Trang sức Sa Huỳnh – Kỳ 2: Con đường tơ lụa trên biển

Tác giả Huyết Vy
Trang sức Sa Huỳnh – Kỳ 2: Con đường tơ lụa trên biển

Cổ vật, đi qua tháng năm dâu bể, sẽ tự kể câu chuyện của riêng mình. Câu chuyện của trang sức Sa Huỳnh, không chỉ họa nên đời sống tinh thần, tín ngưỡng và kỹ thuật tạo tác thuộc về những cư dân duyên hải hàng ngàn năm trước; mà còn vạch ra những giao thương hoành tráng, từ trung tâm Sa Huỳnh, tỏa ra Đông Tây Nam Bắc.

Những cung đường mà trang sức Sa Huỳnh băng qua, đan kết thành một mạng lưới trao đổi ở Đông Nam Á tiền sử mà giới khảo cổ gọi là “con đường tơ lụa trên biển”. Câu chuyện đó có thể mở bài bằng hành trình của một khuyên tai nhỏ xíu, từ lúc còn là khối đá thô, đến khi duyên dáng nằm trên đôi tai thiếu nữ ngày vui trọng đại, rồi theo sinh mệnh nàng hòa vào bụi cát ngàn năm.

Từ lúc xuất lộ, hai dạng thức trang sức đặc trưng trên bức khảm văn hóa Sa Huỳnh là khuyên hai đầu thú và khuyên ba mấu không ngừng dấy lên nghi vấn và tranh luận trong giới học thuật trong việc truy nguyên. Những câu hỏi về nguồn khởi phát được đặt ra cho cả dáng hình và chất liệu.

Bức khảm văn hóa Sa Huỳnh

Về dáng hình, như đã tìm hiểu ở kỳ trước, vẫn chưa có thống nhất về loài vật thiêng được biểu hiện trên khuyên hai đầu thú. Riêng với khuyên ba mấu, M.Colani cho rằng chúng là mô phỏng của vỏ ốc trên tay tượng thần Vishnu, có nguồn gốc Ấn Độ và được thuyền buôn mang đến xứ sở Sa Huỳnh.

Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu và bằng chứng khảo cổ học lại chỉ điểm Việt Nam là quê hương của khuyên tai có mấu và khuyên tai hai đầu thú. Thật khiên cưỡng khi nhận định rằng chúng đến từ một nơi xa xôi khác, khi hơn một nửa số khuyên tai ở Đông Nam Á được tìm thấy ở Việt Nam. Số khuyên tai ở Việt Nam có thể xếp thành chuỗi loại hình phát triển từ sớm đến muộn. Đồng thời khảo cổ học cũng dần hé lộ các di chỉ của xưởng chế tác với nhiều phác vật và mẫu khuyên đang chế tác dang dở.

Trang Sức Sa Huỳnh

Bằng việc lên được chuỗi phát triển, Kano Tadao đã vẽ ra được cung đường thiên di qua thời gian, xuyên không gian của khuyên ba mấu. Cung đường khởi phát từ Đông Sơn ở miền Bắc đất Việt, theo chuỗi giao thương và di dân mà đến với Sa Huỳnh, rồi lan tỏa khắp Đông Nam Á theo các cung đường: Từ Đông Sơn đến Đài Loan; Từ Đông Sơn đến Hong Kong; Từ Sa Huỳnh đến Philippines; Từ Philippines đến Đài Loan. Đồng ý với con đường thiên di của Kana Tadao, nhưng về nguồn gốc, Giáo sư Hà Văn Tấn cho rằng khuyên tai ba mấu là một cách thể của khuyên tai bốn mấu. Nó có gốc rễ xa xôi hơn đến từ văn hóa Phùng Nguyên – một nền văn hóa tiền Đông Sơn.

Trang Sức Sa Huỳnh

Tạm quên những bí ẩn còn gợi nhiều suy tưởng trong dáng hình, vật liệu nephrite xanh trắng hoặc xanh đen thường thấy ở khuyên tai Sa Huỳnh lại mang đến những xác cớ rõ ràng hơn về nguồn cội.

Nephrite là một loại đá đơn chất, được hình thành hình thành và tồn tại trong suốt thời kỳ kiến tạo với nhiệt năng và áp lực cực lớn, tạo nên một chất đá giàu magie. Ngoài cẩm thạch, đá giàu magie không hề phổ biến trong tự nhiên, khiến nephrite hiếm gặp và mang giá thành gấp nhiều lần các loại đá khác. Bản đồ địa chất học chỉ đánh dấu được 120 địa điểm, tọa trên 20 quốc gia trên thế giới là có thể tìm thấy nephrite. 

