Chân mệnh thiên tử lắm gian lao – Kỳ 3: Chúa Nguyễn Ánh và nước Chân Lạp

Tác giả Tường Vân
Chân mệnh thiên tử lắm gian lao – Kỳ 3: Chúa Nguyễn Ánh và nước Chân Lạp

Tiếp nối chuỗi bài về hành trình phục vị của chúa Nguyễn Ánh, bên cạnh mối bang giao với Xiêm La, quan hệ giữa chúa Nguyễn và Chân Lạp cũng rất đáng lưu tâm, bởi vị trí địa lý của vương quốc này đóng vai trò vùng đệm giữa Xiêm và xứ Đàng Trong và cũng là nơi diễn ra nhiều màn minh tranh ám đấu giữa ba vương quốc.

Bản đồ bán đảo Đông Dương do Mạc Thiên Tứ gửi sang nhà Thanh

Lược sử vương quốc Chân Lạp

Theo các nghiên cứu lịch sử, Chân Lạp là tên gọi của nước Campuchia hiện đại vào thời kỳ tiền Đế chế Khmer. Vương quốc cổ với cái tên Chân Lạp chỉ tồn tại từ thế kỷ thứ 6 tới thế kỷ thứ 8, vốn là một thuộc quốc của một vương cổ xưa hơn mang tên Phù Nam, nhưng dần lớn mạnh và cuối cùng đã sáp nhập hẳn Phù Nam vào lãnh thổ mới của mình. 

Các thư tịch cổ Trung Hoa ghi nhận rằng trải qua hai trăm năm phát triển, Chân Lạp rơi vào khủng hoảng từ sau cái chết của vua Jayavarman I, rồi kể từ năm 717 cho tới suốt thế kỷ thứ 8, vương quốc này bị chia làm hai nửa là Lục Chân Lạp (phía bắc dãy núi Dangrek) và Thủy Chân Lạp (thuộc đồng bằng sông Cửu Long ngày nay) trong tình trạng vô chính quyền.

Người Phù Nam trong tranh "Lương Nguyên đế Phiên khách nhập triều đồ"

Tuy nhiên, nhiều công trình khảo cổ đã chỉ ra vào thế kỷ thứ 8, vương quốc này không hề lâm vào tình trạng hỗn loạn và phân mảnh, với bằng chứng là các công trình kiến trúc và nghệ thuật vẫn tiếp tục phát triển, thậm chí còn có phần hơn so với thế kỷ thứ 17. Không chỉ có vậy, ghi chép của sử ký Trung Hoa về sự chia cắt Chân Lạp có thể không chính xác, bởi vấn đề chuyển giao quyền lực giữa các tiểu quốc theo mô hình Mandala rất khó để minh định kỹ càng, nhất là khi còn thiếu nhiều tư liệu lịch sử từ phía Chân Lạp.

Sau khi vương quốc Chân Lạp lụi tàn, vua Jayavarman II tuyên bố độc lập khỏi Java (hòn đảo thuộc Indonesia ngày nay) và từng bước xây dựng Đế chế Khmer vĩ đại của mình mà dấu ấn còn để lại tới ngày nay là kinh đô Angkor. Đế chế tồn tại tới thế kỷ thứ 15 thì dần suy yếu sau hàng loạt cuộc chiến với vương quốc Ayutthaya (nay là Thái Lan) và vương quốc Đại Việt. 

Thời kỳ hậu Angkor, người Khmer dời đô về Lovek rồi Oudong là những thành phố giáp biển hồ Tonle Sap nhằm tìm kiếm lại vinh quang cùng thịnh vượng thông qua thương mại đường biển. Song những biến động trong khu vực Đông Nam Á vào thế kỷ thứ 17 – 18 đã khiến Xiêm La và Đại Việt trở thành hai thế lực đáng gờm, và Campuchia trong thời kỳ này phải chịu tình cảnh trở thành thuộc quốc luân phiên giữa Xiêm – Việt.

Kinh đô Longvek khoảng năm 1665

Đại Nam liệt truyện viết: “Tục nước Man, hễ anh em tranh giành nhau, không nhờ được ở ta thì chạy đến nước Xiêm, không nhờ được nước Xiêm thì chạy đến với ta”. Nước Man ở đây là Chân Lạp. Lời ghi chép trên đã tóm gọn những biến cố xảy ra giữa ba nước trong khu vực. 

