Trước tiên ta cần biết sơ qua bối cảnh. Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam là một hành trình vĩ đại kéo dài 700 năm bắt đầu từ Lý Thái Tông, đến khi hoàn thành thì giang sơn người Việt đã to gấp 3 lần ngày trước. Do vị trí địa lý đặc biệt, Bắc giáp Trung Quốc, Tây đụng Trường Sơn và Đông là đại dương, thế nên theo lẽ dĩ nhiên, Đại Việt chỉ có con đường Nam tiến là khả dĩ.
Tuy vậy, nếu Nam tiến dễ dàng như thế thì mọi chuyện không còn gì để nói. Đế quốc Đại Minh bị tiêu diệt, sáp nhập vào lãnh thổ Đại Thanh. Những con dân nước Minh không chấp nhận sống dưới sự cai trị của sắc dân bên kia Vạn Lý Trường Thành, bèn quyết định giong buồm về vùng đất mới. Cùng với những người Việt mới đến, họ tổ chức định cư và khẩn hoang. Liên tiếp những thành thị sầm uất mọc lên giữa đất rừng phương Nam như Mỹ Tho, Cù Lao Phố, Hà Tiên, Sài Gòn. Chính tại mảnh đất này, chúng ta đã gặp đối thủ mới, tiền thân của Thái Lan hiện đại: Xiêm La.
Xiêm La là một cường quốc mới nổi, cùng với Miến Điện và Đại Việt tạo thành bộ ba hùng mạnh của Đông Nam Á lục. Xiêm La bành trướng rất mạnh, họ chiếm đóng Chân Lạp và tàn phá Hà Tiên của họ Mạc, khiến gia tộc này dâng hết đất cho Đàng Trong để mong được che chở. Sau nhiều va chạm, các chúa Nguyễn thấy rõ dã tâm của Xiêm La. Họ không bao giờ muốn vùng đất màu mỡ mà mình khổ công mở mang lại bị kẻ khác nẫng tay trên. Nguyễn Cửu Đàm được cử đến cản bước tiến của địch thủ ghê gớm này. Sử chép rằng:
“Năm Nhâm Thìn đời Duệ Tôn, người Xiêm La xâm lấn Hà Tiên, Nam Vang. Đàm làm Chánh thống suất, từ Tiền Giang, tiến đánh quân Xiêm ở Nam Vang, cả phá được, người Xiêm xin hòa, Chân Lạp lại được yên ổn”.
Để ngăn chặn những sự cố trên tái diễn trong tương lai, nhà quy hoạch đầu tiên của Sài Gòn bắt tay ngay vào công cuộc thiết kế một hệ thống phòng thủ lợi hại. Ông để ý Sài Gòn như một hòn đảo có ba mặt là sông, vậy nên chỉ cần xây dựng thêm một thứ để án ngữ mặt cuối cùng. Thế là Sài Gòn được bao bọc quanh một chiến lũy vòng cung theo hình nửa vầng trăng dài đến 8,5km.
Theo suy luận từ bản đồ cổ, vị trí lũy Bán Bích kéo dài từ rạch Bến Nghé đến rạch Thị Nghè và vòng qua Cầu Bông, Tân Định, bọc luôn cả khu vực Hòa Hưng lên đến Tân Bình và điểm cuối là Tân Phú. Các địa danh này xưa kia thuộc tổng Bình Trị Trung (quận 1 và Bình Thạnh ngày nay) và tổng Dương Hòa Thượng (quận 10, Tân Bình, Tân Phú ngày nay).
“Lũy cổ Bán Bích, ở địa giới hai huyện Bình Dương và Tân Long, dài 866 trượng, hình dáng như nửa bức tường. Lại có lũy đất dài 1.323 trượng, Đốc chiến Tiên triều là Nguyễn Cửu Đàm đắp, nền cũ vẫn còn. Tên gọi Bán Bích là vì lũy có hình dáng như nửa bức tường”