Trong những hiện vật còn sót lại của triều Nguyễn đến ngày nay, bộ giác cung của vua Đồng Khánh có thể xem là một trong những hiện vật có giá trị khảo cứu quan trọng. Đặc biệt là trong nghiên cứu về kỹ nghệ chế tác vũ khí hoàng cung nói riêng và truyền thống cung thuật ngàn năm của Việt Nam nói chung.
Hơn ngàn năm qua, chiến tranh luôn là những chương lịch sử không thể xóa nhòa trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Với vị trí địa lý mang tính chiến lược, không khó để hình dung về việc Việt Nam thường xuyên trở thành mục tiêu dòm ngó của các thế lực bên trong lẫn ngoài khu vực. Vì vậy, việc phát triển các kỹ thuật quân sự luôn là một vấn đề quan trọng đối với bất kỳ chính quyền nào ở Việt Nam.
Với trọng lượng nhẹ, cơ động và dễ chế tạo, từ một công cụ sinh tồn, cung tên nhanh chóng trở thành một thứ vũ khí có ý nghĩa quan trọng trên chiến trường trước khi hỏa khí xuất hiện. Do vậy nên từ rất sớm, cung tên đã được trang bị rộng rãi trong quân đội các nước. Lịch sử nhân loại ghi nhận không ít các dân tộc, quốc gia đã được thành lập hay thậm chí vươn mình trở thành những đế quốc vĩ đại nhờ sức mạnh đến từ những bộ cung tên, và Việt Nam cũng không nằm ngoài lẽ đó.
Lịch sử của nền cung thuật Việt Nam đã có từ ngàn xưa. Tuy nhiên, do những biến cố thăng trầm của lịch sử mà đến nay, những cứ liệu về cung tiễn Việt Nam là không còn nhiều. Trong những hiện vật còn sót lại, bộ giác cung của vua Đồng Khánh có thể xem là hiện vật quan trọng nhất trong việc khảo cứu về truyền thống cung thuật ngàn năm của Việt Nam. Bộ cung tên này thuộc sở hữu của vua Đồng Khánh, vị vua thứ 9 của nhà Nguyễn, cai trị từ năm 1885 đến 1889. Tính tới thời điểm hiện tại, đây là bộ cung tên Việt Nam có niên đại rõ ràng và trình độ chế tác tốt nhất.
Sở dĩ gọi là giác cung 角弓 là bởi cây cung này được chế tác bằng vật liệu phức hợp với thành phần quan trọng nhất là sừng trâu. Nó được dùng để tăng lực nén và sức bật của cánh cung. Cùng với những thành phần khác như gỗ và gân động vật, chúng tạo nên một cây cung hoàn thiện và có lực bắn mạnh mẽ. Đây là loại vật liệu phổ biến cấu tạo nên những loại cung tên lừng danh trong lịch sử. Từ những đế quốc rộng lớn như Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ hay Mãn Châu cho đến những quốc gia như Triều Tiên. Tất cả đều có điểm chung là sử dụng vật liệu phức hợp sừng trâu để chế tạo cung tên sử dụng trong quân đội.
Tại Việt Nam, những dấu vết còn lại trong sử sách cho thấy khả năng giác cung đã được sử dụng từ thời Trần hoặc có thể sớm hơn. Dưới thời Lê, giác cung đã được sử dụng rộng rãi trong quân đội. Sách Lê triều hội điển ghi nhận lại việc triều đình cho thu nạp sừng và da trâu để chế tác đồ quân dụng. Đồng thời, sách cũng ghi nhận về một loại “cung nỏ sừng trăng xuân”. Tiếc rằng đến nay vẫn chưa khảo cứu được cụ thể về cấu tạo của loại cung này.
Dưới thời Nguyễn, sách Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ cũng ghi nhận việc triều đình trang bị cho mỗi vệ khinh kỵ, phi kỵ, kiêu kỵ 9 bộ Tài cung, về sau tăng thêm 10 bộ Thanh giốc cung. Trong đó, Tài cung có khả năng là loại cung được làm bằng gỗ. Còn Thanh giốc cung khả năng là một loại cung sừng (1).
Tính đến hiện nay, giác cung Đồng Khánh vẫn là cây giác cung duy nhất của nhà Nguyễn còn tồn tại. Bộ cung ban đầu được trưng bày ở lăng vua Đồng Khánh, về sau được chuyển về trưng bày và lưu trữ tại bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Về tính chất, do đây là bộ cung thuộc sở hữu của hoàng đế nên có thể khẳng định nó được chế tác để phục vụ cho thú vui săn bắn của nhà vua. Thế nhưng, dựa trên kiểu dáng và cấu tạo của cánh cung, nó cho thấy rằng cây cung này có sự kế thừa rõ rệt từ kết cấu của cung trận từ những thời kỳ trước. Với đặc trưng là phần tay cầm hình trụ tròn ở giữa thân cung. Đây là chi tiết thường thấy trong các tranh cổ lẫn hiện vật thực tế.
