Chuyện Quốc ngữ: Di sản của người Pháp hay của người Bồ Đào Nha? – Kỳ 2

Tác giả Tường Vân
Chuyện Quốc ngữ: Di sản của người Pháp hay của người Bồ Đào Nha? – Kỳ 2

Từ những vị thừa sai tiên phong

Trong số các vị tu sĩ Dòng Tên có mặt sớm nhất tại Đàng Trong, linh mục Francisco de Pina (người Bồ Đào Nha) là người đầu tiên thông thạo tiếng Việt, và cũng là người say mê theo đuổi việc xây dựng quy tắc ngữ âm, ngữ pháp cho chữ Quốc ngữ đến trọn đời. Mục đích của ông không gì hơn là đưa ra một hệ thống ngôn ngữ bản địa thuần khiết, không bị pha tạp như hiện tượng lai ngôn ngữ tại phố cảng Hội An, để giảng đạo cho dân chúng và tạo điều kiện cho những giáo sĩ nước ngoài học tiếng Việt được dễ dàng hơn.

Francisco de Pina
Francisco de Pina

Trên thực tế, việc xây dựng một hệ thống ngôn ngữ thuần khiết như vậy đòi hỏi người thiết kế phải có trình độ hiểu biết về ngôn ngữ học rất cao, vì hệ thống đó phải bao gồm vốn từ vựng chuẩn xác và cú pháp chặt chẽ. Vào thời của Francisco de Pina, tiếng Bồ Đào Nha đã đạt tới trình độ hoàn thiện nhất định, với nhiều nghiên cứu có ích về ngữ pháp và quy tắc chính tả. Là một ngôn ngữ gốc Latin, tiếng Bồ sử dụng tiếng Latin làm hệ quy chiếu khi tiến hành hiện đại hóa vì tiếng Latin rất chặt chẽ cả về chính tả và ngữ pháp. Mô hình tiếng Bồ hoàn thiện này hẳn đã gợi ý nhiều cho Francisco de Pina trong quá trình Latin hóa tiếng Việt.

Bên cạnh đó, cũng không thể bỏ qua những công trình nghiên cứu ngôn ngữ phương Đông thông qua những chuyến du hành trên biển của người Bồ Đào Nha trong một quãng thời gian dài. Vào khoảng thế kỷ 16, đã xuất hiện bản ghi chép ngữ pháp tiếng Tamil (một ngôn ngữ Ấn Độ), ngữ pháp tiếng Brazil bản địa, và cả những nghiên cứu ban đầu về ngữ pháp tiếng Trung QuốcNhật Bản của các đoàn truyền giáo nước Bồ. Kiến thức và kinh nghiệm của những người đi trước đã góp phần làm phong phú thêm hiểu biết của linh mục Pina về ngữ âm học, đặc biệt là mô hình Romaji trong tiếng Nhật đã giúp ông rất nhiều trong việc ký âm tiếng Việt sau này. 

Cũng cần nói thêm rằng, Francisco de Pina được đào tạo bài bản tại Học viện Macau với mục tiêu đi truyền giáo tại Nhật Bản. Tại Học viện, ông chắc chắn đã học và tiếp xúc nhiều với tiếng Nhật. Tuy nhiên, vì chính sách cấm đạo tại Nhật mà linh mục Pina phải đổi hướng tới Đàng Trong, biến cố này chính là may mắn hiếm có đã thay đổi một phần lịch sử chữ viết tại Việt Nam, bởi với vốn kiến thức sẵn có về mô hình Romaji trong ký âm tiếng Nhật cùng ngữ pháp tiếng Latin và tiếng Bồ, linh mục Pina đã thành công bước đầu trong việc Latin hóa chữ cái Việt.

