[Truyện ngắn] Giấc mộng kẻ sĩ – Kỳ 2

Tác giả Hưng Lê
[Truyện ngắn] Giấc mộng kẻ sĩ – Kỳ 2

Lại nói kỳ 1, cái thời còn “thanh thanh tử khâm” dưới mái trường Quốc Tử, Hà Hải Chiến và Hoàng Kim Long cùng chơi thân trong một hội năm người, về sau ai cũng theo chốn quan trường, phân tán mỗi kẻ một nơi, chỉ còn lại hai ông bạn này là còn thân nhau tới giờ. Hải Chiến vốn là người trí tuệ mẫn tiệp, học theo lối không trọng sách vở mà vẫn đỗ tới Hoàng giáp, đến năm Kỷ Hợi triều đình mở khoa Đông các, Hải Chiến ứng thí rồi đỗ luôn Đại học sĩ, nhưng vì không ham vòng danh lợi nên chỉ nhận lấy việc thị giảng và viết lách.

Phủ doãn dạo bước trên con đường lát đá, trải qua mấy dãy nhà gác cùng vài khoảnh ao vườn mới tới được hiên phòng khách, tại đó thấy Học sĩ đã đứng trước cửa chờ mình, sau lưng có đám tùy tùng theo hầu, tay xách mấy gói quà bọc lụa. Kim Long trông bạn khang khác trước, nước da trắng bệch, mắt hơi dại đi, râu ria bắt đầu mọc lởm chởm, hẳn là do tên này thường xuyên giam mình trong phòng mà làm việc với chữ nghĩa nên mới thành vậy. Nhưng coi tướng mạo còn vượng, vẻ hào sảng vô tư hiện trên nét mặt không khác thời niên thiếu, vẫn đích thị là bạn hữu năm xưa. 

Chủ, khách cùng vái chào, niềm nở hỏi han xã giao rồi dắt nhau ngồi vào bàn trà. Trên chiếc bàn lớn chạm trổ tinh xảo đã bày sẵn đồ cúng lễ, tên gia nhân khi nãy kính cẩn rót nước trà nóng hổi vào hai chiếc chén khảm xà cừ óng ánh, xong lui về phía sau chủ chắp tay chờ việc sai bảo. Hai vị ngồi hưởng lộc một hồi, Đại học sĩ mới mở đầu câu chuyện:

– Tôi vừa từ nhà một người bà con về, tiện đường qua đây xin ông bạn hớp nước. Là tên anh họ vừa đi đánh trận năm ngoái, hôm nay mới có dịp tới thăm, được nghe hắn kể nhiều chuyện chiến trường, thật là khác xa mình tưởng nhiều.

– Ồ, hẳn là thú vị lắm! – Phủ doãn cảm thán.

– Đúng đấy! Như ông bạn cũng biết thì năm qua Thế tử lãnh binh chiếm lại được bảy huyện bị mất, anh họ tôi đầu quân cho ngài. Việc tiến binh chung quy là thuận lợi, chỉ tới khi đánh đến lũy Hoành Sơn thì mới thực là sa vào chốn địa ngục vậy! 

Cái dãy ấy là nơi ô châu ác địa, khó khăn lắm quân mới vào được sâu trong núi, liền bắt gặp trận địa lũy thành của tên Nguyễn Hữu Tiến, ta sắp sửa công thành thì lại bị phục binh của Nguyễn Hữu Dật đánh úp. Cũng may là quân ta đông, lại đang đà thắng nên hăng hái xung trận, hai phe lao vào nhau mặc sức chém giết. Gươm đao khua lưỡi, tay chân rụng rời. Thần công nã đạn, thịt nát xương tan. Địch, ta đều thiệt hại nặng, tên Hữu Dật phải dồn quân vào trong lũy cố thủ. Bấy giờ còn hăng sức, Thế tử liền hạ lệnh đánh lũy. Quân xung kích được pháo binh yểm trợ, kẻ cầm khiên, kẻ nấp sau tượng binh tiến lên áp sát chân thành rồi quăng vào đó hàng khối thuốc nổ. 