Chúa Nguyễn Ánh bảo hộ Chân Lạp

Những biến loạn Đàng Trong nối dài từ thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát cùng với cuộc chiến tàn khốc giữa Xiêm La – Miến Điện dường như là cơ hội tốt để Chân Lạp lấy lại vị thế trước kia. Song một nhân tố đầy bất ngờ đã làm thay đổi mọi tính toán: Chiến binh xuất sắc nhất mang nửa dòng máu Trung Hoa – Taksin – lên ngôi Quốc vương Xiêm La vào năm 1767. Hoàng thất Xiêm ly tán khắp mọi nơi, trong đó có hai hoàng tử Chao Chui và Chao Sri Sang lưu vong sang trấn Hà Tiên, mưu dấy binh lật đổ Taksin. Để loại trừ đối thủ chính trị, khi đã ổn định triều chính, vua Taksin quyết định tấn công Hà Tiên và bắt sống Chao Chui về nước. Ngoài mục đích này, ông còn có tham vọng giành quyền kiểm soát Chân Lạp với nhà Nguyễn khi ấy đang trên đà suy vong. Với những nỗ lực cuối cùng, vào năm 1772, Định vương Nguyễn Phúc Thuần gửi quân trợ giúp Đô đốc Hà Tiên Mạc Thiên Tứ đẩy lùi quân Xiêm, đồng thời đưa vua Outey II trở lại ngai vàng. 

Vua Taksin qua nét vẽ của giáo sĩ người Ý

Tuy nhiên, một người anh em họ của vua Outey II là Ang Non vẫn còn được Xiêm bảo trợ và tiếp tục chống đối vương quyền. Không may cho vua Outey II, vào năm 1773 – 1774, dưới sức ép từ hai phía Tây SơnĐàng Ngoài, chính quyền Đàng Trong sụp đổ hoàn toàn, toàn bộ gia quyến chúa Nguyễn phải chạy nạn vào miền Nam.

Mất đi sự bảo trợ của nhà Nguyễn, Outey II phải nhượng bộ với Ang Non, trở thành Đệ nhị vương còn Ang Non làm Chính vương Chân Lạp. Lợi dụng tình hình hỗn loạn ở Đàng Trong, Ang Non bỏ luôn việc triều cống. Chúa Nguyễn Phúc Thuần phải sai vương tử Ánh khi ấy mới 14 tuổi cùng các tướng lĩnh khác cầm quân dẹp loạn. Chỉ vài năm sau, chúa Nguyễn Phúc Thuần cùng chúa Nguyễn Phúc Dương đều bị quân Tây Sơn bắt giết. Triều thần tôn xưng Nguyễn Ánh lên làm phụ chính, bắt đầu hành trình giành lại ngai vàng.

Vào năm 1778, Xiêm La đánh Vạn Tượng, tướng Xiêm yêu cầu Chính vương Ang Non mộ quân hỗ trợ. Triều đình Chân Lạp khi ấy đang rối ren sau cái chết của Ang Ton và Đệ tam vương Ang Tham, lại gặp phải việc hao binh tổn tướng, các phe phái nhất loạt nổi dậy. Các tướng lĩnh Cao Miên liên kết chống Ang Non quyết liệt, thậm chí còn tới dinh Long Hồ để cầu viện chúa Nguyễn Ánh. 

Với sự trợ giúp của tướng lĩnh nhà Nguyễn, phe nổi dậy thành công trong việc lật đổ Ang Non. Khi Ang Non chết, nhà Nguyễn cho lập con của Outey II là Ang Eng lên ngôi, lại cho tướng Hồ Văn Lân làm Bảo hộ Chân Lạp. Thấy ảnh hưởng của Xiêm lên Chân Lạp có nguy cơ bị lung lay, mượn cớ tướng Baen không bảo vệ nổi Chính vương Ang Non, vua Taksin sai quân đánh Chân Lạp để trừng phạt và khẳng định lại quyền uy.

