Tết Trung Thu rước đèn đi chơi

Tác giả Huyết Vy
Tết Trung Thu rước đèn đi chơi

Hình ảnh Trung Thu xưa, qua ghi chép tiền nhân, qua đôi đoạn ký ức tự mình trải nghiệm, đọng trong tôi là một dòng chảy lấp lánh ánh sáng. Trăng thu vằng vặc, chảy tràn nhân gian, đổ xuống sông ngòi một dòng lấp lánh ánh bạc. Sông trăng len lỏi khắp kênh mương, trải dài trên cỏ lúa, nối dài mạch nguồn ánh sáng trong muôn sắc đèn lồng của bọn trẻ rước đèn.

Ánh trăng tan trong ánh đèn lồng phủ lên không gian vẻ huyền ảo như cổ tích. Giữa tháng năm mông muội, những khuôn mặt trẻ thơ cùng chia sớt đêm trăng huyền diệu, vọng lại đôi đoạn hình ảnh và thanh âm chập chờn như thước phim cũ. Ánh sáng đèn lồng in lên đường làng sỏi cát bóng dáng đoàn rước tí hon. Chất giọng non nớt hòa vang bài đồng dao, tiến bước tiến đến mâm cỗ đầy bánh Trung Thu ngon lành và đồ chơi xinh đẹp.

Với lũ trẻ quê, đêm Trung Thu là đêm trẩy hội. Giày hoa áo lụa là hành trang đi hội của nàng Tấm, còn lũ trẻ, niềm hư vinh tự hào chính là chiếc đèn lồng xúng xính trên tay. Đó là thời đại của đồ thủ công trước khi cơn lốc hàng hóa công nghiệp quét qua mọi ngách nhân sinh, người ta tự tay chầm chậm làm mọi thứ đồ chơi, con quay, diều giấy, nỏ bắn chim, đến cả đèn lồng Trung Thu.

Loại lồng nan tre nứa cổ truyền, trong thắp sáp nến, ngoài phất giấy màu với muôn hình vạn trạng. Những con vật cổ tích, những biểu tượng phúc lành, gửi gắm lời chúc của người tạo tác trong dáng hình. Khi ngọn nến sáp được thắp lên, ông sao, đào, lựu, cá, cua, thỏ, cóc,… cùng tỏa sáng, xoay vòng. Những thần thoại cùng ước nguyện nào theo ánh đèn bập bùng, xoay vòng, loang vào làm một với đoàn rước trẻ thơ?

Giữa muôn vàn dáng hình, đèn ông sao là dễ gặp nhất. Có lẽ vì nó dễ làm, một đứa trẻ với khả năng quan sát tốt và đôi tay khéo léo cũng đã có thể tự tay làm cho mình một chiếc. Hoa hậu trong các loại đèn phải để đến đèn cá chép. Vây uốn lượn, đuôi cong vút, giấy bóng kính phủ thân phản chiếu ánh đèn, con cá ưỡn cong mình như thể đã sẵn sàng theo đoàn rước vượt Vũ Môn hóa rồng. 

Chuyện xưa ông bà kể, có con cá chép thành tinh, đến đêm Trung Thu hóa ra cô gái đẹp đi mê hại người đời. Bao Công đại nhân mới truyền lệnh cho dân gian làm đèn chép treo khắp mọi nẻo. Cá yêu ngỡ là đồng loại nên không hóa hình hại người nữa. Giờ đây, có chăng cá yêu đã bị ánh sáng khoa học rọi tan chân thân, chỉ còn những chiếc lồng đèn cá chép vẫn tỏa sáng suốt hàng thế kỷ thời gian. Ngập tràn lời chúc may mắn, công thành danh toại, hàng đàn lồng đèn cá chép được treo thành vòng, được chấp bằng cây tre, dưới đêm trăng khoe muôn hồng nghìn tía. 

Cũng mang theo thời chúc tinh tiến, đèn lồng con cua gia nhập đoàn rước. Người xưa gọi mai cua cứng cáp là Giáp. Trùng với việc thi cử khoa bảng ngày xưa, gọi người đứng đầu là Giáp Bảng. Dân ta coi trọng việc học, cha mẹ khó khăn cũng gắng lòng cho con học chữ. Đèn lồng con cua được tỉ mẩn tạo tác, mang trong mình ánh sáng ước vọng, rằng những đứa trẻ sẽ học hành giỏi giang, giáp bảng vinh quy.

Cũng từng có một biểu tượng phước lành xuất hiện trong đám rước Trung Thu  – cóc ngậm trăng, còn gọi là Thiềm Thừ Vọng Nguyệt hay Thiềm Thừ Hý Nguyệt. Theo truyền thuyết, Thiềm Thừ là một con cóc ba chân, sống trên cung trăng và có thể nhả ra tiền vàng. Một biểu tượng thường gặp trong văn hóa Á Đông là Thiềm Thừ ngậm tiền, thu hút tài lộc trong quan niệm phong thủy. Riêng nước ra, không rõ những biến chuyển trong đời sống tinh thần đã sinh ra hình ảnh thiềm thừ ngậm trăng, thiềm thừ chơi trăng. 

