Chân mệnh thiên tử lắm gian lao – Kỳ 1: Chúa Nguyễn Ánh và Bá Đa Lộc

Tác giả Tường Vân
Chân mệnh thiên tử lắm gian lao – Kỳ 1: Chúa Nguyễn Ánh và Bá Đa Lộc

Trong số những người ủng hộ chúa Nguyễn Phúc Ánh, về sau là vua Gia Long trong cuộc chiến phục vị, có một nhân vật hết sức đặc biệt là giám mục Bá Đa Lộc. Vốn một giáo sĩ người Pháp, điều gì đã khiến ông hỗ trợ nhiệt thành vị vương tử nước Nam từ những ngày đầu lưu lạc? Có phải đằng sau tấm lòng hào hiệp của ông là những dự tính xa xôi lâu dài hơn liên quan tới triều đình Pháp – Việt, khi lênh đênh trên những chuyến hải trình dài, phóng tầm mắt ra khung trời bao la mà mơ mộng tới một kinh thành?

Chân dung Pigneau de Béhaine do họa sĩ Maupérin vẽ

Một nhà truyền giáo Tây Phương ...

Giám mục Bá Đa Lộc (1741 – 1799) có tên đầy đủ là Pierre Joseph Georges Pigneau de Béhaine, thường được viết ngắn gọn trong tài liệu phương Tây là Pigneau de Béhaine. Chính vì vậy mà tước hiệu vua Gia Long ban cho ông là Bi Nhu Quận công (悲柔郡公,), trong đó Bi Nhu là phiên âm trực tiếp từ Pigneau. Còn Bá Đa Lộc là cách người Việt phiên âm tên Pierre của vị giáo sĩ, song lại từ tiếng Bồ Đào Nha Pedro. Vì sao có cách gọi như vậy?

Theo những lý giải về mặt ngữ âm học, tổ hợp phụ âm dr trong tên Pedro không có cách đọc tương ứng trong Hán ngữ, nên khi phiên âm đã tách thành ba âm tiết bó-duō-lù theo giọng đọc Quan Thoại, viết là 伯多祿, chuyển âm Hán – Việt thành Bá Đa Lộc. Đây là hiện tượng phiên âm khá lý thú và từng rất phổ biến tại Việt Nam trong buổi đầu tiếp xúc với phương Tây, với những cái tên như Nã Phá Luân (Napoléon) hay Lư Thoa (Rousseau). Còn việc lựa chọn phiên âm từ tiếng Bồ Đào Nha thay vì tiếng Pháp là bởi những giáo sĩ đầu tiên truyền đạo vào Việt Nam hầu hết là người Bồ Đào Nha thuộc dòng Tên và tiếng Bồ từng có sức ảnh hưởng nhất định trong thời kỳ này.

Tuy nhiên, vào thế kỷ 18, người ta chỉ gọi ông đơn giản là cha Bá Đa Lộc hay Thầy Cả, Cha Cả để tỏ lòng tôn kính. Thầy Cả hoặc Cha Cả vốn là từ cũ để chỉ linh mục Công giáo nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của vị chủ chăn này trong đời sống của giáo dân.

Origny-en-Thiérache - quê nhà của Bá Đa Lộc

Giám mục Bá Đa Lộc xuất thân trong một gia đình đông con và rất sùng đạo tại Origny-en-Thiérache (Pháp). Ngay từ nhỏ, cha mẹ đã hướng ông theo con đường phục vụ Thiên Chúa, nên suốt quãng đời thanh thiếu niên ông trưởng thành trong lề luật nghiêm khắc nơi các chủng viện để trở thành một nhà truyền giáo hải ngoại trong tương lai.

