Phục trang giai nhân Lê Trung hưng – Kỳ 1: Trực Lĩnh như là quốc phục

Tác giả Huyết Vy
Phục trang giai nhân Lê Trung hưng – Kỳ 1: Trực Lĩnh như là quốc phục

Những ngẫu tượng, tranh cổ cùng các ghi chép và nghiên cứu hiện tồn, cho phép ta phác họa ra đôi nét phục trang mà nữ nhân Lê Trung Hưng (1533 – 1789) từng quấn lên thân ngà. Trong đó có sự xuất hiện của tấm áo trực lĩnh, dạng thức được xem là quốc phục của thời kỳ này. 

“Tống thị tuy là phận gái nhưng có chí lớn, nhan sắc hoa thẹn, nguyệt mờ, dáng điệu nhạn rơi, cá lặn, tính tình lẳng lơ, mây sớm gió chiều, thân Hồ nhớ Việt, nói năng khéo léo khoái hoạt, cợt gió đùa trăng, phong thái chẳng kém gì Ly Cơ, Tiểu Muội….”

(Nam triều công nghiệp diễn chí – Nguyễn Khoa Chiêm)

Chỉ vài lời đặc tả của một nho sĩ dưới thời Trịnh – Nguyễn phân tranh đã đủ gợi cho ta nỗi tò mò và ấn tượng sâu sắc về nhan sắc Tống Thị, nữ nhân góp phần chia rẽ hai dòng họ cầm quyền ở hai đầu Bắc Nam cuối thế kỷ 17.

Phục trang giai nhân Lê Trung Hưng

Một kế kỷ sau, lại nổi lên giữa chính trường một hồng nhan họa thủy khác, làm điêu đứng cơ đồ họ Trịnh để cho kiêu binh náo loạn, Tây Sơn có cớ Bắc tiến. Đó là Tuyên phi Đặng Thị Huệ. 

“Một lần nọ, tiệp dư Trần Thị Vịnh sai nữ tỳ Đặng Thị Huệ bưng một khay hoa đến trước nơi chúa ngồi. Ả họ Đặng này, quê ở làng Phù Đổng, mắt phượng mày ngài, vẻ người mười phần xinh đẹp. Chúa nom thấy rất bằng lòng, bèn tư thông với ả” 

(Hoàng Lê nhất thống chí – Ngô Gia văn phái)

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng

Vẻ bí hiểm và sắc đẹp ẩn trong những cái tên một thời nghiêng thành đổ nước dường như vẫn còn nguyên sức hút sau trăm năm. Kẻ nghe danh ít nhiều mong một lần lưu lạc về một thời quá vãng xa xăm, theo gót sen giẫm lên điện ngọc lầu son của nàng, vạch tìm một dung hoa khiến nhà chúa trầm mê đến lơ là non nước.

Những ngẫu tượng, tranh cổ cùng các ghi chép và nghiên cứu hiện tồn, cho phép ta phác họa ra đôi nét phục trang mà nữ nhân Lê Trung Hưng (1533 – 1789) từng quấn lên thân ngà. Trong đó có sự xuất hiện của tấm áo trực lĩnh, dạng thức được xem là quốc phục của thời kỳ này. 

Kỳ 1: Trực Lĩnh như là quốc phục

Dạo một vòng qua những ghi chép, tranh cổ, ngẫu tượng,.. cũng như những nghiên cứu và phỏng dựng tâm huyết của các đơn vị làm cổ phục, dễ thấy “item” quen thuộc trên phục trang giai nhân Lê Trung hưng là tấm áo Trực Lĩnh.

Ăn mặc như là tập tục. Trang phục các nước lân bang, trong đó có An Nam trong Hoàng Thanh Chức Cống Đồ.
Ăn mặc như là tập tục. Trang phục các nước lân bang, trong đó có An Nam trong Hoàng Thanh Chức Cống Đồ.