Cùng trong khoảng thời gian đó (1780 – 1781), với sự nghi ngờ ngày càng gia tăng đối với người Việt, vua Taksin dần cảnh giác với Mạc Thiên Tứ, Xuân quận công và những người Việt khác đang lưu vong trên đất Xiêm. Nhân sự kiện một đội thuyền buôn của Xiêm tới trấn Hà Tiên bị cướp giết và đỉnh điểm là lá thư nặc danh xúi giục Mạc Thiên Tứ cùng Xuân quận công làm nội gián, Xiêm vương phẫn nộ đem giết toàn bộ gia quyến của cả hai và đày di dân Việt ra nơi biên giới xa xôi. 

Khi quân Xiêm – Việt đang giằng co trên đất Chân Lạp, thì vua Taksin lại đem bắt giam vợ con của hai tướng là Chakri và Surasi, khiến hai tướng tức giận nghị hòa với tướng nhà Nguyễn, lại hứa sẽ tương trợ cho nhau khi cần kíp. Trở về Xiêm La, Chakri cùng Surasi hành quyết Taksin, lật đổ vương triều Thonburi và lên ngôi vương. Chakri tự xưng là Rama I, giữ vai trò Chính vương còn em trai Surasi làm Đệ nhị vương. Bởi lời hứa năm xưa trên chiến trường Chân Lạp mà sau này vua Rama I trở thành một trong những đồng minh quan trọng với chúa Nguyễn Ánh trong hành trình phục vị.

Nguyễn Hữu Thoại (phải) - người hòa đàm với Sô Si của Xiêm. Bìa sách "Gia Long tẩu quốc" của Tân Dân Tử

Nền bảo hộ Chân Lạp của chúa Nguyễn Ánh chỉ tồn tại trên danh vị, bởi trước sự tấn công dồn dập của quân Tây Sơn, chúa Nguyễn phải bôn tẩu khắp nơi tìm sự trợ giúp, không còn tâm trí nào để duy trì chế độ này. Mâu thuẫn giữa các tướng Chân Lạp lại nổi lên khi tướng Baen trở về và sát hại toàn bộ các tướng nổi dậy chống lại vua Ang Non trước đây. Thừa thắng, tướng Baen tự xưng là Chauvea tức Tể tướng, định khuynh loát triều đình Ang Eng. 

Một tướng lĩnh đối lập không chịu uy Tể tướng liền mộ quân chống lại, khiến cho Baen cùng vua Ang Eng phải chạy sang Xiêm tỵ nạn. Vua Rama I cho Ang Eng lưu tại Vọng Các, phong Baen làm Chaophraya Aphaiphubet là tước hiệu dành cho vị trí nhiếp chính Chân Lạp. Khi chúa Nguyễn Ánh cầu viện Xiêm La, chính vị Chaophraya Aphaiphubet này đã thành lập đội quân người Cao Miên đi cùng quân Xiêm tiến đánh nhà Tây Sơn. Tuy nhiên sau chiến bại tại Rạch Gầm – Xoài Mút năm 1785, vì thân cô thế cô, chúa Nguyễn phải lưu vong sang Xiêm và được triều đình Vọng Các đón nhận cùng Ang Eng.

Nhưng vị thế giữa hai vị vương tử này rất khác nhau. Nếu như Ang Eng được thụ hưởng hoàn toàn nền giáo dục Xiêm La để trở về cai trị Chân Lạp theo đúng tư tưởng thân Xiêm, thì Nguyễn Ánh với vai trò thượng khách của triều đình luôn tìm cách rời Vọng Các để trở về Gia Định. Về sau, vào năm 1794, Ang Eng với sự hậu thuẫn của Xiêm La đã trở về Chân Lạp làm vua, còn Nguyễn Ánh vẫn long đong trong hành trình phục vị. Từ đó cho tới khi Ang Eng mất, Xiêm La lấy cớ con trai Ang Eng còn nhỏ nên chưa thể phong vương, chỉ đặt một chức quan bảo hộ Chân Lạp trong suốt 10 năm ròng.