Ở tuổi 23, Bá Đa Lộc lãnh nhận sứ mệnh truyền giáo tới xứ Đàng Trong từ Hội Thừa sai Paris, và ông khởi hành chuyến đi của mình từ Pondicherry thuộc Ấn Độ, qua Macao rồi cập bến Hà Tiên. Tại mảnh đất cực Nam giáp biên giới Campuchia này, ông tham gia giảng dạy tại Chủng viện Hòn Đất [1] chuyên đào tạo hàng giáo phẩm bản địa. Song những ngày tháng yên bình nơi đây không kéo dài lâu, bởi những biến động nơi phủ chúa Nam Hà sau cái chết của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát vào năm 1765 đã làm đảo lộn tất cả.

Chủng viện Hòn Đất trong bản đồ Carte de la Cochinchine xuất bản năm 1786

Quyền thần Trương Phúc Loan cậy thế lộng hành, đưa Nguyễn Phúc Thuần khi đó còn nhỏ tuổi lên ngai vương để tiện bề nhiếp chính, song do năng lực quản lý kém cỏi nên trong triều ngoài nội rất nhanh đã xảy ra khủng hoảng. Không chỉ có vậy, năm 1767 còn đánh dấu sự chuyển biến chính trị quan trọng tại Xiêm La – một kình địch của Đại Việt – khi vương triều Ayutthaya kết thúc để khởi đầu vương triều Thonburi do vua Taksin lập nên. 

Hoàng tộc Ayutthaya ly tán, hai hoàng tử tiền triều là Chao Chui và Chao Sri Sang [2] chạy về trấn Hà Tiên xin Tổng trấn Mạc Thiên Tứ che chở. Giữa vòng xoáy loạn lạc, vị linh mục Tây phương Bá Đa Lộc từng chịu cảnh “vào tù ra khám” tới hai lần vì bị nghi ngờ giúp đỡ ông hoàng Chao Sri Sang tẩu thoát qua Chân Lạp [3]. 

Trải qua thêm nhiều khói lửa, Bá Đa Lộc buộc phải lánh nạn tại Pondicherry là xứ thuộc địa Pháp tại Ấn Độ trong vòng ba năm. Tới năm 1771, ông được phong chức giám mục hiệu tòa Adran [4] và được chỉ định làm phụ tá xứ Nam Kỳ.

... giữa hai cơn bão thời đại

Với chức danh mới, giám mục Bá Đa Lộc quay trở lại Hà Tiên vào năm 1775. Cũng chính tại nơi đây, lần đầu tiên ông gặp vương tôn Ánh vào khoảng năm 1776 – 1777, khi đó còn đang độ niên thiếu phải chạy trốn cùng gia đình và các tâm phúc khỏi sự truy lùng gắt gao của nhà Tây Sơn. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, vương tôn Ánh phải rời tiếp Hà Tiên mà lánh tới đảo Thổ Chu, song những gian lao khổ ải không làm sờn lòng vị chúa trẻ. Kể từ năm 1777 cho tới khi chúa Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, vùng đất Gia Định nói riêng và miền Nam Bộ nói chung là nơi diễn ra nhiều trận thư hùng kinh điển giữa lực lượng nhà Nguyễn và quân đội Tây Sơn.

Vì lòng bác ái, thuở ban đầu giám mục Bá Đa Lộc giúp đỡ vương tôn Ánh tận tình và còn nuôi giấu chúa trong thời gian ngắn. Nhưng dần dà, cả hai mau chóng nhận ra mối quan hệ này sẽ đem lại nhiều lợi ích trong tương lai. Với giám mục, sứ mệnh truyền giáo của ông tại Nam Kỳ sẽ thuận lợi phát triển hơn nếu có sự bảo trợ từ chúa Nguyễn – dẫu khi đó cơ hội phục vị còn rất mong manh – và đặc biệt nếu thành công cải đạo được nhà chúa thì thành công sẽ vượt ngoài sức tưởng tượng. Còn với chúa Nguyễn Ánh thì để lấy lại đất Nam Hà và đối chọi với quân Tây Sơn thế mạnh như chẻ tre, rất cần gây dựng liên minh với những người châu Âu khi đó sở hữu kỹ thuật chế tạo vũ khí cùng chiến thuyền vượt trội.

