi hơi sương còn bảng lảng khắp không gian, với giáo gươm và cờ xí rợp trời. Mọi người đều đón chờ sự xuất hiện của Hoàng đế – người mà họ đặt hy vọng thay mình gửi gắm ý nguyện cho Trời cao, để hướng đến một năm thái bình thịnh trị phía trước.

Sau bao nhiêu năm binh lửa, thời kỳ rạch đôi sơn hà giữa các phe phái đã hoàn toàn chấm dứt, nước Việt Nam cuối cùng cũng liền một dải từ Bắc tới Nam. Gia Long đón mùa xuân đầu tiên với một niềm hy vọng dạt dào. Ông mong sẽ tái thiết lại đất nước đầy vụn vỡ và mong manh này, như các câu thơ về sau sẽ được khắc trang trọng trên điện Thái Hòa.

“Thái bình trong ngày mới 

Mở rộng quy mô xưa

Văn vật cùng tụ hội

Gió xuân tràn kinh đô”

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Chia sẻ câu chuyện này
Tết về trên Gia Định kinh
Share