Dấu xưa – Kỳ 2: Con đường trong mây

Tác giả Wong Trần
Dấu xưa – Kỳ 2: Con đường trong mây

Đi ngược Việt Nam theo bánh con tàu quay
Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi

Hải Vân - giữa mây và biển

Hải với Vân, Linh là Thuận Hóa” – Nguyễn Trãi đã viết như vậy trong Dư địa chí đầu thế kỷ 15. Hải Nam Hải. Vân ải Vân, Linh Linh Giang. Năm 1470, trong chiến dịch bình Chiêm, vua Lê Thánh Tông đỗ thuyền ở phần biển Hải Vân, đã tả cảnh sắc nơi này:

Hỗn nhất xa thư cộng bức viên
Hải Vân hoành giới Việt Nam thiên
Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt
Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền

Hải Vân môn lữ thứ - Lê Thánh Tông

Xa thư thu về một mối, chung gộp cõi bờ
Hải Vân chắn ngang làm ranh giới Việt Nam
Đêm canh ba yên tĩnh, bóng trăng đất Đồng Long
Trống canh năm gió mát, con thuyền xứ Lộ Hạc

Hải Vân môn lữ thứ (Dịch thơ)

Núi Hải Vân chắn ngang con đường xuôi về phương Nam. Hành nhân đi qua nơi này sẽ ấn tượng với cảnh mây hòa với núi. Đứng trên đỉnh núi lại nhìn thấy biển bao bọc xung quanh. Đó hẳn là lý do người xưa lấy Hải Vân để đặt tên chỗ này.

Cảnh biển nhìn từ đỉnh Hải Vân

Thời nhà Mạc, Dương Văn An tả cảnh Hải Vân “trên lấn mây trời, sừng sững thành đá; dưới chạm biển cả, tựa hồ khóa sắt. Đó là chỗ sơn hà như đai áo, yết hầu xứ Thuận Quảng vậy”. Đại Nam nhất thống chí tả núi Hải Vân:

“... phía Tây là Bà Sơn, phía Bắc là Hải Sơn, ba ngọn liền nhau, đan xen lẫn nhau, trên chạm tầng mây, dưới thì trải dài đến bờ biển, có nửa sườn núi sừng sững giữa biển, đường đi trải qua chín chiều mới vượt khỏi núi cao. Hai bên có những cây lớn rậm rạp, người đi trên đỉnh như vượn leo, chim nhảy, rất hiểm trở. Trên núi có năm con suối: Suối Kỹ, suối Vu, suối Hổ Lang, suối Nhỏ, suối Lớn”.

Đại Nam nhất thống chí - Thừa Thiên

Mặc dù gian hiểm như thế, người xưa vẫn tìm đường vượt qua núi này. Thời nhà Mạc, trên núi Hải Vân đã có tuần ty để kiểm soát người qua lại. Năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng đi chơi núi Hải Vân, trông thấy hình thế xứ này, khen rằng: “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”. Nguyễn Hoàng vượt núi, xem xét hình thế, rồi cho đặt trấn dinh ở xã Cần Húc, dựng kho tàng, trữ lương thực. Con đường bộ đi qua Hải Vân càng trở nên quan trọng.

Hải Vân - con đường trong mây

Nửa cuối thế kỷ 18, một gián điệp Đàng Ngoài là Đỗ Bá Công Đạo vào vẽ bản đồ Đàng Trong. Trong bộ bản đồ Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, Đỗ Bá Công Đạo ghi nhận hai con đường đi qua núi Hải Vân. Từ dinh Phú Xuân đi vào Nam, cả hai con đường đều xuất phát từ Cao Đôi (nay thuộc thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên). Một đường thượng đạo qua Gò Voi (nay thuộc làng Phước Tượng, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc), đi Cây Mít, vượt núi rồi xuống Chân Đẳng (nay là Chân Sảng, thuộc phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng). Một đường trung đạo từ Cao Đôi đi xuống cửa biển Châu Mãi, qua quán Tứ Chính, lên núi Hải Vân rồi đi xuống Chân Đẳng. Quán Tứ Chính và Hải Vân là hai địa điểm dừng lại ăn uống trên con đường trung đạo xuôi Nam.

