Dưới thời vua Minh Mạng, chính sách khai hoang lại khá rộng rãi, với lời sắc năm 1830 rằng: phàm ruộng đất hoang vu, núi, rừng, gò, đống, bờ sông, bờ suối, bờ ruộng, bờ đường, tóm lại phàn những nơi hoang phế, ai xin trưng cũng được. Ở những nơi đất rộng người thưa, triều đình cho lập nên các dinh điền và đồn điền, bổ nhiệm quan lại để trông nom săn sóc.
Tại miền Bắc, viên quan dinh điền xuất sắc nhất là Nguyễn Công Trứ, đã khai khẩn được hơn 18 nghìn mẫu ruộng tại bãi bồi Tiền Châu, lập ra hàng trăm xã thôn và cho định cư hàng ngàn hộ dân ở đó mà ngày nay đã trở thành huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Không chỉ có vậy, ông còn lập thêm 10 xã ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định cùng 30 xã tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, tạo ra một vùng đồng bằng màu mỡ, trù phú, giải quyết được vấn đề an ninh lương thực tại khu vực các tỉnh ven sông Hồng.
Đến triều vua Tự Đức, việc khuyến khích người dân lập làng giữ đất càng được đẩy mạnh. Vào năm 1864, một quy định được ban hành trong đó nêu rõ những ai tuyển mộ được 20 đến 30 người và khai hoang được 40 đến 50 mẫu ruộng sẽ được miễn thuế thân cùng lao dịch cả đời. Càng có nhiều người, càng có nhiều đất thì danh vọng càng cao: Người nào tuyển được 50 người, khai hoang được 100 mẫu ruộng thì được phong hàm tòng cửu phẩm; nếu gấp đôi số lượng này thì được phong hàm chánh cửu phẩm. Tuy nhiên, nếu sau ba năm được phong thưởng mà người đó tỏ ra bê trễ với công việc của mình đến nỗi số hộ dân canh tác giảm sút thì sẽ bị phạt trượng, tước phẩm hàm. Thậm chí các quan cai trị trực tiếp của tỉnh, huyện đó cũng sẽ bị liên lụy vì đã không ủng hộ và hướng dẫn người dân trong khai khẩn đất đai.
Về các quan chức coi sóc việc khẩn hoang, vua Tự Đức cũng ban một đạo dụ với nội dung tương tự nhằm khích lệ họ lập nên làng mạc ở các vùng biên viễn, có vị trí chiến lược. Nếu các viên quan thành công trong việc ổn định dân cư, tạo thành các châu, huyện, tỉnh thì sẽ được cấp ruộng công để thờ cúng sau khi qua đời và con cháu họ được tập ấm. Ngược lại, nếu không hoàn thành nhiệm vụ, để cho ruộng bị bỏ hoang, dân cư xiêu tán, không chiêu mộ được di dân, viên quan đó sẽ bị giáng cấp, hoặc bị cách chức, cho đi làm lính lệ.