Chiến trận diễn biến tàn khốc, có thớt voi bị đại bác địch phạt bay mất nửa cái đầu, loạng choạng ngã đè lên quân mình, có tên lính bị hỏa mai bắn trúng dây pháo, làm nổ banh xác cả đám xung quanh. Mãi rồi cũng gom được thành một cái bộc phá lớn, ném vào một mồi lửa thì bùng lên tiếng nổ đinh tai, bụi tung mù mịt. Bức tường vỡ toác ra một hố tròn. Sau đó, nửa tường phía trên lại sụp xuống thế chỗ. Quân ta vừa sức leo qua được đống đổ nát ấy. Tuy nhiên, việc lại không đơn giản vậy. 

Phía sau vết nứt, quân Nguyễn bố trí chiến hào như mê cung, súng ống chĩa ra dày đặc. Kẻ nào mới chớm trèo được qua thì liền bị tiểu pháo phanh thây ngay. Hàng bao nhiêu tốp lính cứ leo lên rồi ngã xuống, trên thân chi chít lỗ đạn rỉ máu. Tên này cố sức trèo qua thây tên kia rồi rốt cục cũng nằm lại đó, tạo thành một gò xác bịt luôn vết lũy nứt. Quân ta vài lần cho nổ được thêm các vết nứt khác, nhưng rồi cũng đều xảy ra cảnh tương tự, lính tráng mãi không công được cũng dần ngã lòng. 

Lại nói về người anh họ tôi, hắn nhận lệnh chỉ huy đội tiên phong vác bao đất chất chồng lên nhau tạo thành bậc thang dẫn lên lũy. Không khí sặc mùi thuốc súng lẫn mùi tử thi. Tiếng đạn pháo rền vang như sấm át luôn tiếng quân binh kêu gào. Xung quanh rừng cây tan hoang, nhiều phần gãy đổ, nhiều phần cháy rụi. 

Bỗng dưng trời đổ cơn dông. Tiếng súng liền ngưng bặt do không bắn được. Anh họ tôi cùng chiến hữu phải lội qua hàng vũng đỏ ngầu tanh tưởi đến lợm giọng, dùng cả tứ chi mới leo nổi cái thang bằng bao đất trơn tuột đó. Rồi lại gặp cảnh người chết sõng soài, vài kẻ còn thoi thóp rên rỉ, run rẩy giơ tay cầu cứu. Lên được tới đỉnh, anh tôi tuốt gươm xông trận thì liền bị một mũi tên bắn xuyên qua vai, ngã lăn xuống chân thành ngất đi. 

Lúc tỉnh dậy, hắn thấy mình đã nằm trong trại thươn. Chân gãy vai đau đều băng bó xong xuôi. Xung quanh bệnh binh nằm la liệt. Nghe họ kể lại thì khi ấy lực lượng hai bên đã kiệt quệ nên các tướng đều chấp nhận dừng binh, cho phép quân địch thu dọn tử sĩ. Ông anh được người ta lôi ra từ đống thây người. Lúc đó trông chẳng khác nào miếng thịt nhúng vào bát tiết cả!

Hải Chiến kể xong, Kim Long nghe không sót chi tiết nào, gật đầu thở dài:

– Quả là trước giờ ta vẫn nghĩ chiến trường là chốn kiêu hãnh, nơi các anh hùng quên mình lập công, mà nghe ông bạn kể mới biết là kẻ nào hiến thân vào đó thì cũng chỉ rước lấy thảm cảnh suốt đời thôi!

– Đúng vậy, nhưng mà nay tôi tới thấy tên anh họ vẫn còn lạc quan lắm! Hắn tự cho mình là may mắn khi mà về nhà vẫn còn cuốc đất cấy cày được, chứ như nhiều tên đã tàn phế rồi thì suốt đời này chỉ nằm một chỗ ăn bám vợ con thôi. Thế chẳng phải “may” hay sao! Đấy là còn chưa kể tới những kẻ không cam nổi đau đớn phải bỏ xác dọc đường về đấy!