Trong các bức tranh cổ còn sót lại từ thời Lê trung hưng, hình ảnh những người lính sử dụng cung tên có phần tay cầm hình trụ tròn trong luyện tập lẫn chiến đấu là một chi tiết phổ biến. Hiện vật cung Việt xưa nhất có cấu tạo như thế này chính là 2 cây cung thời Lê trung hưng đang được trưng bày ở Hà Lan. Kiểu dáng này phổ biến đến nổi, một số loại cung gỗ ở tận cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 cũng có kết cấu tương tự.
Tuy nhiên, so với 2 cây cung Lê trung hưng trưng bày ở Hà Lan thì cây cung của vua Đồng Khánh có phần cánh cung dài và hẹp hơn. Đồng thời, phần sừng trâu được sử dụng làm cánh cung cũng là loại đặc biệt với cấu tạo bề mặt có hình vân đuôi hổ. Đây là một loại sừng trâu rất quý hiếm và thường được sử dụng để chế tạo cung tên cho quý tộc và hoàng gia ở các nước như Triều Tiên, Trung Quốc,…
Bên cạnh đó, dù đã trả qua hơn 100 năm nhưng tình trạng hiện tại của cây cung vẫn rất tốt. Những hiện tượng như bong tróc, tách lớp không xuất hiện trên bề mặt thân cung. Điều này cho thấy kỹ nghệ chế tác của nghệ nhân đương thời là cực kỳ tốt. Tựu trung, có thể nhận thấy rằng, bộ giác cung của vua Đồng Khánh là một sản phẩm kết hợp của những yếu tố kỹ thuật quân sự truyền thống cùng với kỹ nghệ chế tác cung đình bậc thầy của Việt Nam.
Về kỹ thuật bắn cung, do thiếu thốn tư liệu nên hiện nay chúng ta vẫn chưa thể xác định được kỹ thuật chính xác được sử dụng để bắn cung của vua Đồng Khánh nói riêng và cung truyền thống Việt Nam nói chung. Nhưng dựa trên những vết tích còn sót lại thông qua tranh ảnh và tư liệu, đặc biệt là bức ảnh người Pháp chụp vua Đồng Khánh cầm cung ngồi ngự trên xe, chúng ta có thể suy đoán rằng kỹ thuật bắn cung được sử dụng có nhiều điểm tương đồng với kỹ thuật bắn cung truyền thống của Mông Cổ, Mãn Châu hay các nước châu Á nói chung.
Điểm đặc trưng của kỹ thuật này nằm ở việc, tay kéo cung của xạ thủ sẽ đeo một thiết bị hỗ trợ (thường có hình chiếc nhẫn) , thường được gọi là hộ tiễn, ở vào ngón tay cái khi kéo dây cung. Do kỹ thuật này tập trung phần lớn lực vào hai ngón tay cái và trỏ để giữ dây cung nên để tránh va chạm và chấn thương, ngón tay cái phải đeo hộ tiễn để bảo vệ. Trong bức ảnh chụp vua Đồng Khánh, ta có thể thấy được dấu vết của chiếc nhẫn hộ tiễn ở ngón tay phải của nhà vua. Nếu suy đoán trên là đúng thì nhiều khả năng đây cũng là kỹ thuật bắn cung được sử dụng phổ biến tại Việt Nam trong quá khứ.
Trải qua hơn 100 năm tồn tại, nhưng có nhiều vấn đề xoay quanh cây giác cung của vua Đồng Khánh vẫn chưa được giải đáp. Đồng Khánh không phải là một vị vua vĩ đại, thậm chí hành trạng ông có thể xem như một vết nhơ trong lịch sử Việt Nam. Tuy vậy, ở một khía cạnh khác, những thứ liên quan đến ông có thể trở thành những cứ liệu quan trọng để hé mở, chứng minh hay thậm chí là giải quyết những khuất mắt của hậu thế về những giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc. Giác cung Đồng Khánh vì vậy cần được nhìn đúng đắn hơn về vai trò trong công tác nghiên cứu về lịch sử khoa học quân sự lẫn kỹ nghệ chế tác truyền thống Việt Nam, thay vì chỉ là di vật của một vị vua thân Pháp.