Các triều đại phong kiến luôn coi trọng và xem chuyện ăn mặc như là tập tục, bản sắc quốc gia. Nhà Lê lập quốc, từ thời Lê sơ, trải qua hưng phế, đến Lê Trung hưng, xem việc mặc trực lĩnh như là quốc tục. Điều này thể hiện rất rõ trong một đoạn ghi chép của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, trong bối cảnh triều đình chúa Trịnh quy định y phục cho vùng Thuận Hóa mới chiếm được từ chúa Nguyễn năm 1774:

” ….Y phục bản quốc (Y phục triều Lê – Trịnh) có chế độ riêng, địa phương này trước đây cũng tuân theo quốc tục. Nay cung vâng Thượng đức, dẹp yên biên phương, trong ngoài thống nhất, chính trị và phong tục cũng nên như một. Các loại quần áo kiểu Khách (kiểu Trung Quốc) còn thấy phải đôi theo quy chế quốc tục (…) 

Đàn ông, đàn bà mặc áo Trực Lĩnh ngắn tay, ống tay áo rộng hẹp cho được tùy tiện. Áo thì từ hai bên nách trở xuống đều nên may khép lại (không xẻ tà), không được để mở, không được chiết eo (….)”

Diện mạo trang phục Lê Trung hưng thể hiện qua tranh thờ vua Lý Nam Đế
Diện mạo trang phục Lê Trung hưng thể hiện qua tranh thờ vua Lý Nam Đế

Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí cũng cho biết, trước cuộc cải cách trang phục Đàng Trong năm 1722, người Việt tại Gia Định “vẫn tuân theo tập tục cũ của Giao Chỉ, người dân xõa tóc đi chân đất, nam nữ đều dùng áo trực lĩnh ngắn tay, áo may khép lại hai bên nách, không có quần,(…) đàn bà có lọai váy quây không gấp nếp, đội nón lớn.

Trực Lĩnh (直領), dịch nghĩa Hán tự có nghĩa là cổ thẳng. Khái niệm trực lĩnh đến nay vẫn chưa thống nhất giữa các ghi chép. Trần Quang Đức trong Ngàn năm áo mũ trích dịch từ điển Thích Danh thời Đông Hán rằng, “Trực lĩnh, cổ áo chếch thẳng xuống, giao nhau ở dưới.” (Nguyên văn: 直領, 領邪直而交下). 

Hiểu đơn giản, Trực Lĩnh là loại có nẹp cổ áo trải ra được một đường thẳng. Qua ghi chép của Lê Quý Đôn và Trịnh Hoài Đức, có thể thấy trực lĩnh trong thời kỳ này không chiết eo, cũng không xẻ vạt quá cao như các loại áo dài kiểu Khách. Hiện vật được tìm thấy trong mộ cổ cho thấy Trực Lĩnh thời Lê Trung hưng thường có thân áo rộng, có thể mặc đắp chéo hai vạt cổ (Giao Lĩnh hay Tràng Bạt) hoặc bung ra (Bù Long hay Đối Khâm) để lộ nhiều lớp áo trong với chất liệu và sắc màu khác nhau.

Trang phục quan lại, mệnh phụ An Nam trong Hoàng Thanh Chức Cống Đồ
Trang phục quan lại, mệnh phụ An Nam trong Hoàng Thanh Chức Cống Đồ

Với Giao Lĩnh, tiền kỳ Lê Trung hưng kế thừa dạng thức thời Hán – Đường – Tống, với cổ rộng và trũng, khi mặc tạo ra đường võng cổ sâu hơn. Từ Lê Trung hưng về sau, dường như có ảnh hưởng từ nhà Minh, Giao Lĩnh Việt có cổ chéo cao hơn, kín hơn, đường cổ thẳng hơn và có đính Hộ Lĩnh (tức phần viền nẹp ở cổ), phần cổ vạt trong chếch xuống với độ dốc tương đương cổ vạt ngoài. Từ tranh cổ, cũng mơ hồ nhận thấy, phụ nữ quý tộc chéo vạt “kín cổ cao tường”, trong khi thường dân bá tánh để cổ thoáng hơn.