Hai vị lặng yên nhấp trà suy ngẫm. Một lúc sau, Phủ doãn nói sang chuyện khác:

– Sớm hôm trước, tôi nhận lệnh dẫn lính túc vệ ra chặn các bến sông ngăn tàu bè qua lại, thấy bách đội thủy quân chèo tới hò reo liệt trận, trên các bãi tập thì tinh kỳ Trịnh gia tung bay rợp trời, bộ binh giáp phục chỉnh tề dàn hàng đánh trống khua chiêng, thêm vài tốp pháo thủ, xạ thủ nổ súng đinh tai nhức óc, lại có đàn tượng binh tới vài trăm con đua nhau công phá trận lũy giả. Hẳn là Chúa thượng lại sắp sửa xuất quân Nam chinh lần nữa phỏng?

Hải Chiến nhấm nháp quả vải, chiêu bằng hớp trà, xong gật đầu đáp:

– Phải, dự là mùa đông năm nay sẽ khởi binh. Tây Định vương thường ngự ở lầu Ngũ Long coi việc tập trận, tiếp tục phong Thế tử Căn làm nguyên soái thống lĩnh đại quân, lại cho vời bọn sĩ phu chúng tôi tới bàn kế tiễu trừ chúa Nguyễn. Trận sắp tới chắc là đánh nhau to. Thánh thượng còn tính rước theo Thiên tử ra chiến trường để thị uy với quân địch đó.

Kim Long xoa xoa tay cười:

– Chà chà, ông bạn học rộng tài cao, chắc là đã dâng lên được kế sách gì hay ho chăng?

– Thiên cơ bất khả lộ!

Kim Long gật gù vẻ thán phục, làm Hải Chiến phì cười. Lấy ngón cái cọ cọ lên hàm răng đen như đang suy tính điều gì, rồi lại thở dài nói:

– Đùa thế thôi, nói chung là khó ăn lắm! Các võ tướng của ta ngày trước hùng hổ là thế mà sau bao lần thất trận cũng đã nhụt chí đi nhiều. Phải công nhận dòng chúa Nguyễn toàn những bậc thiên hạ anh hùng chứ không phải xoàng đâu. Hồi trước ta bị họ chiếm đất mà cũng phải chật vật năm năm mới lấy lại được, cũng may là nhờ có vương tử Trịnh Căn xuất thế, mới trạc tuổi anh em mình mà đã chiến công hiển hách, văn chương điêu luyện, thực là kỳ tích có thể sánh được với Thánh Tông Hoàng đế vậy.

Nghe thế, Phủ doãn liền trở giọng gay gắt:

– Bậy nào! Thời Hồng Đức đã chạm tới đỉnh cao của văn hiến Đại Việt rồi, không thể so sánh khập khiễng thế được! Ông chúa con này lại có quá khứ bất hảo, từng bị tống giam do làm điều bậy, rồi dùng trò xảo quyệt mà thoát được tội, đó là một vết nhơ không dễ gì tẩy được.

Hải Chiến chép miệng:

– Thôi, chuyện đời hãy để lịch sử định đoạt. À này, Ngự sử đài mới soạn tờ khải dâng chúa, nội dung bàn việc đình chiến với Đàng Trong để khôi phục sức nước, được kha khá người đồng tình. Vậy là phen này chắc thiên hạ phải chia đôi lâu dài đấy!

– Nhưng tôi trông thế quân ta còn thịnh lắm, chưa dễ gì buông ngay tham vọng được đâu, chỉ tới khi cả hai bên đều sức cùng lực kiệt thì chuyện hòa hoãn may ra mới thực hiện được.

Hải Chiến gật gù:

– Ông bạn nói cũng đúng. Tóm lại là cái nạn này tôi xin nhường cho các bậc hào kiệt lo việc dẹp yên, còn đám nho sĩ chúng ta suốt đời chỉ biết tới văn chương, cũng chả được cái nước gì đâu!