Một bản di cảo của giáo sĩ Pina
Pina đánh dấu thanh tiếng Việt bằng khuôn nhạc

Cần lưu ý rằng, công trình ngôn ngữ học của linh mục Pina không tiến hành trong đơn độc, ông còn cộng tác với rất nhiều người bản xứ khác, gồm những thiếu niên Việt Nam trong vai trò phụ tá phục vụ công việc nhà thờ, và cả các nhà Nho, các lãnh đạo tôn giáo (đạo Phật, đạo Lão) mà trong đó có những người tự nguyện cải đạo. Qua trao đổi, tiếp xúc với những cộng tác viên này, Francisco de Pina đã có được thành tựu đầu tiên là cuốn tiểu luận về chính tả và các thanh điệu tiếng Việt, cũng như soạn một hồ sơ tài liệu để viết một cuốn ngữ pháp đầy đủ. Thật đáng tiếc, cuốn tiểu luận và hồ sơ tài liệu đó đã thất lạc một cách bí ẩn, nhưng những học trò của ông tại Kẻ Chàm là António de Fontes (người Bồ Đào Nha) và Alexandre de Rhodes đã ít nhiều tiếp thu thành quả của người thầy, và tới lượt họ cũng có những đóng góp quan trọng cho chữ Quốc ngữ sau này.

Ngoài linh mục Pina, xứ Đàng Trong cùng thời kỳ cũng có một vị thừa sai khác rất rành tiếng Việt là Cristoforo Borri (người Ý). Tuy không chia sẻ niềm say mê Việt ngữ với Pina, nhưng cha Borri là người châu Âu đầu tiên viết một cuốn hồi ký tương đối dài về xứ Đàng Trong thế kỷ 17, với cái tên cũng dài không kém Ký sự về sứ mệnh mới của các nhà truyền giáo Dòng Tên ở xứ Đàng Trong

Trong cuốn ký sự này, ta bắt gặp một số danh từ được Latin hóa, như “Quignin” (Quy Nhơn) hay “Onsaij” (Ông sãi). Đặc biệt ông còn ghi lại đầy đủ hai câu tiếng Việt dưới dạng chữ Quốc ngữ sơ khai như sau: “Con gnoo muon bau tlom laom Hoalaom chiam” (Con nhỏ muốn vào trong lòng Hoa Lang chăng) và “Muon bau dau christiam chiam” (Muốn vào đạo Christiam chăng). Dù vẫn chưa có dấu, nhưng có thể thấy các từ tiếng Việt đã được tách bạch theo đúng quy cách chính tả ngày nay.

Francisco de Pina và Alexandre Rhodes

Còn ở Đàng Ngoài có vị thừa sai Dòng Tên là Gaspar do Amaral (người Bồ Đào Nha) không chỉ truyền giáo mà còn phát triển thêm một dòng tu “thầy giảng” tại đây. Dòng tu “thầy giảng” của ông thu nạp các tín hữu bản địa để cùng hợp tác giảng dạy giáo lý Công giáo, điểm đặc biệt là các giáo lý viên – hay “thầy giảng’’ theo ngôn ngữ thuở đó – có lời khấn giữ giáo luật dòng tu riêng. Dù không phải tu sĩ, nhưng họ cũng thực hiện nghĩa vụ và một số lời khấn dòng nhất định, ví như giữ đời sống khiết tịnh hay khó nghèo.

Là người cùng thời với Alexandre de Rhodes, nhưng qua các tài liệu viết tay mà cha Gaspar do Amaral để lại, có thể thấy trình độ chữ Quốc ngữ của ông khá hơn rất nhiều so với cha Rhodes. Về sau này, khi soạn thảo cuốn từ điển trứ danh Việt – Bồ – La, cha Rhodes cũng ghi chú rõ ràng rằng ông dựa vào hai cuốn từ điển của cha Amaral và cha Barbosa để viết. Ngoài ra, trên thực tế, căn cứ vào các báo cáo gửi về bề trên Dòng Tên hàng năm, còn nhiều vị thừa sai khác cũng hiểu biết chữ Quốc ngữ, nhưng chỉ sử dụng loại chữ này cho mục đích phiên âm các danh từ bản địa, nên bài viết này không đề cập tới họ.