Đường qua Hải Vân trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư

Con đường thượng đạo lúc đó đã bị chúa Nguyễn cấm, không cho đi. Bản đồ Giáp Ngọ niên bình nam đồ cho thấy nhà chúa cho dựng mộc giới cấm đoán ở hai đầu con đường. Vì vậy, chỉ có con đường trung đạo là đường chính. Năm 1694, hòa thượng Thích Đại Sán từ Hội An ra Phú Xuân, đã tả cảnh đường qua núi Hải Vân thời đó:

“Sáng bữa sau, đi chừng mười dặm, qua ngang một cái khe, vượt qua một đèo nhỏ, lại qua một khe nữa, thế là đến rừng Ngãi Lãnh (Đèo Ải Vân); đi ngựa không được, đều đổi qua đi võng...

 

Quá trưa, lên đèo, đường đá gập ghềnh rất khó đi, hai bên đường toàn bụi rậm, dây leo chằng chịt. Càng lên cao, phía trên, hai hàng cây cao vút chừng vài mươi trượng, không có cành phụ cong queo. Mỗi cây đều bắt rễ trong rừng sâu, phải vượt lên cao để cướp hứng sương móc. Quay nhìn xuống biển, thấy thuyền cá nghìn buồm đứng chong. Vì đứng cao nhìn xuống, nên trông thấy hình như mọi thuyền đều đứng yên. Cũng như ngửa trông lên trời, chẳng thấy các hành tinh vận hành vậy. Trông lên đỉnh núi che khuất trong mây, chỉ thấy một dòng suối từ trên cao chảy xuống trắng toát như cây lụa. Chỗ đương đứng vừa lưng chừng nửa núi vậy.

 

Phu đài đi thoăn thoắt, hình như chân không bén đất; quanh co trên đá rêu hang hốc, bỗng chốc đã đi tuốt vào trong mây. Nhìn qua phía trái, trong rừng bỗng có tiếng lướt qua ào ào như gió đi cỏ rạp. Người ta bảo có con trăn đi, nhưng chẳng thấy hình dạng đâu cả. Hai bên đường phưởng phất có mùi thơm hoa ngãi, nhưng không tìm thấy. Trái rừng lỏng nhỏng, hoa núi toét toe, trên hoa sinh hoa, trong lá kết trái; chẳng phải nhìn tận mắt, chẳng sao tưởng tượng cho hết được. Mấy gian nhà cỏ, dòng suối chảy quanh. Người ở đó nấu nước trà bán cho quá khách. Khói mù che kín, xa cách cõi người, trên đỉnh núi mây mốc tỏa bay, ướt dầm khăn áo. Trông lên cành cây có từng bầy vượn trắng, to lớn như người, đuôi dài, nhảy chuyền cây nầy qua cây khác, rung cành tuôn nước xuống từng giọt như mưa.

 

Dần dần xuống đến đèo, nghe có tiếng ào ào, trông ra eo núi thấy một vùng mênh mông, mọi người mừng reo lên: xuống đến rồi, kìa đã thấy biển! Đi quanh đến gần, mới biết rằng đó là những đám mây.

Kế đó mặt trời lặn. Trăng lên, cây lá rợp bóng tối mờ, đá trơn, đom đóm đầy rừng. Gần xa xào xạc những tiếng lạ, nghe rùng rợn. Chỗ nào cũng thấy nhấp nhô như hình người đứng, thú ngồi, lấy gậy gõ nghe reng reng, té ra toàn là đá. Một quán nhà ba gian, vừa thắp đèn. Khách trong quán thấy đài võng đến, đều bỏ chạy vào rừng trốn, vì sợ bắt làm phu. Một cây lớn làm cầu, ghép ba vài chắc chắn, bắc ngang trên dòng suối, nước chảy ồ ồ, tức là tiếng vừa nghe mà mọi người lầm tưởng là sóng vậy. Đứng trên cầu nhìn trăng, hang vẳng tiếng vang, nghe rởn tóc gáy. Đi lần xuống dốc, có quan quân đón rước, bốn bề đèn đuốc sáng trưng. Khi vào đến quán trọ, đêm đã về khuya”.

