Hoa Kỳ: Hành trình của siêu cường

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Hoa Kỳ: Hành trình của siêu cường

Hiện tại Mỹ là quốc gia mạnh nhất thế giới. Ngoài yếu tố con người, tạo hoá đã ban tặng cho địa lý nước này những ưu điểm vượt trội.

Thiên Chúa đặc biệt ưu ái những tên ngốc, kẻ say rượu và Hoa Kỳ.

Otto von Bismarck

Giả sử nước Mỹ hiện nay chỉ bao gồm 13 bang ở phía Đông, nó sẽ là một quốc gia tương đối mạnh, có lẽ khá giống Bồ Đào Nha. Thế nhưng từ 13 bang nhỏ bé này, nước Mỹ đã sử dụng thuyết Vận mệnh hiển nhiên, rằng: thiên mệnh của nước Mỹ là phải mở rộng về phương Tây.

Cho nên trong vòng 1 thế kỷ tiếp theo, họ tiến về miền viễn Tây xa xôi. Chắn ngang giống như dãy Trường Sơn của Việt Nam, dãy Appalachia là trở ngại địa lý đầu tiên. Khi vượt qua rồi, cả chân trời mới mở rộng trước mắt người Mỹ. Các tay cao bồi dấn thân vào cuộc phiêu lưu đậm mùi thuốc súng ở những xứ sở hoang sơ và không luật pháp. 

Hành trình “Tây du ký” của nước Mỹ để nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương diễn ra tương đối thuận lợi. Ngoài các mảnh ghép gồm Cộng hòa Texas, Nhượng địa Mexico, Lãnh thổ Oregon, vân vân, thì miếng đẹp nhất vẫn là Louisiana mua từ Pháp.

Ban đầu Mỹ chỉ định mua mỗi thành phố New Orleans thôi, nhưng Pháp muốn bán đứt Louisiana. Nguyên nhân là do Napoleon nhắm không quản nổi và ông ta cũng đang rất cần tiền để tiếp tục cuộc chiến tranh dài hơi của mình. Thế là Pháp chơi bài bán đổ đống để buộc người Mỹ bỏ hết hàng vào giỏ rồi bấm thanh toán luôn:

Nếu bạn chỉ muốn mua New Orleans, hãy chuẩn bị 10 triệu USD; còn nếu lấy cả Louisiana, chỉ cần chuẩn bị thêm 5 triệu USD nữa. Nghĩa là tổng cộng 15 triệu USD cho toàn bộ dải đất mênh mông ấy.

Dân Mỹ bất mãn với quyết định này của nhà nước, nhưng chính miếng đất khổng lồ này về sau đã tạo nên siêu cường Mỹ. Napoleon nhận định:

Cuộc trao đổi lãnh thổ này sẽ vĩnh viễn khẳng định sức mạnh của nước Mỹ. Trẫm đã tạo cho Anh Quốc một đối thủ xứng tầm trên biển để họ không còn có thể vênh váo được nữa.

Ít lâu sau, ông bị Anh Quốc cho đi đày và Mỹ cũng chưa trả đủ tiền mua đất. Vậy phi vụ Louisiana khủng khiếp thế nào? Người viết sẽ đưa ra một so sánh nho nhỏ:

Giá trị tài sản của cầu thủ Messi đầu thập niên 2020 ước tính khoảng 400 triệu USD. Giả sử xuyên không về quá khứ, chắc chắn anh dư sức mua được vùng đất lớn hơn Mỹ khi đó. Nếu người Pháp không phải đang cần tiền quá gấp có lẽ chẳng bao giờ họ phân lô bán nền Louisiana với giá rẻ mạt như vậy. 

Chỉ với 15 triệu đô, quy đổi ra khoảng hơn 300 triệu USD hiện tại, Mỹ đã nắm trọn một vùng đất có giá trị tương đương 1200 tỷ USD. Vùng Louisiana này đem về cho Mỹ một món quà đặc biệt: Khi toàn bộ dòng Mississippi thuộc về Mỹ, họ nắm trong tay tuyến đường thuỷ nội địa lớn nhất hành tinh. 

Đường thuỷ của Mississippi là chìa khoá cho vị thế siêu cường của nước Mỹ. Chẳng nơi đâu trên Trái Đất này có tổng đường thuỷ dài như Mississippi và dòng nước yên ả của nó đổ thẳng ra ngoài biển. Đường thuỷ là con đường vận chuyển hàng hoá rẻ nhất. Không có Mississippi đồng nghĩa với việc nước Mỹ sẽ rất khó để phát triển thương mại. Chỉ với 15 triệu đô mua đất của Pháp, Mỹ đổi lấy vị trí bá chủ trong tương lai – một cái giá quá rẻ.