Khoanh vùng Đông Á, nephrite có ở Siberia, Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Nhật Bản, Fengtian ở phía Đông Đài Loan. Đặc biệt, chưa có báo cáo nào về nguồn đá nephrite xanh (ngọc bích) ở Đông Nam Á hải đảo, mặc dù cũng có những nguồn đá nephrite trắng ở miền nam Luzon và có thể là cả Việt Nam. Nghĩa là cả Việt Nam và Đông Nam Á đều không phải là quê hương của ngọc bích và khả năng lớn nguồn đá ngọc Sa Huỳnh là hàng ngoại nhập. 

Đá xanh ngọc bích Nephrite

Sau này, các phương pháp phân tích hàm lượng của khoa học đã xác định nguồn ngọc bích trong các mẫu trang sức cổ ở Việt Nam và Đông Nam Á đều đến từ mỏ Phong Điền ở phía đông Đài Loan. Tính đến năm 2013, ngọc bích Phong Điền được xác định là nguồn vật liệu của hơn 100 hiện vật từ 10 di tích ở Đông Nam Á, thuộc về đảo Batanes, Luzon, Palawan, Sarawak, miền Trung và Nam Việt Nam, miền Nam Thái Lan.

Dù là vậy, đến nay vẫn chưa tìm được bất cứ bằng chứng nào về việc khuyên tai ba mấu và khuyên tai hai đầu thú được chế tác thủ công ở Đài Loan – quê hương nguồn đá. Nơi đây chỉ còn tàn tích của các khối đá nephrite xẻ vuông, vẽ lại viễn cảnh khai thác nguyên liệu để trao đổi ngàn năm trước. Khi đó, ngọc bích Phong Điền được xẻ thành từng khối hộp, hoặc khoan tách lõi, rồi được trao đổi qua đường biển để đến với các xưởng sản xuất ở Đông Nam Á. 

Ở Việt Nam và Thái Lan, đã tìm được các phôi đá thô này trong các di chỉ khảo cổ, nơi các loại khuyên có mấu và khuyên hai đầu thú từng được tạo tác nên hình hài. Từ đây, thành phẩm này trở thành món hàng gấp nhiều lần giá trị và được trao đổi ngược về Đài Loan, Hong Kong và các nơi khác trong mạng lưới giao thương cổ đại.

Những hình dung về cuộc đổi chác đến đến đi đi của nguyên liệu và thành phẩm trang sức, phần nào phác thảo nên bức họa giao thương của cổ nhân, lấy Sa Huỳnh là điểm trung chuyển chủ chốt. Điều đó không lạ, khi Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của hai nền văn minh Ấn Độ và Trung Quốc, là tiền đề để tiếp nhận và trở thành trung tâm giao thoa thương mại và văn hóa khắp Đông Nam Á, hình thành nên 3 cái nôi văn hóa dọc bắc chí nam là Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo. Vị trí địa lý đặc biệt giúp Sa Huỳnh trở thành “cảng thị sơ khai”, trạm trung chuyển và trao đổi các sản phẩm trên con đường thương mại Đông – Tây qua khu vực Đông Nam Á Cổ đại.

Văn hóa Sa Huỳnh là sản phẩm của những cư dân có cuộc sống ổn định trên đất liền nhưng với xu hướng phát triển biển mạnh mẽ. Hệ sinh thái chủ đạo tạo nên nhiều đặc trưng văn hóa là hệ sinh thái cồn – bàu. Cư dân Sa Huỳnh biết khai thác nguồn lợi rừng, biển, phát triển thủ công, từng bước mở rộng quan hệ trao đổi buôn bán với các văn hóa đồng đại trong khu vực, các cư dân trong Đông Nam Á lục địa, hải đảo, và rộng hơn nữa là với Ấn Độ và Trung Hoa. Dần dà, văn hóa tiền cảng thị – con đường giao lưu trên biển mạnh mẽ được hình thành, bắt đầu từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, nối dài cái hành lang trên biển Đông Tây.

Những chuỗi trang sức mã não có nhiều nét tương đồng với những mẫu vật được sản xuất ở Ấn Độ trước công nguyên để cung cấp cho các nước Đông Nam Á. Những sản phẩm hạt chuỗi, hạt cườm như vậy tồn tại trong nhiều địa điểm mộ chum Sa Huỳnh, đặc trưng đó còn được đặt cho tên di tích như Động Cườm (Bình Định). 

Những mẫu vật tương đồng ở bên kia bờ cương thổ đã vẽ ra một trong những hải trình giao lưu và bồi tụ văn hóa của cư dân Sa Huỳnh. Mà hoàn toàn có thể đặt giả định nhu cầu trang sức, con đường giao lưu đồ trang sức là con đường sớm nhất của hành lang Đông Tây trên biển. Thông qua hành lang Đông Tây này, Phật giáo, Ấn độ giáo đã vào miền Trung và miền Nam đất nước ở những thế kỷ sau này.