Thích Đại Sán - Hải ngoại kỷ sự
Phu cáng đưa người Pháp qua đèo Hải Vân năm 1898

Hoa ngãi, mây và vượn là điểm nhấn trên con đường mà hòa thượng Thích Đại Sán đã đi qua. Giáp Ngọ niên bình nam đồ cũng chú thích trên núi Hải Vân ở trung đạo “trong núi có nhiều vượn”. Năm 1819, trên đường từ Huế qua Hải Vân để đi Đà Nẵng, những người Pháp nho nhã do thuyền trưởng Rey cầm đầu đã bắn hơn 100 con vượn ở dọc đường, chỉ để bắt vài con về làm mẫu. Ba con vượn con bị ông ta bắt được vì đã ôm chặt xác vượn mẹ. Người ta phải mất nhiều công sức mới lôi được chúng ra. Năm 1892, Công tước người Nga là K.A. Viazemski vẫn còn nhìn thấy rất nhiều vượn ở Hải Vân quan. Nhưng Viazemski chỉ dành hàng giờ để ngồi nhìn ngắm chúng cùng cảnh vật núi sông mà thôi.

Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu vào Quảng Nam duyệt binh mã, đóng ở phố Hội An. Có lẽ trong chuyến đi này, nhà chúa đã nhìn thấy cảnh đẹp của Hải Vân. Chúa Nguyễn Phúc Chu đã đề vịnh cảnh Ải Lĩnh xuân vân (Mưa xuân trên Ải Lĩnh), rồi đưa cả thơ và cảnh vào trong đồ sứ ký kiểu. Nhờ đó ta có được một vài ý niệm về đường qua Hải Vân vào thời đó. Trong mắt nhà chúa:

Đãn kiến vân hoành tam tuấn lĩnh
Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên
Lãnh triêm tu phát phi đồng tuyết
Thấp tiễn y thường khởi thị tuyền
(Chỉ thấy mây giăng ba đỉnh núi
Chẳng hay người ở mấy tầng trời
Rét vào râu tóc, không như tuyết
Thấm ướt y thường, há suối đâu)

Nguyễn Phúc Chu - Ải Lĩnh xuân vân
Cảnh Hải Vân thời chúa Nguyễn qua đồ sứ ký kiểu

Vào nửa cuối thế kỷ 18, ngoài đường thượng đạo và trung đạo, bản đồ Quảng Thuận đạo sử tập còn ghi nhận con đường hạ đạo qua Hải Vân. Đường này cũng từ đò Ải vượt núi rồi xuống Chân Sảng (tức Chân Đẳng). Một con đường khác mang tên Hải Vân tân đạo (đường mới Hải Vân) từ Cao Đôi qua ải Tân Đạo dẫn tới nguồn Lỗ Đông. Từ Phú Xuân vào Nam, đường trung đạo và hạ đạo đều bắt đầu từ đò Ải – nằm ở cửa đầm Lập An. Chúa Nguyễn có đặt sở tuần ty tên là tuần Ải. Cả đò và tuần đều có lệ thu thuế.

Đường qua Hải Vân trong Quảng Thuận đạo sử tập

Năm 1775, Hoàng Ngũ Phúc đưa quân Trịnh vượt Hải Vân thì đường thượng đạo và trung đạo đã bị bỏ hoang vùi lấp từ lâu. Hoàng Ngũ Phúc phải sai Nguyễn Đình Đống theo đường hạ đạo tiến vào Quảng Nam, còn mình và đại quân “theo thượng đạo vạch núi thông đường, men theo vách đá chặt cây, dầm mưa tiến vào”.

Hải Vân - Thiên hạ đệ nhất hùng quan

Mặc dù nằm trên con đường xung yếu, ngoại trừ một thời gian ngắn quân Trịnh đắp lũy ở Hải Vân để phòng bị Tây Sơn, việc kiểm soát Hải Vân chủ yếu vẫn được tổ chức tại các điểm lên và xuống núi từ hai phía Bắc – Nam. Năm 1819, đoàn của thuyền trưởng Rey từ Huế vào Đà Nẵng đã nghỉ chân uống nước tại một điếm canh trên đỉnh đèo. Nhưng có vẻ đó chỉ là một trạm dừng chân ăn uống, giống như chỗ mà Thích Đại Sán đã nghỉ lại hơn trăm năm trước mà thôi.

Năm 1825, vua Minh Mạng vượt đèo Hải Vân tuần du Quảng Nam. Có lẽ từ chuyến đi này, nhà vua quyết định xây dựng trên đỉnh đèo một hệ thống quan ải và bố trí quân đội đồn trú. Năm 1826, vua Minh Mạng cho xây hai cửa ải chắn ngang con đường quan lộ chạy ngang đỉnh núi Hải Vân. Dân chúng hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Nam được thuê để thực hiện công tác này. Cửa ải nhìn về hướng Quảng Nam có biển đề Hải Vân Quan. Cửa ải nhìn về hướng Phú Xuân có biển đề Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan. Hai bức tường xếp bằng đá được xây dựng để kết nối hai cửa ải, tạo thành một đồn phòng thủ trên đỉnh Hải Vân.