Tuy nhiên, từ năm 1783, thần chiến thắng đã không còn mỉm cười với quân đội chúa Nguyễn. Thất bại nối tiếp thất bại, Nguyễn Ánh về Phú Quốc nương náu còn Bá Đa Lộc chạy sang Campuchia. Sau nhiều lênh đênh chìm nổi, cả hai gặp lại nhau trên đảo Thổ Chu, khi chúa Nguyễn chỉ còn trong tay đội quân chưa đến nghìn người và vài chiến thuyền còn sót lại từ những trận chiến đẫm máu với anh em nhà Tây Sơn. Trong hoàn cảnh thân cô thế cô, quyết định kêu gọi viện trợ từ nước Pháp đã được đưa ra nhằm xoay chuyển tình thế. Vì vậy, vào năm 1784, giám mục Bá Đa Lộc đem theo ấn tín hoàng gia cùng hoàng tử Cảnh lên thuyền sang Pháp cầu viện.

Nguyễn Ánh trao hoàng tử Cảnh cho Bá Đa Lộc. Tranh bìa tiểu thuyết "Hoàng tử Cảnh như Tây" của Tân Dân Tử

Song ở thời điểm đó, nước Pháp không mấy mặn mà với đề xuất của Bá Đa Lộc. Xứ Đông Dương hãy còn là một miền đất xa lạ, vả lại với món nợ lớn từ sau cuộc chiến giành độc lập tại Hoa Kỳ, vương triều Pháp còn nhiều mối bận tâm quan trọng hơn. Để thành công thuyết phục giới quý tộc chấp nhận đầu tư vào thương vụ này, Bá Đa Lộc đã lập luận rằng với vị trí địa lý thuận lợi, việc thiết lập quan hệ với xứ Đông Dương sẽ vừa đẩy lùi được ảnh hưởng của Anh tại Ấn Độ lại vừa giảm thiểu chi phí giao thương với Trung Hoa

Cuối cùng, vua Louis XVI chấp thuận ký Hiệp ước Versailles 1787 với Nguyễn vương Ánh, theo đó Nguyễn vương sẽ nhượng quyền kiểm soát hai vùng đất Tourane (Đà Nẵng ngày nay) và đảo Poulo-Condor (nay là đảo Côn Sơn thuộc quần đảo Côn Đảo) cho Pháp để đổi lấy hỗ trợ quân sự chống lại quân Tây Sơn.

Chữ ký của Giám mục d'Adran (dưới) và Bá tước de Montmorin trong Hiệp ước Versailles 1787

Nhưng vì nhiều lý do chính trị từ nội bộ nước Pháp, bản Hiệp ước 1787 đã không được thi hành. Và Bá Đa Lộc phải tự xoay sở lấy để giữ đúng lời hứa. Với những nỗ lực hết sức trong việc kêu gọi hỗ trợ tài chính từ gia đình và các chủ đồn điền tại các thuộc địa khác, chủ yếu ở Pondicherry và Mascarene [5], ông đã đủ tiền mua vũ khí, đạn dược và hai tàu buôn với chất lượng tương đối tốt tại Pháp. Hơn nữa, bị cuốn hút bởi sứ mệnh lạ kỳ của một nhà truyền giáo và một cậu hoàng tử bé con đến từ một xứ sở châu Á xa xôi, rất nhiều người Pháp trẻ tuổi đã tình nguyện đi theo hai người. Về sau, họ chính là “những người Pháp phục vụ vua Gia Long”, mà tên tuổi hầu như đã bị tan biến trong lãng quên.