Minh họa vua Gia Long trên bìa sách Gia Long phục quốc của Tân Dân Tử

Hoàng đế Gia Long bảo hộ Chân Lạp

Tình thế chỉ thay đổi sau khi quan bảo hộ Chân Lạp qua đời vào năm 1806, cũng là khi chúa Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế, Xiêm triều đưa con trai Ang Eng là Ang Chan lên ngôi, lại cho con gái tướng Baen làm hoàng hậu Chân Lạp.

Mục đích của việc lập vương này thể hiện rất rõ tham vọng kiểm soát Chân Lạp triệt để của Xiêm La: Vua Ang Chan còn đang tuổi thiếu niên, lại lớn lên dưới sự dạy dỗ của người Xiêm, có hoàng hậu là con gái một vị tướng thân Xiêm, tất yếu là con rối chính trị trong tay Xiêm triều.

Tuy nhiên, vì Xiêm can thiệp quá sâu vào nội bộ Chân Lạp nên đã dẫn đến xung đột giữa vua Ang Chan cùng ba em trai mình là Ang Snguon, Ang Duong và Ang Em. Để đối chọi lại thế lực thân Xiêm, vua Ang Chan quyết định thần phục nhà Nguyễn. Năm 1807, vua Gia Long sai người mang sắc phong cùng ấn bạc mạ vàng tới Chân Lạp phong vương cho Ang Chan, lại định lệ tiến cống ba năm một lần, bắt đầu tính từ năm 1807. 

Dĩ nhiên, Xiêm triều không hài lòng với hành động này của vua Ang Chan nên phong luôn cho ba người em trai vua làm phó vương Chân Lạp hòng kiềm chế sức ảnh hưởng của Đại Việt. Mâu thuẫn nổ ra, năm 1810, quân Xiêm tiến vào Battambang đe dọa Chân Lạp, vua Ang Chan núng thế phải cầu viện Đại Việt.

Lê thuyền từng được quân Việt Nam sử dụng trong các chiến dịch cứu viện Chân Lạp

Vua Gia Long sai Tổng trấn Gia Định bấy giờ là Nguyễn Văn Nhân đem quân cứu Chân Lạp, chưa động binh thì quân Xiêm đã rút. Song tới năm 1811, Ang Snguon với sự hỗ trợ của người Xiêm liền nổi dậy tranh ngôi với anh trai Ang Chan, vua Xiêm khi đó là Rama II nắm lấy cơ hội bèn cho quân đánh chiếm Chân Lạp nhằm lật đổ Ang Chan, khiến cho ông vua thất thế phải chạy khỏi kinh thành. 

Nhờ lực lượng “đặc nhiệm” do Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại (lúc đó đang ở Chân Lạp với danh nghĩa đi lấy gỗ) ra ứng cứu, vua tôi Chân Lạp an toàn chạy sang Việt Nam lánh nạn. Sự xuất hiện của các cánh quân Việt Nam ở vùng biên giới Việt Nam – Chân Lạp cũng khiến quân Xiêm chùn bước. Quân Xiêm dừng lại sau khi chiếm được đô thành, có thể vì e ngại làm tổn hại đến quan hệ Xiêm – Việt khi ấy vẫn đang ổn định. 

Để giải quyết vấn đề Chân Lạp, vua Gia Long bổ tướng Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định rồi sai đem quân hộ tống vua Ang Chan về lại Chân Lạp. Năm 1813, quan quân nhà Nguyễn cùng sứ thần Xiêm rước vua Ang Chan về nước. Tổng trấn Lê Văn Duyệt xây mới thành Nam Vang (tức Phnom Penh) cho vua cùng thành Lô Yêm (tức tỉnh Lvea Aem tại Campuchia hiện tại) làm nơi chứa quân nhu, lại dựng đài An Biên và nhà Nhu Viễn làm nơi vua Chân Lạp bái vọng triều Nguyễn mỗi dịp lễ trọng. 

Xong xuôi mọi việc, Tổng trấn rút quân về, để Chưởng cơ Nguyễn Văn Thoại làm Bảo hộ Chân Lạp theo chiếu chỉ vua Gia Long. Từ đó, nền bảo hộ Chân Lạp của nhà Nguyễn được thiết lập chặt chẽ như một vùng đệm ngăn cách Đại Việt cùng Xiêm La mãi cho tới thời kỳ Pháp thuộc.

Chia sẻ câu chuyện này

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Share