Hải Vân quan trên Dụ đỉnh năm 1836

Sự ra đời của Hải Vân quan tạo ra ranh giới mới giữa kinh đô Huế và tỉnh Quảng Nam. Trước đây, ranh giới này nằm ở Thạch Bàn, có cột gỗ làm dấu. Thạch Bàn là điểm đầu con đường từ Huế dẫn vào Câu Đê. Từ năm 1806, Lê Quang Định ghi nhận: “Đường từ mốc giới này vào cho đến ải, thời tiên triều có lệnh cấm không được đi, đến nay đã bị cây cối um tùm che lấp, ở đây có đồn gác”. Đây có lẽ là đường thượng đạo Hải Vân xưa. Vì đường Thạch Bàn đã bị xóa, đường Hải Vân quan đã được xác lập, vua Minh Mạng cho đặt ra ranh giới mới. Phía Bắc Hải Vân quan thuộc về Thừa Thiên, phía Nam Hải Vân quan thuộc Quảng Nam.

Đơn vị đồn trú ở Hải Vân quan có nhiệm vụ khám xét người đi qua ải, đồng thời kiểm soát các tàu thuyền đi vào vùng vịnh Đà Nẵng. Mỗi khi có tàu phương Tây tới vịnh, ở trên đỉnh Hải Vân phải thông báo trước cho người dưới vịnh và phi báo về triều đình.

Phế tích khu nhà chứa vũ khí và cổng Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan hướng mặt về phía Huế

Vào năm 1826, vua Minh Mạng cho cử hai đội binh lính từ Huế theo ban thay phiên nhau lên Hải Vân quan canh giữ. Lực lượng này được cấp cho 5 cỗ súng quá sơn bằng đồng, 200 ống phun lửa, 100 cây pháo thăng thiên, cùng với thuốc đạn đi theo súng. Ngoài ra trong cửa quan còn trữ 50 quan tiền, 500 phương gạo và 10 phương muối. Binh lính mỗi tháng thay phiên một lần. 

Chỉ huy Hải Vân quan lúc này là một viên Tấn thủ. Ngoài ra còn có hai binh đinh được trích từ các đội Tiểu Sai, Kim Sang và viện Thượng Trà, Thượng Tứ được phái lên trú ở Hải Vân quan, cứ 10 ngày làm một ban thay phiên một lần. Hai binh đinh này chính là người đảm nhiệm việc giám sát tàu thuyền qua lại vịnh Đà Nẵng. 

Năm 1828, vua Minh Mạng bổ sung thêm 1 viên dịch trạm, cũng 10 ngày thay phiên một lần. Người này có trách nhiệm chạy tâu cho kinh đô Huế nếu có tàu nước ngoài ghé vịnh. Năm 1829, vua định số binh sĩ phòng thủ Hải Vân quan là 50 binh lính và 1 Suất đội, mỗi tháng thay phiên một lần.

Hai khẩu pháo đúc năm 1826 tìm thấy ở Hải Vân quan

Năm 1830, vua Minh Mạng đặt thêm chức Hiệp thủ ở Hải Vân quan, rồi đến cuối năm này thì bắt đầu đặt chức Phòng thủ úy, trật Tòng tứ phẩm. Võ Văn Dương – Cai đội vệ Long Võ Hậu – được bổ làm Phòng thủ úy đầu tiên của Hải Vân quan. Năm 1833, số lượng lính trú phòng Hải Vân quan rút xuống chỉ còn 1 Suất đội và 30 lính mỗi phiên. Năm 1836, nhà vua lại tăng số người quan sát tàu thuyền nước ngoài lên 6 người, bao gồm: 2 người của viện Thượng Tứ, các đội Cảnh Tất, Hộ Vệ, Kim Sang mỗi đội 1 người, cộng với 1 người coi nhà trạm, vẫn lấy 10 ngày làm một ban thay phiên nhau. 