Tự điển in năm 1651 bằng ba thứ tiếng Việt-Bồ-La của giáo sĩ Alexandre de Rhodes
Tự điển in năm 1651 bằng ba thứ tiếng Việt-Bồ-La của giáo sĩ Alexandre de Rhodes

Đến văn bản chữ Quốc ngữ do người Việt soạn

Vào năm 1659, xuất hiện những tài liệu viết tay chữ Quốc ngữ do chính người Việt soạn, đây là những văn bản hoàn toàn viết bằng chữ Quốc ngữ ra đời sớm nhất. Tài liệu bao gồm một bức thư do thầy giảng Igesico Văn Tín tại Đàng Ngoài viết gửi linh mục Giovanni Filippo de Marini vào ngày 12 tháng 09 năm 1659. 

Nội dung thư chủ yếu kể về những việc xảy ra tại Kẻ Vó (thuộc Đàng Ngoài), đồng thời bày tỏ lòng thương nhớ của thầy sau khi cha Marini rời xứ để về Roma. Tuy nội dung đơn giản nhưng cách hành văn của thầy Igesico Văn Tín có nhiều chỗ rắc rối khó hiểu, một phần vì hệ thống ngữ pháp Quốc ngữ còn sơ khai, một phần có lẽ do học lực của thầy chưa cao. Xin trích lại một đoạn ngắn cuối thư đã được diễn lại theo lối viết ngày nay để người đọc cùng xem:

Còn sự Thầy cả Miguel ở Roma về mà đi tìm vua Vĩnh lịch, chẳng hay có giặc hu nu đến phá dấy, mà vua chạy lên len rừng mà người đi tìm chẳng được, lại trở lại đấy, giờ là Văn Hương Chu. Người [Boym] có [viết] thư cho Thầy cả mà xin xuống Kẻ chợ. Thầy cả liền dõi lệnh Chúa, Đức Chúa có cho xuống chăng, song le Đức Chúa chẳng cho. Đoạn cắt hai người lên thăm trên ấy, chẳng hay người đã sinh thì khỏi. Lòng Thầy cả tiếng cùng thương lắm. Ấy là bấy nhiêu. Đức Chúa Trời trả công cho Thầy đời nay và đời sau. Mười hai tháng chín Đức Chúa Jêsu ra đời một nghìn sáu trăm năm mươi chín.

Trang cuối lá thư của Igesico Văn Tín viết ngày 12-9-1659 bằng chữ Quốc ngữ

Ngoài lá thư của thầy Igesico Văn Tín, còn có thư của thầy giảng Bento Thiện cũng gửi linh mục Marini đề ngày 25 tháng 10 năm 1659 từ Thăng Long, và cả một tập sách nhỏ về lịch sử nước Nam do thầy soạn theo yêu cầu của cha Marini. Nội dung lá thư của thầy Bento Thiện nhìn chung cũng tương tự với nội dung thư của thầy Igesico Văn Tín, nhưng lối hành văn có phần sáng sủa hơn. Sau đây là vài dòng trích ra từ thư của thầy, tất nhiên được diễn theo lối viết ngày nay:

Ơn Đức Chúa Trời trả công cho Thầy đời đời. Bấy nhiêu lời tôi chép tháng mười Igreja, mà thư này thì ngày lễ Bà thánh Daria cùng Ông thánh Chrisanto tử vì đạo. Tôi lạy ơn Thầy là Cha thì thương đến con cùng. Tôi xin Cha chớ quên làm chi. 

 

Từ Đức Jêsu ra đời cho đến rày một nghìn sáu trăm năm mươi chín năm. 

 

Bento Thiện tôi tá nhà Thầy.

 

Sau nữa, Manoel Văn Hán gưởi lời lạy ơn Thầy nghìn trùng, đã được đội ơn Thầy lắm, chẳng có quên nghãi thầy đâu, đã được ơn Thầy lắm cho sự nọ sự kia. Tôi cũng mong lại sang cùng Thầy cả Miguel, song le lại chẳng đi, còn ở Annam cùng Thầy cả Onofre.