Nghe bạn nói vậy, Phủ doãn chợt nhớ ra cái nỗi trăn trở ban nãy, hỏi rằng:

– Ông bạn thấy phương Tây thế nào?

Hải Chiến uống xong, đặt chén trà xuống bàn rồi chép miệng mấy cái, nói giọng thảnh thơi:

– Bọn nó khá đấy! Thật cũng khó mà tưởng tượng nổi cảnh sống trong một xã hội mà giới sĩ phu và thương nhân đã giành việc cầm quyền, còn lãnh chúa quý tộc thì chỉ còn hữu danh vô thực. Lạ lẫm làm sao!

– Có vẻ nhà nước của chúng đã tiến bộ hơn ta nhiều. Kẻ nào qua đây cũng tài sản kếch xù, học vấn lại uyên bác lắm, mà còn biết đủ thứ đông tây kim cổ chứ không chỉ chuộng chữ nghĩa suông như bọn Nho gia anh em mình. Vậy nếu mình thử mua lấy cái trí tuệ của họ về mà dạy dân ta thì chẳng phải nước Việt một bước hóa rồng hay sao? – Kim Long nói giọng hồ hởi.

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng

Hải Chiến lắc đầu:

– Không phải lệnh trên chưa từng nghĩ tới chuyện đó. Như đức Văn Tổ Nghị vương ngày trước cũng tỏ niềm yêu thích với khoa học Âu châu, nhưng lệnh cho các sĩ phu nghiên cứu thì ít người mặn mà, nhiều kẻ thoái thác, chưa kể đến cái triết học của họ cũng chứa nhiều điều cấm kỵ với giáo lý phương Đông. Ngay cả Chúa thượng mà tin theo những điều ấy thì cũng sẽ bị thiên hạ quay lưng thôi. Cho nên việc du nhập kiến thức xảy ra những mâu thuẫn khó mà hòa hợp. Mà những kẻ tới đây thị giảng thì cũng chẳng phải hạng tốt đẹp gì cho cam, như tên giáo sĩ Đắc Lộ đi dạy đạo Thiên Chúa mà lại nói xuyên tạc đạo Nho và đạo Phật. Đó là mưu đồ xâm lược về tư tưởng cực kỳ hiểm độc. Nếu ta bất cẩn thì chẳng cần đánh nhau cũng mất nước như chơi!

Kim Long xua tay nói:

– Mấy thứ giáo điều đối với tôi chẳng quan trọng lắm. Chỉ cần quan tâm làm thế nào tạo ra được lượng của cải khổng lồ như họ thôi.

– Vậy để tôi nói ông bạn nghe, bản chất của sự giàu có này hoàn toàn là nhờ vào hoạt động thực dân đó, đám cầm quyền lập nên những tổ chức gọi là các Công ty Đông Ấn, đem quân chiếm giữ những tuyến hải trình giao thương chiến lược, đồng thời tăng cường xâm lăng và bóc lột những dân tộc lạc hậu. Thế nước ta còn tương đối giàu mạnh nên chúng chưa tiện động thủ, nhưng lợi dụng chiến tranh liên miên, chúng bán vũ khí cho cả hai Đàng rồi đứng ngoài làm ngư ông đắc lợi, đó chính là bộ mặt thật của cái thời đại tiến bộ này đấy!

– Nhưng hẳn là ở trời Tây người ta sống no đủ lắm! – Kim Long vẫn cố sức bám vào lý tưởng của mình.

– Ôi dào, người giàu thì ở đâu chả sướng! Còn bình dân bên đấy cũng không an vui hơn bên mình là bao đâu! Tôi nhiều lần nói chuyện với đám thủy thủ người Tây. Có nhiều tên không biết đọc. Gia cảnh nơi quê nhà thì chẳng mấy dễ chịu, thuế má nặng nề. Những kẻ này phải chắt bóp từng miếng ăn, đồng bạc mang về nuôi vợ con. Vậy thì cái sự tiến bộ của chúng có chăng cũng chỉ là việc thay thế những kẻ bóc lột bạo tàn thành những kẻ bóc lột hiền lành hơn một chút mà thôi!