Cùng năm này, vì xét thấy khí hậu trên Hải Vân quan không tốt cho lực lượng đồn trú, vua Minh Mạng tăng số Phòng thủ úy lên hai người, để họ thay phiên nhau: một người giữ Hải Vân quan, người kia về Huế nghỉ ngơi. Binh lính cũng được phép lấy hạn 15 ngày đổi phiên một lần. Cũng trong năm này, hình ảnh Hải Vân quan được khắc lên Dụ đỉnh – một trong Cửu đỉnh của triều Nguyễn. Nó giúp ta lưu lại hình ảnh Hải Vân quan vào thời Minh Mạng.

Hải Vân quan đổi thay cùng năm tháng

Mặc dù đường Hải Vân quan được chọn là con đường chính, vẫn còn nhiều đường mòn vượt dãy núi này. Năm 1841, vua Thiệu Trị sai Kinh doãn Thừa Thiên và tỉnh thần Quảng Nam đi xem xét các cửa đường mòn, lấy đất đá lấp lại, trồng cây lên trên để bít kín, và cấm dân chúng không được đi bằng các đường tắt.

Năm 1848, vua Tự Đức cho “đắp thêm pháo đài ở cửa ải Hải Vân”. Chúng ta không biết cụ thể các hạng mục đắp thêm là gì. Đầu thế kỷ 20, bình đồ Hải Vân quan được Trương Châu vẽ lại và được Henri Cosserat đăng lại trong tạp chí Đô Thành Hiếu Cổ năm 1921.

Bản đồ Hải Vân quan do Trương Châu vẽ

Nếu so sánh với ghi chép của sử sách triều Nguyễn thời vua Minh Mạng cũng như hình đúc trên Dụ đỉnh, phần tường thành phía cổng Hải Vân Quan dường như được kéo dài ra thêm, cắt ngang phần trũng giữa hai đỉnh núi. Nói cách khác, tường thành mặt cổng Hải Vân Quan xưa có một phần cắt ngang con đường quốc lộ ngày nay. Tường thành hai bên cổng Hải Vân Quan đều có rãnh bố trí đại bác, mỗi bên cổng có ba chỗ. Thời Minh Mạng, chỉ có 5 cỗ đại bác được cấp cho ải này. Số lượng chỗ bố trí súng tăng lên có lẽ phản ánh những sửa sang sau đó.

Bên trong cửa ải, có hai nền đất đắp cao. Trên mỗi nền đất có dựng một ngôi nhà. Ngôi nhà ở thềm dưới là chỗ ở của viên quan giữ ải. Ngôi nhà ở thềm trên là nhà kho chứa vũ khí. Binh lính không ở trong cửa ải mà ở trong những ngôi nhà tranh ở sườn núi phía sau phần tường nhô ra ở mặt Hải Vân Quan. Một cửa nhỏ được trổ để liên lạc giữa khu nhà lính và bên trong cửa ải. Cửa nhỏ này không hề được nhắc đến trong ghi chép năm 1826.

Từ trái sang: Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan, cổng nhỏ và Hải Vân Quan

Trong năm đầu tiên thực dân Pháp xâm lược Đà Nẵng, tức năm 1858, lực lượng trú phòng Hải Vân quan có lúc lên đến hơn 400 người. Đến năm 1876, Dutreuil de Rhins đi qua đây chỉ thấy có độ 50 lính canh gác. Trong đó khoảng hơn chục người trú trong 3-4 căn nhà lân cận. 

Đầu tháng 11-1885, Camille Paris đi qua đường này chỉ còn thấy một viên đội và 5 dân binh canh giữ. Viên đội có một cuốn sổ để ghi những việc quan trọng xảy ra trong ngày cũng như những nhân vật đặc biệt đã đi qua ải. Ông ta đóng dấu vào giấy thông hành cho người qua lại, kiểm tra đồ đạc của họ; đồng thời gửi các công văn quan trọng về Huế. Dân chúng đi qua ải phải nộp tiền hoặc sản vật cho viên đội giữ ải. Camille Paris thấy người giàu phải nộp 8 – 10 đồng, người nghèo nộp 1 – 2 đồng. Những người bán dầu phải đổ đầu dầu cho đèn của trạm. Còn người bán rượu phải nộp rượu hoặc tiền cho đám lính canh.

Dân chúng đi qua Hải Vân quan

Có lẽ đó là những quan chức triều Nguyễn cuối cùng canh giữ Hải Vân quan. Giữa tháng 12 – 1885, tướng Prudhomme dẫn quân qua đây đã thấy lũy này bị bỏ trống. Tháng 3 – 1886, nghĩa quân của Lãnh binh Hồ Học đánh chiếm Hải Vân quan trong một thời gian ngắn rồi rút đi. Tướng Prudhomme sau đó cho lính Pháp đồn trú cửa ải, nhưng rồi cũng bỏ. 

