Võ sư Đinh Tuấn nhớ lại:
Ở xứ võ Tây Sơn, khi thời kỳ che giấu thân phận đã qua, người dân luôn náo nức xem biểu diễn bài 12 trống, lý do rất đặc biệt: bản nhạc mà người nghệ sĩ biểu diễn tung hoành bên dàn trống, vận dụng cả tứ pháp và thế, bộ của võ thuật rất uyển chuyển, liên hoàn ấy không chỉ gợi lại hào khí một thời mà như còn vương vất hình hài của một môn võ đã thất truyền ngay trên quê hương của nó: môn Võ trống.
Vị võ sư già không quên lúc thiếu thời, khi còn thọ giáo ba vị võ sư nổi danh làng võ là Đinh Hề, Hồ Ngạnh và Ấm Hổ, ông đã được các thầy chỉ dạy cho chiêu luyện tứ pháp bằng mấy chục cái… mô hình trống uốn bằng vành tre treo nơi góc vườn.
Thầy dạy: Môn luyện võ bằng trống ngày xưa coi những chiếc trống quanh mình là đối thủ, khi xoay trở, thủ, công phải vận dụng linh hoạt tứ pháp gồm: thân pháp, thủ pháp, bộ pháp và nhãn pháp, cùng phương châm “túc bất ly địa, thủ bất ly thân”.
Khi trò luyện võ, người thầy chỉ cần lắng nghe tiếng trống là lượng được võ công của người học. Cách luyện võ này được coi là đặc dị, nhưng không kém phần vi diệu bởi công năng tuyệt vời của nó. Khi nhà Tây Sơn cùng môn phái võ lui vào bóng tối, việc luyện võ bằng trống cũng phải rút bước âm thầm để bảo toàn cho môn phái, bằng cách sử dụng những vành tre không phát ra tiếng động.
Khi được nhiều thế hệ nghệ nhân tham gia biểu diễn và bồi đắp, sáng tạo thêm, khúc nhạc lễ cổ truyền đã phát triển lên một tầm cao mới. Bài nhạc lễ ba hồi chín đoạn xưa, chỉ có một trống cùng dàn khí nhạc, nay được phối âm cho 12 trống và chia thành năm khúc thức, đặt tên theo nội dung tiết tấu từng phần gồm: tập binh, hành quân, xung trận, phá thành và khải hoàn.
Bản nhạc mang kết cấu như một vở nhạc kịch, mô tả không khí chiến trận với sự kết hợp khéo léo giữa bộ hơi và bộ gõ, tạo nên sự đa tầng, đa dạng trong phối âm, đưa nội dung thể hiện ngày càng đến gần với sự hoàn mỹ. Từ một bản nhạc tế chỉ tấu lên mỗi dịp vọng linh xưa, ngày nay bài Đả thập nhị cổ đã được nhiều thế hệ tham gia sáng tạo, biến thể thành một tác phẩm mang dáng dấp sử thi, như một “bản anh hùng ca”.
Với cách thức biểu diễn hòa quyện giữa chất võ và chất hội, bài nhạc đem đến cho người xem những cảm thức đặc biệt và mới lạ. Hiện nay bài nhạc mang nhiều tên gọi: Trống trận Quang Trung, Bài 12 trống, hay đơn giản chỉ gọi là bài Nhạc võ.
Ở Bảo tàng Quang Trung, nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận là người biểu diễn thành công nhất bản nhạc trống mang hồn chiến trận. Bà không phải là võ sư, cũng không phải là cháu chín đời của người đánh trống trận Quang Trung ngày xưa như người ta đồn thổi mà chỉ là một nông dân làng Kiên Mỹ, con gái của người chơi nhạc lễ ở Đền Tây Sơn Tam Kiệt trước kia.
Năm mươi năm trước, khi không gian tế lễ còn là chốn cấm kỵ với đàn bà con gái, cha bà vì không có con trai nối dõi nên đã cùng người bạn trong ban nhạc lễ truyền nghề cho đứa con gái út mới lên sáu tuổi. Ông đã không ngại ngần khi đặt vào tay cô con gái bé nhỏ đôi dùi, với sứ mệnh làm người lưu giữ ký ức hào hùng của quê hương qua tiếng trống.
Khi tuổi đã cao, bà Thuận gắng truyền nghề cho hai nữ võ sinh trẻ trong Đội diễn võ Bảo tàng Quang Trung. Một trong hai thiếu nữ ấy là con gái bà. Cũng thật hay, cái nghề này thời trước chỉ dành cho nam giới, nay lại “vượng” theo cách… mẹ truyền con nối. Âu cũng là chuyện bình thường ở đất võ, nơi gái cũng như trai thông thạo từng đường roi, nét thảo.