Hải trình chính của hành lang Đông Tây này được một số nhà khoa học giả định xuất phát từ Ấn Độ, đưa các loại hạt chuỗi Ấn Độ – Thái Bình Dương men theo vịnh Băng gan, eo biển Malacca giữa Malaysia và Indonesia, qua vịnh Thái Lan rồi vào miền Nam và miền Trung nước ta. Còn một số đường nhánh trên bờ và các vùng biển nhỏ khác. Giao lưu văn hóa diễn ra bằng thuyền và dựa vào sức đẩy của dòng hải lưu – gió mùa.

Các loại hình hạt chuỗi

Sự có mặt của loại hình trang sức Ấn Độ ở khu vực văn hóa Sa Huỳnh, cũng như khuyên hai đầu thú Sa Huỳnh ở khắp Đông Nam Á là một bằng cớ chứng tỏ người Sa Huỳnh có mối giao thương mạnh mẽ, là nền tảng của một nền văn hóa đầy sức sống, có các yếu tố lan tỏa, hội nhập và cả tiếp nhận. 

Trong giai đoạn tồn tại văn hóa Sa Huỳnh, ở Đông Nam Á lục địa và hải đảo đã xuất hiện trào lưu giao lưu và hội nhập văn hóa mạnh mẽ. Văn hóa Đông Sơn đang trong thời kỳ hưng thịnh nhất, lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới nhiều vùng khác nhau ở Đông Nam Á và Nam Trung Quốc. Những hiện vật đồng, loại hình đặc trưng văn hóa Đông Sơn cũng đã tìm thấy trong nhiều di chỉ mộ chum Sa Huỳnh. 

Xa hơn về phía Tây, văn minh Ấn Độ với những đại diện sớm nhất của Phật giáo đã có những lan tỏa rộng rãi ở Đông Nam Á lục địa và hải đảo, đặc biệt là ở Thái Lan. Đi theo đó là sự tìm kiếm thị trường của những nhóm thợ thủ công sản xuất hạt chuỗi đá quý, thủy tinh.

Các dạng hạt chuỗi, ví như hạt chuỗi Indo – Pacific, hạt chuỗi Collar, hạt chuỗi Etched và hạt chuỗi Banded đều được nhập khẩu chủ yếu từ Ấn Độ hay sản xuất tại chỗ với kỹ thuật Ấn Độ; hạt chuỗi vàng với số lượng không nhiều, có thể có nguồn gốc từ khu vực Địa Trung Hải. Dấu ấn Nam Á trong văn hóa Sa Huỳnh đọng trên hạt chuỗi, đồ trang sức từ Ấn Độ và qua Ấn Độ, chính là sợi dây nối dài hải trình Đông Tây của cư dân Sa Huỳnh.

Tất cả các đường dây, nối liền và đan kết nên một cuộc hội ngộ trên biển giữa hai nền văn minh Đông Tây đã diễn ra từ những thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên. Bên cạnh những cuộc đổi chác của người Sa Huỳnh, cư dân Óc Eo ở phía Nam đã xác lập được mối quan hệ với các thương nhân La Mã. Về phía Bắc, nhiều hiện vật mang phong cách Hán cũng mặt trong bức khảm Sa Huỳnh và khu vực rộng lớn trên vùng hải đảo Đông Nam Á. Những cuộc gặp gỡ Đông Tây cứ thế đến đi, ngày một nhộn nhip và mở rộng. Để rồi thế kỷ thứ 9, những hải trình ổn định cùng với sự ra đời hàng loạt các thương cảng chính thức tạo nên “Con đường tơ lụa trên biển”.

con đường tơ lụa

Câu chuyện của những mẫu trang sức Sa Huỳnh kể rằng, tự ngàn năm trước, từng có một con đường không bóng cây xuyên qua mênh mang đại dương. Hải trình đó ngày một nối dài, với điểm cực Tây bắt đầu từ Rome qua các hải cảng vùng Trung Cận Đông men theo bờ biển phía nam Ấn Độ qua Thái Lan vòng xuống eo Malacca để vào vùng biển Thái Bình Dương. Vượt qua eo Malacca, con đường chia làm hai ngả. Một ngả men theo vùng biển Việt Nam ngày nay qua các cảng: Côn Đảo – Cù Lao Chàm – Hội An – vào vùng biển Nam Trung Hoa rồi qua nam Nhật Bản. Ngả còn lại đi vào quần đảo Indonesia, Philippines rồi ngược vào vùng phía Nam Trung Quốc để tới Nam Nhật Bản – điểm tận cùng phía Đông.

Trên con đường đó, trang sức cổ, mang hơi thở nhân sinh và nghệ thuật độc đáo của những miền đất xa xôi cũng theo đó cập bến xứ lạ. Tháng năm dâu bể, chúng lần nữa xuất thế, tự có khí chất và phong vận, được năm tháng nâng niu cất giữ, mang trong mình âm vọng của dĩ vãng. Vẹn nguyên dáng dấp, sắc màu, chúng mở cánh cửa của ngày hôm qua, tìm kiếm những mảnh chuyện của ngày xưa tháng cũ. 

Chia sẻ câu chuyện này
Share