Kim Long xoa cằm ngẫm một hồi, lại nói:

– Tôi có ý tưởng về một thời đại không còn kẻ trên người dưới. Tất cả đều ngang bằng, giàu có và bác học. Liệu rằng có thể xảy ra hay không?

– Ai biết? Nhưng xét điều kiện hiện thời mà suy ra thì ý tưởng của ông bạn là bất khả. Hãy thử tưởng tượng đứng trước mặt chúa mà nói câu “mọi người sinh ra đều bình đẳng” xem, lại chẳng bay ngay cái đầu ấy chứ!

Kim Long thở dài, ngửa mặt lên giời mà than rằng:

– Đến bao giờ ta mới thoát kiếp khốn nạn này đây?

Thấy thế, Hải Chiến vỗ vai bạn, cười rằng:

– Thôi ông bạn đừng bận tâm điều xa vời đó nữa! Rốt cục thì thế giới mà ta biết cũng chỉ quay quanh cái xứ Kẻ Chợ này thôi. Mà Kẻ Chợ đã là thắng địa rồng chầu hổ phục, là điểm hội tụ tinh hoa đất trời, chúng dân ai nấy đều gấm vóc lụa là, nhà cửa khang trang, vậy chẳng phải cái “thế giới” của ta tươi đẹp quá hay sao? Ông bạn xuất thân vọng tộc, làm Phụng Thiên Phủ doãn cai quản đô thị sầm uất bậc nhất thiên hạ, lại còn lấy được giai nhân đất kinh kỳ sắc nước hương trời, đó là cuộc đời mà triệu kẻ mơ ước, còn chê khốn nạn là sao?

– Ừ, không làm được gì thì cứ kệ đi mà sống vậy! – Kim Long mỉm cười.

Phu nhân Phủ doãn bước vào, theo sau là ba nữ hầu bưng mâm cơm đặt lên bàn, cúi đầu mời khách rồi lại lui ra. Hai ông bạn ăn uống no say, bỏ quên thế sự mà ôn lại chuyện cũ. 

– À, tiện tôi hỏi thăm luôn tình hình chúng bạn năm xưa. Ông bạn làm quan trong triều, chắc cũng thường xuyên gặp gỡ?

Hải Chiến nói:

– Không hẳn thường xuyên. Mỗi người một việc nên khó mà ngồi đàm đạo với nhau được. Nếu cùng vào chầu thì cũng chỉ chào hỏi xã giao rồi thôi. Đinh Thủy Luật năm kia đi làm quan Xứ Đoài, biệt tích luôn rồi. Lê Đại Hùng đúng là thằng số hưởng. Mới lên chức Đề hình Ngự sử, lại là tay chân thân tín với quan Thiêm đô Ngự sử nên được cụ gả cho ái nữ độc nhất rồi trao luôn cả cơ ngơi. Vũ Huyền Quang thì hiển nhiên vẫn là kẻ kiệt xuất nhất, đã làm tới Thị lang Bộ Hình, trật tòng tam phẩm rồi.

Chuyện phiếm hồi lâu, xong Kim Long nói điều sau rốt:

– Vậy là vai trò của chúng ta đã hết. Mọi điều phản kháng thế cuộc đều là vô nghĩa. Công cuộc thay đổi thời đại xin nhường lại cho các bậc anh hùng dân tộc. Tôi và ông bạn đây chẳng thể làm gì hơn ngoài việc an phận thả mình vào vòng quay số mệnh mà chờ đợi phép màu xảy đến với xứ sở Đại Việt một ngày nào đó. Nhưng việc chờ đợi này chắc sẽ gian nan đấy, cũng không nên kỳ vọng nhiều…

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

HẾT.

Chia sẻ câu chuyện này
Share