Khoảng năm 1895-1896, Marcel Monnier trông thấy đồn đã đổ nát. Các khẩu đại bác và giá súng gãy nằm trơ trọi. Cỏ và rêu phủ trên các đống đạn và những khẩu súng hỏa mai nòng lớn bị rỉ sét. Năm 1918, Henri Cosserat còn tìm thấy ba cỗ đại bác ở bên ngoài tường thành mặt Hải Vân Quan. Một số bức hình do người Pháp chụp năm 1932 cho thấy hai khẩu trong số đó đã được kéo lên, đặt ở giữa cửa Hải Vân Quan. Chúng nằm hai bên một tấm bia đá. Bia này nay đã vỡ, chỉ còn phần chân đế.

Từ trong cửa Hải Vân Quan nhìn ra biển (1932)

Con đường mới qua Hải Vân quan

Đường Hải Vân quan rất hiểm trở. Không thể đi bằng ngựa mà chỉ có thể đi bộ hoặc nhờ người võng, cáng đi. Từ năm 1886, người Pháp đã muốn mở một con đường mới qua Hải Vân, để cho xe cộ có thể đi được. Đại úy công binh Besson được phái đi mở đường. Con đường mới bắt đầu từ Liên Chiểu vòng vèo theo sườn núi. Besson bị nghĩa quân phục kích giết chết ở Nam Chơn vào tháng 3 – 1886. Công tác được tiếp tục sau đó rồi bị ngưng trệ vì thiếu kinh phí.

Đường cái quan và đường la đi mới mở (nét chấm đỏ) trên bản đồ của Camille Paris

Năm 1895, Toàn quyền Rousseau đề nghị triều đình Huế đảm nhiệm việc mở đường mới qua Hải Vân. Triều đình vua Thành Thái bằng lòng điều động dân phu Thừa Thiên và Quảng Nam để làm. Nhưng công trình bị dừng giữa chừng vì mưa lụt. Đầu năm 1896, việc mở đường được tiếp tục. Tám trăm dân phu được huy động. Mỗi người được trả mỗi ngày 14 xu. Đến năm 1905, “đường đèo Hải Vân đã bằng phẳng, xe đi rất dễ”. Con đường mới không đi xuyên qua Hải Vân quan mà đi vòng qua bên dưới nó, cắt ngang một đoạn tường nhô mà ta đã thấy trong bản đồ của Trương Châu.

Con đường mới không đi xuyên qua Hải Vân quan mà chạy vòng trước mặt nó

Sau năm 1945, Hải Vân quan tiếp tục được người Pháp sử dụng như một địa điểm trú quân. Họ xây dựng các lô cốt xung quanh cửa ải. Ngoài ra họ còn cho dựng thêm một tầng nữa trên nóc cổng Hải Vân QuanThiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan để tăng tầm quan sát. Các bức tường kết nối năm xưa theo thời gian đã đổ nát nghiêm trọng.

Hải Vân quan năm 1952

Dưới thời kỳ chính quyền Sài Gòn, có ba trạm dừng được thiết lập để qua đèo: một ở Liên Chiểu, một ở đỉnh đèo và một ở Lăng Cô. Xe cộ tới Liên Chiểu và Lăng Cô đều phải dừng lại, tập hợp thành đoàn, rồi đợi hiệu lệnh lên đèo. Lên tới đỉnh lại phải dừng lại, chờ hiệu lệnh xuống đèo. Cách quản lý này đảm bảo chỉ có một dòng xe lên hoặc xuống đèo, để tránh tai nạn giao thông trên con đường hẹp. Đến năm 1966, khi công binh mở rộng đường đủ cho hai làn xe chạy, việc kiểm soát này mới chấm dứt.

Tháng 4 – 2017, tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Nam hợp tác xúc tiến việc trùng tu di tích Hải Vân quan. Công tác bắt đầu từ tháng 12 – 2021. Đến tháng 8 – 2024, công trình chính thức mở cửa cho du khách tham quan. Sau nhiều năm đổ nát với thời gian, Hải Vân quan được khôi phục diện mạo như đã thấy trong bản đồ của Trương Châu cũng như các tranh vẽ và ảnh chụp hồi đầu thế kỷ 20.

Chia sẻ câu chuyện này
Share