Biểu văn này cùng với bản đồ được trấn thần Lạng Sơn gửi đi, quyền Thông phán Long Châu là Vương Phủ Đường bác khước tờ biểu này của ta. Thanh chủ Hoằng Lịch hay tin, một mặt ban dụ khen thưởng Vương Phủ Đường, một mặt bày tỏ sự tức giận với yêu sách đòi đất của Nguyễn Huệ. Dụ có đoạn chép:
“Nguyễn Quang Bình (tức Nguyễn Huệ) từ khi nạp khoản đến nay đã được trẫm đặc biệt ban ân mấy lần, phong cho vương tước, thưởng lãi nhiều phen, sủng vinh như thế là cực điểm rồi. Hay là quốc vương kia không biết cẩn lẫm sinh ra kiêu căng, hoặc bị các trấn mục kia xúc xiểm đâm ra tự chuyên nên đưa ra những đòi hỏi không đúng phận mình?“
Nguyễn thị Tây Sơn ký chép:
“Ban đầu, sáu châu Hưng Hóa, ba động Tuyên Quang vào cuối thời Lê bị thổ ty nước Thanh xâm chiếm, mấy phen trình bày mà không thể được. Đến đây Huệ gửi thư cho Lưỡng Quảng Tổng đốc xin xác định rõ cương giới cũ. Quảng đốc cho rằng cương giới đã định, khước từ thư ấy. Huệ do đó hơi bất bình, khích lệ sĩ tốt, đóng thuyền ghe, ngầm có chí dòm ngó Lưỡng Quảng, thường bảo với tướng hiệu rằng: Cho ta vài năm nuôi oai dưỡng nhuệ, thì ta có sợ gì chúng chứ!“.
Có lẽ thuyết vua Quang Trung đòi đất Lưỡng Quảng bắt nguồn từ ghi chép của Nguyễn thị Tây Sơn ký chăng?
Cho dù sự tình năm đó thế nào, thì cũng có thể thấy được đảm lượng của vua Quang Trung là không hề nhỏ. Thông qua cả việc gây áp lực lên vua tôi Càn Long đòi nước Thanh phải xử lý Lê Duy Kỳ bằng được. Việc gây áp lực như vậy, có thể coi là một đòn chính trị nhằm đánh lạc hướng triều đình nhà Thanh, một khi vua Quang Trung dồn quân xuống phía Nam tiễu trừ Nguyễn Ánh.
Nhưng đáng tiếc, giấc mộng thống nhất đất nước đã đổ vỡ khi vua Quang Trung đột ngột băng hà. Những thành tựu to lớn mà hoàng đế để lại là không cần phải bàn cãi.