[Truyện ngắn] Giấc mộng kẻ sĩ – Kỳ 1

Tác giả Hưng Lê
[Truyện ngắn] Giấc mộng kẻ sĩ – Kỳ 1

Giữa thế kỷ 17, cách mạng tư sản phương Tây cất lên những khúc khải hoàn đầu tiên, đặt nền văn minh nhân loại đứng trước một bước ngoặt lịch sử. Với tiềm lực trí tuệ bị giam cầm bởi giáo điều của chế độ phong kiến, không một ai có thể lường trước được hệ quả từ những cuộc chiến này lại đánh dấu sự khởi đầu của một thời đại mới: Thời đại Tư bản Chủ nghĩa.

Lúc bấy giờ tại nước Đại Việt ta, nhân dân lầm than khốn cùng, đất trời chìm trong máu lửa từ cuộc chiến trường kỳ giữa hai gia tộc quyền khuynh thiên hạ. Ở Đàng Ngoài, dường như sự giàu sang thịnh vượng của đô thành Kẻ Chợ cũng khó đủ sức vực dậy nổi cả giang sơn đang ngày một điêu tàn. Thời này, các nhà tư bản Châu Âu bắt đầu cập bến giao thương, mang theo nhiều thành tựu đột phá tới từ thời đại mới. Một vài sĩ phu cấp tiến của ta sớm nhận thức được tiềm năng to lớn của xã hội tiến bộ phương Tây, họ trông chờ về một sự canh tân sẽ giúp chấn hưng non sông. 

Đáng tiếc thay! 

Kỷ nguyên phong kiến Đại Việt mới chỉ vừa bước qua kỳ thịnh, và còn lâu lắm mới tới kỳ suy, giai cấp tiến bộ vẫn chưa xuất hiện, cho nên công cuộc thực hiện một bước nhảy vọt về hình thái xã hội vẫn mãi chỉ là ảo mộng hão huyền của những nhà nho bất đắc chí mà thôi.

Không còn cái cảnh huyên náo thường thấy, phố phường hiện đã giảm việc giao thương, đường sá thưa thớt hơn mọi ngày, thật là điều khác thường vậy! Nguyên do là bởi mới đây Phủ chúa đã hạ lệnh phong tỏa các bến sông trải dọc kinh thành, lấy cả một vùng nước mênh mông dành cho hàng trăm chiến thuyền dàn quân tập trận, bởi vậy các tàu buôn không đi lại được, chuyện làm ăn do đó cũng bớt một phần. Hôm nay lại là tết Đoan Ngọ, dân hai huyện chỉ lo việc lễ lạt, hội hè, đâm ra đất Kẻ Chợ cũng được một hôm ít chuyện xô bồ.

Phủ doãn Hoàng Kim Long hai mươi bảy tuổi, ngài mới nhậm chức sau khi vị quan tiền nhiệm được tiến cử lên Bộ Công, đến nay đã hơn ba tháng. Ngày nào cũng đầu tắt mặt tối lo chuyện công văn, đến hôm nay ngài mới có chút thời gian thảnh thơi, ngẫm lại việc đời. Ngài ngồi chĩnh chện trên chiếc sập gỗ mun. Giữa sập đặt một bàn trà có cái điếu bát. Một tên gia nhân đứng hầu cạnh, tay cầm que đóm sẵn sàng mồi lửa. Vừa kéo xong hơi thuốc lào, Kim Long chầm chậm ngả lưng, hạ tấm thân nặng nề đặt xuống nệm gấm. Khẽ phả làn khói lên không trung, ngài nhắm mắt vẻ hài lòng. Được hôm mát giời, lại không có kẻ nào tới thưa công chuyện, trong dinh tĩnh mịch yên ả, Phủ doãn khoan khoái tranh thủ tận hưởng ngày nghỉ hiếm hoi này bằng một giấc say sưa.

Chợt để ý tới tiếng lách cách phát ra từ chiếc đồng hồ quả lắc trên tường, Kim Long thắc mắc xoay đầu nhìn. Thường thì ngài không cho nó chạy vì cần lấy sự yên tĩnh để mà làm việc, chắc là hôm nay phu nhân thấy mình rảnh rỗi nên mới đem ra dùng. Đây là món quà từ một nhóm thương nhân Hà Lan tặng ngài hồi mới lên Phủ doãn để cầu việc buôn bán suôn sẻ. Lần đầu trông thấy Kim Long đã có đôi phần kinh ngạc, thầm nghĩ kẻ nào phát minh ra thứ máy móc này hẳn phải là bậc kỳ tài, kẻ đó biết lấy năng lượng từ cái gọi là trọng lực để truyền vào bộ máy, tựa như dùng một thứ ma lực kỳ diệu tiếp sức cho kim chỉ giờ khiến nó có thể quay liền nhiều ngày không nghỉ vậy.