 

Nếu không tính các đế quốc như Trung Quốc hay Nga, Mỹ có lẽ là nước mở rộng lãnh thổ thành công nhất khi vẫn giữ chắc phần lớn đất đai đã chiếm được. Nước Mỹ thời sơ sinh chỉ to gấp đôi Việt Nam. Theo như bản đồ thì còn chưa vượt qua dãy Appalachia, Rặng Thạch Sơn (Rocky Mountains), Ngũ Đại Hồ (Great Lakes), Đại Bình Nguyên (Great Plains)… Hiện tại từ 13 bang, Mỹ đã tăng lên tới 50 bang, gồm cả những bang rất to như Alaska, Texas, California… Đó là chưa kể đến các lãnh thổ hải ngoại rải rác khắp thế giới. Thật ra nếu thuộc địa Philippines không đòi độc lập thì biên giới Mỹ đã vươn tới tận Đông Nam Á, chỉ cách Việt Nam một vùng biển ngắn.

Dù vậy, người Mỹ phải đối phó với một lời nguyền địa lý khác là hệ quả từ quá trình mở rộng bờ cõi: diện tích cực kỳ khủng khiếp của Hoa Kỳ. Vậy làm thế nào để kết nối bờ Đông và bờ Tây?

Vào ngày 10 tháng 5, năm 1869, những vị chủ tịch của các tuyến đường sắt Union Pacific và Central Pacific đã có một buổi gặp mặt. Một buổi gặp mặt cực kỳ quan trọng, liên quan tới toàn thể vận mệnh nước Mỹ. Đó là buổi lễ kết nối tuyến đường sắt liên lục địa. Đã có rất nhiều khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi. Dù vậy, cái giá phải trả cũng xứng đáng với công sức bỏ ra.

Trước đây đi qua đi lại giữa miền Đông và miền Tây rất lâu. Ngồi xe ngựa thì vài tháng, lên thuyền bè thì vài tuần, còn giờ chỉ cần vài ngày là đến nơi. Hiệu quả thần kỳ của đường sắt liên Mỹ ngay lập tức được chứng minh. Bởi vì hàng hóa và hành khách đã di chuyển nhanh gấp mấy lần, cho nên dọc theo các tuyến đường sắt, hàng loạt đô thị sầm uất mọc lên, góp phần trực tiếp vào sự giàu có của nước Mỹ.

Mỹ hoàn thành tuyến đường sắt xuyên lục địa( Ảnh: Transcontinental railroad completed)
Mỹ hoàn thành tuyến đường sắt xuyên lục địa (Ảnh: Politico.com)

Đó là trên nội địa nước Mỹ, chúng ta thử nhìn bức tranh toàn cảnh rộng hơn xem sao. Bạn hãy tưởng tượng thế giới này giống như một bàn cờ lớn và việc quan trọng nhất là nắm giữ những vị trí then chốt để đánh những nước chiếu tướng. Theo học thuyết Mahan, sự vĩ đại của quốc gia phải gắn bó mật thiết với biển. Nước Mỹ đã áp dụng triệt để bài học này khi họ chiếm lấy những điểm chiến lược trên mặt biển toàn cầu.

Là một quốc gia non trẻ nhưng đầy tham vọng, Mỹ đánh bại đế chế Tây Ban Nha để chiếm các thuộc địa và ép đế chế Anh phải nhường lại những nơi đóng quân then chốt. Nhìn lên bản đồ Mỹ, ta thấy nhiều chấm nhỏ li ti. Đó là các hòn đảo nhỏ đầy toan tính mà siêu cường này đã thâu tóm, giống như điểm họa lên bức tranh bản đồ.

Ví dụ: Mỹ có một lãnh thổ vô cùng lợi hại là đảo Guam. Đảo này nằm trơ trọi giữa Thái Bình Dương, rất xa chính quốc nhưng máy bay từ đó xuất kích trong vòng 4 tiếng là đủ sức bắn phá Triều Tiên, Trung Quốc, hoặc cứu viện Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Guam hoạt động như tàu sân bay vĩnh cửu và bến đỗ của tàu ngầm hạt nhân Đây thật sự là nước đi thần thánh có thể thay đổi toàn bộ cục diện bàn cờ. 

Lục địa Bắc Mỹ cách rất xa các cường quốc Á Âu, đảm bảo sự sống còn cho Hoa Kỳ. Nếu kẻ nào nảy ra ý tưởng muốn xâm lược Mỹ, họ phải tính đến đường hậu cần, tiếp vận xa khủng khiếp, trong khi phải đối phó với lực lượng hải quân và không quân mạnh nhất lịch sử. Vì địa thế quá an toàn và hàng xóm xung quanh cũng yếu, nên Mỹ bớt đi áp lực phòng thủ để đầu tư vào những mặt khác như giáo dục, khoa học kỹ thuật, vân vân.

Sau tất cả, thuyết vận mệnh hiển nhiên đã phát huy tác dụng. Nước Mỹ hoàn thành trò chơi ghép hình với 50 tiểu bang thống nhất và công cuộc nối liền từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương để trở thành một siêu cường.

Địa lý quy định rằng, nếu một thực thể chính trị có thể hình thành và sau đó kiểm soát dải đất "sáng tươi từ đại dương bên này sang đại dương bên kia" thì nó sẽ là một thế lực vĩ đại, vĩ đại nhất mà lịch sử từng biết đến.

Trích “Những tù nhân của địa lý” - Tim Marshall.
Share