Theo cuốn Hà Nội thanh lịch của cụ Hoàng Đạo Thúy, người Việt xưa gọi ngắm trăng là ngoạm thiềm. Thiềm thừ là một loại ếch, cứ trăng lên, thì nổi lên mặt nước, đớp bóng trăng, các cụ cũng ngắm bóng trăng mặt nước của con thiềm thừ. Có lẽ dựa vào hình ảnh ấy các nghệ nhân xưa đã tạo tác nên hình tượng Thiềm Thừ vọng nguyệt, Thiềm Thừ hý nguyệt độc đáo kia. 

Chiếc đèn lồng cóc trông trăng – thiềm thừ vọng nguyệt thường được tạo hình thiềm thừ lấy hai chân trước chơi đùa với trăng. Mặt nguyệt là một vòng tròn dán giấy viết chữ nguyệt và được treo lủng lẳng bằng một cần câu trước đôi mắt chú cóc. Chiếc chân thứ ba của cóc được cách điệu uốn cong ở cuối đèn, nên đôi lúc bị nhầm là chiếc đuôi tôm nếu không rõ tận tường biểu tượng.

Một tạo tác kinh điển về độ tinh xảo và cầu kỳ trong thế giới đèn lồng, phải kể đến đèn kéo quân. Một kiểu đèn có nan uốn hình tròn bằng gỗ, có cán dài. Nan uốn quay vòng chung quanh bởi khí nóng bốc lên khi nến cháy. Chung quanh nan dán hoa văn giấy như một quân đội luân liên tiến bước với tướng sĩ, ngựa, voi, v.v… Chiếc đèn sẽ quay mãi quay đến khi sáp nến hoặc dầu bấc đốt cạn năng lượng mới thôi. 

Kinh điển trong kinh điển, vẫn là những chiếc đèn lồng hình tròn. Sau này, đèn lồng tròn được cách điệu, cải tiến thành các loại hình quả đào, quả lựu, mang ý nghĩa con cháu đầy nhà, khỏe mạnh trường thọ. Những chiếc đèn lồng tròn cũng là một biểu tượng của trăng, lấp lóa tỏa sáng, rong ruổi cùng bọn trẻ khắp nẻo nhân gian.

Ngoài muôn kiểu lồng đèn, đồ chơi Trung Thu cũng không thể thiếu sự hiện diện của con tiến sĩ giấy. Người ta thường bày lên bàn học của trẻ con hoặc trên mâm cỗ Trung Thu các hình trạng nguyên giấy, tiến sĩ giấy,… của những khoa thi ngày xưa để con trẻ lấy vía may mắn cho con đường học hành.

Á Đông xưa đã có bước đi trước phương Tây khi từ rất sớm trong hệ thống tuyển chọn người tài thông qua hệ thống thi cử, không thiên vị thân thích. Không ít những vị quan xưa vừa có tài vừa có đức, có công ổn định an sinh, bảo vệ bờ cõi cho nhân dân. Sau khi mất họ được người dân kính trọng và thờ phụng thành Thần Hoàng trong làng. Tiến sĩ giấy khi ấy không chỉ là đồ chơi thuần túy, mà còn là hình tượng tưởng nhớ tới những vị tiến sĩ xưa. Ông được đặt ở mâm cỗ cúng Trung Thu, sau đó có thể đặt ở góc bàn học của các bé để nhắc về tấm gương Tài Đức của tiền nhân mà noi theo.

…Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai,

Cũng gọi ông nghè có kém ai…

Còn rất nhiều loại đồ chơi cổ truyền khác, không kém cạnh trong sự độc đáo dáng hình, hiện lên rực rỡ trong đôi mắt tò mò của người phương Tây khi đến Việt Nam như “con gà máy lễ”, “con ngựa giấy”. Mà đến nay, có nhiều món đã thất lạc tung tích trong thời đại mới.

Đi khắp vạn dặm thế gian, xuyên qua ngàn năm thời đại, ánh trăng trên đầu vẫn thế. Ký ức Trung Thu xưa hoài niệm của Phan Kế Bính là:

Ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu các sắc, sặc sỡ xanh đỏ trắng vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ trổ các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm, con cá coi cũng đẹp.

Đồ chơi trẻ con trong tết này, toàn là các thứ bồi bằng giấy, như là: voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm, cá, bươm bướm, bọ ngựa cho chí cành hoa, giàn mướp, đèn cù, đình chùa, ông nghè đất, con thiềm thừ …

Trẻ con tối hôm ấy dắt díu nhau từng lũ, đám thì nhảy vô, đám thì kéo co, đám thì bắt cái hồ khoan, đám thì rước đèn, rước sư tử, trống thanh la đánh vang cả đường, tiếng reo đùa ầm ĩ. Lại nơi nọ hát trống quân, nơi kia hát trống quít, tổng chi gọi là cách trung thu thưởng nguyệt.”

Mặt trăng là vệ tinh của địa cầu, còn đèn lồng là vệ tinh đồng hành cùng bọn trẻ đêm Trung Thu. Dòng sông ánh sáng của ánh trăng và ánh đèn lồng đã từng soi rọi tất thảy những mong đợi và hạnh phúc tuổi thơ ấy, đến nay vẫn còn chảy xuyên qua năm tháng và tâm khảm, thắp sáng những tình cảm đẹp đẽ trong lòng.

Chia sẻ câu chuyện này

Thiết kế và Minh hoạ Ens

Share