Bù Long, hay thường gọi là Đối Khâm/ Trực Lĩnh Tứ Thân, cũng là dạng áo thường gặp từ thời Lê. Dạng thức áo có cổ trải ra được một đường thẳng, tổng thể được nối từ 4 thân vạt. Giai nhân cũng có thể mặc Bù Long bằng cách vắt chéo trước ngực như thể lối mặc Giao Lĩnh:

“Bù Long – Áo Vận Kín Nương

Kẻ xưa thì gọi là Tịnh Khẩu Y

[…] Côn Đang là Xống đàn bà

Quấn ngang bảy bức giao qua phủ tràn”

( Trích Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa; Y Quan Đệ Cửu)

Tranh Nữ Sĩ Đồ, khoảng TK18

Hình ảnh của những tấm áo Trực Lĩnh trên thân nữ nhân Lê Trung hưng cũng đã manh nha lướt qua ghi chép của người phương Tây (dù họ chỉ có thể tả mà chưa biết gọi tên).

Jean Baptiste Tavernier mô tả cách ăn mặc của người Việt năm 1681 “trang trọng và đơn giản. Đó là một tấm áo dài đến gót chân, gần giống với áo dài Nhật Bản, đàn ông và đàn bà ăn mặc giống nhau không phân biệt. Áo dài họ mặc được thắt ở khoảng giữa thân bằng một cái thắt lưng lụa, đeo đồ vàng, bạc đánh rất đẹp.”

Jerome Richard cho rằng phục trang nữ nhân Đàng Ngoài năm 1778 khá là nhã nhặn: 

“Họ mặc một chiếc váy dài và một hoặc nhiều áo cùng kiểu như của nam giới nhưng chúng ngắn hơn. Họ buộc quanh ngực một chiếc yếm là một mảnh vải hoặc một mảnh lụa có hình trái tim, dùng để làm đẹp cho họ… Những người giàu hoặc có phẩm tước mặc đồ lót cực rộng và dài, áo ngủ có tay hẹp và ngắn cùng kiểu với áo dài bên trong và bên ngoài của họ… Quần áo của dân Đàng Ngoài đa dạng về màu sắc. Thông thường nhất là màu trắng. Có nghĩa là màu sắc tự nhiên của lụa hoặc của vải. Màu đen phù hợp với những người được trọng vọng nhất.”

Tuy khác biệt phong tục tập quán, nhưng có thể thấy người Tây phương đánh giá khá cao cách phục sức, đặc biệt là của nữ lưu quý tộc Lê Trung hưng. Những miêu tả của họ cũng gợi ra phần nào đủ loại cách phối đồ trong thời kỳ này. Chỉ với những mẫu “item” cố hữu, tùy vào mục đích và thân phận, giai nhân Lê Trung Hưng có thể phối ra đủ kiểu phục trang dựa theo cách để vạt, thứ tự trước sau của áo, của quây/thường, hoặc kiểu trang phục được mặc phía trong trực lĩnh,… 

Có thể mường tượng ra những bóng hồng với đủ kiểu phục trang nhung gấm lụa là, yến oanh dạo bước trong hoa viên phủ chúa. Đằng sau những bộ trực lĩnh, yếm thắm, quây thường được dệt may tỉ mỉ, là hằng hà những toan tính tranh sủng và âm mưu chính trị. 

Nhưng từng bước gợi mở, tìm về những năm tháng phong hoa xưa cũ, ở Kỳ 2 mời bạn đọc cùng tìm hiểu Những cách phối đồ của nữ nhân Lê Trung Hưng. 

Trang phục nữ lưu Đàng Trong thế kỷ 17
Trang phục nữ lưu Đàng Trong thế kỷ 17

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Chia sẻ câu chuyện này
Share