Con lắc đung đưa vẫn phát ra âm thanh đều đều, Kim Long nhìn vào đó như bị thôi miên, ngài nghĩ về chuyển động của từng bộ phận, từ con lắc đơn tới bộ ròng rọc, rồi đến guồng quay của các bánh răng, rồi chúng lại truyền động cho chiếc kim chạy vòng tròn. Kim Long nhớ lại các phép toán trong sách của người Âu, thử dùng chúng để mô tả vận động của các bộ phận đó, kết quả cho ra một hệ công thức hoàn chỉnh, và khớp nhau đến khó tin! Từ những cuốn sách toán học đó, tâm trí ngài lại bị cuốn đi xa hơn, Kim Long nghĩ về một nền văn minh tiến bộ…

Trong hai năm giữ chức Đề lĩnh chuyên trách việc trị an, Hoàng Kim Long thường hay tuần hành quanh phủ, gặp gỡ đủ loại người. Dân tứ xứ đều đổ về đất kinh kỳ hòng kiếm kế sinh nhai, với đa dạng sắc tộc, tôn giáo, song những kẻ đến từ phương Tây hẳn đã gây được ấn tượng đặc biệt với người dân Đại Việt. Họ tới giao thương và truyền đạo, mang theo nhiều thứ sản phẩm và kiến thức kỳ lạ, làm bất ngờ tới cả giới sĩ phu bác học trong nước. Xã hội nơi họ sinh ra cũng đã dần tiến hóa lên một tầm cao, khai mở được tiềm lực khổng lồ cả về vật chất lẫn trí tuệ. Dễ thấy những kẻ tới đây cũng chỉ thuộc hạng phục dịch cho đấng bề trên của họ, nhưng xét về sự giàu có thì họ chưa chắc đã kém cạnh các vương tôn quý tộc bản xứ, về độ hay chữ thì cũng sánh ngang được với các quan học sĩ đứng đầu Hàn lâm viện.

Nhưng cái học của họ cũng khác ta nhiều, Phủ doãn nghĩ thầm. Tri thức từ các lĩnh vực khoa học, từ việc dùng trong thực tiễn đã được họ trừu tượng hóa, dần dần phát triển lên tới cấp độ khái niệm, mà gọi chung là Triết học. Chẳng hạn như công nghiệp hàng hải, nhờ việc lấy những khái niệm toán học áp dụng vào quan trắc thiên văn mà giờ đây họ tìm được đường đi giữa chốn đại dương mênh mông, từ đó chu du ra bốn bể, mở mang bờ cõi khắp thiên hạ.

Còn đạo Khổng tuy đã giúp nước ta xây dựng nên một nhà nước tiến bộ, đặt ra một xã hội có tôn ti, trật tự, tuy nhiên sau hàng ngàn năm tồn tại, dường như giờ đây chính Khổng giáo lại là bức tường biên giới ngăn cách trí tuệ ta với tri thức nhân loại. Có những câu hỏi ta không được phép đặt ra, những cuốn sách ta không được phép đọc, vậy là có lẽ nền Hán học nên dừng ở đây được rồi. Nhưng dừng làm sao cho được, khi mà chính nó là nền móng tạo nên nhà nước ta, muốn xóa bỏ Nho học chắc chỉ có con đường đạp đổ chế độ cũ mà xây dựng một nhà nước mới tiến bộ hơn, mà như thế thì phải có đấu tranh, phải có đổ máu!

Ta đang nghĩ về những điều cấm kỵ, hay có thể gọi là phản nghịch nếu những điều ấy lộ ra ngoài, tuy nhiên ta biết trong triều vẫn có một số ít những kẻ sĩ có tư tưởng cởi mở như mình, họ biết rằng nếu tiếp thu triệt để những tinh hoa đến từ phương Tây sẽ giúp cho dân ta thịnh vượng muôn đời, điều này đặc biệt khẩn thiết trong bối cảnh chiến tranh hai Đàng đã kéo dài dai dẳng suốt hơn ba chục năm nay mà không phân thắng bại, xóm làng tiêu điều, sức dân kiệt quệ, chưa kể đến nguy cơ từ các thế lực bên ngoài, lợi dụng cảnh nước ta loạn lạc mà tiến hành xâm lấn, vậy thì khốn lắm!