Thầy còn soạn thêm tập sách mỏng về lịch sử nước Nam, tuy được trình bày vắn tắt nhưng cũng khá đầy đủ các sự kiện từ thời Lạc Long Quân – Âu Cơ cho tới thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, cho thấy trình độ học vấn tương đối cao của thầy Bento Thiện. Ngoài phần lịch sử, thầy Bento Thiện còn đề cập tới phong tục tập quán, địa dư và tình hình tôn giáo lúc bấy giờ, cho chúng ta hiểu thêm về xã hội Đàng Ngoài thời kỳ đó.

Rất đáng tiếc khi biết rằng, tuy ba văn bản trên còn được lưu trữ cần thận tại Văn khố Dòng Tên ở Roma, nhưng thân thế của cả hai thầy Igesico Văn Tín và Bento Thiện vẫn là một bí ẩn. 

Như vậy, có thể thấy người Việt nắm bắt và sử dụng chữ Quốc ngữ rất mau chóng, bởi trong quãng thời gian ngắn như vậy (khoảng 1610 – 1630 tới 1660) mà các thầy đã có thể viết thư, viết sách hoàn toàn bằng thứ chữ mới này với cách hành văn tương đối gãy gọn. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rằng, sự ra đời của chữ Quốc ngữ không tách cộng đồng Công giáo ra khỏi dòng chảy chung của chữ viết dân tộc, bởi song song với những văn bản chữ Quốc ngữ, còn có những tác phẩm Công giáo được viết bằng chữ Nôm cũng được lưu hành, ví dụ như cuốn Thiên Chúa giáo tứ tự kinh văn (1650) hay Hội đồng Tứ giáo (khoảng thế kỷ 18).

Gia Định Báo tờ báo tiếng Việt đầu tiên dùng chữ Quốc ngữ, ra mắt năm 1865

KẾT LUẬN

Mục đích của bài viết này nhằm cung cấp cho người đọc những luận điểm chứng minh chữ Quốc ngữ vốn được xây dựng trên cơ sở ngữ âm Bồ Đào Nha thông qua các chứng cớ lịch sử, qua nỗ lực của những vị thừa sai tiên khởi và cả những đóng góp âm thầm của các cộng tác viên bản xứ. Chữ Quốc ngữ ngày nay là một công cụ hữu ích giúp người Việt tiến xa trên con đường học hỏi tri thức, nhưng hoàn cảnh đớn đau, ly loạn trong những cuộc chiến tranh về sau đã xóa nhòa ký ức về quá trình tạo tác chữ Quốc ngữ thuở sơ khai. 

Do đó, việc truy ngược thời gian tìm lại cội nguồn chữ Quốc ngữ là điều cần thiết, để chúng ta trân trọng và tỏ lòng biết ơn tới những con người thầm lặng đã trao cho chúng ta một kho báu ngôn ngữ, mà tên tuổi của họ còn chìm lấp quá nhiều trong tro bụi của thời gian.

Quay lại Kỳ 1.

Đọc sâu hơn trong cuốn Lịch sử chữ Quốc ngữ

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Đỗ Quang Chính, SJ., Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 -1659, NXB. Antôn & Đuốc sáng, 2007. 

[2]. Đỗ Quang Chính, SJ., Hai giám mục đầu tiên tại Việt Nam, NXB. Antôn & Đuốc sáng, 2007.

[3]. Lã Minh Hằng, Đôi nét về thư tịch Hán Nôm Công giáo tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thông báo Hán Nôm học 2012. 

[4]. Roland Jacques, Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học (cho đến 1650), NXB. Khoa học Xã hội, 2022.

[5]. Cristoforo Borri, Xứ Đàng Trong, NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019. 

[6]. Anthony R. Disney, A History of Portugal and the Portuguese Empire – From Beginnings to 1807 Volume 2: The Portuguese Empire, Cambridge University Press, 2009. 

 

Design Thành Phúc

Chia sẻ câu chuyện này
Share