Trong thời gian Bá Đa Lộc vắng mặt, chúa Nguyễn Ánh đã có nhiều thắng lợi quân sự đáng kể, như việc quay trở về Hà Tiên, đẩy lùi đoàn quân Nguyễn Lữ, tái chiếm Ô Cấp (Vũng Tàu ngày nay) và Gia Định. Thế trận lại một lần nữa cân bằng giữa lực lượng chúa Nguyễn ở Sài Gòn và quân đội Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn. Khi Bá Đa Lộc trở về, cùng sự hỗ trợ của những người Pháp đi theo, hạm đội của chúa Nguyễn được cải tổ theo lối châu Âu, góp phần cho những chiến thắng lớn sau này, đặc biệt là trong các trận đánh trên biển.

Nguyễn vương Ánh và các sĩ quan Châu Âu

Vào năm 1792, sự ra đi đột ngột của vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã đem lại lợi thế gần như áp đảo cho vương tử Ánh, vì tới năm 1799, ông đã tự mình chiếm lại toàn bộ đất Quy Nhơn – vùng đất chiến lược của nhà Tây Sơn. Và cuối cùng, theo đà sụp đổ của triều Tây Sơn với vị vua cuối cùng Quang Toản, chúa Nguyễn Ánh thống nhất ba miền vào năm 1802.

Chuyến hải trình về lại Đại Việt của giám mục Bá Đa Lộc đã vô tình giúp ông thoát khỏi cơn lốc bạo tàn của cuộc Cách mạng Pháp năm 1789. Trong những năm cuối cùng của cuộc chiến khôi phục ngai vàng, ông là vị cố vấn chính trị và quân sự thân cận nhất với chúa Nguyễn Ánh, và vị chúa tỏ ra tin cậy ông vô cùng. Chính điều này đã khiến các quan lại khác bất mãn, đặc biệt họ chống đối gay gắt lối giáo dục thiên về Công giáo của Bá Đa Lộc với hoàng tử Cảnh. Do theo chân giám mục từ ngày nhỏ, hoàng tử Cảnh ảnh hưởng rất sâu nặng đạo Công giáo vốn là tôn giáo xa lạ với gia đình nhà chúa, thậm chí câu hỏi xoay quanh việc có nên rửa tội cho cậu hoàng con hay không đã gây sóng gió lớn. Nhưng chúa Nguyễn Ánh đã lường trước mọi chuyện.

Chân dung hoàng tử Cảnh

Dần dần, bằng những phương pháp mềm dẻo, hoàng tử Cảnh bị tách khỏi giám mục Bá Đa Lộc. Đã có những giằng xé giữa thầy và trò, song rốt cục, trật tự vua – tôi và vòng cương thường đã thắng thế. Kể từ đó cho đến cuối đời, ông hiếm khi xuất hiện bên chúa Nguyễn Ánh và quay về với nhiệm vụ chính của mình: Truyền giáo và đào tạo hàng giáo phẩm bản địa. 

Sự hiện diện của ông đã làm dịu đi rất nhiều tình hình căng thẳng giữa bên lương và bên đạo sau hàng chục năm loạn lạc và đàn áp. Giám mục Bá Đa Lộc cũng khéo léo dung hòa những mâu thuẫn khó hòa giải giữa giáo lý Công giáo và tập tục truyền thống của người Việt, đặc biệt là tục thờ cúng tổ tiên, bởi sau những thăng trầm gian khổ ở vùng đất Đông Dương, ông hoàn toàn hiểu rõ lời ăn tiếng nói cũng như văn hóa của người dân nơi đây.

Vào năm 1799 – dấu mốc quyết định của cuộc chiến – giám mục Bá Đa Lộc đi theo chúa Nguyễn Ánh vào thành Quy Nhơn trong chiến dịch quân sự cuối cùng và mất tại đó vì bệnh tật. Để tưởng nhớ công lao của ông, chúa Nguyễn Ánh đã tổ chức tang lễ trọng thể, phong cho ông làm Thái tử Thái phó Bi-Nhu quận công và xây lăng mộ bề thế tại Gia Định.