Phương Tây rồi sẽ có ngày vượt xa chúng ta, khi đó nếu họ trở mặt quay sang xâm lược, bấy giờ lấy gì ra mà đỡ? Nghĩ đến đó, trong một thoáng Kim Long bỗng chốc rùng mình kinh sợ.

Phủ doãn thở dài, ngửa mặt lên giời than rằng: bao giờ mới thoát khỏi cái cảnh này đây?

Nãy giờ phu nhân Lệ Thiên Anh vẫn yên vị đọc sách cạnh chồng, hai người ngồi cách nhau chiếc bàn trà. Thấy chồng thở dài, biết là lại nghĩ xa vời, nàng nhả bã trầu vào chiếc ống nhổ bằng đồng, lau miệng rồi nói:

– Ôi dào! Việc mình thì đầy thứ chưa lo, đi kiếm chuyện bao đồng làm gì cho mệt.

Kim Long cau mày nói:

– Đang luận sự đời mà làm mất cả hứng! Mà bà bảo việc chưa lo là việc gì?

– Thì việc học chứ gì nữa! Còn đang sức trẻ thế này sao không quyết chí đỗ đạt để được yết bảng đề danh, lại rảnh rỗi nằm lì cả ngày vậy?  

Phu nhân nói, đoạn nhấp một hớp trà. Kim Long gối đầu lên tay, mắt nhắm, miệng nói:

– Thôi xin! Đã đỗ tới Sĩ vọng rồi còn chưa đủ hay sao? Với tôi thế là tuyệt được đường khoa bảng rồi, còn ham hố gì nữa.”

– Khoa thi đó do Phủ chúa mới mở, tổ chức còn chưa chặt chẽ, học vị lại không rõ ràng nên được ít người coi trọng. Vì thế cho nên xung quanh vẫn đầy kẻ dị nghị về cái chức Phủ doãn của ông đấy!”

– Dị nghị ra sao? – Kim Long nhướng mày.

– Người ta bảo là ông học hành chưa tới nơi, chỉ nhờ có cụ nhà thân với quan trên nên mới được cất nhắc thế vào chức của vị ấy. Đã vậy thì sao mình không quyết chí thi đỗ ông Nghè, ông Trạng cho thiên hạ tâm phục khẩu phục?

Phủ doãn nhếch mép cười khẩy, để lộ hàm răng nhuộm đen bóng.

– Việc bổ quan đã được Bộ Lại giám sát phê chuẩn, mình cứ làm đúng quy trình thì chả phải sợ thằng mẹ nào rì rầm cả. Tiểu nhân thời nào cũng nhung nhúc, chấp không xuể! Cơ mà cứ để lời gièm pha đến được tai ông đây thì chúng nó xác định là đi cả lũ! Nói tóm lại là không có thi cử gì hết!

Hai người không nói gì thêm. Yên lặng một hồi, bỗng dưng thấy ngoài cổng có tiếng đập cửa thình thình, kèm theo tiếng gọi như quát thét:

– Ông Long có nhà không?

Phủ doãn ngồi bật dậy, gõ cái quạt đánh chát xuống sập, sẵng giọng:

– Mẹ kiếp! Cái lão Chiến này lần nào qua đây cũng ầm hết cả lên, làm quan rồi mà vẫn không ra cái thể thống gì cả!

Rồi một tên gia nhân khác lật đật chạy vào, khoanh tay lễ phép thưa:

– Bẩm ông bà, có ngài Đông các Đại học sĩ hạ cố ghé chơi.

– Mày gọi lão vào đây!

Nói đùa là vậy, chứ thực ra ngày đẹp thế này mà lại được gặp cố hữu để hai bên hàn huyên chuyện đời thì còn mong gì hơn nữa. Nghĩ thế, Kim Long liền chỉnh trang y phục, vuốt lại mái tóc xõa dài, lấy mũ bình đính đội vào xong xỏ guốc bước xuống sập, rời phòng nghỉ đi tới gian nhà khách, phu nhân thì vào nhà bếp sai bảo chuyện cơm nước thết đãi hai vị.

Kể đến đây là kết Kỳ 1, về những trăn trở của ông Phủ doãn Hoàng Kim Long trước tình cảnh nguy nan mà xã hội phong kiến lạc hậu phải đối diện khi tiếp xúc với khoa học kỹ thuật hiện đại Tây phương. Liệu những suy tư trăn trở của ông có được giải quyết sau cuộc hàn huyên với vị Đông các Đại học sĩ vừa ghé thăm hay không, mời các bạn cùng đón xem kỳ 2 của Truyện ngắn: Giấc mộng kẻ sĩ.

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Chia sẻ câu chuyện này
Share