Lăng Cha Cả ở Sài Gòn

Mộ phần của ông thường được dân gian gọi là Lăng Cha Cả, bởi với chúa Nguyễn Ánh, ông luôn luôn là Thầy Cả, tên gọi kính trọng dành cho các linh mục Công giáo, như đã giải thích ở trên. Ngày nay, tro cốt và những danh hiệu được phong của giám mục Bá Đa Lộc được gìn giữ cẩn thận tại trung tâm Hội Thừa sai Paris.

CHÚ THÍCH

[1] Chính tên là Chủng viện thánh Joseph, ban đầu phát triển tại vương quốc Ayutthaya (Thái Lan ngày nay), song vì chiến tranh Miến Điện – Ayutthaya nổ ra, chủng viện được di dời tới Hòn Đất (nay thuộc tỉnh Kiên Giang) vào năm 1765 để lánh nạn.

[2] Chiêu Thúy và Chiêu Xỉ Xoang trong sử Việt.

[3] Tên gọi cũ của Campuchia trong sử Việt. Thực ra đây là tên gọi không chính xác vì Chân Lạp (tên tiếng Anh: Chenla) là tên của vương quốc cổ tồn tại từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 8 trên lãnh thổ Campuchia hiện đại, tiền thân của Đế chế Angkor sau này. Vào thế kỷ 17 – 18, Campuchia chỉ đơn giản là Campuchia hậu Đế chế Angkor.

[4] Giám mục hiệu tòa là chức phong cho các vị giám mục đứng đầu một giáo phận chỉ còn trên danh nghĩa, thường là các thành phố cổ từng đặt tòa giám mục nhưng vì nhiều lý do mà không còn tồn tại nữa. Adran là tên một thành phố cổ tại Ả Rập ngày nay.

[5] Quần đảo nằm ở phía đông đảo Madagascar, thuộc Ấn Độ Dương.

LỜI BIÊN TẬP

Vai trò của Giám mục Bá Đa Lộc và những người châu Âu trong sự nghiệp của Nguyễn Ánh là một chủ đề gây nhiều tranh cãi. Các giáo sĩ phương Tây dưới triều Nguyễn và các sử gia thuộc địa Pháp đã hết lời ca ngợi những công lao và đóng góp quan trọng của Bá Đa Lộc. Tuy nhiên, các thư từ và tư liệu gốc của người đương thời cho thấy vai trò của họ dường như phức tạp, kém kiên định và bị thổi phồng hơn nhiều so với những gì sử gia thuộc địa vẫn hay nói đến. Điều ta có thể thừa nhận là một vài phương pháp mới trong khoa học quân sự châu Âu đã được Nguyễn Ánh áp dụng; và như vậy là cũng đã đủ để tạo ra một số lợi thế trước quân đội Tây Sơn.

Trở lực lớn nhất để Nguyễn Ánh tiến tới “chân mệnh thiên tử” hay “chánh vì vương” chính là việc cầu viện Pháp và hiệp ước Versailles – trong đó đồng ý nhường lại chủ quyền của nhiều phần lãnh thổ thiêng liêng cho ngoại bang. Dù hiệp ước không được thực hiện, nó vẫn là chiêu bài mà thực dân Pháp viện đến để thiết lập và duy trì nền thuộc địa trong mấy thập kỷ sau đó. Ông đã để lại cho hậu thế một di sản hết sức phiền toái. 

Liệu Nguyễn Ánh có dự trù đến những điều khoản đó từ trước, hay đó chỉ là kết quả đi đêm của hai người Pháp mà thôi? Điều duy nhất mà chúng ta biết là bản thân ông đã thẳng thừng bác bỏ những yêu sách tương tự từ phía người Anh sau khi đã trở thành vị vua của cả nước. Kỳ sau chúng ta sẽ thấy ông còn để lại một di sản khác cũng phiền toái không kém mối quan hệ với người châu Âu.

Chia sẻ câu chuyện này

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Share